Lo âu

266

Lo âu

Ronald Rolheiser, 2013-02-17

Một người bạn của tôi thích đùa theo kiểu tự cho mình là người cực kỳ ích kỷ, thỉnh thoảng anh bông đùa: “Cuộc đời thật khó khăn vì tôi phải đối phó với tính chất trọng đại của tôi!” Khôi hài thay, những đối phó cùng cực nhất trong cuộc sống chính là ngược lại: Chúng ta luôn luôn phải đối phó với sự bé nhỏ vô cùng của mình! Chúng ta luôn luôn sợ rằng mình chẳng là gì, không có gì là lâu dài, không bất diệt. Chúng ta sợ rằng, rốt cùng chúng ta sẽ biến mất hoàn toàn.

Chúa Giêsu gọi điều này là mối lo và thường khuyên chúng ta phải chống lại nỗi lo này. Một điểm đáng lưu ý là theo Chúa Giêsu, tương phản với đức tin không phải là hoài nghi hay vô thần, mà là lo âu, một nỗi sợ có thật, một bất an nhất định. Vậy cụ thể hơn, nỗi sợ này là gì?

Ở một mức độ nào đó, Chúa Giêsu đã nói rõ điều này. Ngài nói chúng ta quá lo âu về những nhu cầu thể xác, thức ăn, thức uống, áo quần, nhà cửa. Cũng vậy, chúng ta quá lo lắng về việc sẽ được người khác đón nhận như thế nào, về thanh danh của mình, về sự tôn trọng của cộng đồng. Chúng ta thấy lời cảnh báo này khi Chúa khuyên chúng ta nên học theo các bông huệ ngoài đồng trong việc tín thác vào Thiên Chúa và kèm theo đó là lời khuyên đừng làm việc gì để được người khác xem là tốt. Nhưng chúng ta lại luôn luôn lo lắng về những điều này, tất cả không chừa ai, và nỗi sợ này là một thứ không cần thiết và không lành mạnh. Hoạch định của tự nhiên và Thiên Chúa là để chúng ta có những bản năng này, dù Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy vượt lên trên nó.

Sâu hơn nữa, ngoài những bận lòng cho các nhu cầu thể xác và thanh danh, chúng ta còn nuôi dưỡng một nỗi sợ sâu sắc hơn nhiều. Chúng ta sợ về giá trị thật của mình. Chúng ta sợ rằng đến cuối cùng chúng ta thực sự chỉ là (mượn lời của tác giả sách Giảng viên) phù hoa, ảo vật, một thứ gì đó vô thực cuốn bay theo gió. Đó chính là mối lo âu tận cùng của chúng ta và chúng ta thấy được điều này nơi loài vật, trong một cách thức bất di bất dịch và thường thường là hung bạo trong việc truyền giống để trường tồn. Chúng ta cũng có cùng xu thế bất di bất dịch (và đôi khi hung bạo) hướng đến sự bất diệt đó khi tìm cách duy trì nòi giống. Nhưng, đối với loài người, chúng ta làm việc này dưới nhiều hình thức: Trồng cây. Sinh con. Viết sách. Chính yếu là để lại một dấu tích còn mãi trên địa cầu này. Bảo đảm cho sự bất tử của riêng mình. Để chắc chắn là mình không bị quên.

Chúng ta luôn luôn lo lắng về giá trị và sự bất diệt của mình, luôn cố gắng tạo cho mình điều này. Nhưng, như Chúa Giêsu đã thường nhẹ nhàng chỉ ra, chúng ta không thể tự mình làm được việc này. Không thành công, không tượng đài, không danh tiếng, không cây trồng, không con cái, và cũng không có quyển sách nào có thể cho nỗi lo âu về giá trị thật và sự bất diệt trong chúng ta được thanh thản tuyệt đối. Chỉ Thiên Chúa có thể làm được như thế. Chúng ta thấy trong Tin Mừng, có lần Chúa Giêsu đã nhẹ nhàng nhắc về điều này khi các môn đệ, lòng phấn chấn, về kể cho Chúa Giêsu nghe các thành công trong sứ vụ và chia sẻ với Ngài những điều phi thường họ đã làm được. Ngài chia sẻ niềm vui với họ, nhưng rồi, nhẹ nhàng nhắc họ điều cốt yếu rằng: Sự an ủi thực sự không nằm ở thành công, ngay cả khi đó là thành công trong việc làm vì Nước Trời. Sự an ủi thực sự nằm trong việc nhận biết rằng “tên của chúng con đã được ghi trên trời,” rằng Thiên Chúa đã trìu mến đặt mỗi người chúng ta vào lòng ưu ái của Ngài. Sự an ủi thực sự nằm trong việc nhận ra rằng chúng ta không buộc phải tạo ra giá trị thật và sự bất diệt của riêng mình. Thiên Chúa đã làm điều đó cho chúng ta.

Nhưng vì lo lắng và sợ hãi, theo lời thánh Phaolô, chúng ta cố gắng “khoác lác”, tự tạo cho mình một dấu tích bất diệt trên hành tinh này. Linh đạo Tin Lành xưa, cũng học theo thánh Phaolô, nói rằng chúng ta, bằng những nỗ lực bất diệt hóa bản thân, mãi mãi cố gắng để “biện hộ cho chính mình” bằng cách để lại tên mình trên trời.

Làm sao chúng ta có thể vượt thắng được điều này? Nơi đâu chúng ta có thể tìm thấy niềm tin để nhờ đó từ bỏ nỗi sợ và lo âu, đặc biệt là để vượt thắng được áp lực không ngừng bên trong chúng ta, muốn tạo một loại bất diệt riêng cho chính mình?

Chỉ tình yêu mới giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ. Và nỗi sợ thâm sâu nhất chỉ có thể bị đẩy lùi nhờ tình yêu sâu sắc nhất. Để từ bỏ lo âu và nhu cầu muốn tạo ra giá trị và sự bất diệt cho riêng mình, chúng ta cần nhận ra một tình yêu vô điều kiện. Tình yêu vô điều kiện, dù đến từ Thiên Chúa hay tha nhân, đều đem lại cho chúng ta giá trị và sự bất diệt. Gabriel Marcel đã từng nói, yêu ai là nói với người đó: Bạn, ít nhất bạn sẽ chẳng bao giờ chết!

Nhưng tình yêu vô điều kiện, một khía cạnh của vĩnh cửu, không phải là điều chúng ta dễ dàng tìm thấy. Thiên Chúa yêu chúng ta vô điều kiện, nhưng hầu như, chúng ta quá bị tổn thương (về cảm xúc, về tâm lý, và tinh thần) để có thể nắm vững một cách sống còn điều này. Đơn giản là thật khó để tin rằng Thiên Chúa yêu chúng ta khi dường như chẳng một ai làm như thế và rồi chúng ta cứ phải cố gắng để tự yêu mình. Chẳng lạ gì khi chúng ta cứ mãi lo lắng, biến lo lắng thành thói quen và luôn cố gắng cách nào đó tìm cho được tình yêu bằng cách làm cho mình thật tốt và xuất chúng.

Vậy điều gì chữa lành cho chúng ta? Điều sẽ chữa được nỗi sợ và lo âu chính là sự quy phục sâu sắc hơn đối với tình yêu trong sự thân thiết với những người chúng ta yêu mến trên thế gian này và với Thiên Chúa. Nhưng sự quy phục này đòi hỏi chúng ta phải mạo hiểm nhiều. Vậy mối nguy hiểm chúng ta phải đối mặt là gì đây?

J.B. Thái Hòa dịch