Giáo hoàng Phanxicô thân yêu, con là con mồ côi, có phải đó là lỗi của con không?
fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2018-02-20
Ngày 4 tháng 1 năm 2018, Đức Phanxicô tiếp các em bé mồ côi Rumania, Vatican đăng các câu hỏi và câu trả lời cảm động của Đức Phanxicô.
Các câu hỏi của trẻ con luôn làm nhói lòng. Đức Phanxicô cho biết, “các câu hỏi này đã làm cho tôi khóc”. Sau đây là một số câu hỏi mà khi Đức Phanxicô trả lời ngài đã không giấu được xúc động của mình:
Vì sao đời sống khó khăn như vậy và chúng con, giữa bạn bè với nhau, chúng con gây nhau hoài? Các cha là linh mục, các cha nói chúng con phải đi nhà thờ, nhưng vừa ở nhà thờ ra là chúng con phạm tội liền. Vì sao con phải đi nhà thờ? Vì sao quan trọng phải đi nhà thờ?
Đức Phanxicô: Các “tại sao” của con có một câu trả lời: vì tội, vì tính ích kỷ của con người (…) vì vậy chúng ta cãi nhau hoài, chúng ta làm cho nhau đau, chúng ta mù quáng. Con cũng nhận thấy, dù mình đi nhà thờ, mình cũng cãi nhau, mình vẫn là người có tội. Và con hỏi rất đúng: vậy thì đi nhà thờ làm gì? Đi nhà thờ là mình đặt mình trước mặt Chúa con người thật của mình, mình không giả dối. Để nói, “Lạy Chúa, con đây, con là kẻ có tội, xin Chúa tha tội cho con. xin Chúa thương xót con”. Nếu mình đi nhà thờ để làm ra vẻ mình là người tốt thì chẳng ích gì. Nếu mình đi nhà thờ vì mình thích nghe nhạc hoặc mình cảm thấy tốt, cũng chẳng ích gì. Đi nhà thờ chỉ có ích khi vào nhà thờ mình xin: “Con đây lạy Chúa, con là kẻ có tội và con xin Chúa tha tội cho con. Xin Chúa thương xót con”. Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết, nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ được tha thứ khi ra về. Chúng ta được Chúa yêu thương vỗ về với tình yêu này. như thế, Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta với lòng thương xót của Ngài, và như thế Ngài biến đổi đời sống chúng ta. Chúng ta không còn là người cũ mà là người được “tạo thành”, như đất sét trong tay người thợ gốm; và tình yêu sẽ thế chỗ cho tính ích kỷ. Đó là vì sao quan trọng phải đi nhà thờ: không chỉ để nhìn Chúa, nhưng còn để Chúa nhìn mình. Đó là những gì cha nghĩ”.
Vì sao cha mẹ thương con cái khi chúng khỏe mạnh mà không thương khi chúng đau hay có vấn đề?
Đức Phanxicô: “Câu hỏi của con về thái độ của cha mẹ trước con cái lành mạnh và con cái bệnh tật. Cha sẽ nói như sau: đứng trước sự mong manh của người khác như bệnh tật chẳng hạn, có những người lớn yếu đuối hơn, họ không đủ mạnh để chịu đựng được sự mong manh. Bởi vì chính họ cũng là người mong manh. Nếu cha có một hòn đá to, cha không thể đặt hòn đá này trên hộp giấy vì nó sẽ đè bẹp cái hộp. Có những cha mẹ rất mong manh. Họ có những giới hạn, có các tội, có các mong manh trong người họ. Có thể khi còn nhỏ họ đã không được giúp đỡ. Và họ đi trên đường đời với các mong manh này, vì họ không được giúp đỡ như chúng ta được may mắn có người giúp đỡ, có người cầm tay để dạy chúng ta lớn lên, để trở thành người mạnh chống lại các mong manh này. Thay vì trách cứ cuộc đời đã cho mình các cha mẹ mong manh, trong khi mình không mong manh, vì sao mình không thay đổi sự việc, cám ơn Chúa, cám ơn cuộc đời vì mình có thể giúp cha mẹ trong sự yếu đuối mong manh của họ và làm sao để cục đá không đè bẹp cái hộp giấy. Con đồng ý chứ?”.
Năm ngoái một trong các người bạn ở trại mồ côi với con qua đời. Đó là vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Một linh mục chính thống giáo nói bạn ấy chết như người có tội và vì thế sẽ không lên thiên đàng. Con không tin như vậy.
Đức Phanxicô: “Có thể linh mục này không biết những gì ông nói. Có thể ngày hôm đó ông không được khỏe, có thể có một cái gì đó trong tâm hồn ông đã làm cho ông nói như vậy. Không ai trong chúng ta có thể nói người này, người kia không lên thiên đàng. Cha có thể nói một chuyện làm con sẽ ngạc nhiên: ngay cả với ông Giuđa, mình cũng không được nói như vậy. Con nói bạn con chết vào một ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Cha lấy làm lạ con nghe linh mục đó nói như vậy, cần phải hiểu hơn, có thể mình không hiểu rõ linh mục đó nói… Dù sao, cha nói với con là Chúa muốn đưa tất cả chúng ta lên thiên đàng, không trừ một ai, và đó là những gì chúng ta dâng trong tuần thánh: sự Thương Khó của Chúa Giêsu, Chúa Chiên Lành, người hiến mạng sống mình cho đàn chiên là chúng ta. Như Phúc Âm cho chúng ta thấy, Chúa không ngồi yên, Ngài đi: Ngài luôn lên đường đi tìm con chiên lạc, Ngài không hốt hoảng khi tìm thấy chúng ta dù chúng ta rất yếu đuối, chúng ta bị hư thối vì tội, chúng ta bị mọi người bỏ rơi, bị cuộc đời bỏ rơi, Ngài ôm chúng ta vào lòng, yêu thương chúng ta. Ngài có thể không đến, nhưng Ngài đến với chúng ta, Chúa Chiên Lành. Và nếu một con chên đi lạc, khi Ngài tìm thấy, Ngài đặt nó lên vai và hân hoan đem nó về nhà. Cha có thể nói với con một chuyện: cha chắc chắn, đó là điều Chúa Giêsu làm với bạn của con trong tuần thánh hôm đó”.
Vì sao chúng con mồ côi? Vì sao? Đâu là ý nghĩa của việc này?
Đức Phanxicô: “Con biết có những câu hỏi ‘tại sao’ không có câu trả lời. Chẳng hạn câu: tại sao trẻ con đau khổ? Ai có thể trả lời câu này? Không ai. Câu ‘tại sao’ của con là câu loài người không có câu trả lời, chỉ có Chúa mới có. Cha không biết vì sao con có ‘số phận này’. Chúng ta biết ‘tại sao’ trong nghĩa đó là lý do. Tôi đã làm gì sai để có số phận này? Chúng ta không biết. Nhưng chúng ta biết ‘vì sao’ trong nghĩa ‘mục đích’ mà Chúa muốn cho số phận của con, và mục đích này là chữa lành – Chúa luôn chữa lành – chữa lành và sự sống. Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm khi Ngài gặp một người bị mù từ khi sinh ra. Ông hỏi: ‘Vì sao tôi sinh ra đã mù?’ Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: ‘Vì sao như vậy, vì lỗi của người này hay của cha mẹ?’. Chúa Giêsu đã trả lời: ‘Không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để mọi người nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh’ (Ga 9,1-3). Điều này muốn nói, đứng trước các hoàn cảnh tiêu cực mà chúng ta bị từ khi còn nhỏ, Ngài muốn chữa lành, Ngài muốn mang đến sự sống nơi không có sự sống. Đó là điều Chúa Giêsu làm và các tín hữu đi theo Chúa Giêsu làm. Các con đã chứng nghiệm. Câu hỏi ‘tại sao’ là cuộc gặp gỡ chữa lành đau khổ, bệnh tật, đau đớn và mang đến dấu ấn của sự chữa lành. Nhưng, ‘tại sao’ lúc sau thì chúng ta có câu trả lời, ‘tại sao’ lúc đầu thì chúng ta không có câu trả lời. Cha không biết ‘tại sao’ này, cha cũng không hình dung được; cha biết các ‘tại sao’ này không có câu trả lời. Nhưng nếu các con thật sự sống cuộc gặp gỡ với Chúa, với Chúa Giêsu chữa lành, Đấng chữa lành với vòng ôm, với tình yêu, với lòng dịu dàng, sau tất cả những đau khổ con đã chịu thì cuối cùng con sẽ tìm được. Và đó là ‘vì sao’”.
