“Tên cha”

220

“Tên cha”

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

– Cha có gặp lại cha của cha không? Còn mẹ của cha, hai anh trai và hai em gái, gia đình cha bây giờ như thế nào rồi?

Sau khi nghe chứng từ của tôi, gần như ai cũng đặt câu hỏi này.

Cha tôi đã tặng tôi một món quà đặc biệt cho ngày sinh nhật ba mươi bảy tuổi của tôi, ngày 22 tháng 4 – 2003. Chúng tôi đến tòa thị chính Castres để làm giấy chứng nhân. Vì sao phải làm trễ như vậy? Mới đầu khi tôi nói với cha tôi, ông không thấy có lợi gì để làm. Với ông, điều chủ yếu là chúng tôi đã tìm được nhau trong đời chứ không trên giấy tờ. Tôi không năn nỉ vì chúng tôi có nhiều chuyện để sống trong những giây phút gặp nhau hiếm hoi này. Nhưng nhiều năm sau, ông nhận ra ông đã để lại trong đời tôi một ô trống, một ô rất khó để điền: “Tên cha”. Vì dù bây giờ tôi đã biết cha tôi, tôi cũng phải còn điền giấy tờ như cũ khi viết “cha vô danh”, như thử tôi chưa bao giờ gặp ông.

Chúng tôi gom lại giấy tờ cần thiết và đến tòa thị chính của khu phố tôi đang ở. Tôi gặp lại người phụ nữ tử tế ở văn phòng, bà thấy tôi mặc áo linh mục đến, tôi nói với bà:

– Xin làm thủ tục để nhận một đứa con. Câu hỏi có vẻ chán chường:

– Ông là cha?

– Cha René-Luc.

– Không, tôi không hỏi tên cha, tôi hỏi cha, cha có phải là cha đứa bé cần phải nhìn nhận không?

Chính lúc này tôi mới nhận ra tôi đang đứng trước một hoàn cảnh thiếu lịch sự đến như vậy. Tôi thích thú nhìn Gunter:

– Không, đứa bé cần nhìn nhận là tôi. Ông này là cha. Cha tôi phá lên cười. Cha tôi vỗ mạnh trên lưng tôi và kêu lên:

– Có, nhưng dù sao thì con cũng là “cha!”

Chúng tôi bật cười như điên… Bà nhân viên hết nhìn tôi đến nhìn cha tôi như thử bà nhìn một trận đấu quần vợt. Bà phải nghĩ bà đã gặp hai người điên. Dù sao bây giờ trên giấy khai sinh tôi cũng có tên cha.

Mẹ tôi lập gia đình lại với một người mà chúng tôi trìu mến gọi là “Papinou.” Chúng tôi rất thương ông, ông đơn sơ và chu đáo với từng người. Dĩ nhiên ông đảm trách hết hoàn cảnh của chúng tôi, ông đã làm một cách can đảm. Còn mẹ tôi thì cha dượng chọc bà là “Mẹ Têrêxa”. Bà cầu nguyện rất nhiều và luôn sẵn sàng giúp đỡ những ai gặp cảnh khó khăn. Tất nhiên đôi khi các vết thương trong quá khứ bị gợi lên nhưng bà kiên nhẫn chịu đựng và… đi tới!

Các anh em tôi tất cả đều có một con đường với Chúa, mỗi người theo cách của mình. Dù sao các em rất tôn trọng và nâng đỡ đời sống linh mục của tôi. Tôi may mắn được có các em trong đời.

Còn về các cháu của tôi, chúng là niềm hạnh phúc của tôi! Dù bậc sống độc thân là một chọn lựa cho ơn gọi linh mục của tôi, nhưng tôi luôn nhói lòng khi thấy một đứa bé chạy đến bên cạnh cha mình và kêu lên: “Ba!” Tất nhiên ơn gọi chức thánh làm cho chúng tôi là cha của nhiều em bé và tôi thật biết ơn. Nhưng con ruột mình thì vẫn có một cái gì đặc biệt hơn. Vì thế tôi rất yêu thương các cháu, trong dòng máu của chúng có một chút dòng máu mà tôi hiến dâng cho Chúa Kitô khi tôi tận hiến đời tôi cho Chúa.

Khi chúng tôi còn trẻ con, cùng với hai anh chúng tôi chơi trò cao-bồi, chúng ta giả làm mọi da đỏ. Các cháu của tôi cũng chơi như vậy nhưng chúng có một trò chơi thích thú hơn: dâng thánh lễ giống như chú mình!

Khi tôi đi thăm cô em Galinette, tôi kín đáo nhìn các cháu. Ngày hôm đó Lucas đến chơi với các em họ của em. Chúng dọn một bàn thờ nhỏ trên cái bàn trong phòng khách. Thomas, sáu tuổi là linh mục. Em Quentin đọc bài đọc trong quyển sách cầu nguyện của con nít. Rồi Lucas thấy người em ba tuổi của mình vừa bước vào, em nói:

– A! Hugo vào đây. Vào đây chơi với các anh!

– Caáac aanhh chơơi gì vậyy?

– Các anh làm lễ, Quentin trả lời.

– Đến đây, đến gần bàn thờ nè, linh mục nhỏ ra lệnh. Tôi núp sau cửa tò mò nhìn chúng.

Lucas túm vai Hugo đưa em đến trước mặt Thomas. Hugo đi theo, vui vẻ tham dự thánh lễ với các anh. Khi đó linh mục nhỏ cầm ly nước trên bàn:

– Hugo, anh rửa tội cho em, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần!

Rồi Thomas đổ cả ly nước trên đầu Hugo! Tôi chạy vào ngay lập tức. Tôi tưởng là sẽ nghe chúng hét, chúng khóc… Nhưng không có gì. Hugo quay qua tôi nhoẻn miệng cười tuốt mang tai, nước làm ướt cả áo quần. Mấy anh em ôm nhau cười. Rõ ràng đây không phải là lần đầu tiên chúng rửa tội cho nhau!

Khi chúng tôi họp nhau trong dịp lễ gia đình cùng với mẹ tôi, với anh chị em, con cái, cháu và cả chắt, tôi không thể nào không nghĩ: cả một chặng đường đã đi qua!

Tôi cám ơn Chúa về những gì Chúa đã làm cho tôi, cho gia đình và cho tất cả chúng ta.

Đúng, bao nhiêu đời sống có thể thay đổi khi chúng ta đón nhận Chúa vào trọn cả tâm hồn!

Marta An Nguyễn dịch