Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (5/6)
Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser
Tiến tới Trọn vẹn và Cân bằng – Vài chi tiết quan hệ đến Bốn rường cột của Linh đạo Kitô.
Chúng ta sẽ gặp vấn đề khi chúng ta không định danh đúng sự việc. Nhiệm vụ phần còn lại của chương này sẽ là việc định danh. Nó sẽ không cố gắng đặt ra một nền thần học tích cực của cầu nguyện, công bằng xã hội, chữa lành tâm hồn, và giáo hội. Điều đó sẽ đến sau. Ở đây chúng tôi chỉ muốn định danh cho bốn trụ cột thiết yếu, không nhân nhượng và nhấn mạnh đến một số vấn đề, hậu quả khi chúng ta coi thường thực tế đó.
1- Cầu nguyện và đạo đức cá nhân
Cầu nguyện và đạo đức cá nhân thấm nhập vào mọi chuyện, dù trong cả những việc nhỏ bé riêng tư nhất của chúng ta, là điều mà Chúa Giêsu đã nói đến không nhân nhượng trong đời sống thiêng liêng. Ngài đòi hỏi chúng ta phải “cầu nguyện trong thinh lặng,” để có một liên hệ mật thiết với Ngài và qua Ngài với Thiên Chúa. Hơn nữa, trong tâm trí Chúa Giêsu, để xem chúng ta có thực sự có kết hiệp mật thiết với Chúa hay không, không phải là vấn đề cảm nhận có hay không có kết hiệp, nhưng là có giữ điều răn: “Nếu ai yêu mến Thầy, người đó sẽ giữ điều răn của Thầy.” Trong các sách Phúc âm, trung tín giữ các điều răn là tiêu chí đích thực uy thế nhất để cầu nguyện mà không có ảo tưởng. Một trong những cái neo của đời sống thiêng liêng là cầu nguyện và đạo đức cá nhân.
Trong quá khứ, điều này sẽ không cần được nhấn mạnh trong một cuốn sách như thế này. Khi nhìn vào các sách vở ngày xưa của Kitô giáo, lời dạy này luôn là trọng tâm và đôi khi được xem là yếu tố quan trọng duy nhất trong linh đạo. Nhiều người Công giáo La Mã truyền thống và hầu hết mọi người trong các giáo hội Tin Lành Phúc Âm vẫn tin tưởng điều này. Đối với họ, một mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô và giữ mười điều răn vẫn là trọng tâm của đời sống thiêng liêng.
Với nhiều loại nguyên do, nhiều Kitô hữu trong nền văn hóa của chúng ta, và cách riêng các Kitô hữu phái tự do không chia sẻ quan điểm này. Với giáo lý Kitô giáo tự do và với nền văn hóa thế tục, người ta sợ rằng kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu là một điều nguy hiểm, nó sẽ tách chúng ta ra khỏi tôn giáo chân thật. Vì vậy, nói về một kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu ngày nay là có nguy cơ bị xem là chính thống cực đoan. Mộ đạo cũng bị nhiều người xem là một đức hạnh thủ cựu.
Khi các Kitô hữu tự do và văn hóa thế tục phê phán khía cạnh mật thiết của linh đạo thì sự phê phán này không phải là không chính đáng (hoặc các lý do lịch sử), nhưng tự nó là một điều nguy hiểm về tâm linh. Bất kể là điều gì cần phải được nhấn mạnh trong tôn giáo, vấn đề đòi hỏi về cầu nguyện và đạo đức cá nhân không bao giờ bị loại bỏ hay tầm thường hóa. Đó là sự thật, là một trong những phê phán gay gắt nhất về tình trạng của những Kitô hữu thủ cựu, rằng chúng ta có thể giữ các điều răn mà không sống yêu thương, nhưng nó cũng là sự thật, và Chúa Giêsu dạy rất rõ điều này, rằng chúng ta không thể giả vờ yêu thương nếu chúng ta không giữ các điều răn.
Có một mối nguy thực sự trong đời sống thiêng liêng quá ư riêng tư. Đời sống thiêng liêng không phải chỉ có “Chúa Giêsu và tôi.” Tuy nhiên, cũng có một mối nguy ngang tầm khi sống không đủ mức “Chúa Giêsu và tôi” trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Mối nguy nằm ở việc không có tính hướng nội riêng (thân mật với Chúa) và sự trung thành đạo đức cá nhân để hỗ trợ cho lời rao giảng đức tin của chúng ta sẽ làm cho chúng ta cuối cùng biến linh đạo Kitô thành một triết lý, một ý thức hệ, một bộ luật luân lý, nhưng rốt cùng bỏ qua những gì là linh đạo Kitô, chính là một kết hiệp với con người thực. Nếu chúng ta từ chối không thực hiện nghiêm túc trụ cột đầu tiên này của đời sống thiêng liêng, chúng sẽ tiếp tục dấn bước, có lẽ với cả lòng say mê, nhưng chúng ta sẽ không thể khởi hứng và truyền đạt lại đức tin cho con cái chúng ta. Hơn nữa, chúng ta còn cảm thấy mình trống rỗng, tức giận, cảm giác bị lừa, và đấu tranh với cám dỗ trở nên chua cay hơn hay ruồng rẫy hơn.
Thánh Phaolô đã cảnh giác, chúng ta phải canh chừng, sợ khi đi giảng cho người khác, chúng ta lại mất linh hồn. Cầu nguyện riêng và đạo đức riêng không bao giờ để bị đóng khung, nếu không, như cha Henri Nouwen đã nhấn mạnh, tôi có thể thấy “Ngay khi tôi tự hào về đời sống thiêng liêng nội tại, tôi cảm thấy đức tin trống rỗng. Ngay khi người ta cám ơn tôi đã đưa họ lại gần Chúa, tôi cảm thấy Chúa bỏ tôi. Nó giống như căn nhà cuối cùng tôi tìm thấy, lại không có móng.”
Trong rất nhiều các tác phẩm cổ điển của văn học Kitô giáo, các tác giả, đôi khi hiển thánh chính họ, cho rằng chúng ta sẽ có những tiến bộ trong đời sống thiêng liêng, nếu mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành nhiều thì giờ để cầu nguyện riêng tư, chỉ cần cẩn trọng trong tất cả mọi khía cạnh đạo đức của đời sống riêng của chúng ta. Về cốt lõi, đó là điều không nhân nhượng trong đời sống thiêng liêng.
2-. Công bằng xã hội
Sẽ có nhiều Kitô hữu ngạc nhiên khi biết ra lời kêu gọi tham dự vào việc kiến tạo công lý cho người nghèo là thiết yếu và không nhân nhượng trong đời sống thiêng liêng cũng như lời dạy của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta cầu nguyện và giữ cuộc sống riêng tư đúng đắn. Chúa Giêsu giảng điều này rất mạnh, kiên định nhất quán trong các Phúc âm và không có chỗ cho sự lập lờ. Trong các bản văn Kitô giáo, cứ một trong mười dòng là đề cập trực tiếp đến người nghèo cụ thể về mặt thể lý và tiếng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đáp trả. Trong phúc âm thánh Luca, cứ mỗi sáu dòng, trong các thư thánh Gio-an, dưới hình thức này hay hình thức khác, cứ mỗi năm dòng đều có nhắc đến.
Hơn nữa, tiếng gọi thực thi công lý là một phần nguyên tính của sự kết hiệp với Chúa thể hiện mạnh mẽ trong các bản văn Do Thái giáo. Bắt đầu từ khoảng 800 năm trước Công nguyên, các ngôn sứ Do Thái đã đặt một trọng tâm chân lý trong lời rao giảng của họ. Họ dạy rằng giá trị đức tin của dân chúng tùy vào đặc nét công lý trong vùng – và nó được đánh giá bởi cách chúng ta đối xử với những thấp bé nhất trong xã hội, cụ thể là quả phụ, cô nhi, và khách lạ. Như vậy, theo các ngôn sứ Do Thái, tương quan của chúng ta với Chúa không chỉ phụ thuộc vào lời cầu nguyện và lòng thành mà còn dựa vào tương quan của chúng ta với người nghèo.
