Cực điểm trong Đức tin của chúng ta

270

Cực điểm trong Đức tin của chúng ta

Ronald Rolheiser, 2017-08-07

Những chuyện không thể tránh khỏi đầy phức tạp của tuổi trưởng thành khiến sự ngây thơ trẻ con biến mất. Và điều này cũng đúng với đức tin của chúng ta. Nói thế không phải vì đức tin thật ngây thơ. Nhưng vì đức tin của chúng ta cần được khôi phục không ngừng vào con người chúng ta, và được làm mới với các trải nghiệm cuộc đời, nếu không chúng ta sẽ thấy mình thật lạc lõng trong cuộc đời. Nhưng đức tin đích thực có thể đương cự trước mọi trải nghiệm, dù cho nó phức tạp đến thế nào đi chăng nữa.

Đáng buồn thay, có vẻ không phải lúc nào, và thật sự là nhiều người đang bỏ đức tin lại sau lưng, khi các phức tạp của cuộc sống trưởng thành đi ngược lại với đức tin thời thơ ấu của họ.

Và khi nghĩ về chuyện này, tôi đề nghị các bạn đọc quyển sách mới xuất bản, Cực điểm của tôi, Một Hồi ký Sốt sắng (My Utmost, A Devotional Memoir) của Macy Halford. Cô Halford còn trẻ chỉ ngoài 30 tuổi, văn sĩ của các nhà xuất bản ở Paris và ở New York, và đây là tập hồi ký kể lại những đấu tranh của cô khi là một Kitô hữu phái Phúc âm bảo thủ mong muốn giữ gìn đức tin của mình trước những nhóm người có quan điểm rất tự do, đầy luận điệu, thế tục hóa và theo thuyết bất khả tri mà cô đang sống và đang làm việc chung.

Quyển sách kể lại những đấu tranh của cô để giữ gìn đức tin mạnh mẽ thời thơ ấu, vốn ghi tạc vào trong lòng nhờ người mẹ và người bà qua đức tin mạnh mẽ của họ. Đức tin và giáo hội là cái neo cho bước đường đời của cô. Nhưng trong con người cô còn có một sự khác, cụ thể là, sự khắc khoải và xung lực sáng tạo của một nhà văn, và sinh lực không thể đè nén này tự nhiên đưa cô vượt ngoài phạm vi an toàn và nương ẩn của giáo hội thuở nhỏ, đưa cô đến với các nhóm văn chương ở New York và ở Paris.

Cô sớm khám phá ra rằng sống đức tin khi quanh mình có một nhóm nâng đỡ đức tin mạnh mẽ là một chuyện, và sống đức tin khi quanh mình là môi trường cực kỳ thế tục và bất khả tri lại là chuyện khác. Quyển sách kể lại đấu tranh đó và cách cô hợp nhất niềm đam mê và đức tin thơ ấu vào cuộc sống mới của mình. Cô chia sẻ mỗi lần cô bị cám dỗ vượt qua ranh giới và từ bỏ đức tin thời thơ ấu, cô lại nhận ra rằng cô sợ làm thế “không phải vì sợ sẽ tiêu diệt một Thiên Chúa hay một niềm tin, nhưng là sợ tiêu diệt chính bản thân mình.” Thấu suốt này là yếu tố đích thực của đức tin cô. Thiên Chúa và đức tin không cần chúng ta, mà là ngược lại.

Vào sinh nhật thứ 13, bà cô cho cô một quyển sách rất phổ biến trong giáo hội phái Phúc âm và phái Baptist, quyển Cực điểm của tôi dành cho Đấng Tối cao (My Utmost for His Highest) của Oswald Chambers. Quyển sách này là một tuyển tập các châm ngôn thiêng liêng, những suy nghĩ thường nhật qua bao năm tháng của nhà thần nghiệm và truyền giáo này. Halford chia sẻ rằng, khi còn nhỏ và được neo giữ chặt vào giáo hội và đức tin thời thơ ấu, cô không đọc quyển sách này hằng ngày, và nó không quá ý nghĩa với cô. Nhưng cuối cùng, việc đọc quyển sách này giờ như một nghi thức thường nhật trong đời cô, và những lời khuyên trong sách trở thành một lăng kính để cô có thể hợp nhất đức tin thời thơ ấu và trải nghiệm tuổi trưởng thành của mình.

Cô từng nghiên cứu thần học rất sâu về quyển sách và tác giả của nó. Vài phần trong quyển sách của cô quá cao siêu với độc giả, nhưng dù không hiểu rõ về mặt thần học cách cô tìm được sự hòa hợp này, thì chúng ta cũng thấy rõ hoa trái từ đấu tranh của cô.

Đây là một tập hồi ký đáng giá bởi hôm nay nhiều người đang trải qua đấu tranh này, để đức tin thời thơ ấu đương cự với hiện thực hiện tại của mình. Halford đơn giản cho chúng ta thấy cách cô làm việc đó, và những nỗ lực của cô là một tấm gương để chúng ta noi theo.

Karl Rahner, từng có nhận định lừng danh rằng, trong thế hệ tiếp theo, chúng ta hoặc sẽ là nhà thần nghiệm hoặc là người không có đức tin. Một ý của Rahner trong câu này là, trong các thế hệ trước, khi gia đình, hàng xóm, và giáo hội của chúng ta hỗ trợ rất nhiều trong việc giữ đức tin, nhưng hiện tại chúng ta phải tự tìm nền tảng rất riêng của mình cho đức tin, và phải là một nền tảng thâm sâu hơn. Marcy Halford đã thể hiện rõ điều đó. Trong một thế hệ với nhiều người không có đức tin, tập hồi ký của cô chỉ ra con đường của một tinh thần thần nghiệm khiêm nhượng nhưng hiệu quả.

John Moriaty, nhà văn người Ai Len, từng chia sẻ về chuyện ông xa rời đức tin khi còn trẻ, xem đó là ngây thơ và không thể hơn được những trải nghiệm trưởng thành của ông. Ông cứ như thế cho đến một ngày, “Tôi nhận ra rằng Đạo Công giáo, đức tin thời thơ ấu của tôi, chính là tiếng mẹ đẻ của tôi.”

Macy Halford cuối cùng cũng tái đặt nền tảng của mình trên tiếng mẹ đẻ, trên đức thời thơ ấu, và nó tiếp tục dẫn dắt cô qua những ngụy biện của tuổi trưởng thành. Tập hồi ký kể lại hành trình của cô có thể hữu ích cho tất cả chúng ta, dù cho thuộc phái Kitô giáo.

 

J.B. Thái Hòa dịch