Trò chơi của sự hiệp nhất. Các giám mục Mỹ tiếp tục phớt lờ tầm nhìn của Đức Phanxicô về một Giáo hội đổi mới

230

Trò chơi của sự hiệp nhất. Các giám mục Mỹ tiếp tục phớt lờ tầm nhìn của Đức Phanxicô về một Giáo hội đổi mới

Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma

international.la-croix, Robert Mickens, 2021-01-23

Triều giáo hoàng Phanxicô đã vượt qua triều của Đức Bênêđictô XVI về thời gian. Và thời gian Đức Bênêđictô XVI là “cựu” giáo hoàng dài hơn khi ngài tại vị.

Sự kiện quan trọng mới nhất diễn ra trong Tuần Bát nhật cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô khi giáo dân xin Chúa hướng dẫn họ để hàn gắn những chia rẽ làm cho Giáo hội và các cộng đồng khác nhau trong Giáo hội bị chia rẽ, không nhận ra sự hiệp thông trọn vẹn.

Đây là một phần của phong trào đại kết, nhằm thúc đẩy mối quan hệ sâu đậm giữa các giáo phái kitô khác nhau. Mục tiêu cuối cùng là phục hồi sự hiệp nhất trọn vẹn, hữu hình của tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu-Kitô và cố gắng thực sự là môn đệ của Ngài.

Nhưng công cuộc đại kết bị cản trở nghiêm trọng bởi sự chia rẽ trong chính các phái khác nhau. Đáng buồn thay, mỗi Giáo hội kitô và cộng đồng giáo hội đều có chia rẽ.

Các rạn nứt trong Giáo hội chính thống giáo trên toàn thế giới đã được biết rõ.

Giáo hội anh giáo, vốn vừa được ca ngợi vừa bị chế giễu vì dung túng các lập trường giáo lý khác nhau giữa các thành viên, cũng đã gây ra sự chia rẽ.

Và Giáo hội Công giáo La mã cũng không tránh khỏi chia rẽ.

Nhưng cho đến gần đây, các nhà lãnh đạo, các giám mục, đã thống nhất một cách đáng kinh ngạc theo kiểu gần như thắt chặt.

Họ đã thể hiện cùng một lập trường, cho đến khi không còn thế nữa…

Có hơn 5.000 giám mục trên khắp thế giới. Và bất chấp các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, họ đã hòa hợp một cách đáng kinh ngạc trong việc thể hiện cùng một lập trường.

Sau khi Đức Gioan-Phaolô II áp đặt một thử nghiệm nghiêm ngặt về tính cách ứng viên nào có thể được bổ nhiệm vào chức vụ giám mục, họ đã đặc biệt lưu tâm đến việc tuân theo hướng dẫn của giám mục Rôma.

Họ đã làm như vậy, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, trong suốt triều giáo hoàng lâu dài của Đức Gioan-Phaolô II, và gần tám năm của Đức Bênêđictô XVI.

Nhưng điều này đã thay đổi một ít thời gian sau khi giáo hoàng Dòng Tên người Argentina, Jorge Mario Bergoglio, được bầu vào ghế Thánh Phêrô ngày 13 tháng 3 năm 2013.

Khi nhìn lại sau gần tám năm triều giáo hoàng của ngài, chúng ta thấy tuần trăng mật của ngài với các giám mục trên thế giới thật ngắn ngủi. Điều này chắc chắn đúng với các giám mục của Hoa Kỳ.

Và điều này chưa bao giờ rõ ràng hơn ngày 20 tháng 1 khi giáo hoàng và chủ tịch Hội đồng Giám mục công giáo Hoa Kỳ (USCCB) đưa ra hai thông điệp hoàn toàn khác nhau trong ngày nhậm chức của tân Tổng thống Joe Biden.

Bàn tay sắt bọc nhung

Thông điệp của Đức Phanxicô là hy vọng và khích lệ.

Thông điệp dài hơn của Đức Tổng Giám mục  Jose Gomez, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ như bàn tay sắt bọc nhung. Đó là lời chúc mừng, nhưng cũng là lời cảnh báo đáng lo ngại.

Ngay ngày đầu của chính quyền mới, các giám mục đã cảnh báo ông Biden.

Thông điệp của Đức Tổng Giám mục Gomez cũng là bằng chứng mới nhất cho thấy các giám mục, với tư cách là một cơ quan, vẫn không có ý định áp dụng các ưu tiên mục vụ mới của Đức Phanxicô đề ra.

Và các giám mục tiếp tục tỏ ra không mấy quan tâm đến việc đáp lại lời kêu gọi của ngài về việc thay đổi tư duy – một tư duy cởi mở và sống động hơn, ít hạn chế và hợp pháp hơn và ít đối đầu hơn.

Dĩ nhiên không phải tất cả các nhà lãnh đạo Giáo hội Mỹ đều đi ngược với giáo hoàng.

Và một trong số họ – đó là hồng y Blase Cupich của Chicago – cuối cùng đã lên tiếng công khai chống lại sự kháng cự thụ động của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đối với Đức Phanxicô. Ngài cho rằng, thông điệp của Đức Giám mục Gomez là “không được cân nhắc” và hứa sẽ buộc Hội đồng Giám mục thảo luận về những gì thực sự che giấu đằng sau.

