Tự vẫn – đòi lại ký ức của người thân yêu
Ronald Rolheiser, 7-21-2014
Mỗi năm, tôi viết một bài về tự vẫn. Hầu như tôi cứ nói lui nói tới một điều, đơn giản vì đó là điều cần nói. Tôi không cần những sáng tạo hay những thấu suốt đặc biệt, tôi chỉ viết về vấn đề tự vẫn vì đó là một nhu cầu khẩn thiết cho bất kỳ ai. Hơn nữa, về phần mình, một linh mục Công giáo và là người viết khảo luận thiêng liêng, tôi thấy điều quan trọng là đưa ra được một điều gì đó để giúp xua đi nhận thức sai lầm mà nhiều người, không phải chỉ trong Giáo hội mà thôi, đang hiểu lầm về nhận định của Giáo hội đối với vấn đề tự vẫn. Nói đơn giản, tôi không phải là chuyên gia, không là người cứu vớt ai được.
Và mỗi năm, có nhiều người tìm đọc bài viết về tự vẫn này. Tôi luôn luôn ngạc nhiên và đôi khi quá phấn khởi với các phản hồi. Trong mười năm trở lại đây, tôi không nghĩ có tuần nào trôi qua mà tôi không nhận được email, thư tín, hay điện thoại từ ai đó đã bị mất người thân vì tự vẫn.
Khi nói về chuyện tự vẫn, ít nhất là với những người ở lại khi người thân yêu của họ đã từ bỏ cuộc đời, thì có những chủ đề cứ phải được nhấn mạnh hết lần này qua lần khác. Theo Margaret Atwood, đôi khi có những điều cần được nói đi và nói lại cho đến khi nó không còn cần được nói đến nữa. Vậy cần phải nói đi nói lại điều gì về tự vẫn? Đó là, trong hầu hết trường hợp, tự vẫn là một chứng bệnh, nghĩa là nó đẩy con người từ bỏ sự sống, đi ngược lại với ý muốn của họ; nó như cơn đột quỵ, như nhồi máu tim, hay ung thư về mặt tinh thần; và những người bị biến thành nạn nhân của chứng bệnh này hầu như luôn là những người rất nhạy cảm, những người vì vô số lý do quá đau khổ nên chẳng ai chạm đến được; còn những người ở lại không nên dành quá nhiều thì giờ đoán non đoán già tự hỏi liệu mình có rơi vào cảnh khốn cùng này không, và cuối cùng, vì lòng nhân từ của Chúa, vì những phân tích kỹ càng về tự vẫn, và vì các linh hồn nhạy cảm đã bị tự vẫn nuốt chửng, chúng ta không nên lo lắng quá mức về ơn cứu độ bất diệt của những người đã rơi vào hố tự vẫn.
Năm nay, được thôi thúc bởi một quyển sách đặc biệt đánh động của bác sĩ tâm thần trị liệu ở Havard, bà Nancy Rapparort, tôi muốn nói thêm một điều cần nói về tự vẫn, cụ thể là, chúng ta, những người ở lại, có phận sự chuộc lại cuộc đời và ký ức của người thân yêu đã chết vì tự vẫn. Như thế nghĩa là gì?
Nghĩa là vẫn có một dấu hằn lớn bao quanh tự vẫn. Vì nhiều lý do, chúng ta thấy thật khó để hiểu và hòa hợp được với tự vẫn. Các cáo phó hiếm khi nói ra chuyện này, mà tìm một kiểu nói trại khác khi nhắc đến nguyên nhân cái chết. Hơn nữa, và phức tạp hơn nữa, là chúng ta, những người ở lại, có khuynh hướng không chỉ chôn cất người đã chết vì tự vẫn, mà còn chôn vùi cả ký ức về người đó nữa. Chúng ta tháo các tầm hình của người đó khỏi tường, cắt xóa các bức ảnh, và luôn im lặng một cách dè dặt khi nói về nguyên do cái chết của họ. Đến cuối cùng, chúng ta không thực sự đối diện với cái chết cũng như con người của họ. Và như thế không phải là một kết thúc lành mạnh, mà chỉ như kiểu hờ hững khép lại một quyển sách vẫn còn rất nhiều thứ chưa được hoàn thành. Như vậy thật bất hạnh, một kiểu chối bỏ. Chúng ta phải làm việc để chuộc lại cuộc đời và ký ức về người thân yêu đã chết vì tự vẫn.
Đây là những gì Nancy đã làm với cuộc đời và ký ức về mẹ mình, người đã chết vì tự vẫn khi cô còn là một đứa trẻ. Sau khi mẹ mình tự vẫn, như nhiều người bị mất người thân vì tự vẫn, cô sống với một bóng tối cứ lảng vảng ám ảnh quanh cái chết của bà. Và bóng tối đó nhuốm màu lên tất cả mọi sự có liên quan đến mẹ cô. Nó cứ quẩn quanh len lỏi đến mức biến việc tự vẫn của mẹ cô thành cái xác định cho cá tính, lòng chính trực, và tình yêu của bà đối với mọi người. Việc tự vẫn, gắn chặt vào nhận thức của chúng ta, gây nên chuyện này, và nó như kiểu phản đề của một tiến trình phong thánh vậy
Với nền tảng nhận thức này, Nancy chấn chỉnh lại suy nghĩ của mình về việc mẹ tự vẫn, tái hồi lại mối dây gắn bó với bà, và căn bản nhất, là lấy lại ký ức về bà sau khi bà tự vẫn. Những nỗ lực của Nancy cũng tương tự như chuyện của tiểu thuyết gia Mary Gordon, người viết quyển Quanh mẹ tôi (Circling my Mother), đã cố gắng để hiểu thấu chứng bệnh mất trí nhớ Alzheimer cũng như cái chết của mẹ mình. Như Nancy, Mary cũng cố gắng xác định cho đúng sự thu mình và cái chết của người thân yêu, đồng thời lấy lại ký ức về bà cho mình và cho người khác. Sự khác biệt là, với hầu hết mọi người, việc tự vẫn luôn hằn dấu và gây nhiều mất mát hơn chứng bệnh Alzheimer.
Chết vì tự vẫn, là một trong rất ít chuyện, ghi dấu nặng nề trên cuộc đời và ý nghĩa của một người, nên cần có một sự gì đó thực sự mang tính cứu chuộc để nắm bắt cho đúng dấu hằn này. Chúng ta phải làm cho người thân yêu của mình những gì Nancy đã làm cho mẹ cô, cụ thể là, chuộc lại đời sống và ký ức về họ.
J.B. Thái Hòa dịch