Viện Hàn lâm và Hàng ghế nhà thờ – Mối liên hệ gượng ép giữa Thần học và Giáo lý căn bản hỏi thưa

253

Viện Hàn lâm và Hàng ghế nhà thờ – Mối liên hệ gượng ép giữa Thần học và Giáo lý căn bản hỏi thưa

Ronald Rolheiser, 2013-10-20

Luôn luôn có một sự căng thẳng bẩm sinh và lành mạnh giữa thần học và giáo lý căn bản, giữa phân khoa thần học và các hàng ghế dài trong nhà thờ. Các thần học gia và các giám mục thường không mến chuộng nhau. Điều này có thể hiểu được. Tại sao lại thế?

Thần học và giáo lý căn bản có những mục đích khác nhau, cho dù cả hai đều có giá trị và cần thiết.

Về căn bản thì giáo lý căn bản là một nỗ lực để dạy những gì là nền tảng của đức tin. Thật vậy, gốc chữ giáo lý căn bản, catechesis, từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tiếng vọng.” Như thế, giáo lý căn bản không thiên nhiều về việc cố gắng hiểu thấu đức tin, mà đơn giản là “tiếng vọng”, cụ thể là truyền đạt đức tin càng rõ càng tốt. Giáo lý viên căn bản không tìm cách chứng minh nền tảng đức tin, dù họ cố đưa ra các chú giải hay cơ sở hợp lý nhất định cho nó. Giáo lý căn bản không tìm kiếm các khúc mắc về tri thức hay những điều có vẻ mâu thuẫn trong giáo lý, đúng hơn mục tiêu của giáo lý căn bản là dạy chân lý và tín lý cho những ai chưa biết. Và người nghe giáo lý căn bản là người chưa biết đến các chân lý đó, cụ thể là tân tòng, và người mới theo đạo.

Vì thế, theo định nghĩa, thực chất giáo lý căn bản là nỗ lực bảo tồn. Mục tiêu của nó không hướng về việc mở rộng tâm trí tín hữu tìm đến những vùng đất mới, nhưng dạy cho họ biết những điều căn bản, truyền đạt các nguyên lý để suy tư. Giáo lý căn bản cố gắng để xây dựng một nền tảng bên trong con người, chứ không phải để mở rộng nền tảng đó.

Mặt khác, thần học không đơn thuần cố gắng lặp lại đức tin, mà nó tìm cách thấu hiểu và phát biểu đức tin một cách rõ ràng bằng một ngôn ngữ hợp với một tâm trí đầy chất vấn và phê phán. Hơn 900 năm qua, phần đông Kitô giáo đã chấp nhận định nghĩa của thánh Anselm rằng thần học là “tìm cách thấu hiểu đức tin.” Nếu Anselm đúng, thì nhiệm vụ của thần học là thẩm xét theo cách phê phán đức tin Kitô giáo, cả về việc đức tin là gì lẫn nội dung của tín lý Kitô giáo, để có thể đưa ra một cái nhìn về cả đức tin lẫn tín lý, đáp ứng được tất cả mọi câu hỏi có thể được đặt ra do những người hoài nghi cả trong và ngoài giáo hội.

Vì thế, cử tọa của thần học khác với cử tọa của giáo lý căn bản. Về lý thuyết, thần học có ba cử tọa: thứ nhất gồm những người theo đạo đã học giáo lý căn bản và muốn có một tri thức sâu đậm hơn về đức tin, thứ hai là giới hàn lâm nghiên cứu (trường đại học, nghệ thuật, các trung tâm tri thức) nơi đức tin và tín lý thường bị đưa ra chất vấn, và thứ ba là tổng thể nền văn hóa và thế giới mà Kitô giáo phải tự chứng minh cho mình và chứng minh bằng con đường tri thức.

Do đó, về cơ bản, thần học là một nỗ lực tự do trải rộng. Tại sao? Chúng ta không bao giờ nói đến một trường “Đại học Nghệ thuật Bảo thu,” thì thần học cũng vậy, thần học phải mang tính tự do trải rộng. Đây hẳn là một chuyện mang tính nghịch hợp. Như lời kinh điển của hồng y Newman đã nói rõ trong quyển sách bàn về giáo dục của ngài, quyển Khái niệm về Đại học, thì các viện nghiên cứu sâu, các trường đại học, học viện nghệ thuật … vv,  mang trong mình tính tự do trải rộng, cụ thể là, mục đích của chúng là để mở mang con người, để khiến con người bắt tay vào những chất vấn khó khăn và đầy phê phán, để đưa con người đến một tầm mức trưởng thành trong khuôn khổ của họ (ở đây là đức tin và tín lý) để họ không sợ hãi khi phải đối diện với bất kỳ điều gì đang đến, và để giúp họ trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình. Giáo lý căn bản nhằm tạo một khuôn khổ chính thống, thần học nhằm tạo ra một lãnh đạo có hiểu biết.

Giáo hội cần cả hai. Cần phải nhấn mạnh cả giáo lý căn bản lẫn thần học, quy hướng cả hai về những ai cần học những căn bản đức tin lẫn những ai đang cố để nhận thức đức tin theo lối tri thức. Chúng ta thừa nhận có một căng thẳng bẩm sinh giữa hai điều này. Các hàng ghế ở nhà thờ luôn luôn cảm thấy các thần học gia quá tự do, trong khi các thần học gia lại có khuynh hướng mệt mỏi với hàng ghế nhà thờ, lo rằng các vấn đề hóc búa sẽ không được nhắc đến. Tuy nhiên, không bao giờ được chọn hoặc cái này hoặc cái kia, phải luôn luôn chọn cả hai. Giáo hội cần những người có nền tảng giáo lý  căn bản vững vàng, những người biết rõ những điều cốt yếu trong đức tin, giáo hội cũng cần những người cố gắng để trình bày rõ ràng đức tin đó ở một tầm mức phê phán hơn và không chút sợ hãi hay trốn tránh, nhìn thẳng vào cơn bão dữ dội của những phản đối về mặt tri thức của những người giận dữ giáo hội và mọi kiểu chống đối đức tin.

Tính chính thống là điều quan trọng, nếu nó là đá tảng để giữ bạn thì nó cũng là chiếc lò xo để bạn được bật lên. Một ví dụ, từ chủng viện “seminary” có gốc từ tiếng La Tinh là seminarium, nghĩa là “nhà kính.” Nhà kính không phải là nơi để trồng cây đa, cây sồi. Nhưng là nơi nuôi cây con mềm yếu, non nớt, cần được bảo vệ khỏi môi trường khắc nghiệt bên ngoài. Đó là nơi bảo vệ cây non hay để dưỡng cây quá yếu, nhưng đó không phải là nơi để trồng một cây đại thụ.

Mối liên hệ giữa giáo lý căn bản và thần học nên được xác định theo cách đó. Giáo lý căn bản là seminary, một nơi cần thiết để ươm mầm và bảo vệ những cây còn nhỏ và quá yếu, còn thần học là một nơi ít bảo vệ hơn để đến cuối cùng bạn nuôi lớn được cây đại thụ. 

J.B. Thái Hòa dịch