Các bình rượu cũ vẫn tiếp tục sủi bọt
international.la-croix.com, Robert Mickens, 2021-04-30
Những suy nghĩ rải rác về “chương trình điều chỉnh thái độ” của giáo hoàng, chủ nghĩa giáo quyền và việc từ chối thực hiện những thay đổi cần thiết cho các cơ cấu của Giáo hội.
Đức Phanxicô vừa phong chín tân linh mục cho giáo phận Rôma. Ngài nói với các tân linh mục, họ đừng nghĩ mình “sẽ có sự nghiệp trong giáo hội” như ngày xưa người ta thường nói. Ngài cảnh báo bằng tiếng Ý: “Đây không phải là sự nghiệp, đây là phục vụ… và có một phong cách phục vụ mà các bạn phải tuân theo. Phong cách gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Đó là phong cách của Chúa – gần gũi, trắc ẩn, dịu dàng”, ngài lặp lại điều này trên bàn thờ ở Đền thờ thánh Phêrô ngày chúa nhật lễ Chúa chiên nhân lành.
Ngài lặp lại lời khuyên mà ngài đã nói nhiều lần trước đây – rằng linh mục và giám mục phải giống như người mục tử “khi thì đi trước đàn chiên, khi thì đi giữa, khi thì đi sau… nhưng, luôn ở đó, với dân Chúa.” Giáo hoàng 84 tuổi đã không quên cảnh báo các tân linh mục trẻ trước sự quyến rũ của tiền bạc hoặc cám dỗ đối xử với những người họ chăm sóc, xem những người này như nhân viên.
Ngài cũng khuyên các tân linh mục đừng sợ những thử thách phía trước, ngài đảm bảo với họ, mọi sự sẽ tốt nếu họ gần gũi với Chúa trong lời cầu nguyện, gần gũi với giám mục của họ trong khiêm nhường, với các linh mục đồng bạn trong hiệp nhất và với “dân Chúa truyền thống” đã bầu chọn họ.
Những lời tốt đẹp của Giáo hoàng và thực tế phũ phàng của Giáo hội
Đó là những lời nói đẹp. Nhưng thật đáng tiếc, những lời này không phù hợp với thực tế về cách hàng giáo sĩ được hình dung hoặc thực thi chức vụ của mình ở nhiều nơi trong Giáo hội.
Và có một lý do đơn giản cho điều này.
Ngôn ngữ của Giáo hoàng thì mâu thuẫn (hoặc, ít nhất, bị giảm bớt) bởi ngôn ngữ được dùng trong giáo huấn và luật chính thức liên quan đến chức linh mục – và trong nhiều cơ cấu của Giáo hội.
Bộ Giáo luật nói về việc ủy nhiệm nam giới vào “các thừa tác vụ thiêng liêng”, ưu tiên dùng thuật ngữ “linh mục” (sacerdos) trong chức vụ này.
Sự khác biệt về thuật ngữ không phải là không quan trọng. Các ý nghĩa xung quanh từ sacerdos có âm điệu cổ ngữ liên quan nhiều hơn đến khái niệm về người dâng lễ trong tiếng do thái, trong khi niên trưởng là từ mà các cộng đoàn kitô hữu đầu tiên dùng để mô tả những người mà ngày nay chúng ta gọi là linh mục được thụ phong. Chỉ sau này, khi làm việc với giáo xứ, bộ luật này mới đề cập đến “thứ trật thiêng liêng của niên trưởng”. Nhưng nó vẫn mô tả chức vụ chủ tọa theo ngôn ngữ cổ điển “giảng dạy, thánh hóa và cai trị (docendi, sanctificandi et regendi) dân Chúa.”
Ngôn ngữ của quyền lực
Bộ luật chỉ ra rằng, một người sẽ thành “giáo sĩ” khi họ được phong phó tế. Và từ thời điểm này, người đó nhận “quyền lực của mệnh lệnh” (potestas ordinis) và “quyền lực quản trị giáo hội” (potestas regiminis ecclesiastici).
Từ khóa ở đây là quyền lực, potestas.
Điều này được nhấn mạnh một lần nữa khi rút “con người” khỏi trạng thái giáo sĩ. Bộ luật quy định rõ ràng rằng họ “bị cấm thực hiện quyền lực của mệnh lệnh”.
Bộ Giáo luật cũng nhấn mạnh rằng chỉ những vị trưởng lão được phong chức mới có “quyền” tha tội.
“Để được tha tội một cách hợp lệ, ngoài quyền năng nhận được thông qua việc truyền chức thánh, thừa tác viên phải có khả năng thực thi quyền lực đó với các tín hữu mà họ có quyền tha tội” (Can. 966).
Thực thi quyền lực trên tín hữu!
Chúa ơi! Nhưng đây chính xác là những gì linh mục làm trong tòa giải tội. Và điều này thường được hiểu như vậy, đến nỗi Đức Phanxicô phải liên tục nhắc nhở các linh mục trên hết họ phải có lòng thương xót với những người phạm tội.
Đó là do bộ luật đã nhấn mạnh sai chỗ, nói rằng người giải tội “đóng vai trò quan tòa cũng như người chữa bệnh” và là “thừa tác viên của công lý thiêng liêng cũng như của lòng thương xót” (Can. 978).
Phán xét trước hết, sau đó mới chữa lành. Đức Phanxicô nhấn mạnh phải ngược lại. Hoặc nên là như vậy. Nhưng đó không phải là ngôn ngữ hay luân lý của Giáo hội.
Cần thay đổi nhiều về ngôn ngữ và cấu trúc
Đúng là năm 2009, Đức Bênêđíctô XVI đã chính thức thay đổi cách diễn đạt trong các điều luật 1008 và 1009 đề cập đến Bí tích Truyền Chức Thánh. Thay vì nhấn mạnh các giám mục và linh mục “chăn dắt” Dân Chúa, điều luật số 1008 bây giờ nói đến “phục vụ.” Loại bỏ quy chiếu “giảng dạy, thánh hóa và điều hành” nhưng chỉ trong luật chuyên mục này. Những từ này, và khái niệm này, vẫn còn ở nơi khác.
Một mệnh đề mới trong điều luật 1009 (nhưng chủ yếu vì các lý do chính trị / giáo hội học khác liên quan đến cuộc tranh luận về chức vị của các phó tế) tuyên bố:
“Những người được thành lập theo thứ bậc giám mục hoặc linh mục nhận sứ mệnh và khả năng hành động trong nhân vị của Chúa Kitô là Đầu, trong khi các phó tế phục vụ dân Chúa trong các sứ vụ phụng vụ, lời và bác ái”.
Tuy nhiên, ý nghĩa của việc có quyền lực, đặc biệt được “bầu chọn”, là người quản lý thiêng liêng… tất cả vẫn còn nguyên.
Tất cả là một phần của một đặc tính lớn hơn bao trùm toàn bộ Giáo hội. Điều này được gọi là giáo quyền. Và đó là một cái gì mà tất cả người công giáo đều bị nhiễm ở mức độ này hay mức độ khác. Tất cả chúng ta. Dù chúng ta ý thức hay không.
Các giới hạn của “chương trình điều chỉnh thái độ” của Đức Phanxicô
Một phần lớn vấn đề nằm ở các chủng viện của chúng ta, mà đa số ngay từ đầu đã phân biệt các linh mục tương lai với phần còn lại của dân Chúa để chuẩn bị cho họ cái gọi là “phục vụ”. Nhiều nơi áp dụng quy định về trang phục giáo sĩ, hoặc cho phép những người này dù chưa là giáo sĩ cũng bắt đầu ăn mặc như giáo sĩ. Các chủng sinh mặc cổ cồn và áo chùng như đã là “giáo sĩ” – và không phải chỉ ở trên đường phố Rôma. Đa số giáo dân nghĩ có lẽ cũng chẳng có gì là sai trái, khi não trạng giáo sĩ đã tràn ngập khắp các cấp của Giáo hội trong những thế kỷ qua. Không có gì nuôi dưỡng chủ nghĩa giáo sĩ một cách tinh tế, sâu đậm như việc dùng các chức danh. Và điều này bắt đầu khi một linh mục trẻ 25 tuổi vừa chịu chức đã được một người đáng tuổi cha mẹ, ông bà nội ngoại, ông bà cố gọi là “Cha.” Cũng như người giáo pháo Mormon gọi những người truyền giáo tuổi thiếu niên của họ là “trưởng lão”.
Từ ngữ quan trọng và có một ý nghĩa. Và một từ phù hợp để mô tả cả hai trường hợp trên là “kỳ quặc”.
Khi các cơ cấu và luật chưa được thay đổi, thì việc sử dụng các thuật ngữ như “phục vụ” và “lãnh đạo-tôi tớ” sẽ chỉ là khẩu hiệu của một hội đồng đại kết chưa được thực hiện. Giáo hoàng đương nhiệm đã sử dụng ngôn ngữ Vatican II một cách kỳ diệu trong “chương trình điều chỉnh thái độ” của mình nhằm mục đích thay đổi não trạng hoặc luân lý Giáo hội.
Nhưng thay đổi não trạng là chưa đủ. Duy một suy nghĩ đúng đắn không thể sửa chữa một hệ thống tồi tệ.
Hay nói một cách khác, bạn không thể bỏ rượu mới vào bình cũ. Đây chính là điều mà những người công giáo có thiện chí – kể cả những người có thiện chí được “ủy nhiệm trong các thánh chức” – đã cố gắng làm trong hơn năm mươi năm qua.
Rõ ràng là các bình rượu cũ vẫn tiếp tục sủi bọt. Và chúng ta có một mớ hỗn độn trên tay.
Đã qua rồi thời của những loại bình mới – những cấu trúc mới và cải cách. Không chỉ liên quan đến chức vụ, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của Giáo hội.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu Đức Phanxicô có can đảm cung cấp chúng hay không. Hoặc liệu ngài còn thời gian hay không.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch