Làm thế nào Giáo hội Madagascar có thể nói với những người đang đói?

127

Làm thế nào Giáo hội Madagascar có thể nói với những người đang đói?

la-croix.com, Mélinée Le Priol, gởi đặc biệt từ Madagascar, 2019-09-06

 Mỗi thứ năm hàng tuần, cộng đoàn Con Đường Mới (Chemin Neuf) mời các bà mẹ đơn thân ăn bữa cơm tập thể để gặp gỡ và chia sẻ. Rijasolo/Riva Press

Tại Madagascar, nơi Đức Phanxicô đang đến thăm cuối tuần này, Giáo hội địa phương thích ứng với hoàn cảnh khó nghèo của người dân, nhưng đôi khi cũng gặp hiểu lầm.

Nữ tu Giovanna người Ý, thuộc Dòng Charles de Foucauld, sơ đã ngoài tám mươi và đã ở Madagascar từ gần 60 năm nay, sơ cho biết: “Dù đã sống hàng chục năm ở Madagascar, nhưng vẫn còn nhiều chuyện tôi chưa làm quen được.” Đứng trước cảnh nghèo khổ tận cùng của khu phố sơ đang ở tại thủ đô Antananarivo, sơ luôn cảm thấy mình khốn cùng. Với hai phần ba dân số sống dưới mức nghèo khổ, Madagascar là nước thứ năm nghèo nhất thế giới.

Ở gần ngôi nhà thờ lớn của khu phố, cơ sở của cộng đoàn Tiểu Muội Tin Mừng, trường học và trung tâm y tế xã hội mà các sơ quản lý như một ốc đào bình yên sạch sẽ nằm gọn trong thành phố ổ chuột Ampefiloha-Ambodirano. Bên cạnh đó là đầy các xe ba gác hư hỏng, các ngõ hẻm lúc nhúc trẻ con với khối xắc gạch chất trên vai được các cụ già không còn răng ngồi trước căn nhà tồi tàn của mình trông nhìn chúng.

Tám nữ tu cộng đoàn Tiểu Muội Tin Mừng sống theo tinh thần của chân phước  Foucauld, họ không thể ở một nơi nào khác nghèo hơn: “Người dân ở đây quá cần…” Ở trung tâm y tế xã hội, các sơ săn sóc các em suy dinh dưỡng, các bệnh nhân bị bệnh ho lao. Ở trường học thì các sơ Emma, Malgache phát gạo. Ở đâu trên đảo Madagascar này, các cộng đoàn tu sĩ đều cung cấp bữa ăn cho các học sinh với giá đặc biệt. Nhưng dù bữa ăn truyền giáo tương đương một phần mười xu âu kim thì cũng có một số người không đủ tiền. 

“Vấn đề ở đây luôn là vấn đề nghèo khổ”

Nữ tu Giovanna kể: “Một ngày nọ, tôi nói hơi nghiêm với một người cha gia đình. Nhà trường không thể nào miễn phí hoàn toàn, chúng tôi có các chi phí phải trả, và xin ông trợ cấp một chút cho con trai ông. Cuối cùng ông đem các con ông qua trường Coran bên cạnh, trường đó miễn phí và từ đó tôi không bao giờ gặp lại ông.” Nữ tu Emma nói thêm như để trấn an sơ Giovanna: “Vấn đề ở đây luôn là vấn đề nghèo khổ. Người dân sẽ đến nhà thờ nào, cộng đoàn nào giúp đỡ họ.”

Mỗi thứ năm hàng tuần, Cộng đoàn Con Đường Mới mời các bà mẹ đơn thân ăn bữa cơm tập thể để gặp gỡ và chia sẻ: giúp họ ý thức về vệ sinh cơ thể, phân phát áo quần cho các bà mẹ, các trẻ em… Cộng đoàn này thuộc Giáo hội công giáo. / Rijasolo/Riva Press

Các giáo phái phúc âm sinh sôi nảy nở ở Madagascar thường dựa trên “thần học thịnh vượng”, theo đó, Chúa muốn con người trở nên giàu có. Linh mục Dòng Tên Sylvain Urfer lấy làm tiếc: “Họ nói với người dân: ‘Quý vị đến với chúng tôi, quý vị sẽ giàu!’ và dĩ nhiên người dân nghe theo”, linh mục rất phê phán loại chiêu dụ dựa trên lợi lộc này.

Linh mục Urfer người Pháp và đã ở Madagascar từ 45 năm nay, cha cũng nghiêm khắc với Giáo hội địa phương, ở đất nước nghèo nhưng lại không mang lại đủ tầm mức quan trọng của tinh thần khó nghèo của Tin Mừng, lại còn không phải “Giáo hội nghèo của người nghèo” như Đức Phanxicô thường kêu gọi. Linh mục Urfer không phải là người duy nhất lấy làm tiếc cho việc Giáo hội chỉ lo “bí tích” và “bề ngoài”, mà không quan tâm đủ đến việc loan báo các đòi hỏi của Tin Mừng. Cha cũng thừa nhận, “có trường học hoặc có phân phát bữa ăn, nhưng điều này thường được thực hiện trong cộng đồng, không gây trở ngại cho việc gặp gỡ.” 

Ơn gọi vụ lợi

Dù sao, sự cách biệt giữa lối sống của một bộ phận giáo sĩ và của dân chúng cũng tạo thèm muốn. Trộm cắp chuông nhà thờ và sự xuống cấp của các tượng tôn giáo đang gia tăng trên toàn đất nước cũng như các hành vi thổ phỉ đối với các tu viện và đan viện. Từ năm 2014 đến nay, các nữ tu Tiểu Muội Tin Mừng ở thủ đô Antananarivo bị cướp năm lần. Linh mục Gabriel Randrianantenaina, điều phối viên của Hội đồng giám mục Madagascar công nhận: “Người Madagascar biết có tiền trong Giáo hội. Nhưng họ biết nếu không có tiền thì các trường học, các bệnh xá không hoạt động được.”

Madagascar có hơn một ngàn linh mục, trong số này có nhiều linh mục trẻ mới chịu chức và nếu linh mục Gabriel vui trước sức sống của ơn gọi này nhưng ngài cũng ý thức có nhiều hiểm nguy: một số người chọn chức thánh “để có đời sống thuận lợi hơn.” Đức Giám mục Odon Arsène Razanakolona, Tổng Giám mục Antananarivo xác nhận: “Đúng vậy, có nhiều người xem ơn gọi như một cách để tiến chức trong xã hội, ngay cả khi chúng ta giúp họ có một phân định đúng.” Ở chủng viện liên giáo phận Faliarivo, viện trưởng Abdon Rafidison trấn an: “Trước khi vào đại chủng viện để học thần học, các chủng sinh đã qua ba kỳ thi tuyển và đã sống hai năm chính thức: như vậy các chủng sinh đã có thời gian thử nghiệm!” 

Vật chất phục vụ cho thiêng liêng

Trong đời sống cộng đoàn, một “thử nghiệm” như thế thường được thực hiện theo phân định của Thánh I-Nhã, như ở nhà của Cộng đoàn Con Đường Mới ở Antsirabe, cách thủ đô Antananarivo 170 cây số. Ông Éric Andriananja, một người ở trong Cộng đoàn cho biết: “Nếu có ai nhờ chúng tôi giúp đỡ, trước hết chúng tôi phân định trong tinh thần anh em để biết họ có thực sự nghèo khổ; chúng tôi không cho ngay lập tức.”

Một thứ năm ở Cộng đoàn Con Đường Mới ở Antsirabe. / Rijasolo/Riva Press

Ông nói thêm: “Đa số các gia đình này, khi ngủ dậy họ không biết mình sẽ có gì ăn trong ngày vì thế không thể xin họ “bỏ oi!” Nữ tu Laure-Élise Billioud của Cộng đoàn cho rằng “có thực mới vực được đạo. Chúa Giêsu đã làm gương, Ngài chữa lành người bệnh và nuôi ăn cho đám đông…”

Trong số các nhu cầu thiết yếu này, nhu cầu vệ sinh cơ thể rất quan trọng. Để tránh sự miễn cưỡng và tránh ngõ cụt của lý thuyết, Cộng đoàn Con Đường Mới ở Antsirabe tổ chức “ngày sắc đẹp tập thể” mỗi ngày thứ năm cho các bà mẹ gia đình trong khu phố. Các bà ở đây, sau bức tường gạch, vui đùa với nhau và cùng nhau làm đẹp.

Dù nói đến vấn đề vật chất nhưng Cộng đoàn không đánh mất tầm quan trọng của việc truyền giáo. Trong cuộc họp ngày thứ năm gần đây, hai tình nguyện viên người Pháp phân phát quần áo cho trẻ em. Bên cạnh họ, nữ tu Laure-Elise Billioud nói rõ: “Chúa không bao giờ ngừng tặng các bạn quà. Các món quà này không phải của tôi, không phải của người Pháp nhưng là của Ngài.”

Xóa ảnh đại diện

Marta An Nguyễn dịch