Cha François Hemelsdael, linh mục giáo xứ tại vùng “Thụy Sĩ của Campuchia”

214

Cha François Hemelsdael, linh mục giáo xứ tại vùng “Thụy Sĩ của Campuchia”

fr.aleteia.org, Domitille Farret d’Astiès, 2019-08-02

Trong Tin Mừng, Thánh Mát-thêu đã nói với chúng ta: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Từ 2000 nay Giáo hội mang sứ vụ loan báo Tin Mừng. Châu Á, chân Phi, châu Âu, châu Mỹ… Mỗi châu đều là đất truyền giáo. Hôm nay báo Aleteia giới thiệu các khuôn mặt truyền giáo khác nhau từ các cộng đồng khác nhau. Khám phá hôm nay là linh mục François Hemelsdael sống gần Pnong ở Mondolkiri, một vùng của Campuchia.

Trong tiếng Khmer, tên của vùng này có nghĩa là “Đồi gặp gỡ”. Chúng tôi đang ở Mondolkiri giữa cao nguyên và đồi núi bát ngát của một tỉnh Campuchia sát biên giới Việt Nam. Các thác nước tự nhiên, các ngọn đồi xanh mướt với các đường cong mềm mại, các khu rừng rậm rạp trùng trùng điệp điệp. Các thung lũng xanh mướt làm cho vùng này có tên là “Thụy Sĩ của Campuchia”. Ngược với vùng đồng bằng, ở đây người dân trồng gạo miền núi, một loại gạo hạt to, ngoài ra họ còn trồng khoai mì, trồng tiêu, cà phê, cao su. Ở khí hậu nhiệt đới với độ ẩm 90%, nhiệt độ có thể tăng lên 40 hoặc 45 độ. Campuchia đất nước có 16 triệu người, chủ yếu theo đạo Phật và chỉ có từ 20.000 đến 30.000 người Công giáo. Cha François Hemelsdael, 47 tuổi, đến từ Lille nước Pháp, cha là linh mục của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris từ 14 năm nay và năm 2007 cha đến vùng đất này.

Người dân làng trong trang phục truyền thống.

Sau vài năm sống ở Kopong-Cham dọc sông Cửu Long, cách đây ba năm cha đến Pnong, vùng của các dân tộc thiểu số. Cha sống với người Pnong thường được gọi là “người Thượng”. Người Thượng có truyền thống thờ vật linh, họ sống bằng nghề nông và thường bị khinh, họ từng bị người Khmer Đỏ đàn áp. Linh mục François lấy làm tiếc: “Người dân Pnong là nông dân 100%, nhưng chính phủ đã nhường đất cho các công ty đa quốc gia Pháp và Trung Quốc để họ trồng cao su và khai thác tài nguyên thiên nhiên, và họ sở hữu vùng đất Pnong. Người dân không biết cách tự bảo vệ mình và họ thiếu tự tin”. Ngài dự đoán: “Trong tương lai họ sẽ không còn. Và người trẻ phải đi học.” 

“Khi tôi nói tiếng pnong, tôi nói với họ bằng quả tim”

Ở đó, cha François là linh mục giáo xứ. Cha lo cho ba giáo xứ, giáo xứ ở vùng cao nhất ở độ cao 800 mét so với mực nước biển, hai trường học mẫu giáo, một ngôi nhà cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, ngoài ra cha còn kèm thêm cho học sinh. Các ngôi làng cha lo có tổng cộng khoảng 250 người công giáo. Cha François làm tất cả mọi việc, khi thì lái xe, khi thì lo mục vụ giới trẻ, khi thì lo nhà đòn, còn về phương tiện di chuyển, khi thì cha đi bộ, khi thì đi xe gắn máy nếu không có xe hơi.

Đôi khi Linh mục François Hemelsdael cùng làm việc trên cánh đồng với người dân

Công việc của cha? Tạo mối dây liên kết với người dân, trước tiên là nói với họ trong… ngôn ngữ của họ! Cha vui vẻ nói với báo Aleteia: “Khi tôi nói với họ bằng tiếng pnong, tôi nói với họ bằng quả tim!”

Cha giải thích: “Tôi đến thăm nhiều người, tôi thăm người bệnh, tôi dâng thánh lễ đám cưới, mai táng, đôi khi tôi làm việc trên cánh đồng với họ. Đó là cách tốt nhất để hiểu họ. Vào mùa gieo hạt, cả làng đều ra đồng”. Công việc đồng áng ở đây chúng tôi dùng các phương tiện thô sơ như bò hay máy xới đất để cày. Cơ giới hóa theo phương Tây thì không có ở đây. Ngoài ra cha còn dịch các tài liệu ra tiếng khmer, từ Cựu Ước đến hạnh các thánh, đời sống các chứng nhân từ Tim Guénard đến Anne-Dauphine Julliand, đến cuộc đời của Damien Molokai.

Một dân tộc có truyền thống thờ vật linh

Linh mục François giải thích tiếp: “Đạo thờ vật linh là đạo của sợ hãi. Người dân sợ các vị thần, sợ không theo đúng thủ tục, sợ chết. Đạo kitô giáo giải phóng cho họ khỏi các sợ hãi này. Họ hiểu Chúa Kitô là sự hy sinh hoàn hảo, là con chiên vượt qua. Họ không còn cần phải hy sinh vì Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống mình làm của lễ. Chúa Giêsu đuổi quỷ và giúp họ không còn sợ quỷ”. Kitô giáo dự phần trong văn hóa và truyền thống của họ.

Một trong các nhà thờ cha Hemelsdael phụ trách.

Theo linh mục François, nếu công việc truyền giáo trước hết là qua hành động (thăm người bệnh, lo cho các trẻ em ăn học… ), nhưng công việc truyền giáo trước hết cũng phải do chính người dân làm. Cha kể câu chuyện có người dân làng bị lợn rừng cắn mất một ngón tay. Trong thời gian dưỡng bệnh, người dân này ở nhà của một người công giáo Việt Nam, phí tổn hết 5000 đôla nhưng người công giáo này chỉ xin 1.000. Xúc động trước cách sống này, người bệnh đã xin trở lại. Linh mục François nói tiếp: “Mục tiêu của tôi là thành lập các cộng đoàn khác. Điều đánh động người Campuchia là họ nhìn thấy các kitô hữu Campuchia. Việc truyền giáo thông qua họ. Lý tưởng là có một cặp vợ chồng kitô hữu địa phương đến ở một trong các làng này”.  Trên thực tế, ngoài ba giáo xứ do cha chăm sóc, còn hai nhóm làng khác mà cha mơ được thấy sự ra đời của các nhóm kitô hữu. Hiện tại cha đã đến đó và bắt đầu phát triển mối quan hệ thân thiện với người địa phương.

Linh mục François giải thích: “Lý do đầu tiên để người dân theo kitô giáo là tôn giáo sơ khai của họ đòi hỏi họ phải hy sinh bò, gà để chữa lành một căn bệnh hay để có mùa gặt tốt, về mặt kinh tế đó là điều khó khăn cho họ vì quá đắt. Lý do thứ nhì là họ biết tín hữu kitô là những người tốt, khi trở lại họ sẽ nhận được một giáo dục nhân bản và thiêng liêng. Ngoài ra họ còn xem Giáo hội như một gia đình”. Linh mục François giải thích: “Ở đây sự trở lại không giống như ở phương Tây, vì tiến trình thiêng liêng không giống nhau. Nếu có sự gặp gỡ cá nhân của mình với Chúa Kitô là chuyện sẽ đến sau. Còn ở đây, khi người dân trở lại là trở lại với cả gia đình. Trong ba năm chúng tôi có 25 gia đình trở lại.”

Linh mục François Hemelsdael trong công việc mục vụ

Đôi khi cha cũng bị thất vọng, cha vừa cười vừa thú nhận: “Trong đời sống của nhà truyền giáo, đôi khi cũng có thất vọng. Không có gì được xem là thụ đắc. Gieo thì nhiều nhưng đôi khi chỉ có một hạt cho quả. Và mình cũng phải đi tìm hạt này”.  Cha rất ấn tượng với phong cách của người Thượng, họ rất nồng ấm và đối với họ mối quan hệ là quan trọng. Cha nhớ có lần đến ga Montparnasse ở Paris, cha thấy có nhiều người đến trễ vài phút, họ xin người quản lý trạm cho lên toa vì xe lửa đang còn đậu ở bến ga, nhưng không được. Cha cho biết: “Sẽ không có chuyện này xảy ra ở xứ chúng tôi. Điều quan trọng là… ưu tiên cho người khác! Ở đây người dân bỏ hết, họ bỏ thì giờ, họ đón tiếp người khác. Điều này đánh động tôi rất nhiều”.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Linh mục Émeric, người của hòa bình ở Madagascar

Will Conquer, nhà truyền giáo thời hiện đại