Nguyện xin Nước Chúa trị đến, nhưng chưa phải lúc này

72

Nguyện xin Nước Chúa trị đến, nhưng chưa phải lúc này

Ronald Rolheiser, 9-1-2014

Một người bạn của tôi thích nói đùa về các nỗ lực đấu tranh của anh trong thời gian trưởng thành. Anh đùa rằng, “Khi 20 tuổi, tôi nghĩ lúc 40 tôi sẽ đủ lớn để từ bỏ những thói xấu của mình. Nhưng khi đến 40, tôi lại cho mình thêm 10 năm nữa, tự hứa đến tuổi 50, tôi sẽ khuất phục được chúng. Ừ thì bây giờ tôi đã quá 50, tôi lại tự hứa lần nữa là đến tuổi 60, tôi sẽ trưởng thành hơn và nghiêm túc hơn, cân nhắc sâu sắc hơn trong đời.”

Thành thật mà nói, hầu hết chúng ta đều tương tự như thế. Chúng ta có ý định tốt, nhưng lại tiếp tục đẩy những việc chúng ta cần thay đổi trôi dần về tương lai: Ừ, tôi cần phải làm việc này, nhưng tôi chưa sẵn sàng. Tôi muốn có thêm thời gian. Một lúc nào đó trong tương lai, tôi sẽ làm mà.

Đây là cảm nghĩ gần như chung cho mọi người, và có nguyên do tốt. Có một áp lực mà chúng ta cảm thức được giữa khao khát muốn trưởng thành với sự trì hoãn luôn mãi cũng như lảng tránh không ngừng việc đó, điều này phản ánh một căng thẳng trong tâm điểm thông điệp của Chúa Giêsu, một căng thẳng giữa những lời hứa của Chúa đã có rồi và những lời hứa đang đến. Nói đơn giản là: Tất cả mọi sự Chúa Giêsu hứa đã có rồi, và vẫn đang đến. Chúng ta đã sống trong một sự sống tái sinh mới, ngay cả khi chúng ta đang chờ đợi sự sống đó đến. Vậy nghịch lý trong này là gì?

Các học giả kinh thánh và thần học gia đã nói cho chúng ta biết rằng tất cả mọi sự Chúa Giêsu đến để ban cho chúng ta (Chúa Trị đến, Nước Thiên Chúa, Thời đại mới, Thời Cánh chung, Công lý trên mặt đất, sự sống mới, sự phục sinh, sự sống bất diệt, thiên đàng), tất cả đều đã có ở đây rồi, nhưng cũng là đang đến. Tất cả có đây rồi, nhưng chưa trọn vẹn. Là một thực tại, nhưng đang chịu áp lực. Và tất cả vẫn đang đến, trong sự viên mãn, vẫn đang đến trong niềm say mê. Tất cả đã ở đây rồi nhưng vẫn cần phải được nhận ra. Ví dụ như, khi Chúa Giêsu nói rằng Ngài đến để ban cho chúng ta sự sống mới, Ngài không đơn thuần nói rằng tương lai của chúng ta là sống trên thiên đàng, nhưng Ngài cũng nói về đời sống chúng ta ở ngay đây, ngay trong hiện tại này. Ngài quả quyết với chúng ta rằng, sự sống mới đã có rồi. Thiên đàng đã khởi đầu rồi.

Chúa Giêsu đã giảng dạy điều này rất rõ ràng, và vấn đề không phải là do những người lắng nghe đã không hiểu Ngài. Họ hiểu, nhưng hầu hết, khước từ thông điệp đó. Họ cũng hết sức mong mỏi Nước Thiên Chúa có ngay đây rồi, nhưng cũng như anh bạn tôi cứ muốn có thêm 10 năm nữa để sống cho chuẩn mực, họ thích đẩy mọi thứ về tương lai hơn. Việc Thiên Chúa trở nên cụ thể trong đời sống, là một chuyện quá kinh hãi với họ.

Gerhard Lohfink, học giả Kinh Thánh nổi tiếng, đã khéo léo trình bày rõ ràng cả sự khước từ trong lòng đối với phần thông điệp này của Ngài, và nguyên do của sự khước từ đó nữa. “Những người nghe Chúa Giêsu thích đẩy mọi thứ về tương lai, và chuyện này chẳng có kết cục tốt. Triều đại Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã rao giảng, không được người ta chấp nhận. Cái “ngay hôm nay” mà Chúa muốn ban, đã bị người từ chối. Và đó, chỉ một điều này thôi, chính là lý do vì sao cái “đã có” trở thành cái “chưa có”. …. Không phải chỉ ở Nazareth, cái “ngay hôm nay” của Tin mừng mới bị chối bỏ. Mà cả về sau, trong lịch sử Giáo hội, đã hết lần này đến lần khác đã chối bỏ và vô hiệu hóa nó. Lý do cũng hệt như nguyên do ở Nazareth ngày trước, có vẻ như đó là do bản chất con người mà Thiên Chúa không thể trở nên cụ thể thiết thực trong đời sống chúng ta. Vì nếu Thiên Chúa trở nên thiết thực, những khát khao và ý niệm của con người bị đe dọa, và những ý niệm thời gian của họ cũng mất giá trị. Chuyện đó không thể xảy ra ngay ngày hôm nay được, vì như thế chúng ta phải thay đổi đời sống ngay tức thì. Bởi thế, có thể để chuyện này ngủ yên, một cách gọn gàng hợp lý, nhưng lại là phi lý.”

Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều có thể giống như thế: Thật đáng sợ khi Thiên Chúa trở nên “cụ thể” trong đời mình, điều này khác hẳn với việc Thiên Chúa đơn thuần là một thực thể sẽ trở nên rất thực vào một ngày nào đó. Bởi, nếu Thiên Chúa “cụ thể” ngay lúc này, thì nó có nghĩa là thế giới chúng ta phải thay đổi ngay lúc này và chúng ta không còn được đẩy mọi thứ về tương lai vô định nữa. Điều này không hẳn là một lỗi phạm đức tin, cho bằng là một sự trì hoãn, một trốn tránh, muốn có thêm chút ít thời gian nữa trước khi cần phải sống nghiêm túc. Chúng ta cũng như các vị khách được mời trong dụ ngôn Tiệc cưới. Chúng ta cũng muốn đi dự tiệc, cũng định đi dự tiệc, nhưng trước hết, chúng ta cần phải lo đám cưới của mình, lo công việc và những tham vọng của mình đã. Chúng ta có thể sống nghiêm túc sau. Có thời gian mà. Chúng ta hoàn toàn có ý muốn theo Chúa Giêsu cách nghiêm túc, chỉ là chúng ta muốn có thêm chút thời gian trước khi làm việc đó.

Tôi cho rằng, tất cả chúng ta, đều biết lời kinh nổi tiếng của thánh Âu Tinh. Sau khi trở lại Đạo ở tuổi 25, ngài phải mất 9 năm đấu tranh để cho tính dục hòa hợp với đức tin. Trong suốt 9 năm đó, ngài cầu nguyện thế này: Lạy Chúa, xin cho con thành một Kitô hữu trong sạch … nhưng hãy khoan đã!

Và công trạng của ngài là, khác với chúng ta, ít nhất, cuối cùng ngài đã thôi không đẩy mọi chuyện về tương lai không xác định thêm nữa.

J.B. Thái Hòa dịch