Đức Phanxicô xin “dịu dàng 100%”
fr.aleteia.org, Domitille Farret d’Astiès, 2018-11-06
Mỗi tháng Đức Phanxicô xin giáo dân cầu nguyện theo một ý chỉ đặc biệt, tháng này ngài xin mọi người đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình.
Trong Video ý chỉ cầu nguyện của Giáo hoàng tháng 11, Đức Phanxicô xin “chúng ta cùng cầu nguyện để ngôn ngữ của quả tim và của đối thoại luôn thắng ngôn ngữ của vũ khí. Chúng ta có thể nói những lời hoa mỹ nhưng nếu tâm hồn chúng ta không có hòa bình, thì sẽ không có hòa bình trên thế giới.”
Theo cơ quan Liên Hiệp Quốc, 90% các nạn nhân dân sự trong các cuộc xung đột vũ trang là đàn bà và trẻ em. Một bản báo cáo tháng 6 năm 2018 ghi nhận năm 2017 có khoảng 21.000 vụ bạo lực vi phạm nặng trên các em bé nhỏ nhất. Và Cao ủy Tị nạn Quốc tế (HCR) cho biết, từ năm 1948 có đến hơn 52 triệu người tị nạn và người phải biệt xứ vì các cuộc xung đột vũ trang.
“Bạo lực zero và 100% dịu dàng”
Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh quan trọng là phải biết lắng nghe để có thể giao tiếp với người khác và phải thích ứng vào từng bối cảnh theo hình ảnh Chúa Kitô trong sứ mạng của mình. Ngài đề nghị xây dựng hòa bình của Phúc Âm, một nền hòa bình không loại trừ ai, với “bạo lực zero và 100% dịu dàng.”
Hội đồng giám mục Châu Mỹ La Tinh (CELAM) đáp lời mời gọi này của Đức Phanxicô và đã lên chương trình cổ động có tên “Chúng ta cần toàn thế giới: bạo lực zero và 100% dịu dàng”, một sự huy động xã hội mang tính cách đại kết trong toàn Châu Mỹ La Tinh và vùng vịnh Caraibes, từ biên giới Mêhicô với Mỹ cho đến vùng Patagonia. Tổ chức tố cáo các hình thức bạo lực trên trẻ em và đề nghị lòng dịu dàng là con đường để cổ động đời sống và phẩm chất cho những em bé nhỏ nhất.
Hòa bình bắt đầu ở ngoài đường
Theo linh mục Dòng Tên Frédéric Fornos, giám đốc Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Giáo hoàng, thì “hòa bình giữa các dân tộc bắt đầu qua các quan hệ hàng ngày của chúng ta, khi chúng ta gặp người khác ngoài đường qua khuôn mặt, ánh nhìn của họ, đặc biệt khi người đối diện khác với chúng ta qua ngôn ngữ, văn hóa, cách ứng xử mà chúng ta thấy có vẻ kỳ lạ […]. Vì thế hòa bình và hòa hợp giữa các dân tộc trên trái đất này bắt đầu từ ngoài đường, trong nhà, trong các sinh hoạt hàng ngày và trong gia đình, chúng ta đừng để chỗ cho nỗi sợ người khác len vào quả tim mình, nhưng đón nhận họ và tôn trọng họ”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch