Linh mục Dominique Lang: “Tin Mừng dứt khoát bác bỏ bạo lực”

188

Linh mục Dominique Lang: “Tin Mừng dứt khoát bác bỏ bạo lực”

Làm thế nào áp dụng việc bác bỏ bạo lực theo tinh thần Tin Mừng trong một thế giới mà bạo lực ở khắp mọi nơi? Linh mục Dominique Lang, tác giả quyển sách “Mạnh mẽ trong yếu đuối. Bất bạo lực trong tinh thần Tin Mừng. ” (Forts dans la faiblesse. Au cœur de la non-violence évangélique nxb. Salvator), cho chúng ta chìa khóa để thấu hiểu.

lavie.fr, Sixtine Chartier, 2021-05-26

 

Cuộc tấn công vào vương cung thánh đường Nice tháng 10 năm 2020 đã dấy lên lời kêu gọi trả thù, kể cả các tín hữu kitô. BARDOS FLORENT / ABACA

 Linh mục Dominique Lang thuộc Dòng Mông Triệu, nhà báo của tuần báo Pèlerin và là cựu tuyên úy của phong trào Hòa bình Công giáo, Pax Christi. Cha nói về mối quan hệ giữa tín hữu kitô và bạo lực trong quyển sách trên.

Quyển sách của cha bắt đầu bằng việc nhắc lại vụ tấn công vào vương cung thánh đường Nice và vụ giết hại giáo sư Samuel Paty ở Pháp đã diễn ra liên tiếp vào tháng 10 năm 2020. Tại sao?

Linh mục Dominique Lang: Sau những vụ khủng khiếp này, tôi thấy nhiều người, kể cả các tín hữu kitô đều lên tiếng kêu gọi trả thù, đánh lại, đừng ngây ngô… Sự tức giận gia tăng trong xã hội chúng ta không phải là điều đáng kinh ngạc, nhưng nó đáng ngạc nhiên hơn khi đến từ các tín hữu kitô.

Làm thế nào để giải thích mong muốn gây bạo lực này dưới ánh sáng Tin Mừng? Và nên làm gì với nó?

Trên thực tế, dù chúng ta phải chịu đựng hay dù chúng ta khiêu khích thì bạo lực là một phần trải nghiệm của con người. Đó không phải là mơ về một thế giới mà bạo lực này biến mất. Như thế sẽ rơi vào hình thức ngây ngô. Nhưng ngược lại, chúng ta có thể báo thù bạo lực này bằng một bạo lực khác không? Tin Mừng đưa ra một lời từ chối rõ ràng, hoàn toàn mới.

Sự triệt để còn mạnh hơn trong lời kêu gọi phải yêu kẻ thù. Các nhà chú giải Kinh Thánh nói, đây là một trong những lời dạy chắc chắn nhất do Chúa Kitô nói ra, vì chúng ta không tìm thấy lời dạy này ở bất kỳ nơi nào khác. Vậy mà lời dạy này thường không được xem trọng ngay cả trong các cộng đồng kitô. Chúng ta tự diệt sức sống của Tin Mừng khi lọc lựa lời giảng dạy của Chúa Kitô.

Còn hơn cả việc khước từ bạo lực, có phải yêu kẻ thù là trọng tâm của tinh thần bất bạo lực trong Tin Mừng không?

Yêu kẻ thù được Chúa dạy để tình yêu cho người anh em không phải là tái tạo theo thế gian các mối quan hệ của chúng ta, nhưng là một điều gì đó cao cả hơn. Đây là nét đặc trưng của kitô giáo. Điều răn này được bổ túc thêm khi Chúa Giêsu nói, Thiên Chúa ban mưa xuống cho người lành cũng như kẻ dữ,  lúa tốt và cỏ lùng lẫn vào nhau.

Lời này dạy chúng ta, chúng ta không ở đây để lựa ai là tốt, ai là xấu. Các nhà cầm quyền phải làm việc này bằng cách thiết lập công lý của con người, nhưng đây không phải là sứ mệnh hàng đầu của người tín hữu kitô. Người tín hữu kitô không được nghĩ rằng, khi thiết lập sự công bằng của con người, họ đã làm xong công việc. Vai trò của họ là trở thành lực tranh cãi thường xuyên trong các hệ thống thế gian và nhắc nhở mọi người, điều cứu được thế gian là tình yêu triệt để dành cho tất cả mọi người.

Trong một số môi trường cánh tả cực đoan, người ta biện minh bạo lực của hành động quân sự bằng một bạo lực cao hơn, gây cho người bị áp bức. Làm thế nào để hành động trong cương vị là tín hữu kitô khi đối diện với bạo lực của sự bất công?

Trong những năm 1970 ở Nam Mỹ, tín hữu kitô phải đương đầu với các chế độ độc tài quân sự. Một số ủng hộ chế độ độc tài vì họ bảo vệ thể chế công giáo. Một số khác thấy bạo lực nơi các chế độ độc tài này, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và những người chống đối. Do đó, họ chống lại, thường là theo cách bất bạo động, tố cáo các vụ bê bối. Những người khác thì gia nhập lực lượng dân quân vũ trang để bảo vệ những người bị áp bức, họ biết rõ, về mặt thần học, đây không phải là điều hoàn hảo.

Ba thái độ này rõ ràng tóm tắt được các lựa chọn khác nhau của chúng ta: phù hợp với xã hội, phản kháng thông qua bất bạo động và phản kháng thông qua bạo lực. Theo tôi, dường như lựa chọn đầu tiên và lựa chọn cuối cùng có thể giải thích được về mặt lịch sử, nhưng không biện minh được về mặt truyền giáo. Trong những trường hợp như vậy, vị trí của người tín hữu kitô không phải là có câu trả lời hoàn hảo cho tất cả các vấn đề chính trị và đạo đức. Nhưng nó soi sáng lương tâm càng nhiều càng tốt, để trả lời trung thực nhất có thể, biết rằng phản ứng của mình không hoàn hảo vì nó có thể tạo ra các hình thức bạo lực khác.

Đó không phải là tạo cho bản thân một lương tâm trong sáng hay sao?

Lời dạy của Tin Mừng có thể trở nên trống rỗng nếu chúng ta làm một cái gì màu mè không thực tế. Câu hỏi then chốt là: chúng ta có chấp nhận rủi ro khi yêu đến mức hiến mạng sống của mình cho người khác không? Điều đó là không màu mè! Cũng phải có khiêm tốn để nhận ra chúng ta khốn khổ, rằng những lựa chọn chúng ta đưa ra là phức tạp, mang tính phiến diện. Theo nghĩa này, chúng ta xin ơn tha thứ để giúp chúng ta duy trì được sự minh mẫn.

Triết gia, nhà xã hội học Jacques Ellul (1912-1994), người phản kháng trong thời Kháng chiến Pháp đã nói: khi chúng ta chiến đấu nhân danh lương tâm của mình, chúng ta không buộc phải biện minh cho điều này bằng đức tin kitô giáo của mình. Nhưng nếu chúng ta thắng trong tư cách là tín hữu kitô, thì tư thế của chúng ta phải đổi bên. Nếu tôi xem sự cứu rỗi của Chúa Kitô là dành cho tất cả mọi người, thì tôi không thể nói: “Mặc kệ cho những người đi ngược lại với Lịch sử.”

Đó là những gì nhà đấu tranh Noëlla Rouget (1919-2020) đã làm trong thời Kháng chiến. Bà đã sống cảnh đau khổ nhất: bà bị trục xuất, người yêu của bà bị người Đức giết… Tuy nhiên, bà đã xin chủ tịch tòa án đừng lên án tử hình kẻ giết người. Bà đã làm sứ mệnh của người tín hữu kitô: tháp tùng người này để họ tìm lại nhân tính của mình. Bà đã cố gắng, bà không thành công, nhưng bà biết, nếu bà ở trong bạo lực của trả thù, bà sẽ không bao giờ thoát ra khỏi nó.

Cha viết: “Rõ ràng Chúa Giêsu đã quyết định từ chối bất kỳ kế hoạch nào để đạt được thành công ngay lập tức cho hành động của mình. Tại sao quan trọng là phải nhớ lại điều này?

Đây là điều quyết định. Cứ không còn nghe một số nguyên tắc Tin Mừng (đưa má bên kia, yêu kẻ thù của mình), tín hữu kitô sẽ giống như bất kỳ nhóm nào khác và họ chuẩn bị cho cuộc nội chiến. Chúng ta thường nghĩ chúng ta là một lực chính trị và vai trò của chúng ta là nắm quyền để Tin Mừng được loan báo. Nhưng Chúa Giêsu đã từ bỏ điều này.

Lời dạy của Chúa Giêsu thật ngược đời, vì chúng ta được đào tạo để thành công, vừa nghề nghiệp, vừa gia đình, vừa trí tuệ… Là nhà hoạt động, tôi có thể bị thôi thúc bởi mong muốn thay đổi hệ thống, nhưng lý tưởng này không phải là lý tưởng trong tinh thần kitô giáo. Nếu tôi là tín hữu kitô, tinh thần chiến đấu của tôi phải ở trong tinh thần khiêm tốn này. Đó là chìa khóa để không kích động bạo lực trở lại.

Linh mục Dominique Lang, tác giả quyển sách “ Mạnh mẽ trong yếu đuối. Bất bạo lực trong tinh thần Tin Mừng. ” (Forts dans la faiblesse. Au cœur de la non-violence évangélique. nxb. Salvator)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch