Một trên một ngàn

224

Một trên một ngàn

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Gần đây tôi có một buổi nói chuyện với các bạn trẻ chuẩn bị hôn nhân, tôi thử đề nghị họ một giáo huấn ki-tô về tình yêu và dục tính. Họ không ngớt phản đối tôi.

Lúc tôi nói xong, có một thanh niên đứng dậy. “Thưa cha, về mặt lý tưởng, con đồng ý với các nguyên tắc của cha. Nhưng cha hoàn toàn không thực tế. Cha có biết thực tế là gì không? Không còn ai sống như vậy nữa. Có thể cha sẽ tìm được một trên một ngàn người sống như vậy. Thế giới ngày nay, họ sống khác.”

Tôi nhìn anh. Anh đang ngồi bên cạnh cô bạn gái, và tôi thấy rõ, anh yêu cô sâu đậm, muốn lập gia đình với cô. Tôi nghĩ ngay trong đầu, phải kéo anh về với lý tưởng. Tôi nói với anh: “Nếu anh muốn lấy cô bạn đang ngồi bên cạnh anh, loại hôn nhân nào anh muốn sống: loại giống mọi người hay loại một trên một ngàn?”

– Một trên một ngàn, anh trả lời không do dự.

– Nếu như vậy thì anh có tất cả các lợi điểm để thực hiện. Bởi vì nếu anh làm như tất cả mọi người thì anh sẽ có một hôn nhân như tất cả mọi người. Nếu anh làm như một trên một ngàn thì anh có loại hôn nhân một trên một ngàn.

Đây không phải là loại thần học rắc rối, đây chỉ là một bài toán đơn giản, nhưng là những chuyện cần phải nói. Tôi càng đi diễn thuyết, càng viết bài, tôi càng bị đổ trách nhiệm, cả người trẻ lẫn người già, họ chống lại lý tưởng của tôi. Họ chống dưới nhiều hình thức khác nhau. Thường thường, họ nói như sau: “Một vài nguyên tắc, một vài giá trị đúng hay sai không quan trọng. Điều quan trọng là thực tế mọi người không để tâm đến và sống một cách khác. Bây giờ không ai sống kiểu đó, người ta sống kiểu khác!”

Hiểu ngầm là nếu mọi người sống theo cách đó thì cách đó phải tốt. Một mẫu số chung cho các giá trị. Một kiểu thăm dò dư luận Gallup cho mọi nguyên tắc.

Đôi lúc, lời chỉ trích này mang giọng xi-nic: “Ngây ngô mới lý tưởng, chuyện dành cho trẻ con. Người lớn, người thực tế không sống trên mây. Vậy thì cha phải tùy nghi, phải thích ứng, cha lo cập nhật hóa công chuyện, đối diện và chấp nhận sự việc; sống như mọi người.”

Một mất mát lý tưởng không thể tin được! Một triết lý sống như vậy chỉ làm tuyệt vọng, bởi vì theo kitô-tô giáo, đòi hỏi sâu xa của tình yêu và của chính cuộc sống là mời gọi thực hiện cái đặc biệt nhất, cái lý tưởng cao nhất. Tình yêu, kitô-giáo và cuộc sống đòi hỏi chúng ta dùng con đường ít người đi nhất, dù chúng ta chỉ là một trên một ngàn, dù chúng ta liên tục đi tìm một tình yêu cao cả nhất!

Ngược lại, nền văn hóa chúng ta chống lại con đường này và nó nuốt chửng chúng ta. Nền văn hóa hiện nay đi ngược lại nguyên tắc của ông Robert Frost, nó khuyên chúng ta nên đi “con đường có nhiều người đi.” Việc làm tiên tri bị cho là không thực tế, lý tưởng hóa bị xem là thiếu trưởng thành. Càng lớn thì chúng ta càng trì độn.

Vì thế nhiệm vụ chúng ta ngày nay là làm dậy men, là người lý tưởng, là tiên tri.

Sự đòi hỏi mà nền văn hóa này muốn chúng ta đồng thuận, nó gieo hiểu lầm thì ít mà gieo thất vọng thì nhiều. Cái chết của lý tưởng luôn luôn là hậu quả của thất vọng. Mọi người chỉ bằng lòng với thái độ cực chẳng đã khi, vì một lý do nào đó (tổn thương, thiếu tự tin, thiếu hy vọng), họ buông không còn mơ có một ngày sẽ khá hơn.

Ngày nay, chúng ta cần các nhà tiên tri. Chúng ta cần những người mà khi nói về tình yêu, kinh tế, các giá trị, tính dục, mỹ học, họ có đủ lòng trắc ẩn để nói lên các được thua đích thực của vấn đề.

Là tiên tri theo cách này, chúng ta có thể cho thế giới thấy, chúng ta yêu thật sự, vì, cuối cùng, không ai muốn có một nền văn hóa đồng điệu, không ai thích theo mẫu số chung trong các tương giao, tình yêu và dục tính, không ai muốn làm lơ trước người đói, ai cũng muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp, không ai muốn buông xuôi và nói: “Cái gì tốt, cái gì đặc biệt thì chẳng bao giờ đạt được, thôi thì bằng lòng với những gì có trước mặt. Làm như mọi người là đủ rồi!”

Vẫn chưa đủ. Chúng ta biết càng ngày chúng ta càng muốn những gì đúng hơn, sâu sắc hơn.

Các triết thuyết, các lý thuyết thần học, các học thuyết thiêng liêng tuyên bố: “Cứ làm như mọi người là đủ” đừng vâng lời điều răn thứ năm: “Chớ giết người!”

Trong bài diễn văn ở Tây Đức năm 1980, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã kêu gọi tín hữu trở nên nhà tiên tri cũng là trong nghĩa này.

Nền văn hóa của chúng ta, ngài nói, có khuynh hướng “biến cái yếu đuối của con người thành một nguyên tắc căn bản, vì thế, phải biến nó thành một loại quyền căn bản. Ngược lại, Đức Ki-tô, dạy rằng, trước hết, con người phải ngang với tầm cao quý của mình.”

Mười ba tuổi, Anne Frank cũng đã nghĩ như vậy:

Đó chính là cái khó khăn của thời đại chúng ta: Các ý tưởng, mơ ước, hy vọng đẹp chưa xuất hiện thì đã bị chạm với thực tế cay đắng và bị hủy hoại hoàn toàn. Đúng là phép lạ khi tôi chưa bỏ tất cả mọi hy vọng, bởi vì chúng gần như phi lý và không thể thực hiện được… Trong lúc chờ đợi, tôi phải cất giữ các ý tưởng của tôi, biết đâu trong tương lai nó sẽ được đem ra áp dụng. (15-7-1944, còn hai trang nửa là hết quyển nhật ký)

Cầu mong chúng ta có can đảm cất giữ các ý tưởng của mình, dù chúng ta không thể nào thực hiện trọn vẹn được. 

Nguyễn Kim An dịch

Xin đọc thêm: Bứt thoát ra khỏi tảng đá