Ở Châu Mỹ La Tinh, các giám mục trở lại địa bàn chính trị
Đức Phanxicô và Hồng y Honduras, Oscar-Rodriguez Maradiaga tại Thượng hội đồng Gia đình tại Rôma ngày 20 tháng 10-2015
la-croix.com, Xavier Le Normand, 2020-08-25
Các biến động chính trị, Covid và cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội mang lại sức mạnh mới cho tiếng nói của các giám mục Châu Mỹ La Tinh. Ở châu lục này, các giám mục không ngần ngại bắt các nhà cầm quyền phải báo cáo, họ lên tiếng tố cáo tham nhũng và các vi phạm đến nền dân chủ.
Khi tố cáo “con quỷ tham nhũng”, hồng y Oscar-Rodriguez Maradiaga gằn mạnh trong bài giảng ngày chúa nhật 16 tháng 8: “Các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội và kinh tế không được dẫn chúng ta vào con đường bế tắc này, con đường chỉ dẫn chúng ta đến nghèo đói và bạo lực lớn hơn”. Theo ngài, “chúng ta chỉ thay đổi tên của những tên trộm, nhưng chúng ta không thể tiếp tục như vậy, đất nước Honduras phải biến đổi”.
Hồng y Maradiaga, giáo phận Tegucigalpa, người thân cận với Đức Phanxicô là tiếng nói ngày càng được nghe trong lãnh vực chính trị của các giám mục Châu Mỹ La Tinh trong các tháng gần đây. Vì thế trong thư của Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh (Celam) ngày chúa nhật 23 tháng 8 gởi đến các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo khu vực, ngài “kêu gọi, trước hết, tất cả chính sách công phải hướng về những người nghèo nhất”.
Vì Châu Mỹ La Tinh là cái nôi của thần học giải phóng, các giám mục luôn hiện diện trong lĩnh vực xã hội, họ đã có các lời lẽ rất cứng rắn, các can thiệp chính trị của họ bật lại do các căng thẳng trong các chế độ đang gặp phải và do đại dịch Covid.
Giáo sư danh dự Jean-Pierre Bastian, về tôn giáo xã hội tại Đại học Strasbourg nhắc lại: “Giáo hội luôn đóng một vai trò trọng tâm ở Châu Mỹ La Tinh. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, với sự kết hợp các yếu tố, khủng hoảng, bạo lực, nghèo đói và suy thoái đã làm thuận lợi thêm cho tiếng nói của các giám mục trong lãnh vực chính trị”.
“Giáo hội công giáo hòa mình vào đời sống xã hội”
Ông Hugo José Suárez, nhà nghiên cứu khoa học xã hội tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico cho biết: “Trên châu lục này, tiếng nói của Giáo hội công giáo không chỉ mang tính tôn giáo mà còn mang tính chính trị”. Linh mục Dòng Tên người Colombia, José Darío Rodriguez Cadros, tiến sĩ nghiên cứu chính trị ở trường Cao đẳng khoa học xã hội (EHESS) cho biết: “Nhưng các giám mục can thiệp không phải do ý thức hệ, mà vì vấn đề mục vụ. Khi tính mạng và phẩm giá của con người bị đe dọa, các giám mục sẽ không sợ có tiếng nói chính trị để chống lại”.
Việc bầu chọn vào chức vụ giáo hoàng một trong số họ năm 2013 đã củng cố cho tính hợp pháp của các giám mục Mỹ Latinh khi họ dấn thân vào lĩnh vực chính trị xã hội. Nhà nghiên cứu Hugo José Suárez nói: “Đức Phanxicô là một trong các gương mặt đại diện cho nhánh này của Giáo hội, không ở cánh hữu, cũng không ở cánh tả nhưng tham dự vào các vấn đề xã hội, việc bầu chọn Đức Phanxicô đã khuyến khích các giám mục can thiệp đến các vấn đề này nhiều hơn.
Như linh mục Dòng Tên Rodriguez đưa ra, ảnh hưởng này của ngài được thấy trong các bổ nhiệm giám mục mới. Như ở Lima (Peru), hồng y Juan Luis Cipriani từ lâu đã có xung đột công khai với trường đại học công giáo gần với thần học giải phóng, năm 2018 ngài được thay thế bởi giám mục Carlos Castillo Mattasoglio, người đồng tình với khuynh hướng thần học này. Linh mục cũng đưa ra một giải thích khác cho bước ngoặt xã hội của mục vụ giám mục: sự mất uy tín của các bài diễn văn về đạo đức sau khi các vụ bê bối lạm dụng của các tu sĩ được đưa ra ánh sáng. Theo Linh mục Rodriguez, các giám mục bỏ các bài diễn văn về tình dục, điều hướng các bài phát biểu của họ về kinh tế, công lý, y tế, hoặc và cả giáo dục. Vì thế có nhiều vấn đề họ có thể đối đầu trực tiếp với quyền lực.
