Chúng ta thấy gì nơi trẻ em sớm phát triển

148
Chúng ta thấy gì nơi trẻ em sớm phát triển
fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2017-10-08
Có năng khiếu bẩm sinh là một tài năng phong phú nhưng cũng là một khác biệt mà cha mẹ và cô giáo khó hiểu được các em. Sau đây là một vài chỉ dẫn của tâm lý gia Jeanne Siaud-Facchin đưa ra, bà gọi đây là các “Em bé Ngựa vằn”. Ngựa vằn vì các em bé khác nhau ở từng vằn của mình.
Sớm phát triển, có năng khiếu đặc biệt, ngựa vằn hoặc các tên gọi ngắn gọn “tài năng cao” (HP, haut potentiel), em bé thông minh sớm (EIP, enfant intellectuellement précoce), em bé có chỉ số thông minh cao (HQI, haut quotient intellectuel)… Các chữ dùng thì rất nhiều để nói đến các em bé có khả năng cao trên mức trung bình này! Tuy nhiên các chữ này không nói lên hết tất cả thực tế cũng như không mang cùng ý nghĩa. Thế nào là một em bé sớm phát triển? Đâu là cá tính đặc biệt của các em?
Một Chỉ số Thông minh (Q.I) cao hơn bình thường
Chỉ số Thông minh (Q.I.) là thước đo tâm lý, cần thiết nhưng chưa đủ để nhận dạng một em bé sớm phát triển. Nguyên thủy là từ năm 1912, ông William Stern đã thiết lập một thang điểm Q.I. giữa tuổi tinh thần và tuổi thật của một em bé để xem em bé đó có phát triển sớm so với các em bé khác cùng tuổi hay không. Nếu khác, thì chúng ta gọi đó là phát triển trí tuệ sớm. Năm 1939, ông Weschler để chỉ số Q.I. dành cho trẻ em này qua một bên, ông đưa ra một chỉ số mới gọi là Q.I. tiêu chuẩn chung (Q.I. standard) để xếp hạng những người cùng một nhóm tuổi, so với những người này, người kia. Bảng xếp hạng này không còn quyết định đây là phát triển sớm hay chậm, nhưng để sắp hạng trẻ con qua chức năng trí tuệ của chúng.
Chỉ số Q.I. chuẩn trung bình là 100. Mỗi mức độ thông minh được tách nhau bằng thang điểm cách biệt 15 điểm. Một em bé có Q.I. cao hoặc bằng 130 được xem là em bé sớm phát triển vì thang điểm cách biệt của em ở trên trung bình. Hiện nay ở Pháp có 2,3% trẻ em được xem là có năng khiếu bẩm sinh.
Một em bé sớm phát triển không nhất thiết chỉ là một em bé có Q.I trên trung bình. Em bé đó có thể có một cá tính đặc biệt khác với các em bé khác về mặt trí tuệ cũng như xúc cảm.
Một lối suy nghĩ khác cho các em sớm phát triển
Người ta thường đánh đồng chung các chữ “phát triển trí tuệ sớm” và “năng khiếu bẩm sinh”. Tuy nhiên chúng không có cùng ý nghĩa với nhau. Bà Jeanne Siaud-Facchin, tâm lý gia người Chi-Lê, thành viên của Phòng Nghiên cứu về Chức năng Nhận thức của Bệnh viện Salpêtrière, và cũng là Chủ tịch Trung tâm Zebra (Trung tâm các em có năng khiếu bẩm sinh), khẳng định trong quyển sách Trẻ em sớm phát triển, giúp các em lớn lên và thành công: “Một em bé sớm phát triển là em bé đi trước tuổi của mình, mà các em khác sau vài năm mới có được mức độ này hay có được các thụ đắc này. (…) Nhưng, không phải sự việc phát triển sớm trước các em bé khác là đặc nét của em bé này, nhưng chính các khác biệt về chức năng trí tuệ, về lối suy nghĩ của các em mới tạo khác biệt”.
Ngày nay nhờ các hiểu biết về thần kinh học, chúng ta mới biết nét đặc biệt của các em bé sớm phát triển. Một em bé sớm phát triển không có cùng nhận thức chung trong cách nhìn các chuẩn mực. Em bé nghĩ một cách khác, diễn giải các luật định một cách khác. Bà Jeanne Siaud-Facchin cho ví dụ của một em vị thành niên 13 tuổi: “Cái gì làm cho sắt rỉ sét?” em trả lời: “Con không biết”. Bà hỏi tiếp: “Con không biết có nghĩa là gì?”, em trả lời: “Con không biết tiến trình hóa học để giải thích sự ôxy-hóa này!” Câu trả lời “ôxy-hóa” đối với em là một sự thật hiển nhiên, đó không phải là câu trả lời mà em muốn trả lời.
Trẻ em có năng khiếu bẩm sinh hiểu từng chữ theo nghĩa đen. Vì thế phải dùng chữ chính xác mới được các em chấp nhận. Các em cần hiểu hết, các em liên tục hỏi tại sao, làm thế nào, dùng làm gì? Việc đi tìm ý nghĩa là trọng tâm sinh hoạt trí tuệ và động lực suy nghĩ của các em. Tất cả phải có một lô-gic. Bởi vì nếu có một chút gì nghi ngờ, một chút gì không xác quyết là như đem một hạt cát, một biến đổi bất thường vào trong bộ máy suy nghĩ của em. Em không biết xử lý điều bất trắc: nó làm cho em lo lắng và mất thăng bằng. Đôi khi em khổ vì không biết làm thế nào để cho nghi ngờ có một chỗ đứng, em không buông bỏ được.
Một trẻ em sớm phát triển có luận lý-toán học khác bình thường. Các em tính nhẩm rất nhanh. Cách tính này rất có lợi ở các lớp nhỏ nhưng lại là chướng ngại khi các em học thuộc lòng bảng cửu chương. Nếu các em không làm được, không phải vì các em không có thiện ý, nhưng vì các em thấy không cần phải học thuộc lòng khi mình tính nhẩm rất nhanh, dùng toán cọng và trừ làm hệ thống chuẩn để tính. Sau này, các em không theo các khuôn mẫu hàn lâm và không hiểu vì sao mình lại có kết quả tốt như vậy. Chính vì vậy, khi còn ở trung học, các nhà toán học cảm thấy rắc rối khi buộc phải chứng minh lý luận và giải thích kết quả của mình. Họ làm việc theo trực giác toán học.
Tư tưởng nơi trẻ em có năng khiếu bẩm sinh rất phong phú, các em luôn suy nghĩ. Nó hình thành như dạng cây chia nhánh, một ý tưởng chia ra và chia ra thành nhiều ý tưởng mới, phối hợp với nhau, suy diễn với nhau… Tư tưởng của các em bình thường là đường thẳng, tiệm tiến dần dần, nó tóm lại thành thông tin thích đáng cho từng giai đoạn suy nghĩ, trong khi suy nghĩ của các em sớm phát triển được xây dựng theo từng mạng, các mạng bắt rễ với nhau. Nét đặc biệt này, phối hợp với trí nhớ phi thường mở ra một con đường cho các tư tưởng sáng tạo, phát minh, tài tình phi thường. Tuy nhiên các tư tưởng phong phú này lại làm cho các em khó tổ chức chúng, khó lên hệ thống. Các tư tưởng này lại diễn tả rất khó. Vì làm sao giải thích được trong vài chữ các móc nối vô vàn đang hình thành trong đầu các em? Các em có năng khiếu bẩm sinh khó gom tụ các tư tưởng của mình, khó chọn lựa ra thông tin phù hợp. Khó khăn này là tâm điểm của sự thích ứng (và không thích ứng) cho các đòi hỏi của trường học.
Một nhân cách về mặt xúc cảm khác biệt
Các trẻ em sớm phát triển có các nét xúc cảm đặc biệt có thể nhận ra dễ dàng, dựa trên đó các em có thể xây dựng căn tính của mình. Tác giả Jeanne Siaud-Facchin đưa ra ba tiêu chuẩn để nhận diện:
Cực kỳ nhạy cảm: Ngũ quan của các em rất mạnh, các em nhận ra những gì xảy ra chung quanh mình một cách sắc bén lạ thường. Giác quan của các em thường tràn ngập bởi các thông tin từ môi trường chung quanh. Đặc biệt các em nhạy cảm với bất công. Các em thường đối đầu với các nỗi sợ khác nhau và nỗi sợ này rất sâu đậm, từ một dấu hiệu bên ngoài hay từ một kinh nghiệm mật thiết của các em từ khi mới sinh.
Thông cảm. Các em sớm phát triển thường rất tinh tế cảm nhận được tình trạng xúc cảm của người khác. Đôi khi, theo bản năng các em nhận ra xúc cảm của người khác mà chính đương sự chưa ý thức.
Sáng suốt. Với các giác quan luôn mai phục, với khả năng trí tuệ khác thường, trẻ em sớm phát triển nhìn thế giới với một cái nhìn sáng suốt thật da diết.
Trên đây là một vài cá tính của các con “ngựa vằn, các vệt vằn làm cho nó khác biệt với các con vật khác trong tràng cỏ, nhưng lại là những vệt độc đáo duy nhất như vân tay. Con ngựa vằn thuộc dòng họ ngựa duy nhất mà con người không cách nào thuần phục được, khi nó chạy, nó trở nên vô hình do tác động của các vệt vằn của nó…”.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Làm thế nào để giúp một em bé sớm phát triển xử lý tình trạng nhạy cảm cao độ của em?

https://phanxico.vn/2018/01/10/lam-the-nao-de-giup-mot-em-be-som-phat-trien-xu-ly-tinh-trang-nhay-cam-cao-do-cua-em/