Lúc kẹt xe

235

Lúc kẹt xe

Ronald Rolheiser, 2017-08-28

Trên một đường cao tốc, có tấm bảng viết rằng: Bạn không bị kẹt xe. Chính bạn làm kẹt xe! Thật khôi hài, mà sắc sảo! Chúng ta thường tách mình ra khỏi vấn đề rắc rối, dù là chuyện trong chính trị, giáo hội, môi sinh hay bất kỳ chuyện gì khác.

Chúng ta muốn nghĩ rằng mình bị mắc kẹt trong bầu khí chính trị tồi tệ, nơi chúng ta không còn có thể nói chuyện với nhau và tôn trọng lẫn nhau, nhưng không phải thế đâu. Đúng hơn là chính chúng ta đã trở nên quá cứng ngắc, kiêu căng, và tin vào bản thân mình đến nỗi không còn có thể tôn trọng những người có chính kiến khác với mình. Chúng ta chính là bầu khí chính trị tệ hại, chứ không phải bị mắc kẹt trong nó.

Về mặt giáo hội cũng vậy. Chúng ta không bị mắc kẹt trong một giáo hội quá tự quy và không đủ trung thành với lời dạy của Chúa Giêsu. Đúng hơn, chúng ta là những Kitô hữu quá thường xuyên vì tư lợi mà bóp méo lời dạy của Chúa Giêsu. Chúng ta không bị kẹt trong một giáo hội như thế, mà đúng ra là chúng ta bóp méo một giáo hội như thế.

Đối với các vấn đề môi sinh cũng vậy. Chúng ta không mắc kẹt trong một hành tinh đang dần cạn kiệt dưỡng khí và là một bãi rác của con người. Đúng hơn, chúng ta chính là những người quá bất cẩn khi sử dụng tài nguyên của trái đất, và là người xả rác.

Phải thừa nhận rằng, không phải lúc nào cũng đúng như thế. Đôi khi chúng ta bị mắc kẹt trong những hoàn cảnh tiêu cực mà chúng ta không có lỗi gì trong chuyện đó, đơn giản chỉ là chúng ta là nạn nhân bất hạnh của hoàn cảnh, của sự bất cẩn do người khác, của bệnh tật, hay tội lỗi. Đôi khi hoàn cảnh có thể đè nặng trên vai chúng ta trách nhiệm và tước mất tự do của chúng ta. Nói một cách ẩn dụ, thì chúng ta có thể thấy mình bị kẹt trong dòng xe chứ không phải là một phần của dòng xe, dù cho thường thì chúng ta, ít ra, cũng là một phần của dòng xe mà chúng ta đang mắc kẹt.

Henri Nouwen thường nhấn mạnh điều này trong các bài viết của mình. Chúng ta không tách biệt khỏi các sự kiện trên bản tin thế giới hằng ngày. Đúng hơn, những gì chúng ta thấy trên bản tin thế giới, đơn giản chỉ là phản ánh những gì đang diễn ra trong lòng chúng ta. Khi chúng ta thấy những chuyện bất công, định kiến bất dung, kỳ thị, tham lam, bạo lực, giết người, và chiến tranh tên truyền hình, chúng ta thường cảm thấy một sự căm phẫn chính đáng. Cảm thấy như thế là lành mạnh, nhưng ngây thơ nghĩ rằng người khác có vấn đề còn mình thì không, thì thật không lành mạnh chút nào.

Nếu thành thật, chúng ta phải công nhận mình có phần trong mọi chuyện này, dù không phải rõ rành rành, nhưng là theo một kiểu tinh vi hơn nhiều. Chuyện chính chúng ta là gốc rễ của nhiều xung đột trên thế giới, thật quá đỗi xa lạ không thể tin được. Nhưng, chính chúng ta cũng khó lòng chấp nhận những người khác biệt với mình. Chúng ta bám vào các đặc quyền và làm gần như tất cả các việc có thể làm để bảo đảm tiện nghi cho bản thân. Chúng ta cũng dùng tài nguyên một cách không công bằng để phục vụ cho cơn khát tiện nghi và trải nghiệm của mình. Và những phán xét tiêu cực của chúng ta, những lời cay nghiệt, những lần đàm tiếu, chính là những hành động bạo lực. Chính Henri Nouwen đã nói: “Không ai bị bắn bằng súng, mà trước đó không bị bắn bằng lời nói cả. Và không ai bị bắn bằng lời nói mà trước đó không bị bắn bằng một suy nghĩ ác tâm!” Ta tưởng mình là ai cơ chứ? Bản tin thời sự chỉ phóng lên cho chúng ta thấy những gì đã có trong lòng chúng ta mà thôi.

Chúng ta không chỉ là những người xem bản tin thời sự, mà còn là đồng lõa trong bản tin đó. Giáo lý xưa đã đúng khi bảo chúng ta rằng, không có một hành động nào thật sự hoàn toàn mang tính cá nhân, và mỗi hành động của chúng ta đều tác động đến tất cả mọi người khác.

Bài học đầu tiên rút ra từ điều này thật quá rõ ràng: Khi chúng ta thấy mình bị kẹt trong dòng xe, chúng ta phải thừa nhận sự đồng lõa của mình trong đó, và cố chống lại cám dỗ đổ lỗi cho người khác.

Nhưng còn một bài học nữa là: Chúng ta sống lành mạnh khi thú nhận về mình, thú nhận rằng chúng ta chính là dòng xe đó, hoàn cảnh đó, chứ không phải chỉ là mắc kẹt trong nó. Sau khi nhận ra rằng mình có góp phần trong đó, chúng ta có thể tha thứ cho bản thân, bởi ít nhất thì chúng ta không thể không góp phần trong đó. Không một ai bước đi trên đời mà chẳng để lại dấu chân.

Điểm khởi đầu để làm cho mọi sự tốt đẹp hơn, chính là thừa nhận và thú nhận sự đồng lõa của mình.

Rồi lần tới, nếu bạn bị kẹt xe, bực mình cáu kỉnh, càu nhàu vì sao có quá nhiều trên trục lộ giao thông như thế, thì bạn có thể nhìn mình qua gương chiếu hậu, tự hỏi vì sao mình cũng ở trên đường này, thì bạn có thể thứ lỗi cho mình, thế đấy, và cảm thấy thông cảm với người khác hơn.

J.B. Thái Hòa dịch