Gọi tên nỗi ray rứt của chúng ta
“Một triệu chứng làm đau khổ nhất khi không biết nguyên do từ đâu đến..”
Đó là câu của tâm lý gia người Mỹ James Hillman, tôi đã đọc và hiểu ý nghĩa câu đó năm tôi mười bảy tuổi. Lúc đó tôi mới bước vào dòng tu, dòng Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm. Như những ai ở tuổi đó, tôi khá bồn chồn ray rứt, nhiều ước muốn, và sớm rơi vào tình trạng xáo trộn do tình trạng cô lập của những năm đào tạo ở chủng viện. Tôi nhớ rõ những năm đầu tiên, có một năm gọi là tập tu. Chúng tôi gồm mười tám người, đa số đều dưới hai mươi, ở chung trong một căn nhà nằm ven bờ hồ của một ngôi làng nông thôn nho nhỏ (nơi duy nhất bên ngoài có cuộc sống), cách ly khỏi những sinh hoạt bình thường ngày của những người cùng lứa tuổi và với nữ giới.
Chúng tôi biết là chúng tôi ray rứt, lo âu sợ hãi, nhưng không bao giờ thấy ai nêu lên hoặc chấp nhận. Lúc đó chúng tôi đang chuẩn bị các lễ khấn, để tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và Hội Thánh, và sẽ không đúng khi chấp nhận có một phần nào đó trong tâm hồn mình không đi đúng đường, nó là một cái gì ray rứt hơn là tâm trạng của một cậu bé ngồi một mình, mơ hồ nhìn ra bờ hồ, hoang tưởng ghen về những gì mình đang bỏ lỡ.
Chúng tôi đều sống trong nỗi ray rứt đó; nhưng với tôi, một điều gì đó có tính khai khai phóng kỳ lạ đã xảy ra suốt nửa năm đó. Nỗi thao thức của tôi không hết được nhưng có một cái gì đó đã giúp tôi có được một tầm nhìn. Có một người đã gọi tên nó giúp tôi. Một vị linh mục lớn tuổi một ngày nọ ghé thăm chúng tôi, nhìn chúng tôi và nói: “Các con đang ray rứt phải không?” Chúng tôi thật thà nhận là có. “Tốt!” ông nói tiếp, “Các con cứ nên âu lo sợ hãi! Vì trẻ như các con mà sống tách biệt như thế này thì không tự nhiên chút nào, nhưng các con đừng lo. Nó có thể tốt cho các con. Bồn chồn thao thức không có nghĩa là các con không thể trở nên những linh mục tốt lành!”
Câu nói đơn sơ, trung thực của vị linh mục lớn tuổi đã nói lên tâm trạng của chúng tôi. Chúng tôi vẫn ray rứt, nhưng từ lúc đó chúng tôi cảm thấy tốt hơn, bình thường và khỏe khoắn trở lại. Một triệu chứng ít đau khổ hơn khi mình biết nguyên do từ đâu đến.
Tất cả chúng tôi cần gọi tên chính xác các ray rứt của mình. Tất cả chúng tôi đều không ít lần cảm thấy âu lo sợ hãi. Nhưng, như vị linh mục già nói, chúng tôi nên cảm nhận theo cách như vậy. Nó bình thường, dấu hiệu của cảm xúc lành mạnh. Bình thường khi đôi lúc có cái nhìn ghen tỵ với cuộc sống bên ngoài, khi đôi lúc cảm thấy mình đang bỏ lỡ cuộc sống, và mè nheo cuộc đời mình sao quá nhỏ bé.
Kinh nghiệm này có nhiều bộ mặt. Đôi lúc nó tự diễn ra như nỗi bồn chồn bủa vây chúng tôi đêm thứ sáu khi nghĩ mọi người trên thế gian này đang làm một cái gì đó thú vị hơn chúng tôi. Những lần khác chúng tôi cảm thấy như bị bất mãn với mọi thứ trước mặt mình vì ám ảnh mình không có một mối liên hệ thật sự nào. Một cách sâu xa nhất, chúng tôi cảm nhận nó khi các giới hạn của cuộc sống chọc thủng chúng tôi. Nó xảy ra như thế nào?
Chúng ta bước vào thế gian này với những ước muốn không cùng, với tài năng to lớn, năng lượng tràn trề, và các giấc mơ lớn lao. Như một vị thần, chúng ta muốn uống cạn thế gian, nếm thử mọi thứ rượu, và biết hết mọi trải nghiệm; nhưng rồi, với tất cả những ước muốn và tiềm năng này, chúng ta, tất cả chúng ta, rốt cùng thấy mình quá giới hạn, hạn chế từ nơi chốn đến hoàn cảnh. Ở một thực tế nào đó, các giấc mơ của chúng ta tắt ngúm, và chúng ta thấy mình ở trong một thành phố nào đó, công việc nào đó, với đối tác nào đó, gia đình nào đó, bạn bè nào đó và với một lô các nghĩa vụ và bổn phận cụ thể cho gia đình. Tất cả tiềm năng, ước muốn, tài năng, tham vọng của chúng ta dừng lại để cho những chuyện – thời gian này, nơi này, thành phố này, công việc này, đối tác này, gia đình này, nhiệm vụ này, chỗ đứng nhỏ nhoi trong cuộc đời, cuộc sống giới hạn này, dù chúng tốt, không thể, nhưng cũng đủ làm rơi rụng các mong muốn của chúng ta.
Như Henry David Thoreau có nói, khi còn trẻ chúng ta có giấc mơ xây cầu bắc lên mặt trăng và đôi khi đến nửa đời, chúng ta lấy vật liệu mình tích góp để xây một túp lều chứa củi.
Và thật không không dễ thỏa mãn với một túp lều chứa củi. Vì thế chúng ta bị cám dỗ để làm những chuyện bạo lực với người thân, với chính những cam kết của mình qua thái độ bất mãn không đúng với chúng. Chúng ta làm chuyện này bất cứ khi nào chúng ta nói, dù phảng phất và không nên lời: “Tất cả tôi có thể… và chỉ là tôi bị kẹt với chuyện này!”
Chúng ta cần một nhà hiền triết, một thiền sư, hay một người nào đó, gọi tên điều này cho chúng ta, như vị linh mục già ngày xưa đã gọi tên điều đó giúp tôi khi tôi mười bảy tuổi: “Con cảm thấy ray rứt! Tốt! Con nên cảm nhận theo cách đó! Nó không có nghĩa cuộc đời con và hoàn cảnh con không tốt!”
Nhà thần học Karl Rahner gọi tên theo cách này: Có thể có một mối nguy cơ thật sự trong việc mơ mộng quá nhiều về hạnh phúc hữu hình. Trong thế giới này, không có hạnh phúc nào khác vượt ra ngoài hành động chấp nhận một cách lặng lẽ, rằng nơi đây tất cả các bản giao hưởng đều chưa hoàn tất và rằng một phần tạo nên tình yêu là nỗi cô đơn và tự buông bỏ. Chúng ta phải học cách khóc trong thanh thản.
J.B. Thái Hòa dịch