Vì sao Vatican luôn chiến đấu cho Lebanon?

69

Vì sao Vatican luôn chiến đấu cho Lebanon?

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2021-07-01

Đức Phanxicô quan tâm đến số phận của đất nước độc nhất vô nhị này, một Quốc gia mang bản sắc của một thông điệp rất quan trọng cho hòa bình ở Trung Đông.

Ngày thứ năm 1 tháng 7, Đức Phanxicô họp các giáo sĩ lãnh đạo các Giáo hội kitô giáo của Lebanon đến Rôma để có một ngày “suy tư về tình hình đáng lo ngại của đất nước” và “cầu nguyện để được ơn hòa bình và ổn định”. Thực sự có lý do để lo cho Lebanon.

Vào mùa thu 2019, khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, 1.507 bảng Lebanon tương đương 1 đô la. Tháng 6 năm 2020, tỷ lệ này là 15.500 bảng. Thứ bảy tuần trước 1 đô la trị giá 18.000 bảng Lebanon! Trong vòng chưa đầy hai năm, đồng tiền Lebanon đã mất giá gấp mười hai lần. Thứ Ba tuần này, giá xăng tăng 1/3: người dân phải trả 35 âu kim cho một lít xăng nhỏ SP 95…

Sự tàn phá kinh tế này đi kèm với hỗn loạn xã hội: Liên Hợp Quốc ước tính một nửa dân số (khoảng 6,9 triệu cư dân) đang sống dưới mức nghèo khổ. Phải nói thêm hiện có 2 triệu người tị nạn Syria ở Lebanon. Cũng giống như nước Pháp tiếp nhận đến 20 triệu người tị nạn!

Liệu lời cầu nguyện có sức mạnh để đảo ngược đà đi xuống địa ngục này không?Chúng ta có thể nghi ngờ điều này vì các nguyên nhân rất phức tạp và mang tính chính trị, nhưng Giáo hội công giáo luôn tin tưởng vào tầm quan trọng của Lebanon trong hình thức hiện tại – được thành lập vào năm 1920 -, nhưng cũng là đất nước của Đất Thánh trong Kinh thánh. Vì tín hữu kitô đóng địa vị chính ở đất nước này. Điều này là một chuyện hiếm trên thế giới.

Một trong những nhân vật của “vùng đất nơi sữa và mật ong chảy ra” như Kinh Thánh mô tả là Thượng phụ phái Maronite hồng y Bechara Boutros Ra của Giáo hội theo nghi thức phương Đông, gắn liền với Rôma. Ngài là một trong các nhân vật chính trong cuộc họp ở Vatican. Cùng với ngài có hàng chục đại diện của tất cả các Giáo hội kitô giáo, chính thống giáo, tin lành: Maronite, Chalđê, La-tinh, Melkite, Syro-Catholic, Armenia công giáo, chính thống Hy Lạp, chính thống Armenia, chính thống Syria, tin lành Evangelical.

Một sự kiện chưa từng thấy trong hình thức của buổi cầu nguyện thượng đỉnh này, nếu nó sẽ không thể thay đổi bất cứ điều gì trong hiện tại, nhưng buổi cầu nguyện sẽ cho thấy giá trị đúng của đất nước Lebanon trong vòng xoáy hoành hành cuộc khủng hoảng, một giá trị chắc chắn không phải là do tiền tệ của đất nước. Giá trị của Lebanon, trọng tâm địa lý của Trung Đông, là linh hồn và là thiên chức của đất nước này.

Những từ “linh hồn”, “thiên chức” có thể làm cho người khác cười vì sự ngây ngô của nó. Chúng sẽ không “làm cho hoạt động” được. Nhưng chúng ta đã thấy những gì là “hiệu quả hoạt động” chính trị, quốc gia và quốc tế trong cuộc khủng hoảng này. Nó gần như zero. Ngân hàng Thế giới nhắc lại, sự sụp đổ quốc gia như vậy là chưa từng có kể từ năm 1850.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ không có tiếng nói cuối cùng trong việc quản lý thảm họa, nhưng họ có tiếng nói của họ, đặc biệt là ở một quốc gia tôn giáo như vậy. Và nó sẽ phù hợp không kém lời nói của các chính trị gia chuyên nghiệp. Ở Lebanon, có  33% người dân theo kitô giáo, 60% người theo hồi giáo và 5% theo đạo Druze. Tỷ lệ giữa người theo kitô giáo và hồi giáo là ngược với năm 1920.

Đức Phanxicô khai mạc cuộc họp sáng thứ năm, 1 tháng 7, nhưng ngài sẽ không mang lại một giải pháp nào, chính xác ngài muốn thời gian này là để

“cùng nhau suy nghĩ” về các giải pháp. Các người tham dự buổi cầu nguyện sẽ đến cầu nguyện ở Đền thờ thánh Phêrô. Sau đó họ sẽ họp kín trong ba buổi. Buổi chiều họ sẽ trở lại Đền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện cho hòa bình đại kết.

Khi từ Iraq về Rôma ngày 8 tháng 3 năm 2021, Đức Phanxicô cho biết dự trù ban đầu của chuyến đi là máy bay có thể dừng ở Lebanon trên đường bay từ Rôma đến Baghdad, nhưng ngài thấy “quá ít” để ngừng lại vài giờ.

Lebanon cần có một chuyến đi và ngài hứa sẽ đến đó. Tổng trưởng Ngoại giao Vatican, giám mục Paul Richard Gallagher xác nhận Đức Phanxicô sẽ đi Lebanon trước cuối năm 2021 hoặc vào đầu năm 2022. Có thể vào dịp lễ Giáng Sinh, nhưng lý tưởng vẫn là khi Lebanon “thành lập được một chính phủ”.

Trước Đức Phanxicô, Đức Gioan-Phaolô II đã có một thượng hội đồng đặc biệt về Lebanon năm 1995, và ngài đến Lebanon năm 1997. Cùng một quan tâm cho đất nước này, Đức Bênêđictô XVI đã đến thăm  năm 2012.

Ba vị giáo hoàng bên giường bệnh của Lebanon với một thông điệp duy nhất nói lên tâm hồn của đất nước này: “Lebanon không chỉ là một quốc gia, đó là một thông điệp”. Quốc gia này chứng minh cho thấy tín hữu kitô và tín hữu hồi giáo có thể chung sống với nhau vì quyền bình đẳng thực sự đều được mọi người công nhận. Điều mà tất cả các quốc gia hồi giáo khác từ chối với người theo kitô giáo.

Những người theo tôn giáo sẽ không có tiếng nói cuối cùng trong việc quản lý thảm họa ở Lebanon, nhưng họ có tiếng nói của họ để lên tiếng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hình ảnh buổi cầu nguyện cho Lebanon ngày thứ năm 1 tháng 7-2021 tại Đền thờ thánh Phêrô