Linh mục Lombardi nhìn lại lịch sử các quan hệ giữa Trung quốc và Tòa Thánh
vaticannews.va, Linh mục Federico Lombardi, sj, 2018-09-24
Linh mục Federico Lombardi là cựu Giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh.
Tiếp sau thỏa hiệp ký giữa Tòa Thánh và Chính quyền Trung quốc về vấn đề bổ nhiệm các giám mục, linh mục Federico Lombardi nhìn lại lịch sử các quan hệ giữa Trung quốc và Tòa Thánh từ giữa thế kỷ 19.
Sau chiến tranh nha phiến lần đầu tiên (1839-1842), trong bối cảnh đế quốc Trung Hoa suy yếu và sự khẳng định quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế của các cường quốc phương Tây ở Trung quốc với các hiệp ước được gọi là “bất bình đẳng”, thì lúc đó ở Trung quốc có chế độ bảo hộ Pháp trên các sứ mạng truyền giáo của Giáo hội công giáo, bao gồm cả người công giáo nước ngoài và các sắc dân bản địa. Sự liên hệ với nước Pháp, gồm người công giáo, cũng như trường hợp các quốc gia khác bảo hộ các tín ngưỡng kitô giáo, đã làm cho phần lớn xã hội Trung Hoa nghĩ rằng kitô giáo là tôn giáo của người nước ngoài, hậu quả là có sự bài ngoại ghét bỏ đối với tín hữu kitô.
Về phần mình, Tòa Thánh ý thức cần phải đào tạo hàng giáo sĩ người bản địa, từ giữa thế kỷ 19, Vatican đã bắt đầu nói đến vấn đề bang giao Trung Hoa. Trong triều giáo hoàng Lêô XIII, với sáng kiến của Trung Hoa, một cố gắng thiết lập “bang giao hữu nghị” đã được tiến hành vào năm 1886. Nhưng cuối cùng Giáo hoàng từ chối không gởi sứ thần đến vì có sự chống đối của chính quyền Pháp, Vatican sợ các phản ứng tiêu cực của người công giáo Pháp.
Tuy nhiên, ngày càng rõ, việc bảo hộ đã định hình cho đời sống Giáo hội. Khoảng năm 1900-1901, sự bùng nổ bài ngoại của phong trào bạo lực Nghĩa Hòa Đoàn đã giết hại khoảng 30.000 người Công giáo, cho thấy một mặt nhu cầu bảo vệ, do sự thiếu tin cậy của chính phủ Trung Quốc vào thời điểm đó, nhưng mặt khác khẳng định việc bảo hộ của phương Tây đã làm cho nhiều người Trung quốc khó chịu với kitô giáo. Năm 1912, Hoàng triều kết thúc, nhường chỗ cho nước Cộng hòa Trung Hoa.
Xác định lại sứ mạng
Triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XV cho thấy tầm nhìn xa tuyệt vời về chủ đề truyền giáo và nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải vượt lên các điều kiện của Giáo hội thời kỳ thuộc địa, và từ quan điểm này Trung Quốc có vai trò quyết định: kitô giáo không không được xem là tôn giáo nước ngoài. Tông thư Maximum illud về truyền giáo ngày 30 tháng 11 năm 1919 được xem là đường lối cho các sứ vụ, được xây dựng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của người Trung Quốc.
Bắc Kinh chủ động quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Rôma đáp ứng một cách tích cực và có ý khẳng định quyền của mình, để thiết lập như với các quốc gia ngoài kitô giáo, nhưng nước Pháp gây áp lực trên Bắc Kinh (và không còn tùy thuộc vào Tòa Thánh, mà sau đó Trung quốc đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, nhưng lại được thành lập lại năm 1921), và tất cả mọi sự thêm một lần nữa lại bị hủy bỏ.
Tuy nhiên Đức Piô XI vẫn tiếp tục con đường đã được vị tiền nhiệm của mình vạch ra. Năm 1922, ngài gởi Đức ông Celso Costantini làm đại diện Tông tòa đầu tiên ở Trung quốc. Giáo hội công giáo lúc đó thoát khỏi mọi bảo vệ của Âu châu, và năm 1924, Giáo hội mừng công nghị Thượng Hải, chuẩn bị phong sáu giám mục đầu tiên của Trung quốc, và ngày 28 tháng 10 năm 1926, Đức Piô XI hoàn thiện một cách cá nhân, minh chứng cho thấy quyết tâm của mình để thành lập một Giáo hội địa phương ở Trung quốc. Giám mục Costantini đã có nhiều nỗ lực để thiết lập quan hệ ngoại giao, tuy nhiên điều đó không thành công. Năm 1933, ngài trở về Rôma và làm thư ký của Bộ Truyền giáo (Propaganda Fide), nhưng giai đoạn này là một tiến bộ lớn trong hội nhập văn hóa với kết quả năm 1939 có bản quy định cuối cùng và chính thức về các nghi thức của Trung Quốc, mà trong nhiều thế kỷ trước đã rất tiêu cực cho các công việc của Giáo hội công giáo ở đất nước này.
Thiết lập hệ thống phân cấp hàng giám mục
Tình hình chính trị ở Trung Quốc sau đó cực kỳ xáo động (cuộc xâm lược của Nhật Bản, Đảng Cộng sản phát triển, xung đột nội bộ), và cuối cùng là Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ. Nhưng Đức Giáo hoàng Piô XII tiếp tục cùng đường hướng về vấn đề Giáo hội Trung quốc và các quan hệ ngoại giao giữa Trung quốc và Tòa Thánh. Sau khi kết thúc cuộc xung đột thế giới, đầu năm 1946, Đức Giáo Hoàng đã phong hồng y Trung Quốc đầu tiên cho tu sĩ Dòng Ngôi Lời Tôma Điền Canh Tân. Cùng năm mà hệ thống phân cấp hàng giám mục được thiết lập ở Trung Quốc, theo cấu trúc được đưa ra trong Niên giám Giáo hoàng, bao gồm 20 tổng giáo phận, 85 giáo phận và 34 doãn phận tông tòa.
Năm 1946, giám mục Antonio Riberi được công nhận là người đại diện tông tòa bên cạnh chính quyền quốc gia của Tưởng Giới Thạch ở Nam Kinh. Khi chế độ mới được áp đặt vào năm 1949, đại diện của giáo hoàng đã không dọn về Đài Loan theo chính phủ, nhưng vẫn ở lại lục địa và đã xin các nhà truyền giáo ở lại.
Sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản
Mao Trạch Đông lên nắm quyền và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Ngày 1 tháng 7 năm 1949, Văn phòng Tòa Thánh lên án chủ nghĩa cộng sản: Vatican nhắm chủ yếu là tình hình ở Âu châu lúc đó, nhưng sự lên án có một giá trị chung, thể hiện quan điểm của Giáo hội về ý thức hệ của một chế độ mới. Trong những năm đầu tiên của nước cộng hòa mới, Trung quốc phát triển rất phức tạp: chiến tranh Triều Tiên, cải cách ruộng đất, kế hoạch ngũ niên.
Liên quan đến chủ đề tôn giáo, Phong trào cải cách với ba quyền tự trị (tự trị chính quyền, tự chủ tài chính, tự trị phân phối) bắt đầu thiết lập, và đã thành công với người tin lành nhưng không thành công với người công giáo.
Tháng 1 năm 1951, Văn phòng Tôn giáo được thinh lặng. Sau một chiến dịch báo chí rất bạo lực, Đức Giám mục Riberi bị buộc rời khỏi đất nước ngày 5 tháng 9 năm 1951. Từ năm 1951 đến năm 1954, gần như tất cả người truyền giáo nước ngoài đều bị trục xuất.
Đức Piô XII, với bức thư tông thư về Giáo hội Trung Hoa Cupimus imprimis (1952) để trả lời cho Phong trào Ba Tự trị. Điều này thất bại với Giáo hội công giáo, và một phong trào chống đế quốc, tình yêu cho quê hương và cho tôn giáo đã được đưa ra. Với thông điệp Ad Sinarum Gentem (1954) về tình trạng Giáo hội công giáo Trung quốc, Đức Piô XII lên án “phong trào yêu nước” dưới mọi hình thức, so sánh với tài liệu trước đó, đây là lời khiển trách rõ ràng và có lập luận hơn.
Năm 1955 nhiều giám mục bị bắt, trong số này có Giám mục Ignatiô Cung Phẩm Mai (Ignatius Kung Pin-mei), giám mục giáo phận Thượng Hải. Cùng một lúc, có nhiều người công giáo chấp nhận tham dự vào đời sống chính trị. Năm 1956-57, Mao Trạch Đông phát động Phong trào Trăm hoa đua nở nhằm cải thiện quan hệ giữa quyền lực và công chúng. Một sự cải thiện ngắn ngũi bầu khí, dẫn đến việc phóng thích người công giáo đã bị bắt trước đây. Trong bối cảnh này, năm 1957 Hiệp hội Công giáo Yêu nước ra đời và các vụ phong giám mục đầu tiên không được Tòa Thánh chuẩn chi đã bắt đầu. Giáo hội công giáo gọi là “chính thức” bắt đầu từ đó. Hơn 20 giám mục được phong trong thời kỳ này trước khi Đức Piô XII qua đời năm 1958. Với tông thư Ad apostolorum principis về Cộng sản và Giáo hội Trung hoa công bố ngày 29 tháng 6 cùng năm, Đức Piô XII công nhận lòng yêu nước của người công giáo nhưng ngài không chấp nhận Hiệp hội Công giáo Yêu nước. Còn về các vụ phong giám mục không có sự chấp nhận ủa Tòa Thánh, sau đó được làm sáng tỏ là bất hợp pháp nhưng hợp lệ.
Các khó khăn thời Mạo Trạch Đông
Đức Gioan XXIII trong thời đầu giáo triều của ngài, khi đề cập đến tình trạng của Trung quốc, ngài nói đó là “ly giáo” nhưng ngài thay đổi thái độ ngay sau đó. Giữa cuối năm 1958 và đầu năm 1960, một suy tư đào sâu hơn dẫn đến việc xác quyết không được nói đến ly giáo, vì hàng giáo sĩ Trung Hoa không có ý định ly khai.
Bối cảnh nước Trung quốc trong những năm 1959-1960 rất phức tạp: Bước Đại Nhảy Vọt bị thất bại. Bước Nhảy Vọt này đã được Mạo Trạch Đông đưa ra năm 1958, người sau đó phải từ bỏ chức chủ tịch nước. Năm này cũng là năm đánh dấu sự nổi dậy của người Tibê, qua việc cắt đứt ngoại giao giữa Trung quốc và Liên xô, và phong trào bài Mỹ rất mạnh trong chính quyền Trung Hoa. Năm 1960 có vụ án xét xử công khai các giám mục Gong Pinmei (bị lên án tù chung thân) và James Edward Walsh (nhà truyền giáo Mỹ, giám mục nước ngoài duy nhất ở lại Trung quốc). Tháng 1 năm 1962, Hiệp hội Yêu nước trong lần đại hội thứ nhì, nhấn mạnh với một tông giọng khắ nghiệt về một Giáo hội hoàn toàn độc lập với Rôma. Đức Gioan XXIII nghĩ nên mời các giám mục Trung quốc đến dự Công đồng Vatican II, nhưng sau đó ngài từ bỏ ý định này. Tuy nhiên có 60 giám mục Trung Hoa lục địa lưu vong đã tham dự Công đồng Vatican II, trong số này có 49 nhà truyền giáo nước ngoài.
Triều giáo hoàng Phaolô VI trùng với các năm tháng bi thảm của cuộc Cách mạng Văn hóa và thời kỳ các nước phương Tây và Liên Hiệp Quốc công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung quốc và không còn công nhận Đài Loan (Cộng hòa Trung Hoa), mà Tòa Thánh vẫn còn tiếp tục công nhận. Năm 1970, trong chuyến đi Á châu và Châu Đại Dương, Đức Phaolô VI đã đến thăm Hồng Kông (lãnh thổ Anh), ngài là giáo hoàng đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ đã đặt chân đến Trung Hoa lục địa.
Năm 1966, Mạo Trạch Đông mở cuộc Cách mạng Văn hóa. Có nghĩa cấm mọi sinh hoạt tôn giáo và đóng cửa các nơi thờ phượng. Ngay cả các thành viên của Hiệp hội Yêu nước cũng bị tác động nặng nề. Ngày 9 tháng 9 năm 1976, Mạo Trạch Đông qua đời, tiếp đó là vụ bắt giữ và xét xử “nhóm tứ nhân bang”, đánh dấu sự kết thúc Cách mạng Văn hóa.
Êm dịu dưới thời Đặng Tiểu Bình
Triều giáo hoàng Đức Gioan-Phaolô II năm 1978 trùng với việc nhà cải cách Đặng Tiểu Bình lên nắm chính quyền. Từ năm 1979, đã có những dấu hiệu cởi mở đầu tiên trong lãnh vực tôn giáo. Năm 1980, các nhà thờ được mở cửa ở nhiều thành phố khác nhau. Văn phòng Tôn giáo được tái lập, cũng như năm Hiệp hội Yêu nước được tổ chức các hội nghị ở tầm mức quốc gia của họ. Sau khi có buổi họp các đại diện, Hiệp hội Yêu nước thứ ba là Hiệp hội thành lập Giám mục đoàn Trung Hoa, tổ chức này chưa bao giờ được Rôma công nhận. Trong những năm 1980, các linh mục và giám mục bị tù đã được phóng thích.
Ngày 18 tháng 2 năm 1981, từ thủ đô Manila, Phi Luật Tân, Đức Gioan-Phaolô II gởi lời chào các tín hữu công giáo Trung quốc. Nhưng vào tháng 6 cùng năm, có các cáo buộc Vatican đã can thiệp trong việc công nhận giám mục Đaminh Đặng Dĩ Minh (Deng Yiming) là giám mục giáo phận Quảng Châu. Ngoài ra, giám mục Boading đã phong ba giám mục mà không hỏi ý kiến Tòa Thánh. Ngày 12 tháng 12 năm 1981, hồng y Agnelo Rossi, bộ trưởng Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc đã cho phép các giám mục Trung quốc “hợp pháp và trung thành với Tòa Thánh” được phong giám mục cho các giám mục khác nếu cần, mà không cần sự đồng ý trước của Tòa Thánh. Tuy nhiên đặc quyền này (trong quá khứ đã được áp dụng ở các nước Âu châu dưới chế độ cộng sản) đã đưa đến các vụ lạm dụng và làm cho các chống đối tăng lên giữa những người “chui” và “chính thức” hay “yêu nước”.
Năm 1982, Đại hội 12 của Đảng Cộng sản lên chương trình nghị sự trong tài liệu số 19 về sự kiểm soát năm tôn giáo được công nhận chính thức (phật giáo, đạo lão, hồi giáo, tin lành và công giáo). Trong điều khoản 36 của Hiến phương pháp mới thì không một thực tại tôn giáo nào ở Trung quốc mà được nước ngoài kiểm soát. Và cũng cùng năm này đánh dấu cho việc tái hoạt động các sinh hoạt khác nhau của Giáo hội. Linh mục Dòng Tên Aloysius Jin Luxian mở chủng viện ở Sheshan, sau gần ba thập niên Giáo hội không có cơ sở đào tạo. Nhờ vậy, có khoảng 200 tân linh mục được chịu chức vào cuối thập niên này. Các cơ sở bị tịch thu được trả lại và dần dần các dòng tu nữ được mở cửa cùng với các hoạt động bác ái và đào tạo.
Các quan hệ giữa các tòa giám mục Trung quốc với các nước khác được gia tăng. Nhưng vì có các mập mờ và căng thẳng trong quan hệ của Hiệp hội Yêu nước với các thành viên của mình, năm 1988 hồng y Tomko, bộ trưởng Bộ phúc âm hóa các Dân tộc đã gởi chỉ thị cho hội đồng giám mục tám điểm về “chui” và “yêu nước”, những điểm đã được thảo luận rất nhiều. Kể từ năm 1989, với biến cố Thiên An Môn và cuộc khủng hoảng chủ nghĩa cộng sản ở Âu châu, người Trung quốc không tin tưởng ở Đức Gioan-Phaolô II. Đức Gioan-Phaolô II đã phong hồng y cho giám mục lưu đày của giáo phận Thượng Hải, Ignatiô Cung hẩm Mai, mà sau ba mươi năm bị tù cuối cùng đã được đi Mỹdr được săn sóc tại đây. Trong những năm 1990, đường lối chỉ đạo truyền thống của nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát các tôn giáo.
Phát triển đối thoại
Tuy nhiên sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, theo quan điểm của bối cảnh mới, nhiều giám mục “yêu nước” đã xin và đã được Rôma công nhận, thông qua các mạng lưới dành riêng để được Rôma công nhận. Như thế ý tưởng có thể có một Giáo hội “ly khai” bị dập tắt hoàn toàn. Tháng 1 năm 2007, thông báo cuối cùng cuộc họp ở Vatican của một Ủy ban Trung quốc khẳng định, “gần như tất cả giám mục và linh mục đều thông hiệp với Rôma.” Điều này cho thấy tình huống đã thay đổi một cách quan trọng, và đã trưởng thành theo thời gian. Trong Giáo hội đã có các hình ảnh của các mục tử cao cả được hiệp thông với Rôma và được chính quyền Trung quốc thừa nhận như trường hợp giám mục Thượng Hải Aloysius Jin Luxian.
Năm 2000 lại có các khó khăn mới trong quan hệ giữa Trung quốc và Tòa Thánh với các vấn đề phong giám mục bất hợp pháp ở Trung quốc và việc phong thánh cho 120 vị tử đạo Trung quốc tại Rôma vào đúng ngày 1 tháng 10 là ngày Quốc Khánh Trung quốc. Đức Gioan-Phaolô II đã khắc phục rất nhiều các khó khăn này, đặc biệt là thời điểm với tiếng vang nhân dịp có hội thảo về linh mục Dòng Tên Matteo Ricci ngày 24 tháng 10 năm 2001. Ngài nói với Trung quốc, với người Trung Hoa và nhà cầm quyền của họ, ngài dang tay rộng ra trong tình bằng hữu, tôn trọng và cũng là công nhận các “lỗi lầm và hạn chế trong quá khứ” với những lời rất mạnh: “Với tất cả những điều này, tôi xin sự tha thứ và hiểu biết với những người cảm thấy mình bi tổn thương bởi các hành động của các tín hữu kitô, dù ở bất cứ cách nào”. Ngài bày tỏ ước muốn rõ ràng của mình, “được thấy gần đây các con đường cụ thể được thiết lập để giao tiếp và hợp tác giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc”.
Năm 2005 một Quy tắc mới cho các vấn đề tôn giáo có hiệu lực, nhưng người ta còn nhớ nhiều nhất là là lời khen của Bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc nhân khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời và tiếp sau đó bắt đầu lại các tiếp xúc trực tiếp.
Dù có các tiếp xúc này, các căng thẳng lại xảy ra, năm 2006 lại có những trường hợp phong chức “bất hợp pháp” làm cho Tòa Thánh phải phản ứng. Các quan hệ trở nên nguội lạnh. Tuy nhiên ngày 27 tháng 5 năm 2007, Đức Bênêđictô XVI công bố một bức thư rất quan trọng cho các “giám mục, linh mục, các tu sĩ thánh hiến, các giáo dân của Giáo hội công giáo Trung quốc” với nhiều chỉ dẫn mục vụ phong phú. Ngài nhấn mạnh đến đơn vị hiệp nhất của Giáo hội, loại bỏ tất cả các hình thức đặc biệt (chẳng hạn phong chức “chui” cho các giám mục) và mong có đối thoại với nhà cầm quyền.
Ngày 7 tháng 5 năm 2008, ở Phòng Phaolô VI, Vatican, có buổi hòa nhạc đặc biệt của dàn nhạc giao hưởng Bắc Kinh, cùng với ca đoàn opera Thượng Hải để mừng Đức Bênêđictô XVI. Đây là giây phút đáng kể của nền ngoại giao văn hóa, ngoài ra còn có các sáng kiến khác, như triển lãm lịch sử và nghệ thuật ở Vatican và ở Trung quốc, đặc biệt có sự tham dự của các chuyên gia ở đại hội khoa học và văn hóa. Tuy nhiên có thời gian đã có các vụ phong chức giám mục với sự đồng ý của Rôma, nhưng rồi lại có các vụ phong chức bất hợp pháp xảy ra trong năm 2010 và năm 2011.
Các dấu hiệu thiện cảm với Đức Phanxicô
Từ đầu triều giáo hoàng Đức Phanxicô, ngài thường bày tỏ sự quan tâm sâu đậm của mình với người dân Trung Hoa, tạo một bầu khí mới và thoải mái hơn, đã góp phần rất nhiều trong việc đối thoại giữa Tòa Thánh và các nhà cầm quyền Trung Hoa. Các dấu hiệu rõ ràng cho bầu khí mới này là Trung quốc cho phép máy bay giáo hoàng bay trên không phận Trung quốc trong chuyến đi Nam Hàn của ngài từ ngày 14 đến 18 tháng 8 năm 2014, và Đức Phanxicô cũng đã gởi lời chào mừng của mình đến Chủ tịch nước Trung Hoa. Chúng ta cũng có thể thấy trong cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô với báo Tin Á châu Asia Times ngày 2 tháng 2 năm 2016, ngài có những lời đề cao dân tộc và văn hóa Trung quốc.
Trong những năm gần đây, các quan hệ được nhân lên nhiều và các mạng truyền thông ngày càng ổn định và hiệu quả hơn. Nhiều lần, một số cơ quan truyền thông Trung quốc và ngay cả bộ Ngoại giao cũng đã công bố các lời tuyên bố nhẹ nhàng về Đức Phanxicô, trong các chuyến đi quốc tế hay khi bình luận về các lời tuyên bố của ngài. Phần còn lại thuộc về thời sự của những ngày gần đây.
Linh mục Federico Lombardi, sj
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch