Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (4/6) 

244

Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (4/6)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Yếu tính của Linh đạo Kitô – Bốn trụ cột không nhân nhượng của đời sống thiêng liêng. 

3- Cầu nguyện và đạo đức riêng và công bằng xã hội – nhưng thiếu dịu ngọt của tâm hồn và tinh thần

Mùa hè năm 1985, tôi tham dự một hội nghị ở Bỉ về giáo hội do bà Christiane Brusselmans tổ chức. Buổi hội nghị này được tổ chức ở một nhà cấm phòng ngoại ô Brugge.

Hội nghị quy tụ những người từ các châu lục và mỗi nhóm thảo luận đều có một người đại diện một châu. Vai trò của tôi là ghi lại các thảo luận của một trong các nhóm này. Ngày đầu tiên, tất cả mọi người trong nhóm kể về câu chuyện của mình, chia sẻ với nhóm kinh nghiệm của mỗi người về giáo hội.

Trong nhóm do tôi làm thư ký, có một nữ tu trẻ từ châu Á rất giống với hình ảnh mẹ Têrêxa. Chị mặc áo dòng cổ truyền, có một đời sống cầu nguyện thâm sâu, viếng Thánh Thể mỗi ngày, và không ai có thể nghi gì về đời sống riêng của chị. Thực sự chị không có cuộc sống riêng tư khép kín, đời sống của chị là cuốn sách mở, với những người trong cộng đồng của chị gần như 24 giờ trong ngày. Do đó, nói đến việc cầu nguyện và đạo đức cá nhân của chị, thì đời sống của chị là đời sống rất mực tốt lành.

Nhưng, không như người phụ nữ đã chất vấn giám mục trên đài phát thanh, chị không lạ lẫm gì với giáo huấn xã hội của giáo hội. Chị còn là mẫu gương về điều này nữa. Trong câu chuyện chia sẻ của chị, có một điểm chị mô tả chị và cả cộng đoàn của chị đã kiên quyết kết hiệp với người nghèo một cách triệt để hơn. Do đó, họ đã từ bỏ nhiều tiện nghi được hưởng trước đây về thực phẩm, quần áo, nhà cửa, nước dùng, và các tiện nghi khác. Bây giờ chị sống trong một tu viện trong đó các nữ tu ngủ trên nệm rơm, chỉ có hai bộ quần áo mỗi người (một bộ cho ngày Chúa nhật và một bộ để làm việc), ăn chay trường, tránh tất cả những gì là sang trọng, và, như một thừa tác vụ, làm việc trọn thời gian với người nghèo. Tác vụ riêng của chị là giúp đỡ các tù nhân chính trị. Do đó, còn hơn chàng trai trẻ trong câu chuyện trước, chị đã có một quyết định chọn lựa đối với người nghèo, là phục vụ cho công lý.

Nhưng đó không phải là tất cả những gì chị chia sẻ với nhóm chúng tôi. Câu chuyện của chị sẽ mang lại một sự méo mó lạ lùng.

Hội nghị của chúng tôi được tổ chức tại một nơi ẩn dật, tiện nghi vừa đủ thoải mái, nhưng không sang trọng. Do đó không ai phàn nàn chúng tôi sống mức quá cao, dù chúng tôi đang thảo luận về nạn nghèo đói ở những nơi khác trên thế giới. Thêm nữa, ban tổ chức bắt chúng tôi làm việc thật gay go. Chúng tôi có cuộc họp buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, và sau bốn ngày, ai cũng mệt mỏi. Vào ngày thứ năm, khi ăn trưa, bà Christiane đứng lên nói chúng tôi đã làm việc quá cật lực và đáng được nghỉ ngơi. Bà tuyên bố buổi chiều mọi người được tự do. Công việc duy nhất của chúng tôi cho phần ngày còn lại là đi xe buýt máy lạnh vào thành phố xinh đẹp Brugge, mua sắm, đi dạo, uống nước, và lúc bảy giờ tối, gặp nhau tại một nhà hàng hấp dẫn để có một bữa ăn tối kéo dài và ngon miệng. Một sự thoải mái chung lan ra… nhưng hôm sau, không phải ai cũng hứng thú như nhau về khoảng thời gian vui vẻ này.

Chúng tôi đã để một phần của ngày hôm sau để xem lại sự tổn hại này. Một số người trong nhóm hội nghị phàn nàn, thật sai lầm khi chúng ta thảo luận về người nghèo thì lại tiêu dùng thì giờ và tiền bạc cách phù phiếm. Tuy nhiên chị nữ tu trẻ lại yên lặng lạ thường.

Hội nghị đã kết thúc với phép lành Thánh Thể, ngay trước lời cầu nguyện cuối và chúc lành để bế mạc hội nghị, ban tổ chức mời ai cảm nhận thấy mình nhận được ân sủng sâu đậm thì lên chia sẻ với nhóm. Nhiều người tiến lên, đặc biệt những người ở các nước có nền kinh tế giàu có, họ chia sẻ cảm nghiệm thật là ân sủng cho họ gặp, diện đối diện, chia sẻ với những anh chị em từ các nơi khác trên thế giới. Gần đến cuối cùng, chị nữ tu trẻ từ châu Á cũng lên chia sẻ. Cô chia sẻ đôi điều về tác động này:

“Tôi cũng đã có một trải nghiệm ân sủng trong vài ngày qua và tôi đã được hoán cải theo cách mà tôi không bao giờ mơ được là tôi cần hoán cải như vậy. Hoán cải của tôi bắt đầu khi tuyên bố buổi chiều tự do. Từ giây phút nghe điều đó, có một cái gì trong tôi tê cứng lại, và tôi giận dữ. Tôi cứ nghĩ, ‘Thật là xúc phạm cho người nghèo! Đây là một lãng phí thì giờ và tiền bạc. Chúng ta đang ở đây với tiền bạc và thì giờ của người nghèo, và chúng ta làm gì với nó? Chúng ta đi bộ quanh các sân thượng của tiệm ăn, uống rượu, và ăn một bữa ăn ngon lành ở khách sạn Holiday Inn!’ Tôi đã giận dữ và tôi chỉ đi theo vì tôi muốn ở lại với nhóm và không muốn áp đặt ý riêng của tôi. Nhưng cả buổi chiều tôi thật khổ sở. Chúng tôi đi dọc con lộ, nhìn các cửa hàng với tất cả hàng hóa sang trọng trong đó, và rồi uống nước ở quán cà-phê sân thượng. Tôi rất buồn khổ đến nỗi tôi không từ chối thức uống tôi đã gọi. Lần đầu tiên tôi uống rượu gin. Vâng, tất cả mọi thứ lên đến đỉnh điểm khi chúng tôi đến khách sạn Holiday Inn ăn tối. Tôi bước vào nhà hàng, nhìn thấy tất cả dao nĩa bạc, khăn ăn vải lanh, tôi cảm thấy kinh tởm và không thể đi qua đó. Vì vậy, tôi đi ra ngoài ngồi trên xe buýt và chờ đợi trong khi mọi người khác ăn.

“Nhưng tôi đã ngồi ở đó rất lâu. Nhiều ý nghĩ chạy qua đầu tôi, và rồi đến một lúc, tôi tự đặt cho mình câu hỏi:

‘Liệu Chúa Giêsu có ở đó ăn uống và vui với mọi người hay không?” Và tôi đã nhận ra cách khủng khiếp rằng, Ngài sẽ ở đó! Thánh Gioan Tẩy Giả – với thắt lưng bằng dây da và ăn châu chấu! – sẽ đi với tôi trên xe buýt, nhân danh người nghèo sẽ tẩy chay tất cả niềm vui này. Tôi nhận ra rằng, trong tâm trí tôi, Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả đã hòa lẫn nhau, và tôi cũng nhận ra rằng có điều gì đó sai lầm trong tôi. Có điều gì đó lạnh lùng trong con người tôi. Tôi giống như người anh cả của đứa em hoang đàng, làm tất cả những điều phải, nhưng không có niềm vui trong quả tim tôi.”

Một câu chuyện khám phá nhất. Đây là một phụ nữ trẻ dường như sống ngoài lối sống trọn vẹn của Chúa Giêsu. Chị đang cầu nguyện, chay tịnh, bố thí, kết hợp với việc cầu nguyện riêng và một cuộc sống riêng tốt đẹp với một mối quan tâm lành mạnh cho công bằng xã hội. Vậy thì thiếu gì trong cuộc sống của chị? Thiếu sót tâm linh của chị nằm ở đâu?

Chính chịâ cho chúng ta câu trả lời: “Tôi như người anh của đứa em hoang đàng.” Chay tịnh, như Chúa Giêsu dạy, cũng bao gồm giữ chay các chua cay tâm hồn. Dịu ngọt tâm hồn là điều không nhân nhượng trong đời sống thiêng liêng cũng như toàn bộ đời sống riêng của mỗi người và nó cũng bao gồm luôn cả công bình. Tại sao? Bởi vì nếu không như vậy, cũng như người anh của đứa con hoang đàng, chúng ta có thể rơi vào cám dỗ mà T.S. Eliot mô tả rất hay: “Cám dỗ cuối cùng mà cũng là sự bội phản lớn nhất chính là làm điều tốt vì những nguyên do sai lầm.”

Theo cách nhìn của Chúa Giêsu, chúng ta không những cần sự thật đúng đắn, mà còn cần năng lực đúng.

Nhưng ngay cả vậy, người ta vẫn có thể thiếu một yếu tố thiết yếu cho sự lành mạnh trọn vẹn. Ngoài cầu nguyện và đạo đức cá nhân, ngoài công bằng xã hội, ngoài dịu ngọt tâm hồn, còn điều gì đòi hỏi nữa? Một câu chuyện cuối cùng…

4- Cầu nguyện riêng, đạo đức riêng, công bằng xã hội, dịu ngọt tâm hồn – Nhưng thiếu gắn kết với một cộng đồng cụ thể

Tôi có một người bạn, từ mọi góc độ, là một Kitô hữu gương mẫu, ngoại trừ một điều. Cô là người có đức tin, trung tín trong hôn nhân, một người mẹ tốt, vô cùng trung thực, cô đọc sách thiêng liêng, cầu nguyện riêng mỗi ngày, thậm chí còn hướng dẫn các cuộc tĩnh tâm và cầu nguyện cho người khác. Không có một mâu thuẫn lớn nào trong đời sống của cô về việc cầu nguyện riêng hoặc chính trực cá nhân. Cô cũng quan tâm sâu sắc tới công lý, tận tâm với nhiều việc nghĩa khác nhau, và gắn kết với vài nhóm để cố gắng giúp đỡ người nghèo; trong thực tế, một số người trong gia đình và bạn bè xem cô như một người vì công bằng xã hội tận căn. Hơn nữa, cô là người rất nồng hậu và duyên dáng. Cô thích tham dự các cuộc vui lễ với người khác, có óc hài hước, biết uống rượu, dường như rất ít cay đắng và tức giận với cuộc sống, không đưa người khác vào các chủ đề khó khăn, ngại rằng họ có thể, vô ý hay không biết sẽ buột miệng nói điều gì đó không đúng về chính trị, hay các thảm cảnh tăm tối của lịch sử hành tinh chúng ta. Sự hiện diện của cô là một sự vui vẻ chứ không chỉ trích và ở gần cô, bạn được thư giãn chứ không bồn chồn, lo lắng nửa vời.

Nhưng cô không đi nhà thờ. Theo quan điểm của cô, cô không đánh giá cao sự gắn kết cá nhân với một cộng đoàn giáo hội cụ thể. Cô không có cái nhìn hoàn toàn tiêu cực với nhà thờ, thỉnh thoảng cô cũng có đi nhà thờ. Vấn đề lớn ở đây là sự thờ ơ. Đối với cô, chuyện giữ đạo không quan trọng, nhưng là một chuyện có thể du di, một trong những chuyện tùy tiện, không cần thiết trong đời sống thiêng liêng.

Như vậy, dù có đức tin, dù quan tâm đến người nghèo, dù có dịu ngọt tâm hồn, cô vẫn thiếu cân bằng trọn vẹn. Tại sao? Điều gì thiếu hụt trong một đời sống quá chân thành, biết cầu nguyện và tử tế như vậy?

Thực tế, chân đạp đất, và nỗi đau cần thiết bạn chỉ có được khi gắn kết thực sự với gia đình giáo xứ cụ thể. Như chúng ta biết, trong giáo xứ, chúng ta không chọn ai sẽ đứng bên cạnh khi cùng nhau dâng thánh lễ và trong các dịp thờ phượng khác. Gia đình giáo xứ là một cỗ bài mà chúng ta được chia cách ngẫu nhiên và chính xác trong phạm vi của nó gồm những con người thuộc mọi kiểu tính khí, tư tưởng, đức hạnh, và lầm lỗi. Ngoài ra, sự liên kết trong giáo hội, khi được hiểu đúng, không để cho chúng ta ra đi bất cứ lúc nào chúng ta thấy có gì đó chúng ta không thích. Đó là một kết ước, như một cuộc hôn nhân, liên kết chúng ta trong thịnh vượng cũng như trong khó khăn.

Theo đó, nếu chúng ta tự cam kết với một cộng đoàn giáo hội và giữ cam kết đó, chúng ta sẽ, ở một số điểm, có trải nghiệm mà Chúa Giêsu đã nói trước với thánh Phê-rô, điều sẽ xảy đến cho mỗi tông đồ:

“Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Và Chúa Giêsu đã đúng. Cái mà cộng đoàn giáo hội lấy khỏi chúng ta là cái tự do giả tạo của chúng ta, cái làm chúng ta không vướng bận, tự do bay như những con chim, tưởng rằng chúng ta đã trưởng thành, yêu thương, tận tụy, và không đóng khung vào những chuyện phải thấy. Gia nhập vào cộng đoàn sẽ sớm làm tan ảo tưởng đó, làm cho chúng ta không có lối thoát, khi chúng ta luôn cảm thấy mình bé nhỏ và non nớt, thiếu nhạy cảm với nỗi đau của người khác, nhìn đời bằng đôi mắt chân thật và hồn nhiên.

Chúng ta có thể là những người rất tốt, cầu nguyện thường xuyên, tận tâm với công bằng xã hội, mà vẫn không trọn vẹn trách nhiệm. Chúng ta vẫn có thể sống với nhiều hoang tưởng và giữ cho mình một đời sống an toàn. Tuy nhiên, điều này khó khăn hơn, nếu chúng ta bắt đầu gia nhập một giáo đoàn, bất cứ giáo đoàn nào, đặc biệt là những giáo đoàn đủ lớn. Để liên kết cách thực sự trong một cộng đoàn giáo hội là phải bỏ hết các luật trừ của chúng ta.

Xin đọc thêm:  Lời nói đầu sách Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô

Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (1/6)

Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (2/6)

Nguyên tắc thiết yếu của Linh đạo kitô giáo (3/6) 

 

Nguyễn Kim Long dịch