Sợ sự trưởng thành của chính mình

364

Sợ sự trưởng thành của chính mình

Ronald Rolheiser, 8-25-2014

Thể xác và linh hồn chúng ta đều có những tiến trình lão hóa riêng, và chúng không phải lúc nào cũng hợp nhau. Do đó, T.E. Laurence, trong quyển Bảy Cột trụ Khôn ngoan, đã có lời bình luận về một người thế này: ‘Anh ta sợ sự trưởng thành khi nó đến với mình, với suy nghĩ chính chắn và nghệ thuật hoàn thiện, nhưng lại thiếu tính thi vị của tuổi niên thiếu để làm nên một cái kết trọn hảo cho cuộc sống … linh hồn khả diệt trải rộng của anh đang già đi nhanh hơn thể xác, đang chuẩn bị chết trước thể xác, như hầu hết chúng ta đều vậy.’

Tôi ngờ rằng, tất cả chúng ta, ở một mức độ nào đó, đều sợ trưởng thành. Không hẳn là do chúng ta không muốn từ bỏ các thói quen tuổi trẻ, hay sợ những niềm vui của tuổi trưởng thành không bằng những niềm vui tuổi trẻ. Mà tôi tin là có một lý do sâu hơn: Như Laurence đã nói, chúng ta sợ rằng sự trưởng thành của mình sẽ tước mất đi khỏi chúng ta tính thi vị của tuổi trẻ và khiến chúng ta già trước tuổi. Vậy nghĩa là gì?

Đôi khi chúng ta nói về một tâm hồn già bên trong một người trẻ tuổi, và điều này vừa khen vừa chê, mà có lẽ nghiêng về vế sau hơn. Có những lúc, chúng ta nhìn vào một người trẻ với cơ thể đầy sức sống và tràn năng lượng, nhưng lại thấy linh hồn phát triển ngược lại với tuổi trẻ và sinh lực đó, và chúng ta không khỏi tự hỏi rằng liệu sự trưởng thành sớm đó có ngăn cản quy luật đời sống hay không. Và rồi chúng ta có những phản ứng lẫn lộn: Thật là một chàng trai trẻ trưởng thành! Nhưng phải chăng cuộc đời anh quá xám xịt và cằn cỗi trước tuổi?

Nghĩ về điều này, tôi nhớ lại một lời mà Raymond Brown từng nói khi dạy học. Và cần phải lưu ý đến bối cảnh câu nói. Đây không phải là lời nhận định của một chàng trai trẻ vẫn còn đang tìm cách gây dấu ấn trong đời, nhưng là của một người đáng trọng, thành công, và rất chính chắn khiến nhiều người phải ghen tỵ. Gần 70 tuổi, chính chắn tuyệt vời, được mọi người tôn trọng vì đủ điều, từ học vị cho đến tính chính trực, ông là một linh hồn trưởng thành. Và lời nhận định của ông đi ngược lại với nỗi sợ phảng phất rằng có thể sự chính chắn đã tước mất đi một vài thi vị niên thiếu của ông. Lời nhận định của ông có thể nói như sau:

Bạn biết là khi đến một tuổi nào đó, như tôi bây giờ, khi nhìn lại những gì bạn đã làm, đôi khi bạn bối rối lấy làm ngượng về những việc đã làm lúc tuổi trẻ, không phải là những việc đồi bại đâu, nhưng chỉ là những việc, mà lúc này đây, từ quan điểm hiện tại, có vẻ thiếu chính chắn và thiếu suy nghĩ, những việc bây giờ bạn quá khôn ngoan để không liều mạng vướng phải. Lúc nhớ lại chúng, đầu tiên bạn khá bối rối ngại ngùng. Nhưng rồi, cũng lúc đó, bạn cảm thấy tuổi tác và cả sự dè dặt của mình, có khi bạn nhìn lại và bảo: ‘Đó là việc dũng cảm nhất tôi từng làm!’ Tuyệt vời, tôi thật bạo gan! Bây giờ thì tôi e dè hơn nhiều!’

Jane Urquhart, tiểu thuyết gia người Canada, cũng đồng hưởng với cảm nghĩ này. Khi đọc một trong hững quyển sách mình viết cách đây 20 năm, bà nhận xét rằng: ‘Thật hết sức thõa mãn khi có thể lại được thấy mình là cô gái trẻ đã viết những tiểu thuyết này, và biết được rằng những gì có trong đầu cô vẫn còn khuấy động trong tôi.’ Trong lời bình luận trên, có ẩn chứa sự ngưỡng mộ hiện thời (và tôi dám nói là ghen tỵ nữa) với thi vị đã từng thổi bùng trong chính bà khi bà còn trẻ.

Tôi cũng đã có cảm giác tương tự vài năm về trước, khi quyển Quả tim Thao thức của tôi được tái bản, họ đã nhờ tôi cập nhật nó. Tôi đã viết quyển này khi mới trên 20, một người trẻ cô đơn và thao thức, phần nào tìm kiếm vị thế của mình trong đời. Còn bây giờ, gần 25 năm sau, và trưởng thành hơn đôi chút, đôi khi tôi thấy ngượng vì một vài điều tôi đã viết thời đó, nhưng cũng như Raymond Brown, tôi kinh ngạc trước khí lực của mình thời đó, và như Jane Urquhart, thật là tươi mới khi lại được thấy chàng trai trẻ đã viết quyển sách này, được cảm nhận rằng chàng có một thi vị sống động hơn và nhiệt tình hơn là con người nhiều tuổi hơn đang đọc lại trang sách đó.

Một vài người trong chúng ta không bao giờ lớn lên. Cơ thể già đi, nhưng linh hồn vẫn còn mãi thiếu chính chắn, bám chặt vào tuổi dậy thì, sợ trách nhiệm, sợ dấn thân, sợ cơ hội vụt mất, sợ tuổi già, sợ sự chính chắn của chính mình, và không kém quan trọng là, sợ chết. Đây không phải là công thức của hạnh phúc, nhưng là một công thức cho một nỗi sợ hãi, thất vọng, và cay đắng cứ lan dần trong đời. Xét cho cùng, thì ai cũng có cái không trưởng thành, và những gì được xem là dễ thương lúc 20, đa màu sắc tuổi 30, và lập dị vào tuổi 40, sẽ trở thành không chấp nhận được lúc bước vào tuổi 50. Đến một tuổi nào đó, ngay cả thi vị và nhiệt tình cũng không thể bù đắp cho sự thiếu chính chắn. Linh hồn cũng phải lớn lên.

Nhưng với một vài người trong chúng ta, mối nguy lại là chuyện ngược lại, chúng ta già trước tuổi, trở nên già nua trong cơ thể trẻ trung. Chúng ta chính chắn, có trách nhiệm, tận tâm, trông có vẻ già, và đúng mực đạo đức, nhưng lại không có thi vị, nhiệt tình, màu sắc, và hài hước, vốn là những điều cho một người trưởng thành được dịu ngọt và sống động, như loại rượu ngon ủ lâu năm vậy.

J.B. Thái Hòa dịch