Từ đây đến 10 năm, Canada sẽ đóng cửa 9000 nhà thờ 

2267

Từ đây đến 10 năm, Canada sẽ đóng cửa 9000 nhà thờ

 

presence-info.ca, Michael Swan, 2019-04-02

Theo cơ quan Thừa ủy Di sản Quốc gia Canada (Fiducie nationale du Canada) thì trong vòng mười năm nữa, Canada sẽ đóng cửa khoảng 9000 nhà thờ, khoảng một phần ba tất cả nhà thờ của mình. Các nhà thờ vùng quê như nhà thờ Saint-Joseph-de-la-Rive, vùng Charlevoix là có nhiều nguy cơ nhất. Hình: Présence/P. Vaillancourt)

Kiến trức sư Roberto Chiotti trả lời trên nhật báo công giáo The Catholic Register: “Dứt khoát đây là một tin không vui, nhưng như quý vị biết, đó là thần học bằng đá của chúng tôi”. Ông Robert Pajot của cơ quan National Trust ít nhiều cam chịu có một số lớn các tòa nhà mang thánh giá ở Canada có thể thặng dư với nhu cầu của xã hội: “Đúng, chúng tôi sẽ mất một số tòa nhà. Một số sẽ có thể thành các trung tâm thương mại hoặc sửa thành các căn hộ”.

Tại Canada có khoảng 27 000 nơi thờ phượng, như thế sẽ có khoảng một phần ba sẽ được bán, phá hủy hay bỏ hoang trong 10 năm sắp tới. Một vài giáo phận tránh được cảnh này như giáo phận Toronto, chưa có một nhà thờ nào dự trù bị đóng. Ngược lại từ đầu thế kỷ 21, mỗi năm giáo phận Toronto xây một nhà thờ. Ông Neil MacCarthy, phát ngôn viên của giáo phận Toronto cho biết: “Giáo phận Toronto may mắn có số lượng người di dân cao, họ đóng góp nhiều cho giáo hội địa phương, chúng tôi có các thánh lễ trong 35 ngôn ngữ mỗi tuần.”

Đóng cửa các nhà thờ vùng quê

Điều này trái ngược hoàn toàn với vùng nông thôn của giáo phận Antigonish, tỉnh bang Nova Scotia, giáo phận đã đóng cửa 30% nhà thờ của mình trong vòng 12 năm vừa qua. Linh mục Don MacGillivray, phát ngôn viên của giáo phận cho biết sẽ có nhiều nhà thờ khác sắp đóng cửa. Linh mục tuyên bố: “Tôi không phải là nhà nhân khẩu học, nhưng quý vị cũng biết, nhiều người ra đi vì việc làm. Đường hướng của tôi luôn là: chúng ta phải làm một cách có trật tự để chủ động, hơn là đụng phải bức tường và phải phản ứng nhanh. Mình có đi đến điểm mà giáo dân không còn hỗ trợ được không? Hay mình cố gắng lên kế hoạch?”

Các chuyện tương tự cũng xảy ra với bang Nouveau-Brunswick và bang Québec, nơi có một số lớn nhà thờ đã đóng cửa và sắp đóng cửa. Từ nhiều năm nay, hàng chục nhà thờ công giáo và tin lành trong các thành phố nhỏ ở miền Nam-Tây bang Ontario và miền Tây Canada đã đóng cửa.

Ở giáo phận Antigonish, bang Nova Scotia, linh mục MacGillivray luôn cố gắng đưa các cộng đoàn tham dự vào công việc này, ngài đến giáo xứ trình bày cho giáo dân biết tình trạng tài chánh và thực tế về dân số giáo dân và xin ý kiến họ. Số lượng giáo dân hoặc khả năng chi trả trong việc duy trì, sửa chữa nhà thờ không phải là mối quan tâm duy nhất, còn phải tính đến số linh mục giảm dần. Tuy nhiên linh mục MacGillivray không đồng ý với ý kiến cho rằng, do khan hiếm linh mục mà phải sát nhập các giáo xứ hay đóng cửa nhà thờ. Linh mục tuyên bố: “Tôi nghĩ chúng tôi có thể khẳng định chúng tôi  không thiếu nhân viên. Chúng tôi có nhiều cơ sở hạ tầng”.

Năm 2014 khi nhà thờ St. Anthony Daniel và Sacred Heart đóng cửa thì có 6 giáo xứ trong khu vực, nhưng không có nhà thờ nào ở xa nhau hơn ba cây số, linh mục xác nhận: “Đơn giản chúng ta không cần nhiều tòa nhà.”

Ở vùng thôn quê, giáo phận Antigonish thích ứng để khi nào và cách nào việc thờ phượng được điều hòa trong tất cả các nhà thờ nhỏ của giáo phận. Linh mục MacGillivray cho biết: “Vì nhiều lý do, nguồn tài nguyên của chúng tôi bị giảm, chúng tôi phải thích ứng một cách có trách nhiệm và thận trọng”.

Tìm các chức năng mới cho nhà thờ

Tìm các chức năng mới, chủ yếu cho các nhà thờ tin lành – đa số là người da trắng lớn tuổi, không phải người di dân – bây giờ là công việc tham khảo của bà Kendra Fry. Bà Fry làm việc cho Phục hồi Công việc (Regeneration Works), một dự án chung với Thừa ủy Di sản Quốc gia Canada, bà tuyên bố: “Đây là tin không tốt cho các cộng đoàn đức tin vì như vậy cho thấy sự thiếu dấn thân của cộng đồng địa phương, nơi giáo dân được xem như cùng một cộng đoàn”. Bà cho biết, nếu một tòa nhà phục vụ cộng đoàn từ một thế kỷ nay hay hơn thì nó phải được tiếp tục là nơi quy tụ người dân như trung tâm hòa nhạc, cơ quan từ thiện hay cơ sở chăm sóc trẻ con hoặc nơi tập yoga.

Ở giáo phận Antigonish, rút từ của cải bất động sản thặng dư là một vấn đề lớn. Giáo phận còn phải bồi thường cho các nạn nhân các vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Linh mục MacGillivary tuyên bố: “Tuy nhiên tất cả mọi trách vụ đều được tôn trọng. Nhưng chúng tôi có một biên lai khổng lồ, một khoản vay mượn lớn. Tất cả tiền có được từ các bất động sản thặng dư này phải dùng để trả nợ”.

Di sản hay không di sản?

Năm vừa qua Vatican tổ chức một cuộc hội thảo về việc ngưng hoạt động và tái sử dụng các tòa nhà của nhà thờ đã công bố 14 trang hướng dẫn cho các giám mục. Theo hướng dẫn, giữ chỉ để giữ các toà nhà cũ không phải là một ý kiến tốt: “Các nhà thờ bị bỏ hoang hoặc ở trong tình trạng nguy hiểm là một sự làm chứng ngược”.

Theo Vatican, nếu cộng đoàn, Quốc gia hay kỹ nghệ du lịch địa phương muốn giữ các toà nhà này vì giá trị lịch sử và di sản thì họ phải tìm phương tiện để chi trả. Ở Canada, bang Québec là bang duy nhất có chương trình này với Hội đồng Di sản Tôn giáo Québec. Mỗi năm quỹ trích ra một số tiền để sửa chữa và phục hồi các nhà thờ trong tỉnh bang.

Các giáo sĩ và các mục sư thường xem việc một nhà thờ bị quy định là di sản là một thảm họa cho nhà thờ cũ đó, vì như thế có nghĩa là thành phố hay tỉnh bang sẽ không trả gì hết để duy trì tòa nhà, họ có thể ra lệnh sửa chữa và áp đặt các hạn chế có thể làm nản lòng các nhà đầu tư địa ốc và làm hạ giá căn nhà.

Ngay cả những người lo cho tương lai các nhà thờ cũng không xem việc chỉ định di sản là giải pháp tốt nhất. Ông Robert Pajot của cơ quan National Trust gọi điều này là “một công cụ tàn bạo để làm chậm lại quá trình đưa ra quyết định giúp cho cộng đồng có thể tham dự vào của thảo luận”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch