Suy thoái tâm lý: một dạng đặc thù của cô đơn (7/7)

195

 Suy thoái tâm lý: một dạng đặc thù của cô đơn (7/7)

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser  

Các dạng đặc thù của cô đơn  

Vượt trên định nghĩa chung này, cô đơn có thể được chia thành nhiều loại khác nhau. Nhắm đến mục tiêu phân tích nói chung, và phân tích thần học nói riêng, tôi đã chia cô đơn thành năm dạng ý niệm, mà tôi gọi là Xa lánh (Alienation), Thao thức (Restlessness), Huyễn hoặc (Fantasy), Không cội rễ (Rootlessness), và Suy thoái tâm lý (Psychological Depression). Vì chúng là những kiểu mẫu, nên không phải lúc nào chúng cũng khác nhau. Có một số trùng khớp, nhưng cũng có một phân biệt rõ ràng giữa chúng, mà chúng ta có thể rút ra dựa trên nguyên do, ý nghĩa và giải pháp của chúng.

Dạng cuối cùng của cô đơn có thể đơn giản gọi là Suy thoái tâm lý. Đúng như tên gọi, đơn giản và thuần túy, đây là một dạng ít nhiều giống với “buồn chán”.

Dạng cô đơn này có thể phân biệt với các dạng khác bằng một đặc điểm, đó là trải nghiệm phù du đối lập với những gì triền miên và bất diệt. Những dạng cô đơn khác, liên tục ngầm bám lấy người bị cô đơn. Ngược lại, buồn chán, là một trải nghiệm bình thường rời rạc và ngẫu nhiên.

Tâm trạng buồn chán thực sự là một khủng hoảng tâm lý mà người ta thường gọi là “cô đơn”. Buồn chán là một dạng của cô đơn ngắn hạn đôi khi chúng ta có thể gặp, gây ra những đau đớn mãnh liệt, và liên hệ trọn cả đời sống và tất cả những thứ có vẻ tích cực và đáng giá đối với chúng ta.

Thường thì không thể xác định chính xác điều gì đã gây nên nỗi buồn chán này và điều gì đã tô đậm thêm cảm giác trong nó. Chúng thường là kết hợp của những dạng cô đơn khác cùng với sự khủng hoảng và một nỗi hoài niệm. Một danh sách dài các yếu tố có thể gây nên buồn chán: bất cứ gì từ thay đổi mùa trong năm, mùa cuộc đời, cái chết của người thân, đám cươi của con cái, mùa trăng tròn trăng khuyết, hay dao động sinh hóa trong cơ thể. Chẳng hạn chúng ta nói về “vượt qua cái chết”, “khủng hoảng tuổi trung niên” “vượt qua điều gì đó”; và những điều ít đáng kể hơn như, “cơn sốt mùa xuân” “buồn chán cuối học kỳ” “ngày mưa gió và những ngày thứ hai” vân vân. Theo những từ sáo rỗng trên thì sự buồn chán có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, các biểu đạt này cũng gợi lên rằng, chung quy đều có một trải nghiệm nhất thời, gắn kết với một số sự việc, mùa, hay sự kiện cụ thể. Đôi lúc chúng có thể gây khó chịu và đau lòng, nhưng đối với phần đông người bình thường, thì nó không gây nên vấn đề lớn, ngoài trừ đôi khi những khủng hoảng đặc biệt như mất người thân, bước vào tuổi trung niên, và những điều khác nữa xảy đến có thể làm chúng ta dễ bị tổn thương vô cùng. Tuy thế, đối với một số người có khuynh hướng khủng hoảng, dạng cô đơn này có thể gây nên một mối đe dọa lớn.

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Đưa vấn đề cô đơn vào trọng tâm thần học (1/7)

Cần có một định nghĩa về cô đơn (2/7)

Xa lánh: một dạng đặc thù của cô đơn (3/7)

Thao thức: một dạng đặc thù của cô đơn (4/7)

Huyễn hoặc: một dạng đặc thù của cô đơn (5/7)

Không cội rễ: một dạng đặc thù của cô đơn (6/7)