Có lúc con cảm thấy mình đơn độc và con không biết ý nghĩa nào cho đời sống của con. Đứa con gái nhỏ của con ở trong một gia đình tiếp nhận, một vài người chê trách con, nói con là một bà mẹ không tốt. Con nghĩ con gái của con sẽ tốt và con đã có quyết định đúng, bởi vì người ta thường thấy như vậy.
Đức Phanxicô: “Cha đồng ý với con, nhiều khi gia đình tiếp nhận là tốt trong các hoàn cảnh khó khăn. Quan trọng là mọi sự phải được làm trong tình thương, với sự săn sóc, với sự tôn trọng. Cha hiểu con thường thấy đơn độc. Cha khuyên con đừng khép kín, con nên tìm bạn trong cộng đoàn kitô: Chúa Giêsu đến để lập một gia đình mới, gia đình của con, nơi không ai cô quạnh, nơi mọi người là anh em, là con cùng một Cha, một Mẹ trên trời, Mẹ Maria mà Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Và trong gia đình Giáo hội, chúng ta tìm thấy nhau, chữa lành các vết thương của mình, vượt lên nỗi trống vắng tình thương. Chính con cũng thấy, con gái của con sẽ được tốt trong gia đình tiếp nhận, vì con biết, họ săn sóc con của con và cả con nữa. Và con nói ‘người ta thường thấy như vậy’. Thường cộng đoàn anh em tín hữu kitô thương chúng ta như vậy. Chúng ta dựa lên nhau. Không phải chỉ trẻ con mới dựa. Khi chúng ta có một cái gì cần thổ lộ với bạn bè, khi được thổ lộ thì nỗi đau được giảm. Dựa trên tình anh em với nhau, đó là chuyện rất đẹp và đó là điều Chúa Giêsu đã dạy chúng ta”.
Khi con mới hai tháng, mẹ con đã bỏ con trong viện mồ côi. Năm con 21 tuổi, con đi tìm mẹ và con ở hai tuần với bà, nhưng bà đối xử không tốt và con ra đi. Cha của con đã qua đời. Có phải lỗi của con mà mẹ không thích con không? Tại sao mẹ không chấp nhận con?
Đức Phanxicô: “ … Cha muốn chân thành với con. Khi cha đọc câu hỏi của con, trước khi cha chỉ dẫn để làm bài diễn văn, cha đã khóc. Với nước mắt của cha, cha gần với con. Tại sao? Cha không biết, con đã mang đến cho cha rất nhiều; các người khác cũng vậy, nhưng có thể cha đang yếu khi cha đọc câu hỏi của con. Khi mình nói về người mẹ, lúc nào cũng có một cái gì đó… và lúc đó con làm cho cha khóc. Câu ‘tại sao’ của con giống như câu hỏi thứ nhì về cha mẹ. Đây không phải là vấn đề lỗi, đây là vấn đề cực kỳ mong manh yếu đuối của người lớn, trong trường hợp của con là do bao nhiêu là khốn cùng, bất công xã hội đã đè bẹp các người bé nhỏ, các người nghèo, mà cũng do nghèo nàn về mặt thiêng liêng. Đúng, nghèo nàn thiêng liêng làm chai cứng tâm hồn và tạo nên điều dường như không thể có được, một bà mẹ bỏ con mình: Đó là kết quả của sự nghèo nàn vật chất và thiêng liêng, kết quả của một xã hội sai lầm, vô nhân, làm chai cứng tâm hồn, làm phạm các sai lầm, để chúng ta không tìm được con đường đúng. Nhưng con biết đó, điều này sẽ đòi hỏi thời gian: con đã tìm một chuyện sâu đậm nhất trong quả tim con. Mẹ con yêu con nhưng không biết làm thế nào, không biết cách nào để diễn tả. Bà không thể làm được vì đời sống của bà quá gay go, quá bất công. Và tình yêu này nhốt chặt trong quả tim bà, bà không biết cách nào để nói ra, để vuốt ve âu yếm con. Cha hứa sẽ cầu nguyện cho con để có ngày mẹ con cho con thấy tình yêu này. Con hãy giữ hy vọng và đừng bi quan.”
Marta An Nguyễn dịch