“Giáo hội là phát ngôn viên và là người bảo vệ nền dân chủ xã hội”
Đây là trường hợp của Brazil, các giám mục ở đây phản đối chính sách của Tổng thống Jair Bolsonaro. Tháng trước, hơn 150 giám mục đã ký thư tố cáo “sự bất lực và kém cỏi của chính quyền liên bang” khi đối diện với cuộc khủng hoảng Covid-19, đã làm cho nhiều người bị thiệt mạng. Tại Ecuador, vào giữa tháng 5, Hội đồng giám mục cũng không nương tay, họ chỉ trích một “Nhà nước nợ ngập đầu, không thể thực hiện chức vụ của mình”. Cũng ở đây, các giám mục bày tỏ “sự phẫn nộ sâu sắc” của họ trước “đại dịch tham nhũng” ảnh hưởng đến đất nước. Giáo sư Jean-Pierre Bastian xác nhận: “Từ nay Giáo hội Châu Mỹ La Tinh là phát ngôn viên và là người bảo vệ nền dân chủ xã hội, các giám mục có lập trường rất vững chắc để chống lại chủ nghĩa dân túy”. Điều này đặc biệt đúng khi phải đối diện với các chế độ độc tài như ở Nicaragua và Venezuela, các giám mục đã đi đầu trong các cuộc biểu tình chống lại sự đàn áp các người chống đối. Như Đức Giám mục Silvio Baùez, Giám mục Phụ tá giáo phận Managua, ngày chúa nhật 23 tháng 8, ngài đã tuyên bố “chiến lược đàn áp của chế độ độc tài ở Nicaragua đã đổ tràn trên toàn dân”.
Dù các lời lên án rất nặng, nhưng các hội đồng giám mục vẫn giữ cánh cửa đối thoại rộng mở. Giáo sư Jean-Pierre Bastian nhấn mạnh: “Trong bối cảnh quốc gia, Giáo hội luôn có vai trò hòa giải giữa các bên khác nhau trong cuộc xung đột”. Ông Hugo Joseù Suaùrez, nhà nghiên cứu khoa học xã hội cho biết thêm: “Tiến trình này rất quan trọng, vì khi tất cả các tổ chức khác ở trong lòng khủng hoảng rất sâu sắc này, như trường hợp ở Bolivia hiện nay thì chính Giáo hội vẫn trường tồn. Điều này làm thuận lợi cho việc đối thoại”.
“Sự hiện diện của Giáo hội công giáo trở nên cần thiết hơn bao giờ hết”
Dù là tác nhân hàng đầu của lịch sử, Giáo hội công giáo nhận thấy vị thế của mình bị xói mòn dưới tác động tổng hợp của nhiều vấn đề như đô thị hóa, thế tục hóa, sự phát triển của giáo phái Ngũ tuần và hình ảnh tổn thương của mình trong các vụ lạm dụng tình dục. Giáo sư Jean-Pierre Bastian nhận định: “Bằng cách tấn công quyền lực tại chỗ qua tiếng nói chính trị, Giáo hội có một phương tiện – dù ý thức hay không ý thức – để đặt mình trở lại vị trí trọng tâm của vấn đề”.
Đối với các giám mục, điều này càng cần thiết hơn vì tiếng nói của họ không nhất thiết phải có tác động trực tiếp đến địa bàn. Giáo sư Bastian nói tiếp: “Với tình hình xấu đi ở nhiều nước và vấn đề bạo lực vẫn còn mang tính cơ cấu, chúng ta có cảm tưởng Giáo hội vẫn bất lực”. Linh mục Joseù Darío Rodriguez nói: “Tác động rất khó đánh giá, nhưng vẫn đáng kể, dù có khi nó bị giảm đi”.
Tuy nhiên nhà nghiên cứu khoa học xã hội Hugo Joseù Suaùrez giữ một niềm hy vọng ở các giám mục Châu Mỹ La Tinh, họ sẽ tiếp tục dấn thân trong lĩnh vực chính trị xã hội. Ông phân tích: “Với cuộc khủng hoảng hiện tại, chúng ta nhận thấy nhu cầu tôn giáo được củng cố và chúng ta chứng kiến sự ra đời của một chu kỳ chính trị mới ở Châu Mỹ La Tinh. Dù chúng ta có nguy cơ trải qua một sự bùng nổ xã hội thực sự, thì hành động của Giáo hội công giáo, phong phú trong ngôn từ, được cân nhắc, nghiêm túc và phản ánh, sẽ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.”
Một loạt các tuyên bố mạnh trên thế giới
23 tháng 8. Đức Thượng phụ Maronite của Lebanon, Hồng y Beùchara Rạ, cảnh báo chống lại các tổ chức “chính trị hóa” thảm họa và cản trở các cuộc điều tra về vụ nổ ngày 4 tháng 8 ở cảng Beirut.
16 tháng 8. Trong thư mục vụ đọc ở các giáo xứ, Hội đồng Giám mục Zimbabwe bày tỏ các khó khăn hiện tại của đất nước và tố cáo các vụ đàn áp tàn bạo của chính quyền.
Ngày 17 tháng 7. Kể từ khi luật chống khủng bố có hiệu lực ở Phi Luật Tân, hàng chục giám mục Phi Luật Tân đã tố cáo luật mới trao quyền chưa từng có cho hành pháp.
6 tháng 7. 115 giám mục khắp nơi trên thế giới ký ủng hộ một thỏa hiệp ở Liên Hợp Quốc yêu cầu các công ty đa quốc gia tôn trọng môi trường và nhân quyền và ngưng các hành vi trốn thuế.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch