Người tị nạn, con rối Amal, trẻ em và giáo hoàng
osservatoreromano.va, 2021-09-10
Ngày thứ sáu 10 tháng 9, một cuộc gặp với Đức Phanxicô, với con rối Amal khổng lồ và với 200 trẻ em người Ý, các em tị nạn trẻ. Sự kiện diễn ra ở Quảng trường Thánh Phêrô với các em quàng khăn vàng há hốc ngạc nhiên trước con rối Amal cao 3,50 mét.
Các em tham dự cuộc tuần hành chào mừng “Apri” đã thấy giấc mơ của mình được thực hiện hôm nay. Các em muốn được xem “Nhà Giáo hoàng.” Và các em đã rất ngạc nhiên khi gặp Giáo hoàng Phanxicô ở sân San Damaso, ngài thân mật trò chuyện với các em.
Các buổi sinh hoạt đã được tổ chức trong khuôn khổ chuẩn bị Ngày Thế Giới người Di dân và Tị nạn lần thứ 107 do giáo phận Rôma và Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện sẽ tổ chức vào ngày 26 tháng 9 sắp tới.
Sáng nay các em đến Quảng trường Thánh Phêrô và cùng với hồng y Michael Czerny, thứ trưởng Bộ Di cư và Tị nạn và giám mục phụ tá Benoni Ambarus, đại diện Ban Từ thiện và Di cư của giáo phận Rôma đón con rối Amal cao 3,5 mét, hình ảnh của một em bé tị nạn 9 tuổi, biểu tượng cho các em phải di tản đang cố gắng để được đoàn tụ với gia đình. Amal đến từ thị trấn Gaziantep, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, dừng chân ở Quảng trường Thánh Phêrô gần tượng khắc Angels Unawares, tác phẩm điêu khắc bằng đồng của nhà điêu khắc Timothy Schmalz khắc họa một nhóm người di cư để đến Manchester, nước Anh.
Cử động bởi một người điều khiển từ bên trong, hai tay được hai người đàn ông dắt, mái tóc dài bay trong gió, đôi mắt chớp chớp, Amal đi dạo trên Quảng trường Thánh Phêrô, quanh đài phun nước Clementina, dưới ánh mắt kinh ngạc của du khách.
Trong lời chào mừng, hồng y Czerny mô tả biểu tượng được giáo phận chọn cho dịp này: cái lều, hình ảnh được thuật trong sách Sáng thế, cây sồi ở Mamre. Ngài nói: “Tổ phụ Áp-ra-ham đã đón trong lều của mình ba người lạ được Chúa gởi đến, báo cho ông và bà Sa-ra, vợ của ông, biết hai người sẽ có một đứa con trai” Họ là những người báo tin vui bất ngờ, mang một cái nhìn mới về tương lai. Vì thế đoạn Kinh thánh nêu lên lòng hiếu khách “tạo ra sự sống”. Văn hóa gặp gỡ “báo trước những thách thức, không phải lúc nào cũng dễ dàng, giúp các cộng đồng ý thức phát triển như một gia đình nhân loại, trong ngôi nhà chung của chúng ta.” Và tất cả chúng ta đang trên đường đi. “Giáo hội đang trên đường đi, sự đổi mới của Giáo hội thông qua sự thay đổi của mỗi người, chứng tỏ Giáo hội đang sống”.
Vì lý do này, chúng ta phải xem sự tiếp đón “làm biến đổi, như nhiều cộng đoàn và gia đình đã chăm sóc họ đã trải nghiệm điều này”, nhất là những người chăm sóc “các em bị rời khỏi gia đình, cộng đồng các em, ngoài ý muốn các em”. Trên thực tế, hội nhập là “một quá trình hai chiều, với sự chấp nhận lẫn nhau, các quyền và nghĩa vụ”. Đó là “con đường phức tạp, đôi khi gập ghềnh, nhưng mục tiêu luôn là sự phát triển con người toàn diện của những người mới đến cũng như những người chào đón, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất”.
Amal, thành viên của lễ hội The Walk đi hơn 8.000 cây số, bắt đầu từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria để đến Manchester, Vương quốc Anh tìm gia đình mình. Trong buổi lễ, sau lời chứng của một em vị thành niên tị nạn đang ở trong một cơ sở Caritas Rôma, các em có buổi sinh hoạt do Cơ quan Hợp tác Phát triển Scalabrinian tổ chức để làm chiếc diều, trong khi 51 em hướng đạo dựng lều.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô gặp các em ở Sân San Damaso. Ảnh: Vatican Media / ACI Group