“Chúng ta chết vì tội cũng như chết vì bệnh”

619

“Chúng ta chết vì tội cũng như chết vì bệnh” 

croire.la-croix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2019-03-01

Phỏng vấn nữ tu Dòng Đa Minh Catherine Aubin, thần học gia, tác giả quyển “7 căn bệnh tâm linh” nói về bảy mối tội đầu.

Trong quyển sách của sơ, sơ nhìn tội dưới góc cạnh “bệnh tâm linh”. Điều này có nghĩa sau hơn một thế kỷ của khoa phân tâm học, hai mươi lăm năm sau “phát triển cá nhân”, thì ngày nay không còn có thể nói về tội như trước?

Sơ Catherine Aubin: Nhưng khái niệm tội có từ lâu trước khi chúng ta nói về tội! Chẳng hạn các Giáo phụ không ngừng nói Chúa Kitô như người Thầy Thuốc. Chính Ngài cũng xác nhận “người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” và Người “không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17). Và đó cũng là ý khi tôi trích bài thơ của Thánh Jacques de Saroug (v. 450-521) : “Bởi vì tôi chết vì tội, cũng như chết vì bệnh.” 

Vậy chúng ta có thể nói về tội mà không bị mặc cảm tội lỗi?

Thường thường khi chúng ta nói về tội, chúng ta quên nói về Chúa Kitô. Ngài đã nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, (Ga 10, 10). Vì vậy đừng dừng lại ở bệnh mà nên nghĩ đến thuốc chữa. Ngày nay, vì một số thần học gia mà trong tội lỗi có một khái niệm sai lầm về mặc cảm tội lỗi. Như thể chúng ta không thể thoát ra khỏi tội được. Chúa Giêsu không đến để đặt gánh nặng trên vai chúng ta, nhưng đến để chữa cho chúng ta, trong nghĩa để chúng ta vươn lên, để chúng ta đứng lên đi tới. Trong bản Thánh Kinh tiếng do thái, nhà chú giải Thánh Kinh André Chouraqui dịch chữ “phúc thay” trong Tám Mối Phước Thật là “lên đường” : chúng ta được tạo ra để lên đường, và vui vẻ lên đường!

Chính vì vậy sơ nói đến buồn như một trong các bệnh tâm linh?

Buồn bã làm mù quáng, trong khi niềm vui thì chiếu sáng và làm mở mắt. Phương thuốc chữa căn bệnh tâm linh là mở ra. “Êphata”, “Mở ra” : tôi mở mắt ra và Chúa Giêsu ở đó trong đời sống hàng ngày. Bệnh tâm linh dập tắt cái nhìn, trong khi đời sống thiêng liêng soi sáng cái nhìn. Các Giáo phụ nhắc, Chúa Giêsu là “Đấng Soi Sáng” nội tâm. Quả thật, tất cả đều ở bên trong, trong dạ chúng ta, trong sâu thẳm bản thể chúng ta. 

Đối với sơ, tội lỗi sẽ là trở ngại cho sự chữa lành này?

Trong tiếng do thái, “tội” gọi là hatta’t, xuất phát từ một chữ có nghĩa là “hụt mục tiêu”. Ơn gọi của con người là tốt, và tội là trở ngại cho sự bứt phá này. Chúng ta được tạo ra cho trọn vẹn và niềm vui: chúng ta càng ở trong vui vẻ và hân hoan thì chúng ta càng mở rộng ra, càng trung thành với con người của mình, có nghĩa là người được Chúa thương, được gọi để mang hoa trái.

Theo sơ, tội nào là gốc rễ của các tội khác?

Theo tôi, đó là tội kiêu ngạo, tôi muốn toàn năng. Tôi mở đầu quyển sách bằng chương khiêm tốn, có nghĩa mỗi người phải nhận ra các giới hạn của mình. Khiêm tốn một vần với sáng suốt. Phải biết nêu lên mọi sự bằng chính tên của nó: ở đây tôi là người chiếm hữu, ở đây tôi phán xét, ở đây tôi ở thế phòng thủ… Phải có khiêm tốn để nhận ra tôi không ở đúng chỗ, tôi muốn tôi là nhân vật trọng tâm đời mình, nhưng nhân vật trọng tâm phải là Chúa, là Thần Khí. Vấn đề xảy ra khi chúng ta đặt mình lên đàng trước, còn Thần Khí ở đàng sau. Khiêm tốn là ý thức chúng ta đi sau.

Chúng ta đang nói về kiêu ngạo thì bây giờ lại đang nói về khiêm tốn…

Hứng thú hơn vẫn là nói về thuốc chữa. Chính những người khiêm tốn là những người cho chúng ta niềm vui. Trong quyển sách tôi có kể chuyện tôi may mắn được sống với một nữ tu lớn tuổi, sơ đã về trời: không có gì hứng thú bằng ở với sơ, vì tính khiêm nhường của sơ có một cái gì rất vui, rất thoải mái. Các người khiêm nhường thường thoải mái vì họ không có gì để chứng tỏ. Ngược lại, những người kiêu ngạo thì luôn có một cái gì cần chứng tỏ cho người khác thấy. 

Làm thế nào để có được khiêm tốn trong đời sống hàng ngày?

Phải có một ý tưởng, đó là không vượt qua một số lằn ranh đỏ nhất định: ở một thời điểm nào đó, có khi chúng ta có lựa chọn quá dễ dàng, đi con đường vinh quang hảo bề ngoài, chọn nói dối, chọn vu khống về một chuyện nào đó. Khi đó chúng ta ý thức để chọn khiêm tốn, chọn rút lui. Những gì rực rỡ, hào nhoáng làm chúng ta an toàn nhưng làm chúng ta nghèo đi. Ngược lại, người khiêm tốn mạnh vì họ chọn như vậy. Kiêu ngạo là lòng tham không ngừng, vì phải luôn đảm bảo những gì mình đã có được.

Khi bước qua các lằn ranh đỏ này, chúng ta bệnh vì chúng ta đã chọn một cái gì có thể hủy diệt chúng ta. Chúng ta thấy vấn đề này trong đời sống vợ chồng – chẳng hạn cám dỗ có một phụ nữ khác -, hay trong đời sống nghề nghiệp, tôi quyết định đè bẹp người này người kia để lên chức. Không phải là tình cờ mà ba tội đầu tiên trong Kinh Thánh là ba tội dính đến kiêu ngạo: ông A-dong và bà E-và muốn được như Chúa, Abel và Cain, Tháp Babel… đặc biệt thảm kịch của Abel và Cain xảy ra trong gia đình: chúng ta luôn mang người khác trong lòng mình, và chúng ta phải ý thức lúc nào mình xem người khác là đối thủ hay người anh em.

Bệnh tâm linh nào ảnh hưởng đến sơ nhiều nhất?

Dứt khoát đó là bệnh háu ăn! Mối quan hệ với thực phẩm là chuyện tôi chưa hóa giải được. Có thể vì thế mà tôi nói rất hay về nó… Tôi thích ăn và tôi ăn ngon. Nhưng tôi cũng để ý đến chuyện này, vì tôi biết mình bị gò bó vào đó. Khi tôi nói về tính tham ăn, tôi không nói về thỏi sô-cô-la, nhưng tôi đặt câu hỏi tương quan của mình với thực phẩm, và từ đó là tương quan với người khác. Giáo phụ Évagre le Pontique (346-399) giải thích tính ham ăn là để bao tử nắm quyền, nhưng không phải chỉ là thích ăn, nhưng muốn có khoái cảm khi ăn. Như thế lạm dụng không chỉ ở việc nuôi sống mình với những gì cần thiết, nhưng tìm một chuyện khác, một giải pháp cho một tình trạng không tốt. Thức ăn cuối cùng thay thế cho tình yêu và mối tương quan với nó trở thành cách để che giấu đau khổ.

Với tính háu ăn, tôi không nếm mọi thứ đúng với nó, trong khi một sự thanh đạm nào đó có thể giúp mình trở lại với hương vị của Chúa. Mùa Chay của tôi là Mùa Chay vui vẻ, Mùa Chay hương vị: trở về với hương vị thiêng liêng. Nghe lại các bài hát làm mình đến gần với Chúa. Tìm lại các Thánh vịnh để đọc và sử dụng nó để chế ngự thức ăn.

Chúng ta có tìm ở đây “niềm vui thanh đạm” như Đức Phanxicô khuyến khích trong Thông điệp Chúc tụng Chúa, Laudato si’ của ngài không?

Vấn đề là phải biết chúng ta đang ở trong mối quan hệ nào, hiệp thông hay tiêu thụ. Và chính xác đó là ba tội lớn đầu tiên nhấn mạnh đến: thăm ăn (tiêu thụ thực phẩm), hà tiện (tiêu thụ đồ vật), dâm dục (tiêu thụ người khác). Nếu tôi ở trong quan hệ hiệp thông, tôi không làm những chuyện này.

Cuối cùng, sơ không nghĩ đến các phương thuốc cho các căn bệnh như danh sách các việc phải làm, nhưng là cách thể hiện mình?

Lành bệnh tâm linh là cả một năng lực : năng lực của Thần Khí. Phải chăm chú nghe Thần Khí nói gì với mình trong cuộc sống: đơn giản, rõ ràng, ngắn gọn và trong hành động. Còn Thần Dữ thì nói rắc rối, hoang mang, phức tạp, không bao giờ muốn đi đến hành động mà chỉ nói. Đời sống thiêng liêng xa tất cả mọi hình thức rắc rối. Đời sống trong Thần Khí có một cái gì nhẹ nhàng và mời gọi chúng ta đi tìm năng lực nhẹ nhàng này. Thần Khí làm cho chúng ta lớn lên, vì chúng ta không ở đây để đi xuống, nhưng để mở lòng ra với chính con người của mình. Buổi sáng chúng ta ngủ dây, chúng ta hỏi: “Tôi sẽ làm gì?” nhưng đúng hơn chúng ta nên đặt câu hỏi “tôi là người được gọi để như thế nào?” : bệnh tâm linh giảm chúng ta xuống chỉ còn là hiệu năng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bảy căn bệnh tâm linh (Sept maladies spirituelles, nxb. Salvator, Novalis), Catherine Aubin.

Xin đọc thêm: Kiêu ngạo    

Linh mục Olivier Turbat: “Thuốc giải độc cho bệnh kiêu ngạo là buông bỏ trong tin tưởng ”