Tấn công vào Điện Capitol để bảo vệ ý Chúa

255

Tấn công vào Điện Capitol để bảo vệ ý Chúa

Một số người biểu tình ở Điện Capitol mang khẩu hiệu Chúa Giêsu © Brett Davis / Flickr / CC BY-NC 2.0

cath.ch, Ban biên tập, 2021-01-11

Trong cố gắng nổi dậy ở Điện Capitol,  Washington ngày thứ tư 6 tháng 1, nhiều biển ngữ có liên quan đến kitô giáo đã được người biểu tình ủng hộ Trump giương lên. Làm thế nào để hiểu được sự có mặt của họ giữa các lá cờ của những người theo chủ nghĩa tối cao hoặc thuyết âm mưu?

Anne-Sylvie Sprenger, Protestinfo

Những cảnh bạo lực kỳ lạ từ vụ tấn công vào Điện Capitol ở Washington đã loan truyền khắp thế giới, dấy lên làn sóng phẫn nộ gần như được mọi người đồng ý. Hầu như, duy nhất. Vì với nhiều tín hữu kitô giáo bảo thủ trung thành, được Donald Trump kích động, nỗ lực nổi dậy này vừa chính đáng vừa cần thiết. Theo họ, không những cuộc bầu cử tổng thống đã bị lừa mà kế hoạch của Chúa cho nước Mỹ cũng bị phá hoại hoàn toàn. Họ hứa hẹn phong trào dân túy kitô giáo sẽ xuất hiện, sẽ làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe trong những năm tới.

Chúng tôi phỏng vấn giáo sư thần học André Gagné tại Đại học Concordia, Quebec, Canada, người miệt mài tìm hiểu tâm điểm của những âm mưu-thần học này. Giáo sư là tác giả quyển sách Các tín hữu theo phái phúc âm đàng sau Trump (Ces évangéliques derrière Trump, nxb. Labor et Fides) được xuất bản gần đây,

Trong số các tấm biển của người biểu tình xâm nhập Điện Capitol đưa ra có các khẩu hiệu như “Chúa Giêsu 2020” hoặc “Chúa Giêsu Cứu”. Làm thế nào để hiểu các khẩu hiệu này?

Giáo sư André Gagné: Chúng ta đang ở điểm cuối cùng của bốn năm ủng hộ mà cánh hữu kitô giáo dành cho ngôi sao truyền hình thực tế, tự mê và khát quyền lực. Những khẩu hiệu này có mặt giữa âm mưu lật đổ kết quả bầu cử, đang cố gắng thể hiện ý thức thần học của họ về quyền lực chính trị, ý tưởng cho rằng nước Mỹ luôn là một quốc gia kitô giáo. Sau chiến thắng của Biden, một phần cánh tôn giáo ủng hộ Trump đã để mình bị lôi cuốn theo thuyết âm mưu của tổng thống bằng cách đưa ra có gian lận bầu cử.

Sự ủng hộ không lay chuyển của cánh hữu kitô giáo này đã được thấy trong lần “Đi bộ của Giêricô”, nổi tiếng ở Washington D.C., vào ngày 12 tháng 12 vừa qua…

Một cách tuyệt đối. Trong sự kiện này, người được gọi là “nhà tiên tri” Lance Wallnau tuyên bố sự trỗi dậy của phong trào dân túy kitô giáo sẽ làm cho tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe trong những năm tới. Thực sự phong trào dân túy kitô giáo này đã tiếp tục cuộc thập tự chinh của họ bằng sự xuất hiện tại Washington ngày 6 tháng 1 để lên tiếng phản đối kết quả bầu cử. Một lần nữa, các nhà lãnh đạo của phong trào hô vang rằng Chúa sẽ thực hiện một cuộc lật đổ có lợi cho ông Trump, người mà Chúa đã chọn cho nhiệm kỳ tám năm. Điều này giải thích sự hiện diện của những khẩu hiệu như vậy trong cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày thứ tư 6 tháng 1 vừa qua.

Mức độ cuồng tín nào được khơi dậy qua hình ảnh Donald Trump đã tạo nên niềm xác tín tôn giáo?

Trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2020, công ty thăm dò AP VoteCast 2020 đã xếp hạng các tín hữu phái phúc âm ủng hộ cho ông Trump là 81%, người công giáo là 50%, người theo phái mormon là 71% và các tín hữu kitô khác là 57%. Người do thái và hồi giáo bỏ phiếu ủng hộ Biden hơn 60%. Vì thế các tín hữu kitô là những người cuồng tín được khơi dậy bởi hình ảnh Trump. Đối với những người theo phái phúc âm ủng hộ Trump, con số thăm dò ý kiến năm 2020 giống với năm 2016.

Lòng nhiệt thành dành cho Donald Trump chỉ là những người theo đạo tin lành thôi hay sao?

Như các cuộc thăm dò cho thấy, rõ ràng lòng nhiệt thành dành cho Trump không chỉ nơi những người theo đạo tin lành đã ủng hộ ông; các nhóm kitô giáo khác cũng đã ủng hộ ông. Nhưng chúng ta đừng quên sự đóng góp của cánh cực hữu như phong trào Proud Boys và phong trào âm mưu QAnon.

“Các phong trào cánh hữu đã tham gia xung quanh hình ảnh của Donald Trump”

“Trong vụ đột nhập Điện Capitol có cả hai biểu ngữ mang khẩu hiệu “Chúa Giêsu 2020”“Chúa Giêsu Cứu”, cờ Liên minh và những biểu ngữ mang hình con rắn hình chữ “Q” với hàng chữ “WWG1WGA”, hoặc khẩu hiệu của QAnon: Nơi chúng ta đi một, chúng ta đi tất cả (Where We Go One We Go All). Do đó các phong trào cánh hữu hợp lực lại với nhau. Tâm điểm là hình ảnh Donald Trump. Ông thể hiện một hình ảnh hoang tưởng, hình ảnh của “chủ nghĩa chính thống Mỹ”, nơi hội tụ chủ nghĩa dân tộc và phái phúc âm cho thành công và thịnh vượng của nước Mỹ.

Bên cạnh họ: có phải đây là sự phục hồi vừa thuần túy chính trị, vừa vô liêm sỉ, hay họ cũng bị thuyết phục bởi nhiệm vụ gần như mang tính kitô giáo này?

Rõ ràng là đã có một mối quan hệ dàn xếp giữa Trump và cánh hữu kitô giáo. Tổng thống hiểu rằng ông cần sự ủng hộ của cánh hữu kitô giáo và đặc biệt là những lá phiếu của giáo phái phúc âm. Đó là lý do tại sao có một loại “giao hàng” như một cách giữ lời hứa với họ: bổ nhiệm ba thẩm phán bảo thủ vào Tòa án tối cao và hàng trăm thẩm phán liên bang, ủng hộ chống phá thai, ủng hộ “tự do tôn giáo” của họ, thúc đẩy “luật pháp và trật tự”, kiểm soát nhập cư, công nhận và ủng hộ nhà nước Israel hiện đại.

Trong chiến dịch tranh cử, tổng thống Trump đã đến thăm một số nhà thờ theo đường lối tân chủ nghĩa-Ngũ tuần vì họ là những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông. Khoảng mười ngày trước cuộc bầu cử, thậm chí ông còn tuyên bố ông là tín hữu kitô “phi giáo phái” vì ông biết phần lớn người ủng hộ ông ở trong các giáo hội độc lập. Và chính mảng này của tân chủ nghĩa-Ngũ tuần mà tôi nói đến trong quyển sách gần đây của tôi, lấy ý tưởng cho rằng Donald Trump là người được Chúa chọn, điều này chắc chắn góp phần nuôi dưỡng thói tự mê  của tổng thống. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi một số người được gọi là “nhà tiên tri” đoàn sủng đã giải thích sự thất bại của Trump là sự phán xét của Chúa, vừa chống lại Giáo hội vì thần tượng tổng thống, vừa chống lại Trump vì sự kiêu ngạo của ông.

Làm thế nào cánh hữu tôn giáo có thể hòa giải được nguồn gốc của mình trong các giá trị kitô giáo với các niềm tin như chủ nghĩa tối cao của người da trắng, việc sử dụng bạo lực hoặc các thuyết âm mưu?

Cánh hữu kitô giáo cho rằng không cần phải hòa giải quyền tối cao của người da trắng và các giá trị kitô giáo; các nhà lãnh đạo của họ không xem mình là người phân biệt chủng tộc chút nào. Còn về bạo lực, rõ ràng là luận điệu về “cuộc chiến thiêng liêng” của bà Paula White-Cain (cố vấn tôn giáo của tổng thống Trump) kêu gọi lật đổ các cuộc bầu cử và tiêu diệt kẻ thù bằng “trượng sắt” (xem Thánh vịnh 2, 7-9; Khải huyền 2, 26-27; 12,5; 19,15) thấm đậm tinh thần phi dân chủ và có tính chất lật đổ. “Trượng sắt” là hình ảnh của bạo lực và sự chinh phục bằng vũ lực nhắm vào tất cả các phe đối lập chính trị.

“Một số phong trào đoàn sủng dự đoán sự ra đời của một cuộc xung đột vũ trang”

Trong quyển sách, tôi nói nhiều về các “lời tiên tri” của một cuộc nội chiến Mỹ lần thứ hai. Từ giữa những năm 1990, một số “nhà tiên tri” đoàn sủng đã tiên đoán về sự ra đời của một xung đột vũ trang ở Hoa Kỳ. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc tấn công vào Điện Capitol (lại) được giải thích dựa trên những từ gọi là tiên tri này.

