Hai mươi năm sau ngày 11 tháng 9
Ronald Rolheiser, 2021-09-13
Cách đây 20 năm, khi cố sức muốn hiểu biến cố 11 tháng 9, tôi đã viết bài này. Hai mươi năm trôi qua, phản ứng của tôi vẫn như vậy. Và đây là bài năm đó.
Bà Iris Murdoch, nhà văn người Ai-len-Anh từng nói, cả thế giới có thể thay đổi trong 15 giây đồng hồ. Câu đó bà nói về chuyện phải lòng yêu ai đó. Nhưng sự hận thù cũng vậy. Vào ngày 11 tháng 9, cả thế giới thay đổi. Hai máy bay chở khách bị quân khủng bố cướp và đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, làm cho hơn hai ngàn người thiệt mạng, các máy quay truyền hình liên tục ghi lại trực tiếp biến cố này, chiếu đi chiếu lại những thước phim sống động đến khủng khiếp. Không lâu sau, chiếc máy bay bị cướp thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc, và chiếc thứ tư đâm xuống một cánh đồng. Ngay trong nơi được xem là an toàn nhất thế giới, hàng ngàn người vô tội đã bị giết trong vòng một tiếng đồng hồ.
Choáng váng, câm lặng, nhưng chúng ta vẫn cố nói gì đó về chuyện này. Nhiều tiếng nói trong đó đầy cứng rắn, giận dữ, đòi trả đũa và báo thù. Hầu hết những lời cất lên đều nhẹ nhàng, chỉ mong tìm một nơi an toàn, một nơi thân mật để khóc, tìm một người để ôm. Một trang mạng đã chuyển sang màn hình trắng, một cử chỉ lặng lẽ mà hùng hồn. Xét cho cùng, có thể nói gì đây?
Những dòng đầu tiên của sách Ai Ca mô tả cho chúng ta một hình ảnh đến ám ảnh như sau: “Làm sao Đô Thị dân đông đúc lại ngồi trơ, tủi nhục một mình! Xưa lệnh bà giữa muôn dân nước, nay khác chi quả phụ tội tình”.
Về sau, sách Ai Ca cho chúng ta thấy rằng có những lúc ta chỉ có thể vùi mặt trong cát và chờ đợi. Nhà thơ Rainer Marie Rilke hẳn đồng ý như thế. Đối với những thời điểm như thế này, ông khuyên chúng ta: Ôi, những tình nhân quá dịu dàng, thỉnh thoảng bước vào hơi thở của kẻ khốn khổ vốn chẳng định cho người… Đừng sợ đau khổ, hãy trả gánh nặng về cho sức nặng của địa cầu, đồi núi vốn nặng nề, biển cả vốn nặng nề mà.
Địa cầu hiểu đau đớn của chúng ta. Đôi khi, thinh lặng là tốt nhất.
Nhưng vào những lúc vừa mới xảy ra biến cố, lúc vết thương còn chưa kịp băng bó, chúng ta phải nói ra một cái gì đó. Nói gì bây giờ?
Trước hết, mỗi sinh mạng mất đi đều độc nhất vô nhị, thiêng liêng, quý báu, không thể thay thế. Không người nào trong số họ đáng phải chịu cảnh chìm trong sự vô danh giữa cảnh mất mát quá nhiều sinh mạng. Phải tôn vinh riêng từng cuộc sống và cái chết của từng người trong số họ. Và cũng phải làm thế với những người thân yêu đang đau đớn của họ.
Thứ hai, phải có những tiếng nói rõ ràng kêu gọi chúng ta, nhất là kêu gọi chính quyền, phải biết kiềm chế. Nhiều người thấy biến cố này là sự tấn công vào nền văn minh. Họ đã đúng. Như vậy thì nhiệm vụ của chúng ta là đáp lại một cách văn minh, luôn bám chặt vào niềm tin rằng bạo lực là sai trái, dù là bạo lực do tay chúng ta hay do tay người khác. Cái chúng ta thở ra cuối cùng cũng là cái chúng ta hít vào. Bạo lực thổi bùng bạo lực. Báo thù cay đắng đâu chặn đứng được chủ nghĩa khủng bố. Xả giận đâu giải quyết được vấn đề. Chúng ta không được ngây thơ về chuyện này. Và chúng ta cũng không được ngây thơ về chuyện ngược lại. Những kẻ khủng bố này đã hành động một cách coi thường sinh mạng, cho thế giới thấy rõ họ sẽ tạo nên một thế giới thế nào nếu họ đủ sức và được phép làm theo cách của họ. Phải ngăn chặn và đưa họ ra công lý. Họ là một mối đe dọa đối với thế giới, nhưng khi nỗ lực đưa họ ra trước công lý, chúng ta không chấp nhận dùng phương thức của họ, trở nên như họ, bị thúc đẩy bởi hận thù đến nỗi chẳng còn nhìn thấy công lý và sự thiêng liêng của tính mạng con người.
Không tình huống khẩn cấp nào cho phép người ta xem nhẹ những nguyên tắc căn bản của đức ái và sự tôn trọng sự sống. Thật sự là, những bi kịch khủng khiếp kêu gọi chúng ta phải làm ngược lại, là tích cực tái bén rễ vào mọi sự tốt lành và phát xuất từ Thiên Chúa, là phải lịch sự văn minh, phải dành thời gian để làm những việc hệ trọng và phải nhắn nhủ người thân của mình rằng chúng ta yêu thương họ. Nó còn kêu gọi chúng ta tìm công lý, và để làm thế cần có dũng khí và hy sinh thật sự. Chúng ta không còn ở trong thời bình thường nữa.
Trên hết, chuyện này kêu gọi chúng ta cầu nguyện. Cái chúng ta một lần nữa học được nơi biến cố 11 tháng 9 là nếu chỉ dựa vào chính mình thì chúng ta chẳng phải bất khả xâm phạm hay bất tử. Chúng ta chỉ có thể tiếp tục sống và sống trong hân hoan bình an bằng cách đặt niềm tin vào một sự cao hơn chúng ta. Chúng ta không bao giờ có thể bảo đảm an toàn và tương lai của mình. Chúng ta cần nhận thức được điều này trong lời cầu nguyện, khi quỳ gối, khi ở trong nhà thờ, mất thiết thưa với Chúa, thân gửi những người thân yêu và những người với lòng chân thành đã trở nên anh chị em chúng ta trong gia đình nhân loại.
Hơn nữa, chúng ta được kêu gọi hãy hy vọng. Chúng ta là những con người bền gan vững chí, tin vào sự sống lại. Mọi sự bị đóng đinh cuối cùng sẽ trỗi dậy. Sau đêm tối luôn là buổi bình minh. Mặt trời luôn mọc lại. Chúng ta phải sống cuộc đời mình trước những chuyện này, kể cả vào những thời điểm bi thảm.
Tôi xin kết thúc với lời của nhà thơ Rilke: Kể cả cái cây bạn trồng hồi bé cũng đã quá nặng từ lâu rồi, giờ bạn không thể nào vác nổi nó. Nhưng bạn có thể vác được cơn gió… và không gian vũ trụ.
J.B. Thái Hòa dịch
Bài đọc thêm: Sự phức tạp và nghịch lý