Khát khao mơ hồ

488

Khát khao mơ hồ

Ronald Rolheiser, 2017-07-02

Nhiều lúc cầu nguyện bằng thánh vịnh, tôi thấy mình đang nhìn vào một tâm gương phản ánh sự bất lương mơ hồ của tôi, một cảm giác khá là khó chịu. Ví dụ như, khi đọc lên những lời này: Linh hồn con trông mong Ngài trong đêm tối. …Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. …Con chỉ mong mỏi Ngài! Con chỉ khát khao Ngài! 

Nếu thành thật, tôi phải thừa nhận rằng nhiều lần, có lẽ là hầu hết mọi lần, linh hồn tôi khát khao nhiều điều có lẽ không thuộc về Chúa. Làm sao tôi có thể thật tâm cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ mong mỏi Ngài! Con chỉ khát khao Ngài! Trong sự bồn chồn, trong những ước mong trần thế, và bản năng tự nhiên của mình, tôi khao khát nhiều điều không có vẻ gì là tập trung vào Thiên Chúa hay hướng thượng cả. Tôi cho rằng hầu hết chúng ta trong hầu hết cuộc đời mình cũng thế. Chỉ có những nhà thần nghiệm, vào một lúc nào đó, có thể nói lên những lời cầu nguyện này với trọn vẹn tâm trí mà thôi.

Nhưng khao khát của con người thật phức tạp. Có bề mặt và có chiều sâu, và trong mỗi một khao khát và động cơ của mình, chúng ta có thể tự vấn: Tôi thật sự tìm kiếm gì ở đây? Xét bên ngoài, ngay tại đây và ngay lúc này, tôi biết tôi muốn gì, nhưng xét tận cùng, tôi khao khát điều gì trong chuyện này?

Sự mơ hồ này, giữa những gì chúng ta nhận thức được ở bề ngoài và những gì chúng ta chỉ có thể cảm nhận ở một mức độ sâu sắc hơn mà cũng mơ hồ và tăm tối hơn, chính là những gì mà một số triết gia lỗi lạc đã phân định giữa sự rõ ràng của nhận thức và điều ẩn tàng trong nó. Sự rõ ràng là những gì chúng ta nhận thức một cách ý thức (“Tôi muốn thứ này!”) còn sự ẩn tàng là những yếu tố vô thức cũng có vai trò trong diễn biến này nhưng chúng ta lại không biết. Chúng ta chỉ nhận thức được chúng một cách mơ hồ, trong những phần vô thức của linh hồn mình.

Chẳng hạn như, Karl Rahner, triết gia rất thích phân định và đã áp dụng chiều hướng này rất tốt trong linh đạo của mình, từng cho chúng ta một ví dụ để phân biệt giữa sự rõ ràng và sự ẩn tàng trong những khao khát và động cơ của chúng ta. Cha nói rằng, hãy thử tưởng tượng: Một người cô độc, bồn chồn, và chán nản trong tối thứ bảy, tìm đến một quán rượu, chọn một cô gái điếm, và lên giường với cô. Xét bề ngoài, động cơ và khao khát của ông này rõ ràng và thô bỉ. Trên chiếc giường đêm hôm đó, ông không khao khát Thiên Chúa. Nhưng mà có thể nào là có không?

Xét bề ngoài, tất nhiên là không, khao khát của ông có vẻ chỉ quy về bản thân và đối lập với khát khao linh thánh. Nhưng phân tích tận cội rễ thâm sâu nhất, thì khao khát của ông này xét cho cùng là khao khát một sự thân mật thiêng liêng, khao khát bánh hằng sống và thiên đàng. Ông khao khát Thiên Chúa từ sâu thẳm linh hồn mình và từ sâu thẳm trong động cơ ông làm, dù ông không nhận thức được thế. Lúc đó ông chỉ nhận thức được một khao khát thô tục cho sự thỏa mãn ngay lập tức, nhưng điều này chỉ là triệu chứng và nó không thay đổi được động cơ tận cùng của ông. Ở một tầm mức sâu hơn, một tầm mức mà ông không nhận thức một cách ý thức được, ông vẫn khao khát bánh hằng sống, khao khát chỉ mình Thiên Chúa mà thôi. Linh hồn ông vẫn là con nai khát khao dòng nước, ngoại trừ một điều là đêm hôm đó, một dòng nước khác hứa hẹn với ông chút nước ngon lành mà ông có thể uống ngay lập tức.

Gần đây, tôi có dạy một khóa về linh đạo tuổi già và giờ chết. Mượn một dòng thơ của Goethe trong bài Khát khao Linh thánh, tôi đặt tựa đề cho khóa học này một cách thi vị là: Điên lên vì Ánh sáng. Trong một bài kiểm tra, một sinh viên đã suy tư về hành trình của mình hướng về tuổi già và cái chết như thế này:

“Tối hôm qua, tôi bắt đầu nghĩ rằng chết là làm tình với Thiên Chúa, sự hòa hợp sau một đời ve vãn, gặp gỡ lén lút, khát khao không ngừng, cũng như thấy cô đơn đến mức điên lên vì Ánh sáng. Tôi suy niệm trên Diễm Ca và thấy cách tôi nghĩ về cái chết cũng gần như thế, không hẳn là sự từ bỏ và phân hủy của thân xác, nhưng là một sự biến đổi hoàn toàn đã được ghi sẵn trong định mệnh của tôi. Tôi nghĩ đời tôi như một câu chuyện tình với những khoảng thăng trầm như bao câu chuyện tình khác, nhưng luôn luôn hướng về Thiên Chúa với cái chết là lễ cưới đầy tình yêu giữa Thiên Chúa với tôi, sau thời gian đính hôn là cả đời người.”

Cô ấy đã nói lên những suy tư của Rahner cũng như nhiều triết gia khác, dù bằng những lời lẽ trực tiếp hơn. Khi phân tích khát khao của mình, cô chỉ ra rằng có nhiều mức độ, rõ ràng và mơ hồ, ý thức và vô thức.

Nhưng, cuộc đời chúng ta, với mọi sự căng thẳng, bồn chồn, non nớt của tuổi trẻ, những trầm cảm của tuổi trưởng thành, những thời gian cô đơn lạnh lẽo, những lúc hoài nghi, tuyệt vọng, sụp đổ, và cả những lần phóng túng bừa bãi, chắc chắn là những cuộc ve vãn với những khao khát rõ ràng không hướng đến Thiên Chúa. Nhưng xét tận cùng, và một ngày nào đó sẽ rõ ràng là, cuộc đời chúng ta như thế sẽ tìm được và biết được sự hòa hợp viên mãn của mình.

J.B. Thái Hòa dịch