Hành trình qua bản chất tự nhiên, niềm khao khát và tâm hồn

305

Hành trình qua bản chất tự nhiên, niềm khao khát và tâm hồn

Ronald Rolheiser, 05-04-2014

Bản chất tự nhiên, dục vọng, và tâm hồn – chúng ta hiếm khi hòa hợp được chúng với nhau. Nhưng chúng lại liên kết chúng không tách nhau được đến mức cách chúng ta vận dụng cái này sẽ xác định sắc thái sâu sắc cho cái kia, và thực sự, có thể định nghĩa linh đạo là những gì chúng ta làm để hợp nhất ba sự này trong đời mình.

Gần đây các ngòi bút thiêng liêng trứ danh như Annie Dillard, Kathleen Norris, Bill Plotkin, và Belden Lane đã đưa ra một cách hết sức thuyết phục rằng bản chất thể lý tác động sâu sắc đến linh hồn, cũng như cách chúng ta điều khiển các dục vọng của mình sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách chúng ta đối xử với tự nhiên. Sẽ là ngây thơ, khi tìm cách tách rời linh đạo ra khỏi tự nhiên và khao khát. Trong quyển sách mới xuất bản, Con đường là Thế: Cuộc Hành hương Đồng cỏ qua Tự nhiên, Dục vọng, và Linh hồn (The Road Is How: A Prairie Pilgrimage through Nature, Desire and Soul), văn sĩ người Canada, Trevor Herriot đã tụ hợp các gốc này lại với nhau và kêu gọi hãy hòa hợp với tự nhiên, với niềm khát khao và với linh hồn hơn nữa.

Tựa đề đã phản ánh nội dung quyển sách. Herriot đi bộ hành hương qua vùng đồng cỏ Saskatchewan, một mảnh đất ghi dấu chân trâu bò suốt hàng trăm năm nay, rồi qua chuyến đi, ông để tự nhiên và dục vọng lên tiếng với tâm hồn mình. Kết quả là một ký sự phi thường, một quyển sách có tinh thần đạo đức sâu đậm.

Là một nhà tự nhiên học, Herriot tham dự nhiều dự án đối thoại khác nhau về việc cứu lấy giống chim đồng cỏ để bảo tồn mặt cỏ lịch sử một thời này. Nhưng không có gì lạ khi một trong những chủ đề tâm điểm của ông là mối liên hệ mà ông cảm nhận qua trực giác giữa tự nhiên và linh hồn. “Tôi lo lắng về những gì sẽ xảy đến nếu chúng ta tách rời phần hồn khỏi đời sống thể xác và văn hóa, mà cả hai đều liên kết với đất đai, khí hậu và những điều khác của nơi này nữa.” Và cả chúng ta cũng nên lo lắng vì: “Thời nay, chúng ta thấy những xe tải chở bột đi ngang qua và nhận thấy có điều gì đó trong chúng ta và trong địa cầu này đang bị xâm hại khi thực phẩm được trồng lên rồi bị tiêu thụ mà thiếu sự thân thiện, quan tâm và tôn trọng. Các phong trào cổ vũ thức ăn địa phương và đồ ăn chậm đang cho chúng ta thấy cách chúng ta tạo nên, phân phối, chuẩn bị, và ăn thức ăn là một việc quan trọng đối với sức khỏe, chuyển hóa của cơ thể chúng ta cho đến trái đất này. Bước tiếp theo phải là nhận ra được rằng, nguồn sinh lực đưa phấn hoa vào nhụy rồi nảy nên hạt, một khi được đưa vào cơ thể chúng ta, cũng cần được nâng niu. Cách chúng ta đáp lại khát khao muốn hợp nhất, kết nối và sinh hoa trái, một cảm giác rất sâu sắc nhưng thường được diễn đạt quá nông cạn, sẽ quyết định giá trị của những trao đổi giữa người với người”.

Từ đó, ông tiến thêm một bước ngắn suy tư về tính dục và dục vọng. Herriot cho rằng “có một nỗi buồn xuất phát từ việc lạm dụng sinh lực tính dục, một dạng phần nào tuyệt vọng mà nếu chúng ta thinh lặng đủ, có thể nghe thấy tiếng của nó đang văng vẳng.” Tóm lại, với ông, cách chúng ta đối xử với cơ thể mình, với bạn đời, với người khác giới, sẽ góp phần xác định cách chúng ta đối xử với tự nhiên. Và ngược lại cũng vậy, cách chúng ta đối đãi với tự nhiên sẽ góp phần xác định cách chúng ta đối xử với cơ thể mình, với bạn đời, người yêu và người khác giới. “Trong một thế giới đắm chìm trong thứ tình dục công nghiệp và phi nhân, nơi hiếm có mối liên hệ và sự âu yếm thực sự, thì liệu chúng ta có nhận thức được rằng trong bản thân và trong địa cầu này đang có nhiều thứ bị xâm hại do thiếu vắng thân tình, quan tâm và tôn trọng, hay không? Chúng ta có học được rằng bất kỳ biểu lộ năng lực tính dục nào của chúng ta đều sẽ, hoặc nối kết, hoặc chia rẽ, chúng ta với thế giới quanh mình và với linh hồn mình, hay không?  Chúng ta đang khám phá ra rằng chúng ta phải quản lý những sinh lực của tự nhiên trong gốc hydrocarbon hay trong cây cối và sinh vật sống, rồi từ đó thăng tiến cách thức đón nhận hoa trái của địa cầu, nhưng chúng ta phải vật lộn để nhìn ra trách nhiệm hàng đầu của mình đối với sự phát triển dù nhỏ nhưng tích tụ lại thì vô cùng quan trọng của các năng lượng mà chúng ta đã nắm bắt và truyền dẫn, và đó như một lời đáp cho những khát khao muốn kết nối, hòa nhập và sinh hoa trái của chúng ta. Học để quản lý cách chúng ta tự mình sinh hoa trái trên phương diện một hữu thể tâm linh/tính dục với đầy đủ những khát khao thú tính và những khát khao thiên thần, có lẽ là điều quan trọng đối với cuộc lữ hành của nhân loại, quan trọng hơn những gì chúng ta hiểu được.” Đây không phải là những lời dễ nuốt, đối với cả những người cấp tiến lẫn bảo thủ.

Cũng như quyển sách cách đây cả mấy chục năm của Allan Bloom, Cận cảnh tư duy Mỹ (The Closing of the American Mind), thì quyển sách này của Herriot cũng chịu nhiều chỉ trích dữ dội từ cả hai phái bảo thủ và cấp tiến trong tôn giáo cũng như trong tư tưởng. Những người bảo thủ tôn giáo sẽ thấy khó chịu vì quan điểm tính dục của ông, nhưng tôi e rằng nhiều người tự do thế tục cũng sẽ khó chịu y như thế bởi Herriot xem họ cũng chẳng khác gì những người đối lập cánh hữu. Và cách nhìn nhận của Herriot về linh hồn, giáo hội, lịch sử Kitô giáo, chế độ gia trưởng, chủ nghĩa nữ quyền, giới tính, đồng tính, và sự nóng lên toàn cầu, tất cả cũng đều bị chỉ trích từ cả hai phía như vậy. Những Kitô hữu bảo thủ sẽ thấy mình bị kéo đến những nơi mình không muốn, và những người theo chủ nghĩa thế tục sẽ cứ mãi nghĩ xem liệu có ai nữa, như Herriot, một người mà họ xem là đồng minh, sẽ nói về linh hồn, linh đạo, dục vọng, và trinh tiết theo kiểu mà với họ là ngây thơ, nhưng lại truyền tải những sự thật vô cùng phức tạp và thường gây nên căng thẳng như thế này.

James Hillman thường nói biếm rằng: “Một triệu chứng sẽ đau đớn nhất khi nó chẳng biết chỗ của mình ở đâu.” Con đường biết là thế (The Road Knows How) sẽ cho chúng ta biết những triệu chứng vốn rất nhiều của chúng ta, đang ở đâu.

J.B. Thái Hòa dịch