Will Conquer, nhà truyền giáo thời hiện đại

605

Will Conquer, nhà truyền giáo thời hiện đại

Linh mục Will Conquer, linh mục của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris.

fr.aleteia.org, Colombe de Barmon, 2019-06-02

Mới 30 tuổi, linh mục Will Conquer là linh mục của Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris (MEP). Cha vừa chịu chức năm ngoái và sẵn sàng đi sứ vụ ở Campuchia. Chân dung của một linh mục hiện đại và nhiệt thành.

Với dáng vóc diễn viên Mỹ, linh mục Guillaume Conquer thật thoải mái trong đôi giày chạy bộ nhưng chiếc áo chùng của cha nhắc chúng ta nhớ: chính trong đôi xăng-đan mà cha sắp lên đường đi tận Campuchia để truyền giáo. Hiện nay cha là linh mục phụ trách nhà thờ Thánh Lu-i của người Pháp ở Rôma.

Linh mục Will đang chuẩn bị đi sứ vụ vào tháng 10 năm 2019. Tay áo xắn lên sẵn sàng phục vụ, chính trong tinh thần phiêu lưu mà linh mục mong muốn được phục vụ ở một xứ sở được chỉ định cho cha, xứ Campuchia. Lòng nhiệt thành của cha không bờ, đến mức cha mong muốn sử dụng tất cả các phương tiện theo ý mình để đi đến tận cùng thế giới nơi xa xuôi này: đi thuyền, xuyên Siberia, đi xe buýt và xe mô-tô.

Một cách để đặt mình vào thái độ tự nguyện, quyết tâm phục vụ Giáo hội địa phương. Cha biết, ở đó tất cả đều phải xây dựng lại sau vụ diệt chủng của người Khmer đỏ: gần 2 triệu người bị cộng sản giết trong những năm 1975 đến năm 1979. Nhưng linh mục trẻ cảm thấy mình sẵn sàng, từ nhiều năm nay đã chín mùi ơn gọi này trong tâm hồn cha.

“Trở lại như chiếc bánh kẹp”

Vừa học xong, linh mục Will đã lên đường đi Ấn Độ với một người bạn, cha làm việc bên cạnh các tu sĩ truyền giáo Bác ái Calcutta. Cha rất xúc động khi thấy nhiều người nằm chết một mình ngoài đường. “Trở lại như chiếc bánh kẹp”, cha về Pháp với một khát vọng lớn lao: được là nhà truyền giáo. “Tôi về nhà và tìm trên Google : ‘làm thế nào trở thành nhà truyền giáo’”. Từ clic này qua clic kia, cha tìm ra trang mạng của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, MEP, hội đề nghị cha đi một năm thiện nguyện ở Việt Nam để phân định ơn gọi.

Cha biết, việc truyền giáo ở Pháp là cần thiết vì có những vùng đã không còn dấu vết kitô giáo, nhưng cha cảm thấy mình được gọi để đi truyền giáo nước ngoài. “Tôi hiểu có một cấp bách”, linh mục nhiệt tình nói, đến mức người nghe hình dung cha sẽ đi Á châu ngay lập tức. Cha cho biết: “Khi tôi thấy hàng tỷ người Á châu, châu lục có số dân đông nhất thế giới, mà không có ai loan báo Chúa Kitô thì tôi nghĩ, tôi không thể ngồi yên ấm trong căn nhà nhỏ của mình”.

Một đời sống thiêng liêng nhất quán

Chắc chắn là phải đi xa, nhưng phải nai nịt gọn gàng. Khi ở tuổi vị thành niên, chàng thanh niên trẻ Guillaume đã sớm hiểu, làm chứng cho đức tin chỉ là bổ túc cho đời sống đức tin nội tâm, nhất quán, vì đức tin không thể giả bộ được. Vì thế anh quyết định đi xem những gì đang xảy ra ở nơi khác và đến Mêhicô, nơi anh thấy một Giáo hội năng động.

Nhìn thấy các nhà thờ đầy giáo dân nhưng họ lại ở trong tình trạng chán nản, anh ý thức tầm quan trọng của lòng thương xót và anh đón nhận người dân với tất cả đời sống và tiến trình của họ. Anh hăng say nói: “Là kitô hữu, chúng tôi không muốn ở trong câu lạc bộ của những người hoàn hảo, tự hào trong hàng danh dự của mình. Nhưng đúng hơn là ở nơi mình được yêu thương với con người thật của mình, nhưng nhất là với lời hứa có một tương lai tốt hơn, có nghĩa là có sự sống đời đời.”

Linh mục Will nhấn mạnh, sứ điệp này mọi người có thể làm, vì mỗi người được rửa tội là một người truyền giáo, không có lý do gì để tự hỏi về ơn gọi này, cha lên tiếng: “Theo tôi, chủ yếu truyền giáo không phải là một sáng kiến hay một câu hỏi: ‘tôi có ơn gọi truyền giáo hay không?’, nhưng chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta tất cả”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch