Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh lên chương trình hoạt động của Đức Giáo hoàng
Đức Phanxicô ký Thông điệp Tất cả là anh em Fratelli tutti ngày 3 tháng 10 tại Assisi
cath.ch, I.Media, 2020-10-01
Gần gũi với những người nghèo nhất, bảo vệ Tạo dựng, và đối thoại liên tôn giáo… Triều giáo hoàng của Đức Phanxicô gần như hoàn toàn dựa trên đời sống và nguyên tắc của Thánh Phanxicô khó nghèo ở Assisi.
Nhân dịp Đức Phanxicô công bố thông điệp thứ ba có tựa đề lần thứ hai được lấy từ một câu trích của Thánh Phanxicô, chắc chắn đây là một khía cạnh mới trong linh đạo Phan Sinh của Đức Phanxicô sẽ được công bố ngày 4 tháng 10 năm 2020, ngày lễ Thánh Phanxicô Assisi.
“Đừng quên người nghèo.” Đức Hồng y Claudio Hummes đã nói nhỏ vào tai Đức Phanxicô câu nói ngắn này và đã làm cho tân giáo hoàng chọn tên Phanxicô làm tên hiệu của ngài, sau ba ngày được bầu chọn, ngài đã tâm sự như trên. Vì thế vị giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên trong lịch sử đã xin Thánh Phanxicô Assisi khó nghèo bảo trở mình, vị thánh đã để suốt đời lo cho người nghèo. Ngay từ thánh lễ lên ngôi, tân giáo hoàng cũng đã chọn màu sắc dòng Phanxicô, ngài xin các sư huynh Tu viện La Verna (Ý) đảm nhận phần phụng vụ.
Tình thương không điều kiện với người nghèo và ước muốn sống nghèo này đã thực sự tưới tẩm trong bảy năm triều giáo hoàng của ngài. Qua mong muốn cải cách Giáo triều, các chuyến đi đến những nơi xa xôi nhất hành tinh, “những vùng ngoại vi”, các lời kêu gọi chấm dứt “văn hóa lãng phí” hay các chuyến thăm bất ngờ, ngài thường đến thăm các trung tâm của người vô gia cư ở Rôma, “giáo hoàng của vùng ngoại vi” không ngừng nhắc tinh thần khó nghèo Phan Sinh này cho Giáo hội. Với phong cách ăn mặc đơn giản, ngài về ở Nhà Thánh Marta chứ không ở căn hộ xa hoa của Dinh Tông Tòa cho thấy sự gần gũi của ngài với Thánh Phanxicô Assisi.
Hướng tới một nền kinh tế Phan Sinh?
Theo bước chân người nghèo ở Assisi, Đức Phanxicô mong muốn có một suy nghĩ mới về một nền kinh tế khác. Sự kiện Kinh tế Phanxicô (The Economy of Francesco) hướng đến các doanh nhân trẻ và các nhà kinh tế sẽ diễn ra vào tháng 11 tới cho thấy ngài muốn dựa vào vị thánh độc đáo này biết bao để đặt nền móng cho nền kinh tế ngày mai. Ngài viết trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’: “Tinh thần khó nghèo và đời sống đạm bạc của Thánh Phanxicô Assisi không phải đơn thuần là cách sống khổ hạnh bên ngoài, nhưng là một cái gì đó triệt để hơn: từ bỏ việc biến thực tại thành một đối tượng thuần túy để sử dụng và thống trị”.
Khác xa với việc xem mình là chuyên gia kinh tế, ngài biết cách quy tụ chung quanh mình các nhân vật đang tìm cách cách mạng hóa hệ thống trong tinh thần Phan Sinh như Nữ tu Alessandra Smerilli, Ủy viên Hội đồng Nhà nước Thành đô Vatican, Nữ tu thường nhắc các môn đệ của Thánh Phanxicô đã phát minh ra “các hình thức đầu tiên của tín dụng vi mô”, ngày xưa gọi là “tiệm cầm đồ” nhằm giúp người nghèo.
Qua Thánh Phanxicô Assisi, chắc chắn Đức Phanxicô còn ngưỡng mộ tinh thần ca ngợi và bảo vệ Tạo dựng, một đường lối nổi tiếng khác của triều giáo hoàng của ngài. Trong Thông điệp Chúc tụng Chúa, Đức Phanxicô cho biết tựa đề được trích từ Bài Ngợi ca các Tạo vật: “Tôi tin Thánh Phanxicô là tấm gương tiêu biểu cho việc bảo vệ những ai yếu ớt và bảo vệ hệ sinh thái toàn diện, được sống trong tinh thần của niềm vui và tính xác thực”. Đức Phanxicô dường như rèn giũa cái nhìn chiêm nghiệm của mình về vị thánh khó nghèo Assisi, phó dâng cho Thánh nhân tất cả công việc của mình liên quan đến việc bảo vệ môi trường, như ngài đã làm trong Thượng hội đồng về Amazon vừa qua. Chính tình yêu dành cho Tạo dựng này đã liên tục thôi thúc ngài gặp các nhà lãnh đạo thế giới để hợp nhất trong việc bảo vệ hành tinh.
Từ Damietta đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
Mong muốn đối thoại giữa các tôn giáo của Đức Phanxicô, cũng như lòng kiên trì của ngài trong nỗ lực vì hòa bình thế giới, chúng ta sẽ không hiểu được các điều này nếu không đọc sách Phan Sinh. Tất nhiên có liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phanxicô Assisi và Sultan al-Kamil năm 1219, Đức Phanxicô đã lần đầu tiên trong lịch sử triều giáo hoàng đã đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và ký văn kiện nổi tiếng về “Tình huynh đệ nhân loại và sự chung sống toàn cầu” vào tháng 2 năm 2019. Giống như hình ảnh vị thánh nghèo Assisi có cách tiếp xúc gần như hoàn toàn vô lý vào thời đó, cũng như Thánh Phanxicô Assisi, Đức Phanxicô cũng hứng chịu một số chỉ trích về việc này.
Thánh Phanxicô gặp Sultan al-Kamil vào năm 1219. Hình: Cha Stéphane / monasteredugairire.org /DR
Để đưa “chương trình Phan Sinh” đến với thế giới, Đức Phanxicô dựa vào một trong các đức tính nền tảng của Dòng Tiểu đệ: khiêm nhường. Vì vậy, ngài thường xuyên chia sẻ lòng ngưỡng mộ của mình với nhân đức này mà ngài thích chiêm ngưỡng nơi người môn đệ và người viết tiểu sử của Thánh Phanxicô: “Bonaventure là người đã tổ chức Dòng Phan Sinh, và qua lòng khiêm nhường mà ngài liên kết với Thánh Phanxicô. (…) Tất cả các đức tính khác phụ thuộc vào đức tính khiêm tốn, đức tính khiêm nhường là người bảo vệ và là nét đẹp, là người đánh xe cho tất cả các đức tính khác, nó vừa làm cho chúng ta kiên nhẫn, vừa làm cho chúng ta cao thượng”, Đức Phanxicô giải thích khi ngài còn là Tổng Giám mục ở Buenos Aires năm 2011. Trong các cuộc gặp gỡ với các tu sĩ dòng Phanxicô, Đức Phanxicô thường xin họ từ chối mọi cảm nhận vượt trội nào và giữ phẩm cách “tiểu đệ” đặc trưng cho họ.
Một tu sĩ Dòng Tên đi theo linh đạo Dòng Phan Sinh
Quy chiếu về đức khiêm nhường tiêu biểu của Dòng Phan Sinh, tháng 12 năm 2019 trong một bức tông thư, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đặc biệt đến ý nghĩa của máng cỏ mà Thánh Phanxicô Assisi là người có sáng kiến đầu tiên. Tại Thánh địa Greccio (Ý), ngài giải thích, theo truyền thống Dòng Phan Sinh, máng cỏ là lời kêu gọi đi theo Chúa Kitô “trên con đường khiêm nhường, nghèo khó, trần trụi” và ngài khuyến khích các tu sĩ tiếp tục theo con đường này.
Với thông điệp mới này, Đức Phanxicô tiếp tục đi theo bước chân của Thánh Phanxicô Assisi và cũng như Thông điệp thứ nhì Chúc tụng Chúa, ngài cũng đã viết theo tinh thần của Thánh Phanxicô. Và vì thế tiêu đề của thông điệp mới được lấy từ lời khuyên thứ sáu của Thánh Phanxicô: “Chúng ta xem tất cả anh em là Mục tử nhân lành, những người, để cứu đàn chiên của mình, đã chịu đựng cuộc khổ nạn thập giá”. Nhân dịp này, Đức Phanxicô sẽ tiếp tục làm phong phú Giáo hội bằng cái nhìn của Thánh Phanxicô, và chắc chắn ngài sẽ đưa ra một khía cạnh mới trong nhân cách của Thánh Phanxicô liên quan đến tình huynh đệ nhân loại và tình bạn xã hội.
Qua năm tháng, qua các bài diễn văn của mình, Đức Phanxicô làm nổi bật con đường khó nghèo của Dòng Phan Sinh, nhưng dù vậy, ngài khẳng định trước hết ngài vẫn là một tu sĩ Dòng Tên. Trên chuyến bay từ Ngày Thế Giới Trẻ ở Rio de Janeiro về, ngày 28 tháng 7 năm 2013, ngài tái khẳng định mình vẫn là tu sĩ Dòng Tên: “Tôi cảm thấy tôi là tu sĩ Dòng Tên trong linh đạo của tôi; trong đường lối Linh Thao, trong linh đạo mà tôi có trong tâm hồn. (…). Không, tôi không thay đổi linh đạo. Phanxicô, Dòng Phan Sinh, không. Tôi là tu sĩ Dòng Tên, tôi suy nghĩ như một tu sĩ Dòng Tên. Không theo kiểu đạo đức giả, nhưng tôi suy nghĩ như một tu sĩ Dòng Tên”. Một tu sĩ Dòng Tên theo linh đạo Phan Sinh?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Thông điệp Tất cả anh em: bảy lời kêu gọi của Đức Phanxicô
Pablo Servigne: “Trong ‘Fratelli tutti’, Đức Phanxicô cho thấy một minh triết cá nhân và chính trị”
Thông điệp Fratelli tutti: không có cách nào thay thế cho đối thoại
Một vài hình ảnh Đức Phanxicô ký Thông điệp Tất cả là anh em Fratelli tutti ngày 3 tháng 10 tại Assisi.