André Comte-Sponville: “Xin quý vị để chúng tôi chết như chúng tôi muốn!”
letemps.ch, Laure Lugon, 2020-04-17
Triết gia người Pháp André Comte-Sponville Auteur, tác giả của hơn hai mươi quyển sách triết học, quá bực mình với tình trạng hiện nay.
Đây là ý kiến trái ngược với sự đồng điệu hiện nay chung quanh coronavirus và tình trạng cách ly. Triết gia Pháp lấy làm tiếc người ta hy sinh người trẻ để cứu người già, hy sinh tự do vì sức khỏe. Ông đặt câu hỏi về mối quan hệ của chúng ta với cái chết.
André Comte-Sponville, triết gia Pháp ngày 17 tháng 3 – 2019 tại Paris. — © JOEL SAGET / AFP
Le Temps: Đây là lần đầu tiên trong Lịch sử, loài người tự cho mình có nhiệm vụ cứu mọi người. Một tin vui sao?
André Comte-Sponville: Tôi đồng ý. Mới thoạt đầu, đây là phản ứng tốt đẹp. Nhưng nó cũng là một dự án hoàn toàn phi lý. Nếu tuổi thọ đã tăng đáng kể, thì càng tốt, nhưng tỷ lệ tử vong cá nhân đã không thay đổi trong vòng 200.000 năm nay. Khi nào cũng có một trên một, vậy là 100%! Ngắn gọn, tôi có hai tin nói với bà, một tin vui, một tin buồn. Tin buồn là tất cả chúng ta rồi sẽ chết. Tin vui là đại đa số chúng ta sẽ chết vì một lý do nào khác hơn là vì Covid-19!
Tuy nhiên ở tuổi 68, ông cũng nên vui vì có biện pháp phòng ngừa!
Tôi là người hay lo lắng, tôi không sợ chết vì con vi-rút này. Tôi ít sợ nó hơn là sợ bệnh Alzheimer! Vì nếu tôi bị nhiễm, tôi có 95% may mắn thoát được. Vì sao tôi phải sợ? Điều làm tôi lo lắng không phải là sức khỏe của tôi, mà số phận của các người trẻ. Với suy thoái kinh tế do cách ly, người trẻ sẽ trả một giá quá đắt, dưới hình thức thất nghiệp hoặc mang nợ. Hy sinh người trẻ cho sức khỏe người già, đó là cả một lầm lạc. Điều này làm tôi muốn khóc.
Ông sẽ bị buộc tội nếu muốn lên án cuộc sống để cứu kinh tế!
Sai! Y khoa rất đắt tiền. Vậy phải cần có một nền kinh tế thịnh vượng. Khi nào chúng ta sẽ ra khỏi tình trạng phong tỏa? Dĩ nhiên chúng ta phải tính đến các dữ liệu kinh tế, xã hội, chính trị và nhân bản! Tăng chi phí y tế? Rất tốt! Nhưng bằng cách nào nếu kinh tế sụp đổ? Nghĩ rằng tiền sẽ tuôn ra như nước là ảo ảnh. Chính con cái chúng ta sẽ trả nợ mà phải nhớ tuổi trung bình của các ca tử vong là 81. Theo truyền thống, cha mẹ hy sinh cho con cái. Chúng ta đang làm điều ngược lại! Về mặt đạo đức, tôi không thấy thỏa đáng!
Việc quá tải các bệnh viện có phải là lý do đủ để có biện pháp cách ly không?
Thực sự đó là lời biện minh chính, và với lý do này tôi không chống đối. Nhưng khi bệnh viện có lại được hệ thống hành động thì phải ngưng, hoặc ít nhất phải được nới lỏng. Tôi sợ ở Pháp, người ta càng ngày càng lo cho sức khỏe và ngày càng ít lo cho tự do (nước Pháp là một trong các nước hiếm hoi mà chữ “tự do” thường bị cho là lời lăng nhục), điều này được thỏa hiệp trễ hơn ở hầu hết các nước tương tự. Tôi có nên đi Thụy Sĩ để có thể sống tự do hơn không?
Ông có lấy làm tiếc cho việc trở lại vinh quang của khoa học không?
Tôi lấy làm tiếc cho chủ nghĩa y khoa đại trà, loại ý thức hệ gán quyền lực cho y khoa. Một loại văn minh đang nảy sinh, đặt sức khỏe là giá trị tối thượng. Bà xem câu nói đùøa của nhà văn Voltaire: “Tôi quyết định phải hạnh phúc, vì như thế là tốt cho sức khỏe.” Trước đây sức khỏe là điều kiện để có hạnh phúc. Bây giờ, sức khỏe là cùng đích nên hạnh phúc là phương tiện!
Hệ quả là chúng ta giao cho y khoa quản trị không những bệnh tật của chúng ta, dĩ nhiên chuyện đó là bình thường, nhưng còn giao cả đời sống và xã hội chúng ta cho y khoa. Chúa đã chết, hoan hô bảo hiểm sức khỏe! Trong thời gian này các chính trị gia tránh đưa ra các chủ đề dễ gây giận, họ không còn làm chính trị, họ chỉ dốc tâm lo cho sức khỏe và an toàn cho công dân của họ. Khi chúng ta giao nền dân chủ cho các chuyên gia, nền dân chủ sẽ chết.
Phản ứng của chúng ta trước nạn dịch có phải đến từ sự việc, rằng cái chết là chướng ngại cho cảm giác toàn năng đương đại của chúng ta không?
Cái chết ngày nay được xem như một thất bại. Phải đọc lại nhà văn Montaigne (1533-1592), người biết các vụ dịch hạnh còn nặng hơn coronavirus, ông viết trong tập Khảo luận của ông: “Mục đích của sự nghiệp chúng ta, đó là cái chết … Nếu nó làm chúng ta hãi sợ, làm sao có thể bước một bước đi tới mà không lên cơn sốt? Thuốc chữa của chuyện thông thường này là đừng nghĩ đến nó. […] nhưng khi cái chết đến cho chính họ, cho vợ họ, cho con cái, bạn bè, làm cho họ ngạc nhiên bất ngờ, họ thấy, bao nhiêu là dằn vặt, khóc than, bao nhiêu là giận dữ, là tuyệt vọng vây khốn họ!” Bây giờ chúng ta đang ở trong tình trạng này! Chúng ta thấy chúng ta là phàm nhân, như thế là phải chết. Nếu hồi đó chúng ta nghĩ nhiều hơn, sống sâu đậm hơn. Chúng ta hãy ngừng mơ mộng toàn năng và luôn hạnh phúc. Hữu hạn, thất bại, chướng ngại là phần số của thân phận con người. Cho đến khi nào chúng ta không chấp nhận cái chết thì chúng ta sẽ điên lên với từng dịch bệnh. Và tại sao lại có quá nhiều than van trắc ẩn chung quanh Covid-19, nhưng không trắc ẩn cho chiến tranh ở Syria, cho thảm kịch của người di dân hay cho chín triệu người (trong đó có ba triệu trẻ em” chết vì suy dinh dưỡng? Về mặt đạo đức và tâm lý là điều không thể chịu đựng nỗi.
Có phải sự không chắc chắn tạo ra sự kinh hoàng tập thể này không?
Từ bao giờ, sự không chắc chắn là số phần của chúng ta. Cuộc chiến của loài người và vi khuẩn không phải là mới, bệnh này không kết thúc thế giới. Thời xưa còn tệ hơn! Trong những tuần vừa qua, may thay là tôi không nghe một ai nói Covid-19 là trời phạt, cũng không ai dựa trên cầu nguyện để đánh bại vi-rút! Đó là một tiến bộ! Ít mê tín và nhiều lý trí hơn!
Thật không? Ông quên thuyết âm mưu rồi!
À đúng. Mê tín dị đoan đã đi lui. Nhưng than ôi, tỷ lệ ngu ngốc vẫn không đổi.
Theo ông, giá trị nào vượt lên sức khỏe?
Sức khỏe không phải là một giá trị, nó là một điều tốt: một cái gì đáng mong ước, chứ không phải cái gì đáng ngưỡng mộ! Mọi người đều biết các giá trị lớn: công chính, tình yêu, lòng quảng đại, can đảm, tự do… Tôi chưa sẵn sàng hy sinh tự do của tôi cho sức khỏe! Chúng ta chỉ chấp nhận quản thúc tại gia – thực tế là cách ly – một thời gian ngắn. Tôi sợ thứ trật sức khỏe thay thế “thứ trật đạo đức”, như người ta nói trong thời chống cộng tại Mỹ trong những năm 1950. Tôi sợ rằng chúng ta lún vào cái gọi là “sức khỏe cho đúng đắn” như chúng ta thường hay nói phải “nói năng cho đúng đắn”. Tôi rất quý các bác sĩ, nhưng tôi sẽ không đặt mình dưới các bức chế y khoa. Chúng ta sẽ tiếp tục cách ly vô hạn định người lớn tuổi, cho rằng làm như thế là để bảo vệ họ? Họ lấy quyền gì để nhốt tôi ở nhà? Tôi sợ làm nô lệ hơn là sợ chết. Từ mười lăm ngày nay, tôi tiếc mình không được là người Thụy Điển: tôi sẽ ít bị tước tự do di chuyển!
Dù phải trả giá bằng mạng sống?
Nhưng hãy để chúng tôi chết như chúng tôi muốn! Alzheimer hay ung thư cũng có nhiều nạn nhân như coronavirus, người ta có quan tâm không? Người ta khóc các cái chết trong các cơ sở y tế thuốc men, nhưng chúng ta có nhớ, chung chung chúng ta đến đó để chết không? Xin lỗi tôi nói không theo cách ‘vệ sinh đúng đắn’! Tôi không chịu đựng được loại cảm xúc tốt đẹp này, loại tuôn tràn lòng trắc ẩn của giới truyền thông, các huân chương người này ban cho người kia. Con người bị dằng xé giữa ích kỷ và vị tha, đó là chuyện bình thường. Chúng ta đừng dựa trên cảm xúc tốt đẹp để thay thế chính trị.
Có phải ảo tưởng khi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng này sẽ thay đổi xã hội không?
Những ai nghĩ rằng xã hội sẽ không thay đổi gì, họ lầm. Những ai nghĩ đại dịch sẽ thay đổi tất cả, họ cũng lầm. Đại dịch này đặt ra đủ loại vấn đề nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề nào. Nền kinh tế sẽ giữ các bó buộc và các đòi hỏi của nó. Có thể chúng ta sẽ lượng giá lại tiền lương của một số nghề hữu ích cho xã hội chăng? Càng tốt! Nhưng các cầu thủ sẽ tiếp tục hưởng lương bạc triệu, điều này khó có thể xảy ra cho các y tá.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Roger-Pol Droit: “Suy nghĩ lại về cái chết, không bị mê hoặc, không hoành tráng vĩ đại, không trốn tránh, không dửng dưng”
Roger-Pol Droit: “Tha cảm, chia sẻ cảm xúc không trì hoãn, không suy nghĩ vẫn là một chuyện bí ẩn”
Theo triết gia Roger-Pol Droit, coronavirus là cơn sóng thần tinh thần