Canada khám phá vụ tai tiếng cưỡng bức cho con nuôi
Nhà hộ sinh ở Canada. Các bà mẹ đơn thân bị áp lực phải bỏ con / Anatoly Tiplyashin – stock.adobe.com
la-croix.com, Gilles Biassette, 2018-08-08
Cho đến đầu những năm 1970, hàng trăm ngàn bà mẹ đơn thân Canada đã phải buộc bỏ con sơ sinh của mình. Một biên bản của Thượng Viện kêu gọi chính quyền liên bang có lời xin lỗi, và các Giáo hội có trách nhiệm lo các nhà hộ sinh phải tự vấn lương tâm.
“Nhục cho chúng tôi”. Dưới tiêu đề ngắn gọn nhưng hùng hồn, Thượng Viện Canada vừa tiết lộ một quá khứ đặc biệt đau đớn và vẫn còn sống động trong lịch sử gần đây của Canada. Trong một bản công bố vào tháng 7 – 2018, Ủy ban Thượng viện về các vấn đề xã hội đã mô tả việc cưỡng bức cho con nuôi của các bà mẹ đơn thân sau chiến tranh.
Cho đến đầu những năm 1970, hàng trăm ngàn trẻ sơ sinh đã bị bứt khỏi mẹ của chúng với sự chấp thuận của các Giáo hội có trách nhiệm lo các nhà hộ sinh và sự chấp thuận của các cơ quan liên bang. Các báo cáo viên đã viết: “Trong thời kỳ sau chiến tranh, Canada vẫn phân biệt đối xử quan trọng với các bà mẹ đơn thân, các phụ nữ này chịu nhiều áp lực xã hội và thể chế rất lớn, họ bị buộc phải cho con của mình cho các cặp vợ chồng “truyền thống” muốn xây dựng gia đình hạt nhân riêng của mình”.
Sinh con dưới áp lực
Đôi khi các bà mẹ tương lai buộc phải đến các nhà hộ sinh được nhà nước liên bang tài trợ để sinh con một cách tương đối bí mật. Tại phiên điều trần vào tháng 3 – 2018, các thượng nghị sĩ đã nghe lời chứng của nhiều phụ nữ trong số này. Vào cuối những năm 1960, bà Sandra Jarvie mang thai khi bà 20 tuổi. Bà kể về áp lực người phụ nữ trẻ dễ bị tổn thương là bà lúc đó phải chịu: “Tôi được cho biết, tốt hơn hết là phải cho con tôi có một người cha, một người mẹ. Tôi sẽ không đủ sức trả tiền học cho con tôi. Con tôi sẽ bị cho là con không chính thức, sẽ bị chê cười ở trường. Chúng tôi ích kỷ mới muốn giữ con mình lại; con tôi xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn”.
Rồi đến chấn thương khi sinh con và khi xa con. Bà Sandra Jarvie kể tiếp: “Trong phòng sinh, một cô y tá hét thẳng vào mặt tôi, bà nói, bà thấy tôi xấu xa. Khi sắp sinh xong, tôi kiệt lực. Người ta chia cắt con tôi và tôi ngay sau khi sinh. Từ đây con tôi thuộc về cơ quan xã hội và bệnh viện. Nhân viên xã hội đưa cho tôi một mẫu đơn để điền vào, cô giải thích tôi phải nói lý do vì sao tôi bỏ em bé. Tôi điếng người. Rồi họ đưa con tôi đi. Chỉ có họ mới biết bây giờ con tôi ở đâu”.
Thật phức tạp để biết có bao nhiêu phụ nữ ở trong hoàn cảnh này
Mất con, từ đây Sandra Jarvie buộc phải im lặng: “Nhân viên xã hội đứng trước mặt tôi và nói với tôi, trong suốt cuộc đời tôi, tôi sẽ không bao giờ thấy lại con tôi và nếu tôi tìm cách tìm lại con tôi, tôi sẽ phá hủy cuộc sống của nó và phá hủy luôn cuộc sống của cha mẹ nuôi”.
Có bao nhiêu phụ nữ đau đớn và bị tổn thương như Sandra Jarvie? Vì các thể thức nuôi con nuôi và cách làm bí mật chung quanh những việc này nên thật khó biết chính xác con số thật là bao nhiêu. Các báo cáo viên viết: “Thật khó để biết con số chính xác có bao nhiêu người bị ảnh hưởng trong các vụ này, nhưng có gần 600 000 trường hợp “sinh bất hợp pháp” đã được ghi nhận trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1971”.
Đối với Ủy ban Thượng viện, việc khẩn cấp bây giờ là chính thức xin lỗi các phụ nữ và con cái họ, và “khắc phục hậu quả thông qua các hành động cụ thể” như Úc đã làm trong năm 2013 với các lý do tương tự. Canada không phải là trường hợp duy nhất, Tân Tây Lan, Mỹ, Anh cũng đã hành động như vậy. Nhờ sáng kiến của tổ chức Phi Chính Phủ Origins đã làm việc tại Úc mà các thượng nghị sĩ Canada đã lưu tâm để giải quyết đến vấn đề này.
Các nhà hộ sinh do các Giáo hội quản lý
Nhưng liên bang và các tiểu bang Canada có trách nhiệm về chính sách nhận con nuôi không phải là các cơ quan duy nhất có liên quan. Các thượng nghị sĩ cũng kêu gọi các Giáo hội suy nghĩ về các hành động của mình trong quá khứ. Vì các nhà hộ sinh này do các Giáo hội chính của Canada quản trị – công giáo, anh giáo, giáo phái calvin cũng như hội Từ thiện Quân đội… Hiện nay chỉ có Hội thánh Thống nhất Canada, Giáo hội tin lành Canada là đã tự vấn trách nhiệm của họ một cách sâu đậm kể từ năm 2013.
Lời kêu gọi “xin lỗi toàn quốc gia”
Bản báo cáo kết luận, ủy ban Thượng viện đưa ra bốn khuyến nghị. Các khuyến nghị này gồm lời “xin lỗi chính thức” của Quốc hội từ đây cho đến một năm với các bà mẹ và con cái, nhưng còn khắc phục các thiệt hại đã gây ra. Trong số các con đường được đưa ra thảo luận, có đề xuất của các dịch vụ tư vấn cho những người sống sót trong các vụ cho con nuôi cưỡng bức này ở Canada. Thời gian gấp rút: các bà mẹ còn sống bây giờ đã rất lớn tuổi và cả chính con cái của họ, đa số ngày nay họ ở vào khoảng tuổi 70.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch