Niềm hy vọng của Iraq trên nụ cười của một em bé

137

Niềm hy vọng của Iraq trên nụ cười của một em bé

Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Iraq đã gieo luồng sáng mới trên vùng đất bị chiến tranh tàn phá trong mưới năm nay, đã cho thế giới thấy khát vọng hòa bình và tình huynh đệ của một dân tộc muốn bắt đầu lại cuộc sống.

vaticannews.va, Massimiliano Menichetti, Vatican, 2021-03-16

Ảnh chụp tại Mosul ngày chúa nhật 7 tháng 3 năm 2021 (Fotografico Vatican Media)

“Đối với chúng tôi, giống như chúng tôi thức dậy sau cơn ác mộng, chúng tôi không thể tin vào mắt mình, đất nước có thể đứng dậy trên đôi chân của mình.” Đó là những lời đơn sơ chứa đầy hy vọng của cả một dân tộc Iraq, những người đã đón Đức Phanxicô đến đất nước họ từ ngày 5 đến 8 tháng 3 vừa qua. Nếu chỉ cần lưu lại chỉ một hình ảnh của chuyến đi này, thì đó là bức ảnh chụp nhanh ở Mosul, thành phố miền bắc Iraq nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đã đặt làm thủ đô của Iraq, nơi với những đống đổ nát còn ghi dấu hàng ngàn viên đạn, nơi có những nhà thờ, nguyện đường hồi giáo, nhà cửa dân chúng bị phá hủy, bị biến dạng, ở đây chúng ta chạm vào bạo lực của cuộc chiến, của giận dữ của kẻ hủy diệt, của chà đạp, của tiêu diệt người anh em mình.

Trong bối cảnh mà sự khủng khiếp ở hàng đầu, Đức Phanxicô được tiếng hát của trẻ em cầm cành ô liu vẫy chào, trong khi các em khác chơi không xa đó, trên con đường đất; đường nhựa chỉ có ở trung tâm thành phố. Và tại đây có một em bé gái khoảng bốn hoặc năm tuổi, mặc bộ áo liền quần màu bông hoa màu hồng, đi đôi dép, em tách khỏi nhóm bạn và đi lui phía sau. Bất giác, em ngừng trước đôi chân của người quân nhân, em nhìn ông từ đầu đến chân.

Người quân nhân mang bom ở thắt lưng, đội mũ sắt, mang kính che nắng, cúi xuống và bắt gặp ánh mắt của em bé, gương mặt và cả người em lấm đất. Phía sau họ, chỉ có đống đổ nát của những gì trước đây là những ngôi nhà. Đôi mắt hai người gặp nhau, qua cặp kính đen, người quân nhân xoa đầu em bé và nâng em bé lên. Em nở một nụ cười, và người quân nhân cười lại với em sau đó. Trong hình ảnh này là cả hiện tại và tương lai của Iraq.

Chuyến đi của Đức Phanxicô, giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến quê hương tổ phụ Áp-ra-ham là chuyến đi không thể nào quên được. Ngài khuyến khích và khẳng định trong đức tin cùng với cộng đoàn kitô, cộng đoàn hồi giáo và các dân tộc thiểu số ở đây như người yaziđi, tất cả đều nếm mùi đau khổ chưa từng có. Đó là chuyến đi lịch sử vì chuyến đi đã xây được nhịp cầu với người shi’a, sau khi Đức Phanxicô đã xây nhịp cầu với người sunni ở Viện Abu Dhabi, Ai Cập. Ngài đã được đón nhận, nhưng trên hết là vì ánh sáng – ánh sáng của điều tốt lành và cứu chuộc – ngài đã mang đến nơi bị chiến tranh, bạo lực và ngược đãi do tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng tàn phá để ngày nay đất nước Iraq sống trong cảnh đói nghèo.

Điểm nổi bật là sự hiện diện của quân đội: đâu đâu cũng có các quân nhân mặc đồ trận, áo chống đạn dày, thắt lưng gắn lựu đạn, mũ bảo hiểm có kính che mặt chính xác và vũ khí hạng nặng; dọc đường là hàng chục xe bán tải với súng máy, xe tăng và xe bọc thép. Dọc các con phố khi đoàn xe giáo hoàng đi qua, những người không được phép, họ đứng ở rìa với cờ và biểu ngữ cách xa hàng chục thước, hai tay khoanh sau lưng. Dọc theo những bức tường sau hàng rào thép gai, các lá cờ Vatican vàng và trắng treo ở các thành phố Baghdad, Nasiriya, Ur, Mosul, Qaraqosh, Erbil.

Năm 2020, Iraq hứng chịu khoảng 1.400 vụ khủng bố, người dân khó tìm việc làm, khó khăn về kinh tế là một thực tế căng thẳng, nhưng đất nước này không tóm tắt trong những chuyện này, dù đó là câu chuyện nổi trội và thường là câu chuyện duy nhất. Câu chuyện này không có chỗ nào cho những ai giúp đỡ người khác, cho những ai tham gia vào một thực tế chia sẻ và tái thiết.

Chuyến đi của Đức Phanxicô làm sáng tỏ một khác biệt về đất nước, và đây là lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ, Iraq được biết đến với nghĩa tích cực, về chào đón, về triển vọng, về tương lai. Người hồi giáo, kitô giáo đã phó vào Đức Phanxicô đau khổ của họ, nhưng cũng là đức tin, sức mạnh, ước muốn ở lại của họ khi ngài đến vùng đất mà xưa kia là cái nôi của những nền văn minh cổ đại, là tấm gương chung sống hòa bình. Tất cả đều đang nghe những gì họ định nghĩa là “những lời nói cao cả” được một nhà hiền triết nói lên.

Người tín hữu kitô cầu nguyện chung quanh người kế vị Thánh Phêrô, người trở thành ánh sáng cho toàn thế giới. Một dân tộc cụ thể, đánh dấu bằng những câu chuyện đau khổ khôn tả, tìm cách vượt qua hận thù và không chấp nhận trở thành nơi chứa chấp quân khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Giáo hoàng mang lại một men mới, trong một thực tế đã quen với đen tối và chết chóc. Ở Baghdad, nơi có những bức tường và vành đai bọc thép bảo vệ tín hữu trong những nơi thờ thượng, nhà thờ, nguyện đường, các tòa nhà có người ở xen kẽ với những quảng trường được thắp sáng rực rỡ hoặc những khu dân cư rất nghèo. Kiến trúc cho thấy sự gián đoạn trong phong thái và trong rạn nứt của những cuộc chiến.

Đức Phanxicô tưởng niệm các người tử đạo, lên án mọi hình thức chủ nghĩa cực đoan, ngài gần gũi với cộng đồng kitô hữu cũng như với tất cả những ai đã và đang chịu đau khổ. Bất chấp đại dịch, các gia đình toàn bộ đã tập trung phía sau những chiếc xe bọc thép, họ giữ giãn cách và cũng chỉ để được nhìn thấy “người của hòa bình” từ xa dù trong chốc lát. Tại vùng đất Ur, nơi tổ chức cuộc họp liên tôn được chờ đợi từ lâu, khi gió sa mạc thổi qua những tấm lưới bảo vệ được đặt dọc theo tuyến đường từ phi trường Nasiriya về thành phố. Ở đây, nơi theo truyền thống là ngôi nhà của Tổ phụ Áp-ra-ham, đằng sau là một trong những kiến trúc ziggurat lớn nhất trên thế giới, ở ngay ban ngày, chúng ta thấy cả ngôi sao trên bầu trời, bầu trời mà Đức Phanxicô đưa ra như chiếc la bàn, để đi trên trái đất, xây dựng con đường gặp gỡ, đối thoại và hòa bình.

Các kiến trúc ziggurat ở Iraq

Những người hiện diện nói về “cuộc họp phi thường, không thể tưởng tượng được” để tạ ơn Chúa bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Niềm vui và cảm xúc của cộng đồng Qaraqosh nơi phần lớn người dân là tín hữu kitô thật khó quên. Ngài lắng nghe từng lời chứng đức tin, từng vết thương  của những người chứng kiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng giết hại con cái, vợ chồng, anh em của họ. Ngài nghe lời xin tha thứ cho những kẻ giết người. Tại đây, trên khuôn mặt của trẻ em, của người lớn tuổi, những người mặc y phục truyền thống lễ hội nước mắt chảy dài khi nghe Đức Phanxicô nói “anh chị em không cô đơn”. Lời chào đầy hy vọng của người Iraq với Đức Phanxicô ở sân vận động Erbil, người Kurdistan thuộc Iraq, người Iraq và Syria đã tị nạn. Hơn 10.000 người đến từ mọi miền đất nước, đã cùng cầu nguyện với Đức Phanxicô trong thinh lặng tưởng niệm, với niềm hy vọng mới trong trái tim:  rằng một Iraq khác sẽ có thể có được.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Các bài về chuyến đi Iraq của Đức Phanxicô