Tâm trạng cô đơn trong Tân Ước (3/4)

184

Tâm trạng cô đơn trong Tân Ước (3/4) 

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser

Hướng đến giải pháp: Những định hướng dứt khoát

Giải pháp cho vấn đề cô đơn của nhân loại trong Tân Ước được định rõ trong phân tích về các nguyên do của nó. Nếu nguyên do của cô đơn là tội lỗi và tình trạng lữ hành trên trần gian, thì giải pháp tương ứng là con người phải đặt mình theo con đường hoán cải và đào sâu thêm vào vương quốc mà Chúa Giêsu đã hứa. Cả hai yếu tố này đều có sẵn trong phần mở đầu Tin Mừng theo thánh Maccô: “Đã đến thời viên mãn, nước Thiên Chúa đã gần kề, hãy sám hối và tin vào Tin mừng.” Với những lời này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta giải quyết nỗi cô đơn của chính mình theo một định hướng rõ ràng: xa tránh tội lỗi và hướng đến Tin mừng.

  1. Xa tránh tội lỗi

Châm ngôn xưa có nói; “Tội đẻ ra tội”. Bất hạnh thay, nó còn sinh ra lắm nỗi cô đơn. Nó là tha hóa đầu tiên và chính yếu, liên tục chia rẽ mối dây thân mến và yêu thương của chúng ta với người khác. Do đó, cũng như trong Cựu Ước, bước đầu tiên để thoát ra khỏi vòng cô đơn là hoán cải, là thay đổi đời sống, tránh xa kiêu ngạo và ích kỷ, ghen tương và bất tín, nhỏ nhẹn và chai đá, tất cả những gì khóa chặt lòng mình trong các bức tường cô đơn của nó.

Chỉ có một cách để phá vỡ những bức tường này, đó chính là con đường của hoán cải. Để không cô đơn, con người phải nhận lấy những đòi buộc của Chúa Giêsu cách nghiêm túc, bắt đầu bằng cách sống theo Bài giảng trên núi; bắt đầu nhìn ra khuôn mặt Thiên Chúa nơi các nhu cầu của tha nhân; bắt đầu sống trong trông đợi;16 bắt đầu trở nên một phần nhiệm thể Chúa Kitô; bắt đầu nỗ lực đời sống nhờ bí tích Thánh Thể; và bắt đầu theo Ngài đến Giêrusalem.

  1. Hướng đến Tin mừng

Tuy nhiên, chỉ đơn thuần xa lánh tội lỗi, mà không kèm theo một biến chuyển hướng đến một điều gì khác thì chưa đủ. Chúng ta nhận ra chính mình là người lữ hành đi trên trần thế có những khả năng, nhạy cảm, khao khát thâm sâu đáng kinh ngạc. Chúng ta đi trong đời sống này với lòng đói khát cả điều vô hạn lẫn hữu hạn. Quả tim chúng ta không chỉ khát khao điều vô hạn, điều vượt trên khả năng con người và những gì chúng ta biết được, mà chúng ta còn khát khao điều hữu hạn, những con người, những điều mà chúng ta nhận thức được. Chúng ta muốn cả hai.

Nhưng cái gì có thể dập tắt sự cô đơn đó? Hiệp nhất, kết hiệp, giao hiệp. Tâm trạng cô đơn của chúng ta sẽ được thỏa mãn trọn vẹn khi chúng ta đến với nhau trong hiệp nhất tận căn với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính tạo dựng; trong hiệp nhất với điều mà chúng ta chẳng bao giờ có thể trở nên một, như giọt nước trong lòng đại dương, nhưng trong đó mỗi người đều có đặc nét riêng của mình (thật ra là một cá nhân tính cao hơn), cho dù vẫn ở trong hiệp nhất hoàn toàn. Nhưng có thể được như vậy không? Liệu một đặc thù tự thân và một hiệp nhất ôm trọn tất cả sẽ không cùng nhau nên một được hay sao? Trải nghiệm được tình yêu trong cộng đoàn cùng với những điều được xã hội học và tâm lý học hiện hành đưa ra cho rằng phản đối hai điều trên là một phân rẽ bất hợp luật. Nghịch lý thay, hiệp nhất với tha nhân và được ôm trọn trong tình người, thay vì hạ thấp lại nâng cao đặc tính của chúng ta. Chúng ta không bao giờ là chính mình cho bằng lúc đang yêu.

Đức Kitô nói cho chúng ta biết, sự hiệp nhất hay giao hợp có thể này không chỉ đơn thuần là hiệp nhất mà còn là đích điểm tận cùng của lời mời gọi dành cho chúng ta và cho ý nghĩa của đời sống chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để xa lánh tội lỗi và hướng đến: một vương quốc của thống nhất, một đời sống mới hiệp nhất với Thiên Chúa và với tha nhân, một đời sống ân sủng. Nơi tâm điểm con người và thông điệp của Đức Kitô là lời hứa sẽ đưa tất cả những người có thiện tâm vào cộng đoàn của sự sống và yêu thương, cộng đoàn của thống nhất tuyệt diệu sẽ xóa tan mãi mãi tất cả nỗi cô đơn. Đối với Đức Kitô, đây là lời đáp tận cùng cho tâm trạng cô đơn của con người. Chúng ta được tạo thành cho cộng đoàn thông hiệp sự sống này. Tất cả mọi thứ khác sẽ chỉ là sự trọn vẹn phần nào đó mà thôi. Tất cả nỗ lực để giải quyết nỗi cô đơn của chúng ta nằm ngoài thông hiệp sự sống này, về một số điểm, thì số phận của nó chỉ là hụt hẫng mà thôi.

Dù vậy, ngay cả hiệp thông sự sống này cũng không giải quyết tức thời tất cả nỗi cô đơn của chúng ta. Như chúng ta đã thấy, vương quốc của Thiên Chúa mà Đức Kitô đã đến trần gian để đem lại cho chúng ta, có hai giai đoạn: một giai đoạn đã được nhận biết, bắt đầu với việc Ngài xuống thế, và môt giai đoạn hòa hợp trọn vẹn, sẽ chỉ đến lúc Chúa Kitô trở lại vào thời cánh chung. Cho đến lúc đó, hay cho đến lúc chúng ta chết, trong thời gian chờ đợi vương quốc viên mãn đó, phần nào chúng ta sẽ luôn luôn mang tâm trạng cô đơn. Tuy nhiên, dù ngay cả bây giờ, mức độ cô đơn sẽ tùy thuộc nhiều vào mức độ hội nhập của chúng ta vào thông hiệp sự sống này, vào cộng đoàn những người thành tín.

Làm sao chúng ta vào được trong hiệp thông sự sống, vương quốc, vùng đất ân sủng này? Chúa Giêsu đã cho chúng ta lời đáp rõ ràng. Lối vào vương quốc, vào thông hiệp sự sống không tùy thuộc vào những nghi thức khai tâm huyền bí hay vào những gặp gỡ tình cờ với một bậc thầy đúng đắn. Chúng ta không cậy vào sức mạnh của trí tuệ thông thái, dòng dõi danh giá, hay dịp may cơ hội để vào vương quốc này. Lối vào vương quốc này không giới hạn trong những cơ hội, và không chỉ cho những người ưu tú, được tuyển chọn, thông tuệ hay may mắn. Vương quốc mở rộng cho tất cả mọi người! Điều mà Đức Kitô đòi buộc để bước vào đó là một tâm hồn trong trắng, mở ra với Thiên Chúa và tha nhân. Không có một bí mật ẩn kín nào dành cho người ưu việt, thật vậy người ưu việt phải trở nên bé nhỏ để có được những hiểu biết về lời giải này. Dường như trẻ em biết cách để vào vương quốc, người nghèo được vào mà chẳng mất gì, người bị loại bỏ được mời vào chỗ tốt nhất; và nhiều người bình thường được vào mà không cần đến hiểu biết thần học! Đó là tiêu chuẩn mở rộng mà Chúa Kitô đang thực hiện: “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ Ai nghe, hãy nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền.”

 

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức

Tâm trạng cô đơn trong Tân Ước (1/4)

Tâm trạng cô đơ trong Tân Ước (2/4)