Chúa Giêsu không bao giờ bàn cãi chuyện này. Ngài đi xa hơn. Ngài đồng hóa sự có mặt của mình với người nghèo và cho chúng ta biết, ngày tận cùng, chúng ta sẽ được xét xử theo cách chúng ta đối xử với người nghèo. Nói thẳng ra, chúng ta sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục dựa trên việc chúng ta có cho họ thức ăn, nước uống, áo quần, chỗ ở và công lý hay không. Cách chúng ta đối xử với người nghèo là cách chúng ta đối xử với Thiên Chúa. Vì lý do này, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải ưu tiên cho người nghèo: “Khi con mời ai ăn, con đừng mời bạn bè, gia đình, những người thân cận hay hàng xóm giàu có, những người này có thể mời lại và trả lại cho con những việc con làm. Không, khi con làm một bữa tiệc, con hãy mời người nghèo, người tàn tật, què quặt, đui mù; sau đó con sẽ được phúc lành.” Dành ưu tiên cho người nghèo là yếu tố thiết yếu của đời sống thiêng liêng.
Đây không phải là một giáo huấn mới, mặc dù hiểu biết của chúng ta về nó đang được đào sâu thêm. Cách này cách khác, tất cả các giáo hội Kitô luôn luôn dạy điều này, và họ cũng luôn sống nó theo cách thể hiện tốt nhất của mình. Mặc dù có nhiều thiếu sót ngăn trở trong lịch sử Kitô giáo, nhưng cũng có một lịch sử tự hào trong tương quan với người nghèo. Từ việc thành lập ban đầu của bệnh viện, trại mồ côi, trung tâm cung cấp lương thực, trường học cho người nghèo (có rất lâu trước khi xã hội thế tục thay thế vai trò này), cho đến vai trò của các giáo đoàn trong việc xóa bỏ chế độ nô lệ, rao giảng phúc âm trong xã hội của các giáo đoàn Tin Lành, thần học giải phóng và các thông điệp xã hội của giáo hội Công giáo luôn luôn hướng đến ưu tiên cho người nghèo như là một phần nguyên tính của việc sống đức tin.
Tiếng gọi gắn kết với việc giúp đỡ người nghèo để tìm kiếm công lý là một rường cột không nhân nhượng của linh đạo Kitô. Phần lớn nền văn hóa ngày nay, cách riêng trong nền văn hóa Kitô thủ cựu, đang đấu tranh với vấn đề này, họ phản đối, cho rằng đây thực sự là vấn đề chính trị và không có cái gì tương quan với trọng tâm của tôn giáo. Nhưng, như Chúa Giêsu đã nói rõ, không thể thực sự kết hiệp với Chúa nếu bỏ quên người nghèo và bất công đầy dẫy. Khi chúng ta chỉ làm cho đời sống thiêng liêng có tính cách riêng tư, gạt bỏ người nghèo, gạt bỏ công bình đã được thiết lập, thì đời sống thiêng liêng sẽ xuống cấp thành một loại trị liệu riêng tư, một hình thức nghệ thuât, hay tệ hơn nữa, một phường không lành mạnh.
Không thể kết hiệp với Chúa mà không cảm thấy bức rức, đau đớn khi, thẳng thắn và thành thật, nhìn vào những người thấp kém nhất trong xã hội đang sống như thế nào và lối sống riêng của chúng ta góp phần tạo nên chuyện này. Đây không phải là những điều mà những nhà thần học giải phóng, những người bênh vực nữ quyền, và những người bảo vệ công bằng xã hội đang cố gắng nhồi nhét vào đầu chúng ta. Đây không phải là một vấn đề nghị sự tự do. Nó là cái gì ở trọng tâm của Tin Mừng mà chính Chúa Giêsu đã đặt ra tiêu chuẩn tối hậu cho phán quyết cuối cùng dành cho chúng ta.
Nguyễn Kim Long dịch
Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô
Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (1/6)
Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (2/6)
Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (3/6)
Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (4/6)