Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (3/6)

537

Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (3/6) 

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Yếu tính của Linh đạo Kitô – Bốn trụ cột không nhân nhượng của đời sống thiêng liêng.

Dẫn giải

Bốn trụ cột thiết yếu này hỗ trợ cho bất cứ một nền linh đạo Kitô lành mạnh nào. Đây là thách thức tinh thần phải được thực hiện phổ quát và được Đức Kitô mặc khải như yếu tố không nhân nhượng về tinh thần môn đệ Kitô. Những trụ cột này là gì?

Có lần trong khi đi rao giảng, Đức Giêsu đặc biệt nêu rõ ba điểm quan trọng trong tinh thần môn đệ: cầu nguyện, chay tịnh và bố thí.  Với Ngài, đây là các trụ cột của đời sống tinh thần. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu những mệnh lệnh này theo cách của Chúa Giêsu muốn nói. Với Ngài, cầu nguyện không chỉ có nghĩa là cầu nguyện riêng tư, mà phải giữ các điều răn và cầu nguyện chung với người khác, ăn chay có nghĩa là một tinh thần khổ hạnh bao gồm trong đó là một tinh thần vui sống, và bố thí có nghĩa là, trong số các điều khác, công bằng cũng tốt lành ngang với lòng bác ái.

Nhìn vào đó, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã chỉ thị bốn điều như một thói quen cần thiết cho đời sống tinh thần lành mạnh: a) Cầu nguyện riêng và đạo đức riêng; b) công bằng xã hội; c) tâm hồn và tinh thần dịu ngọt và d) cộng đồng như một yếu tố cơ bản chủ yếu của việc thờ phượng chân chính.

Đối với Chúa Giêsu, bốn thành tố này bao gồm tính thiết yếu, tính không nhân nhượng của tinh thần môn đệ Kitô. Đây không phải là những yếu tố chúng ta có thể chọn hoặc không chọn để kết hợp vào đời sống thiêng liêng của chúng ta. Chúng nội hàm thực chất và cũng mang lại sự cân bằng của đời sống thiêng liêng. Chỉ khi tất cả bốn thành tố này hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta mới lành mạnh trong vai trò Kitô hữu cũng như vai trò con người. Điều gì bao hàm chính xác những điều này?

Trước khi xem xét vài chi tiết trong từng điều, một vài lệch lạc nên được cho vào thứ trật. Freud đã nói nếu bạn muốn hiểu điều gì đó, hãy nhìn nó thật gần khi nó tan vỡ. Với ý nghĩ đó, chúng ta xem xét các câu chuyện mà trong đó trọn vẹn linh đạo như Đức Kitô đã chỉ thị, bị tan vỡ. Một linh đạo tan vỡ sẽ như thế nào?

Từng câu chuyện đưa chúng ta gặp một Kitô hữu, dù họ rất chân thành, nhưng theo một cách nào đó, họ sống một chiều và thiếu thăng bằng vì họ đóng khung vào một cái này hay cái kia trong các trụ cột không nhân nhượng của linh đạo Kitô.

Một số câu chuyện về sự thiếu cân bằng

1- Cầu nguyện riêng tư và đạo đức riêng tư – nhưng thiếu đức công chính

Vài năm trước đây, tôi nghe một chương trình phát thanh quốc gia, chương trình chuyện trò điện thoại, và chủ đề đó đã dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt:

Liệu các giáo hội có nên dự phần vào chính trị? Khách mời là một Giám mục Công giáo, người có danh tiếng tầm quốc gia vì ngài có quan điểm mạnh mẽ về công bằng xã hội. Theo quan điểm của ngài, các giáo hội nên thúc đẩy rõ ràng các chính phủ, các tập đoàn kinh doanh, và mọi người dân hướng đến việc thiết lập một trật tự kinh tế, chính trị và xã hội công bằng hơn.

Có một phụ nữ tức giận gọi điện và chất vấn giám mục: “Thưa Ngài, những gì tôi không hiểu được là tại sao các giáo hội, và những người như chính ngài, luôn muốn thuyết giảng về kinh tế, nghèo đói, y tế công cộng, quyền con người và những chuyện tương tự như thế, những chuyện không thực sự dính dáng đến tôn giáo. Một vài người cấp tiến và những đại diện của công bằng xã hội làm cho người dân phát ngán về những vấn đề này và rồi họ cố gắng đùn đẩy cho tất cả người khác. Tại sao giáo hội không ở yên chỗ của mình, trong lòng giáo hội và dạy chúng tôi về đức tin, cầu nguyện, mười điều răn và những điều chân thực của tôn giáo? Tại sao ngài không để chính trị và kinh tế cho các chính trị gia và các nhà kinh tế?… những người chắc chắn biết nhiều về chúng!”

Câu trả lời của vị giám mục như sau: “Tôi sẽ trả lời câu hỏi của chị, nếu chị trả lời cho tôi trước. Chị sẽ làm gì nếu chị là giám mục và có một phụ nữ thành khẩn gọi điện và nói với chị: “Linh mục của chúng tôi từ chối không rao giảng về đức tin, cầu nguyện riêng và đạo đức riêng. Ông nói những thứ đó chỉ dành cho một nhóm nhỏ các nữ tu chiêm niệm, các vị đi tu quan tâm đến chuyện đó, đang cố tiêm nhiễm phần còn lại của giáo hội. Ông nói rằng lời cầu nguyện và mười điều răn (trừ những điều liên quan đến công lý) là không quan trọng. Ông nói Thiên Chúa không coi trọng những nỗ lực chiến đấu đức tin nho nhỏ của cá nhân chúng ta, cầu nguyện và giới răn, đặc biệt là những điều dính dáng đến đạo đức cá nhân. Thiên Chúa lo lắng đến việc cứu độ thế giới, với bình diện lớn hơn, và không quan tâm gì đến bận tâm nhỏ bé riêng tư của chúng ta.” Chị sẽ làm gì trong tình huống đó?”

Cô trả lời không do dự: “Tôi sẽ đình chỉ công việc của vị linh mục đó ngay!”

Vị giám mục trả lời: “Vậy tôi nên làm gì khi người dân cho tôi biết, ‘linh mục của chúng tôi từ chối giảng các lời phúc âm dạy về công bằng xã hội. Ông nói đó chỉ là một điều gì đó mà một nhóm nhỏ các nhà thần học giải phóng với bận tâm cánh tả của họ, đang cố gắng đưa vào đầu óc của những người còn ở lại trong giáo hội. Ông nói những gì Chúa Giêsu nói về công lý cho người nghèo là không quan trọng, miễn là bạn cầu nguyện và giữ các điều răn.’ Vậy tôi phải làm gì tiếp? Tôi hỏi điều này bởi vì lời phúc âm dạy phải góp phần tạo nên công lý cho người nghèo là rõ ràng và không nhân nhượng, cũng như phúc âm kêu gọi cầu nguyện và giữ cuộc sống riêng tư của chúng ta theo giới luật. Cả hai, cầu nguyện và công lý, là điều không bàn cãi

Đây là một trao đổi thú vị bởi vì nó làm nổi bật sự mất cân bằng đức tin có thể xảy ra nơi cuộc sống của một người chân thành và có đức tin, nếu như cô ấy đóng khung điều gì đó thiết yếu trong đời sống tinh thần. Đây là trường hợp của một người dù đi nhà thờ thường xuyên, có cầu nguyện, và cuộc sống riêng tư về cơ bản là tốt nhưng lại không cân bằng tinh thần. Một yếu tố cấu thành chủ yếu của tinh thần môn đệ Kitô đã thiếu nơi cô. Đức tin của cô là đức tin một chiều. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, không phải chỉ có một mình cô như vậy.

2- Công bằng xã hội – Nhưng thiếu cầu nguyện và đạo đức riêng

Là một linh mục trẻ khi còn ở học viện San Francisco, tôi đã phụ trả tiền học phí bằng cách làm việc như một linh mục tuyên úy tại nhà tập thể trong một khu vực nghèo của thành phố. Qua công việc ở đó, tôi đã gặp và kết bạn với David, một người trẻ làm việc xã hội trong vùng. Anh là một người Công giáo La Mã, dù thỉnh thoảng mới đi nhà thờ, về cơ bản anh không cầu nguyện riêng và thậm chí không còn giữ giáo huấn luân lý của giáo hội liên quan đến tình dục và hôn nhân. Anh thoải mái nói ra điều này, với anh các ràng buộc đó là những bận tâm của thời trung cổ. Tuy nhiên, anh tận tụy hết sức với giáo huấn xã hội của giáo hội, say mê vì công lý, và là một người khá quãng đại, tiết kiệm các chi phí của mình để giúp người nghèo.

Một ngày nọ, anh hỏi tôi: “Cha có thực sự nghĩ rằng Thiên Chúa có để tâm chút gì khi cha cầu nguyện sáng tối, hay khi cha có thái độ hằn học với kẻ làm tổn thương cha, hay khi có thủ dâm hay không, hay khi cha ngủ với một người mà cha không kết hôn? Cha có thực sự tin rằng Chúa quan tâm đến những điều nhỏ bé vụn vặt này không? Là Kitô hữu chúng ta luôn luôn bận tâm đến những việc riêng tư nhỏ bé mà xao lãng đi một hình tượng lớn, một thực tế rằng một nửa thế giới đi ngủ với bụng đói mỗi đêm và chẳng ai bận tâm gì. Công bình, chứ không phải đời sống cầu nguyện vụn vặt của chúng ta, mới là điều quan trọng, xét theo cả tôn giáo và luân lý. Tại sao chúng ta cứ mãi bận tâm vì những thứ không đáng kể?”

Về mặt tôn giáo, chàng trai trẻ David này là người đối nghịch với người phụ nữ đã gọi điện đến chương trình phát thanh và chất vấn vị giám mục. Tuy nhiên, ở cấp độ khác, anh không khác gì cô ấy. Anh cũng giống cô ấy, có linh đaọ một chiều, đã chọn đóng khung một phần không nhân nhượng của tinh thần môn đệ Kitô. Sai lầm của anh là đã trả lời sai lầm câu hỏi sai của riêng mình: Liệu Thiên Chúa có quan tâm đến việc cầu nguyện riêng, những oán hờn và đạo đức riêng của chúng ta? Có rất nhiều là đàng khác. Thiên Chúa quan tâm bởi vì chúng ta quan tâm và những điều này tạo sự khác biệt lớn với Thiên Chúa bởi vì chúng, thực sự, tạo nên sự khác biệt lớn cho chúng ta.

Tuy nhiên, nếu anh và người phụ nữ mà chúng ta nghe ở câu chuyện trước gắn kết sự khác biệt của họ, họ vẫn không thể có một linh đạo tinh thần trọn vẹn – như chúng ta sẽ thấy câu chuyện tiếp theo.

Nguyễn Kim Long dịch

Xin đọc thêm:  Lời nói đầu sách Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô

Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (1/6)

Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (2/6)