Giáo sư có nghĩ rằng ngày nay chúng ta đang đối phó với cánh hữu tôn giáo Mỹ, cũng cùng một hình thức của chủ nghĩa cực đoan mà chúng ta thấy trong hồi giáo cực đoan không?

Tôi không phải là chuyên gia về chủ nghĩa hồi giáo cực đoan; vì thế cũng khó cho tôi để có nhận xét và so sánh giữa chủ nghĩa hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa tôn giáo của Mỹ.

Nhiều tín hữu kitô bảo thủ đã bị thuyết âm mưu quyến rũ, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng sức khỏe. Có một mối liên hệ nào giữa những điều này và hiện tượng cực đoan hóa không?

Các biện pháp của chính phủ để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe bị nhiều tín hữu kitô bảo thủ xem là tấn công vào quyền tự do tôn giáo của họ, đặc biệt khi họ bị hạn chế tụ tập trong các sinh hoạt tôn giáo. Khi đó một vài ý tưởng phổ biến trong các tiểu thuyết cánh chung kiểu loạt phim Những người sống sót thời Cánh chung (Survivors of the Apocalypse) của Tim LaHaye và Jerry B. Jenkins lại nổi lên. Sự kiểm soát của chính phủ sẽ là tiền đề cho sự ra đời của đế chế toàn cầu Phản Kitô giáo (Antichrist), vắc-xin Covid-19 sẽ chứa con chip mở đường cho “Dấu ấn của Con thú” (xem Khải huyền 13), phục vụ để săn lùng cư dân trên trái đất bằng cách sử dụng các tháp 5G – các tháp tương tự được đề cập trong loạt phim  của LaHaye, trên mạng CellSol.

“Các biện pháp y tế đã góp phần lớn lao vào việc cực đoan hóa các tín hữu kitô cực kỳ cực đoan này”

Sự lan truyền các ý kiến về cuộc khủng hoảng sức khỏe trên internet cũng làm dấy lên nghi ngờ nơi một số tín hữu kitô bảo thủ, họ tin rằng các chính phủ có điều gì đó che giấu. Họ nghĩ các biện pháp này áp đặt một cách không công bằng đối với các nhà thờ trong khi các cơ sở thương mại lại được tự do hơn. Cảm nhận bất bình và bất công này – có thật hay do nhận thức – đã góp phần rất lớn vào việc cực đoan hóa các tín hữu kitô cực đoan này. Nhưng sự cực đoan hóa của họ đã không thể xảy ra nếu không có ý thức hệ: ý tưởng về một âm mưu cánh chung và toàn cầu mang lại ý nghĩa cho những lời than trách của họ.

Giáo sư có nghĩ các giáo hội nên bắt tay vào công việc khử cực đoan đích thực bên trong giáo hội của họ không?

Tôi không chắc các giáo hội – hay bất cứ ai khác – thực sự có thể “khử cực đoan hóa” các cá nhân. Đúng hơn, đây là công việc mỗi người phải tự làm. Quá trình “khử cực đoan hóa” tiến bộ sẽ xảy ra, khi một cá nhân phải đối diện với sự nghi ngờ về nhận thức, nơi hệ tư tưởng được áp dụng bị thất bại do chính mâu thuẫn trong kinh nghiệm sống. Còn về các nhà lãnh đạo các Giáo hội, họ phải lên tiếng rõ ràng chống lại thuyết âm mưu và các hành động chính trị lật đổ, làm hại cho nền dân chủ và đa nguyên trong xã hội của chúng ta.

Theo giáo sư, vụ tấn công vào Điện Capitol có thể có lợi thế trong vai trò khởi động để cứu nguy không?

Đối với một số nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa tân đoàn sủng-phái Ngũ tuần như ông Lance Wallnau, thì đây chỉ là những bước khởi đầu của phong trào dân túy kitô giáo này. Ông tin rằng phong trào này sẽ tạo ra tiếng nói của mình trong hai năm tới, trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Nhưng ông Lance Wallnau cho rằng phong trào dân túy kitô giáo này sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của Hoa Kỳ, vì theo ông, sẽ có một số nhà lãnh đạo chính trị thuộc loại “Vua Cyrus” trên thế giới, đứng đầu “các quốc gia con chiên” (tham chiếu Tin Mừng Thánh Mátthêu 25). Ông Lance Wallnau có quan điểm cho rằng Chúa sắp nâng cao các “tín hữu phái phúc âm của Quốc gia” (Statesman Evangelists), trong số các nhiệm vụ khác, họ sẽ có nhiệm vụ giúp những người được gọi là “Cyrus” này cai trị đất nước của họ theo kế hoạch thiêng liêng của quốc gia họ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Làm thế nào để có cái nhìn tâm linh về vụ tấn công vào Điện Capitol