Bác sĩ và y tá chuẩn bị trước khi đi săn sóc bệnh nhân ở bệnh viện Humanitas de Rozzano, gần Milan ngày 8 tháng 4 – 2020 (ANSA)
vaticannews.va, Federico Lombardi, 2020-04-21
Bài thứ ba trong loạt bài “Nhìn về cuộc khủng hoảng” của cha Federico Lombard nói về tấm gương của các bác sĩ, y tá, linh mục, những người phục vụ bệnh nhân, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình là bài học mà giai đoạn này để lại cho chúng ta.
Trong đau đớn và các thảm kịch của các tháng vừa qua, có một thực tế quan trọng buộc chúng ta phải chú ý, khi thêm vào từng nỗi đau là tấm lòng ngưỡng phục và cuối cùng là được an ủi. Đó là toàn thể những người chịu đựng hệ quả của đại dịch, đến mức họ đã hy sinh tính mạng vì họ quảng đại cống hiến hết nguồn sức lực của mình để phục vụ người khác, cả tâm hồn và thể xác họ. Tập thể vinh danh họ, không phải là những lời hùng biện nhưng là những lời rất chân thành từ tấm lòng của tất cả chúng ta. Bác sĩ, y tá, linh mục, thiện nguyện viên… Trong những vùng bị nặng nhất, số lượng của họ rất cao, không những trong số những người bị bệnh mà cả trong số những người bị chết.
Trong những lựa chọn đau khổ tột cùng, có những người hiểu rằng họ được gọi qua ơn gọi nghề nghiệp, tôn giáo hay cá nhân để hy sinh mạng sống của mình cho người khác. Nếu họ không trốn tránh rủi ro thì không phải vì họ thiếu trách nhiệm hay nhẹ dạ, nhưng vì họ ý thức về nghĩa vụ do một tình yêu mạnh hơn nỗi sợ hãi.
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, có khoảng 3000 người chết trong trận tấn công khủng khiếp Tòa Tháp Đôi, trong số này có 343 nhân viên cứu hỏa thiệt mạng khi làm công việc cứu hộ. Tính anh hùng của họ là một trong các phương cách hiệu quả nhất để khuyến khích người dân New York, lên tinh thần họ về mặt thể xác cũng như tinh thần sau vụ tấn công hủy hoại này. Và nếu các nhân viên cứu hỏa là những người ở tuyến đầu dễ bị hiểm nguy thì phải thêm vào đây rất nhiều bác sĩ, y tá, thiện nguyện viên trong mọi lãnh vực đã ngay lập tức đến giúp đỡ, với một tấm lòng quảng đại tối đa, không một phút suy nghĩ cho chính mình. Một tấm gương tốt lành. Nhưng chúng ta có thể bổ túc vào danh sách này. Biết bao nhiêu lần khi động đất, bão lụt hay các tai ương khác, chúng ta đã chứng kiến tinh thần đoàn kết tự phát, bất vụ lợi, không tính toán mệt mỏi, không tính toán rủi ro…
Vì vậy khi có quá nhiều đau khổ thì chúng ta càng thấy có nhiều tình yêu. Một tình yêu – nếu có thể được – sẵn sàng chi tiêu không tính toán, cho đến hy sinh cả mạng sống của mình. Chúng ta thường ngạc nhiên trước các điều này. Chúng ta thấy những người chúng ta cho là “bình thường” đã thể hiện một tình nhân loại thiêng liêng và cao cả mà chúng ta không biết, không ngờ đến. Có thể chính họ, họ cũng không biết mình có thể dấn thân đến bao nhiêu, cho bao nhiêu, như thể nỗi đau của người khác là thách thức của họ, biểu lộ cho họ, những gì có thể gọi là được kêu gọi… Có một cái gì rất cao cả và huyền bí trong tương quan giữa đau khổ và tình yêu. Dường như đau khổ là lãnh vực mà tình yêu thường phát triển vượt quá mong chờ, dự tính của chúng ta để đạt đến đỉnh cao, nơi lý trí và lời nói thất bại, nơi có ngọn lửa mãnh liệt bùng cháy trong tim. Chúng ta đã thấy điều này nhiều lần nơi các cặp vợ chồng, họ thương nhau khi đứng trước bệnh tật đau đớn nhất. Tình yêu khi đó trở nên mãnh liệt và vĩ đại, họ đã thành công biến nỗi đau tột cùng thành một tình yêu còn sâu đậm hơn. Đau khổ và cái chết nhận ở đây một ý nghĩa cao quý và bất ngờ.
Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Và Ngài mời gọi chúng ta hiểu Cuộc Khổ Nạn của Ngài dưới ánh sáng này, đi vào con đường của tình yêu.
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng mình”, đó là điều mọi người có thể hiểu năng lực này, nếu không bị hoàn toàn cạn kiệt vì tính ích kỷ.
Đại dịch, thời gian của đau khổ cùng cực, thời gian của tình yêu cao cả. Vi-rút này dễ lây lan. Nhưng tình yêu cũng dễ lây lan. Rất nhiều người con của các nhân viên cứu hỏa chết trong vụ 11 tháng 9 ở New York, khi lớn lên các em bắt chước cha mình, muốn thành nhân viên cứu hỏa, sẵn sàng hiến mạng sống mình cho người khác. Tấm gương của các bác sĩ, y tá, các linh mục và những người phục vụ bệnh nhân sẵn sàng hy sinh mạng sống mình là một trong các bài học quan trọng nhất của thời đại dịch này để lại cho chúng ta. Đây là linh hồn quý báu của tất cả các bài học khác mà chúng ta cố gắng học hỏi. Không có nó, các bài học khác sẽ không có giá trị bao nhiêu.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm:
Bài của linh mục Federico Lombard về Hiệp thông thiêng liêng