Đối diện với Đấng tạo thành chúng ta

254

Đối diện với Đấng tạo thành chúng ta

Ronald Rolheiser, 03-10-2014

Một này nào đó con sẽ phải đối diện với Đấng tạo thành con! Chúng ta, ai cũng đã từng nghe qua câu này. Sẽ đến lúc đứng một mình trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không còn nơi nào để trốn tránh, không viện lý lẽ, cũng không bào chữa cho những yếu đối và tội lỗi của mình. Chúng ta sẽ đứng đó dưới ánh sáng soi rọi, trần trụi và phơi bày hết, tất cả những gì đã làm, xấu có tốt có, sẽ phơi bày ra hết. Viễn cảnh này, có vẻ làm cho tất cả chúng ta cảm thấy có cái gì đó không tươi sáng.

Nhưng chúng ta có thể gạt viễn cảnh này ra khỏi đầu để sống những ngày còn lại của mình. Chúng ta biết ngày nào đó mình sẽ đối diện nó, tất cả không chừa một ai, nhưng để đến ngày đó là một chặng đường dài, còn bây giờ, chúng ta tự để mình yên ổn trong những lần lữa và yếu đuối của bản thân. Thời điểm để đối diện hoàn toàn với bản thân và với Đấng Tạo hóa, để đứng dưới ánh sáng soi rọi của ngày phán xét, sẽ chỉ đến khi chúng ta chết.

Nhưng, tại sao lại chờ đến khi chết? Tại sao lại phải sống với quá nhiều nỗi sợ không cần thiết? Tại sao lại phải lẩn trốn phán xét của Thiên Chúa? Tại sao lại trì hoãn việc buông mình vào lòng thương xót và bình an của Chúa?

Sự phán xét soi rọi linh hồn chúng ta phải được thực hiện hằng ngày, chứ không phải chỉ giây phút dằn vặt cuối đời? Chúng ta phải để bản thân, với tất cả những phức tạp và yếu đuối của mình, vào trong ánh sáng trọn vẹn của Thiên Chúa, mỗi ngày. Làm sao để được như thế?

Có nhiều cách để làm được, dù tất cả chúng đều phải dựa vào một điều duy nhất, rõ ra là, đặt mình trung thực hết mức trước mặt Chúa. Thật ra chúng ta đối diện với ánh sáng phán xét của Thiên Chúa bất kỳ lúc nào chúng ta chân thành cầu nguyện. Chân thành cầu nguyện sẽ đưa chúng ta vào ánh sáng soi rọi đó. Trong các truyền thống cầu nguyện lớn, một dạng cầu nguyện đặc biệt, chiêm niệm, được cho là hữu ích nhất trong việc này, khi cầu nguyện không lời, không hình ảnh, cầu nguyện trong thinh lặng, tập trung hết vào cầu nguyện.

Có nhiều phương pháp chiêm niệm khác nhau. Nhưng từ các Tổ phụ sa mạc, đến tác giả quyển Đám mây vô thức, đến Thomas Merton, John Main, Thomas Keating, Laurence Freeman và nhiều người khác, đều mời gọi chúng ta bổ sung thêm phương thức cầu nguyện chiêm niệm, một cách cầu nguyện không hình ảnh, không lời, không tập trung vào những suy tư thánh thiện, và cũng không hướng về cảm nhận đức tin nồng cháy.

Làm sao cầu nguyện được như vậy? Chúng ta chiêm niệm bằng cách thinh lặng đặt mình vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa và không giấu diếm bất kỳ chuyện gì về mình. Một mô tả về những khác biệt giữa cầu nguyện chiêm niệm và những kiểu cầu nguyện khác có lẽ sẽ làm sáng tỏ cho chúng ta về điểm này.

Bình thường, những dạng cầu nguyện suy niệm về căn bản là như sau: Bạn bắt đầu cầu nguyện, tìm một nơi yên tĩnh, ngồi hay quỳ, làm một hành động có ý thức để mặc niệm, tập trung vào một bản văn hay một suy nghĩ tạo cảm hứng, bắt đầu suy niệm với những lời này, cố gắng nghe những gì đang nói bên trong mình, kết nối rõ ràng các chất vấn hay nhận thức đang khơi ra, và rồi kết nối tất cả điều này với mối liên hệ giữa bạn với Thiên Chúa, bằng một lòng yêu mến, tôn thờ, chúc tụng và cầu xin.  Trong dạng cầu nguyện này, tâm điểm tập trung của bạn là một lời hay một nhận thức gợi cảm hứng, phản ứng mà cảm hứng này khơi lên trong bạn, và đáp trả của bạn với Chúa theo cảm hứng đó. Nhưng đây chính là điểm yếu, các câu chữ, hình ảnh, cảm giác trong dạng cầu nguyện này, dù tốt, nhưng vẫn là một loại ngụy trang che chắn cho bạn để bạn không bị phơi bày trần trụi trước mặt Chúa, nó giống như khi chúng ta nói chuyện, nói đủ chuyện, những chuyện tốt, nhưng lại tránh nói đến những vấn đề thực sự.

Ngược lại, chiêm niệm là cầu nguyện không hình ảnh, không lời. Có thể nói như sau: Bạn bắt đầu cầu nguyện, tìm nơi yên tĩnh, ngồi hay quỳ, và làm một hành động có ý thức để đơn giản đặt mình trước mặt Chúa. Rồi đơn giản là mình, không có hình ảnh, bản văn, đàm thoại, lý luận, hay bất kỳ cảm giác thiêng liêng nào về Chúa Giêsu, về Đức Mẹ, về các thánh, về các ảnh tượng hay các ý niệm linh hứng dùng để che chắn cho bạn khỏi bị trần trụi trước mặt Thiên Chúa. Chiêm niệm đưa bạn vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa, không một bảo vệ nào, không che dấu bất kỳ điều gì. Thinh lặng và không có đối thoại khi cầu nguyện sẽ để bạn trần trụi phơi bày, như cây cối dưới ánh mặt trời, thinh lặng nhận ánh sáng.

Chúng ta phải đối diện với Thiên Chúa như thế trong mỗi ngày sống, chứ không phải chỉ lúc chết. Vậy nên, mỗi ngày, chúng ta hãy để ra một ít thời gian đặt mình vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa, không dùng bất cứ bản văn, hình ảnh nào, và ở đó, chúng ta trần trụi, lột bỏ hết mọi sự, thinh lặng, phơi bày, không giấu diếm điều gì, hoàn toàn phơi mình, đơn giản ngồi đó, đối diện trọn vẹn trước sự phán xét và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Làm như thế, chúng ta sẽ tránh được cuộc chạm trán dằn vặt giờ chết, và quan trọng hơn nữa, chúng ta sẽ bắt đầu, ngay bây giờ và ngay nơi này, tận hưởng trọn vẹn vòng ôm yêu thương của Thiên Chúa.

J.B. Thái Hòa dịch