Hồng y Cupich được sự ủng hộ của một số giám chức khác, như Giám mục Robert McElroy ở San Diego, người cũng lên tiếng không hài lòng với Giám mục Gomez.

Nhưng hầu hết trong số họ không làm gì khi có một số lượng lớn giám mục bảo vệ Giám mục Gomez.

Đã đến lúc trò chơi phải dừng

Đức Phanxicô có một vấn đề với các giám mục Mỹ. Điều này không còn là nghi ngờ.

Họ, cả hội đồng giám mục, và cụ thể nhiều cá nhân, không mấy nhiệt tình với giáo hoàng Dòng Tên hoặc tầm nhìn đổi mới ngài đưa ra cho Giáo hội.

Hội đồng Giám mục Mỹ bướng bỉnh bám vào kế hoạch chiến đấu “chiến tranh văn hóa” mà hội đồng đã bắt đầu vạch ra từ hơn mười năm trước.

Nhưng chúng ta hãy rõ ràng. Các giám mục không phải là những người quản trị chi nhánh của giáo hoàng, vì vậy họ không nhất thiết chỉ là những người đồng ý. Và Đức Phanxicô, cũng như bất cứ giáo hoàng nào sẽ bảo vệ quyền không đồng ý của giám mục về một số chủ đề.

Tuy nhiên, trong hệ thống hiện nay, cho dù thần học và giáo hội học có vấn đề như thế nào đi nữa, thì các giám mục (hầu như tất cả đều) do giáo hoàng trực tiếp bổ nhiệm.

Và giáo hoàng có thể cách chức họ. Và ngài cũng có thể làm. Nhưng ngài quá bao dung.

Thay vào đó, nên có thêm nhiều giám mục hợp tác với hồng y Cupich và ngừng trò lừa bịp rằng hội đồng của họ là một cơ quan thống nhất. Không phải vậy. Và giả vờ điều đó chỉ khuyến khích các chiến binh văn hóa tiếp tục kiểm soát hướng đi Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Các giám mục của Đức Bênêđictô XVI vẫn nắm quyền kiểm soát

Các giám mục theo ý thức hệ mà Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm ở Mỹ vẫn giữ một số chức vụ quan trọng nhất trong nước. Họ chiếm 17 trong số 32 tổng giám mục đô thị theo nghi thức Latinh. Ba tổng giám mục được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm vẫn còn tại vị.

Những giám mục Đức Phanxicô bổ nhiệm chỉ có mười hai – mười hai trong số ba mươi hai. Ba người trong số họ là hồng y Cupich ở Chicago, hồng y Joseph Tobin ở Newark và hồng y Wilton Gregory ở Washington.

Nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa thể thay đổi đáng kể được hướng đi của Hội đồng Giám mục Mỹ, đặc tính hoặc hình ảnh của Giáo hội ở Hoa Kỳ ở cấp độ thể chế.

Năm 2011, Hội đồng Giám mục quốc gia đã có một hướng đi hòa hợp hơn để tiến hành các cuộc chiến tranh văn hóa khi hồng y Timothy Dolan, người được bổ nhiệm làm tổng giám mục giáo phận New York năm 2009, về cơ bản đã tổ chức một cuộc đảo chính và được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ.

Đó là một sự phá vỡ khó chịu và cố ý với truyền thống lâu đời rằng phó chủ tịch hội đồng luôn được bầu làm chủ tịch. Trên thực tế, vì điều này, cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất luôn dành cho phó chủ tịch hội đồng.

Đức Phanxicô làm giáo hoàng từ gần tám năm nay, nhưng chưa có giám mục nào ngài bổ nhiệm được được bầu vào các chức vụ lãnh đạo cao nhất trong Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Thay vào đó, hồng y Dolan tiếp tục gây ảnh hưởng đáng kể của ngài và dùng tính cách độc tài của mình để thúc đẩy các động lực bên trong Hội đồng Giám mục và các cơ sở công giáo khác trong nước cho vấn đề này.

Chúng ta không biết Đức Phanxicô có thể làm gì để thay đổi thế cân bằng trong hệ thống cấp bậc của Hoa Kỳ để các nhà lãnh đạo Giáo hội  Hoa Kỳ bắt đầu giống như khuôn mẫu giám mục mà ngài đã định hình. Sẽ mất nhiều thời gian nếu giáo hoàng chỉ thay thế người khi họ đến tuổi về hưu.

Có thể ngài nên thuyên chuyển hoặc loại bỏ một số người đã từng cản trở, đặc biệt là những người đã làm việc tích cực với cựu sứ thần giáo hoàng ở Washington để làm mất uy tín của ngài!

Thật không may, số này không phải ít.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Lễ nhậm chức của Joe Biden phân chia các giám mục Hoa Kỳ

Đức tin công giáo của Joe Biden sẽ hình thành mối quan hệ của ông với giáo hoàng và các giám mục Hoa Kỳ như thế nào

 Được Đức Phanxicô hậu thuẫn, nhưng Joe Biden bị phía công giáo Hoa Kỳ bảo thủ thách thức