Người Pharisêu, bình chậu, ấm đồng, quy tắc thực hành nghi lễ, chén cốc và mèo

655

Người Pharisêu, bình chậu, ấm đồng, quy tắc thực hành nghi lễ, chén cốc và mèo

Ronald Rolheiser, 2012-09-02

Vài năm trước, tôi dự một buổi họp ở nhà thờ để bàn về các quy tắc thực hành nghi lễ. Cuộc họp bàn luận rất sôi nổi và có phần nóng nảy về một số vấn đề: cộng đoàn nên đứng hay quỳ khi dâng Mình Thánh Chúa? Cách nào là cách tôn kính nhất để rước lễ? Có nên cho phép giáo dân rửa chén cốc sau khi rước lễ không?

Đến một lúc, một phụ nữ phát biểu một cách lễ độ, mời chúng tôi tự hỏi mình: “Nếu là Giêsu thì Người sẽ làm gì?” Vị chủ tọa buổi họp, lúc đó đã mất hết kiên nhẫn trước tình trạng bất đồng trong phòng, khó chịu đáp lại: “Giêsu chẳng liên quan gì tới chuyện này. Chúng ta đang bàn về các phép tắc nghi lễ!” Những lời đó vừa nói ra thì chính vị này, cách sao đó, cũng đã thấy mình nói không ổn. Chúng tôi cũng nhận thấy như vậy, và từ đó về sau, cũng đã có nhiều dịp nhắc cho người tốt bụng này về chuyện lỡ lời đó; nhưng thật lòng, nhận xét của ông thể hiện cảm nghĩ của 95% người trong phòng họp lúc đó.

Cho phép tôi kể câu chuyện thứ hai để minh họa cùng một điểm: tôi tham gia ban giảng huấn thần học, ban này giúp hơn một trăm thanh niên chuẩn bị chịu chức, và đang giúp vài trăm giáo dân khác đào sâu đời sống thiêng liêng, chuẩn bị cho họ đi phục vụ ở nhiều sứ vụ khác nhau. Ai còn có thể đòi hỏi một nhiệm vụ nào cao cả hơn nữa? Nhưng tính chất thiêng liêng của nhiệm vụ này không phải bao giờ cũng thể hiện lên hàng đầu. Vài năm trước, chúng tôi đến dự một cuộc họp Quản trị và hai vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự là “cốc chén và mèo hoang”: Trường của chúng tôi, không có sự nhất trí hoàn toàn, đang từng bước chấm dứt việc sử dụng loại cốc dùng một lần rồi bỏ. Ngoài ra, chúng tôi cũng tranh luận liệu có để ngỏ khuôn viên nhà trường thành nơi cư trú và bảo tồn cho những chú mèo hoang hay không. Khi vị Hiệu trưởng Thần học giới thiệu chương trình nghị sự, ông hỏi: “Làm sao lại như thế này? Chúng ta là một học viện thần học đào tạo con người để làm mục vụ – mà những vấn đề hệ trọng trong nghị trình lại là “cốc chén và mèo hoang” ư?

Điều mà hai câu chuyện này dạy chúng ta là, chúng ta vậy mà cũng lấn cấn với những vấn đề mà ngày xưa các Kinh sư Do thái và những người Pharisêu thời Chúa Giêsu đã gặp phải. Và tôi có thiện ý tốt khi nói điều này. Chúng ta là con người và lúc nào chúng ta cũng quên mất cái nhìn toàn cảnh, cũng như các Kinh sư Do Thái và những người Pharisêu. Chúa Giêsu thường quở trách họ, như Người đã nói, “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” và do đó đã chú ý quá mức tới các nghi lễ “rửa cốc chén, bình và ấm đồng.” Lý do quở trách đó nhìn chung cũng đúng đối với chúng ta. Chúng ta cũng có khuynh hướng đánh mất điều then chốt vì những điều lẻ tẻ.

Điều gì then chốt? Điều răn lớn lao của Chúa, mà Chúa Giêsu đã quở trách các Kinh sư Do Thái giáo và các Pharisêu là đã đánh mất lời mời thương yêu Chúa trên tất thảy mọi thứ và thương yêu người láng giềng như chính mình. Đó là luật then chốt, lớn lao, duy nhất. Nhưng để áp dụng luật đó trong cuộc sống thực tế, chúng ta cần nhiều luật phụ trợ, về mọi chuyện từ phép tắc thực hành nghi lễ cho đến chén cốc và mèo hoang. Và những luật đó là tốt, chừng nào chúng không bao giờ tách biệt, tự trị, và bất thuận điều lớn lao duy nhất là thương yêu Chúa và người láng giềng.

Trong xã hội lẫn trong giáo hội, chúng ta đã làm ra nhiều luật: luật dân sự, luật hình sự, luật nhà thờ, giáo luật, luật nghi lễ, và mọi thể loại luật và hướng dẫn trong gia đình, nơi làm việc. Sẽ ngây thơ nếu tin rằng, lý tưởng là chúng ta có thể sống không cần đến luật. Thánh Augustine từng đề xuất là chúng ta có thể sống không có luật: “Hãy thương yêu và cứ làm điều gì con muốn!” Nhưng, tình thương yêu, như ngài định nghĩa trong bối cảnh này, là mức cao nhất của tình thương yêu tha nhân. Nói cách khác, nếu anh đã là thánh thì anh không cần tới luật. Buồn thay, thế giới chúng ta, các giáo hội chúng ta, và chính chúng ta, không đạt được tiêu chuẩn đó. Chúng ta vẫn cần tới luật.

Nhưng các luật của chúng ta, hết thảy các luật, và ở mọi mức độ, đều không được tạo ra để đứng riêng rẽ, để có quyền tự trị của chúng. Chúng phải quy thuận và phục tùng một điều then chốt, và điều then chốt đó là luật vĩ đại duy nhất vốn biến tất cả những điều khác trở nên tương đối: Hãy thương yêu Chúa hơn tất thảy mọi điều và thương yêu người láng giềng như chính mình.

Có một nguyên tắc then chốt trong mọi thần học luân lý mà phần nào chứa đựng điều này – nguyên tắc Epikeia (phát xuất từ tiếng Hy Lạp, epieikes, nghĩa là hợp lẽ phải). Luật lệ làm ra là để hợp lý và là để tuân thủ theo một cách thức không xâm phạm lẽ phải và lẽ thường hợp lý. Epikeia là điều mà Thánh Phaolô đã nghĩ khi ngài dạy rằng chữ nghĩa của luật thì giết trong khi tinh thần của luật mới mang lại cuộc sống. Về căn cốt, điều mà Epikeia đòi hỏi ở chúng ta là, khi chúng ta áp dụng một luật nhất định vào bất kỳ tình huống nào của cuộc sống, chúng ta đều tự hỏi mình rằng: “Nếu người đề ra luật này ở đây, xét ý định của luật đó, thì người đó sẽ muốn ta làm gì trong tình huống này?” Câu hỏi này sẽ đưa luật đó trở về với cái then chốt của nó, về với ý định thiêng liêng của nó, tinh thần của nó, và đảm bảo rằng tất cả những bất đồng của chúng ta về những bình, ấm đồng, quy tắc thực hành nghi lễ, cốc chén và mèo sẽ vẫn trung thành với câu hỏi: “Nếu là Chúa Giêsu thì Chúa Giêsu sẽ làm gì?”

J.B. Thái Hòa dịch