Quan niệm của chúng ta về của cải

243

Quan niệm của chúng ta về của cải

Ronald Rolheiser, 2012-08-19

Người giàu đang trở nên giàu hơn, và gần như chúng ta ngạc nhiên trên cả ngạc nhiên về mức độ giàu có đó.

Hàng ngày, báo chí, truyền hình, internet đưa tin về các khoản bồi hoàn tài chính mà thậm chí chỉ cách đây một thế hệ đã là chuyện không thể nào tưởng tượng nổi: các ủy viên hội đồng quản trị công ty nhận các khoản tiền thưởng hàng trăm triệu đô la, một vận động viên ký một hợp đồng trị giá một trăm triệu đô-la, những ngôi sao của thế giới tiêu khiển ký các hợp đồng hàng chục triệu đô, những người trong ngành công nghệ thông tin kiếm hàng tỷ, và những kẻ tầm thường khắp nơi tham gia vào câu lạc bộ triệu phú.

Và phản ứng của chúng ta là gì? Khó nói. Chúng ta thể hiện sự công phẫn và phản đối rằng như thế là lệch lạc, thậm chí chúng ta còn nuôi dưỡng lòng tị hiềm chẳng lấy gì làm kín đáo: Ước gì đó là mình!

Chúng ta ngưỡng mộ những người giàu và người nổi tiếng, người trong trắng và giản dị, và cuối cùng, cho dù có ghen tị, chúng ta dành cho họ cái mà họ có quyền được hưởng: Tốt cho họ thôi! Họ đã vất vả vì điều đó. Họ có tài. Họ xứng đáng với tất cả những gì họ được!

Nhưng chúng ta cần nhìn nhận chuyện giàu có như thế nào từ nhãn quan đức tin? Chúa Giêsu cảnh báo rằng của cải là nguy hiểm, nguy hiểm đối với tâm hồn và nguy hiểm đối với xã hội. Vậy thì chúng ta nên quan niệm như thế nào về việc có của cải, vừa liên quan đến những người rất giàu vừa liên quan đến chúng ta?

Đầu tiên, cần tránh một số điều: Trước hết, chúng ta không bao giờ được lý tưởng hóa cái nghèo và coi của cải là thứ tự nó xấu xa. Chúa là giàu có, không phải là nghèo khổ, và thiên đàng sẽ không phải là một nơi nghèo khổ. Nghèo khổ là một điều phải được vượt qua và xóa bỏ. Người nghèo không thích bị nghèo. Tiếp theo, chúng ta phải tránh chuyện chính trị hóa quá vội vàng cả cái nghèo lẫn của cải. Lăng kính của chúng ta phải luôn luôn là lăng kính luân lý hơn là chính trị, mặc dù rõ ràng là cả của cải lẫn cái nghèo đều có những hệ quả chính trị to lớn. Cuối cùng, trước khi tấn công chuyện thủ hữu của cải, chúng ta phải bảo đảm rằng mình không đang lên mặt dạy đời một cách chua chát, vốn chẳng hơn sự tị hiềm là mấy, cho dù có mang lớp vỏ luân lý gì đi nữa.

Những nguyên tắc nào cần dẫn dắt chúng ta trong quan niệm về của cải?

Ẩn sau mọi thứ khác, chúng ta phải luôn luôn nhớ lời cảnh báo của Chúa Giêsu rằng việc thủ hữu của cải là nguy hiểm, rằng đối với một người giàu thì khó bước vào thiên đàng. Hơn nữa, lời cảnh báo đó phải là một trợ lực lớn lao giúp chúng ta chấp nhận một số nguyên tắc khác:

Trước hết: việc thủ hữu của cải tự nó không phải là điều xấu; chính cách chúng ta sử dụng của cải như thế nào và những gì nó có thể gây ra cho trái tim chúng ta mới có thể xấu. Chúa Giêsu đã phân biệt giữa người giàu hào phóng và người giàu bủn xỉn. Loại người đầu là tốt bởi vì họ bắt chước Chúa, loại người thứ hai là xấu. Khi chúng ta hào phóng, đặc biệt theo cách phi thường, thì của cải không đóng kín trái tim chúng ta. Nhưng điều ngược lại cũng đúng. Tất cả những sự bủn xỉn, keo kiệt, tất cả những gì thiếu vắng sự hào phóng đều đóng kín trái tim ta theo những cách khiến khó bước vào thiên đàng, hoặc là một cộng đồng con người thật sự, nói theo nghĩa thuần khiết con người.

Và như vậy, thách thức cho tất cả chúng ta, những người giàu theo bất kỳ cách nào, là tiếp tục cho đi của cải của mình. Chúng ta cần làm như vậy, không phải bởi vì người nghèo cần những gì chúng ta cho họ, mặc dù họ cần thật; nhưng chúng ta cần làm như vậy để chúng ta được lành mạnh. Từ thiện, theo mọi kiểu, là về sự lành mạnh của người trao tặng hơn là về sự lành mạnh của người đón nhận. Người giàu hào phóng có thể thừa kế nước trời, người nghèo bủn xỉn thì không thể. Người nghèo là chiếc vé của mọi người để đến thiên đàng – và để đến với sự lành mạnh của con người.

Cuối cùng, cả điều này nữa cũng phải luôn được ghi nhớ trong tâm khảm khi chúng ta nhìn nhận của cải, cả của chính mình lẫn của những người rất giàu. Những gì chúng ta có không phải là của riêng mình, mà nó được trao cho chúng ta với lòng tín thác. Chúa là người chủ sở hữu duy nhất của tất cả những gì hiện hữu và thế giới đúng ra là thuộc về tất cả mọi người. Những gì chúng ta coi là của riêng mình, tài sản cá nhân của mình, là những gì đã được trao cho chúng ta với lòng tín thác, để phục vụ cho điều tốt đẹp của mọi người. Nó không thật sự của chúng ta.

Hơn nữa, chúng ta cần nhớ rằng không phải chỉ có sự khéo léo và nỗ lực vất vả của riêng mình đem lại cho ta những gì ta coi là của riêng mình. Những thành quả lao động của chúng ta cũng là thành quả lao động của những người khác. Chúng ta quá dễ dàng quên mất điều đó. Đây là cách nói của Bill Gates cha: “Xã hội có một phần lớn lao trong của cải của người giàu có. Điều này cắm rễ không chỉ trong hầu hết các truyền thống tôn giáo, mà còn trong việc kê khai trung thực về đầu tư lớn lao của xã hội vào việc tạo ra nền tảng màu mỡ để sản sinh ra của cải. Đạo Do Thái, đạo Ki-tô, và đạo Hồi, tất cả đều khẳng định quyền sở hữu cá nhân và quyền tư hữu, nhưng có những giới hạn luân lý đối với sở hữu cá nhân tuyệt đối về của cải và tài sản. Mỗi truyền thống đều khẳng định rằng chúng ta không phải là những cá nhân riêng lẻ mà là tồn tại trong cộng đồng – một cộng đồng có quyền đòi hỏi chúng ta. Cái ý niệm “nó hoàn toàn là của tôi” là vi phạm những lời dạy và những truyền thống này. Phần của xã hội trong của cải tích lũy của cá nhân … cắm rễ trong sự thừa nhận những đầu tư trực tiếp và gián tiếp của xã hội vào thành công của cá nhân. Nói cách khác, chúng ta không tự mình đến được đó.” (Những người ở trọ, Tháng 1-tháng 2, 2003)

Thật sự, chẳng ai trong chúng ta tự mình mà đến được đó. Nếu chúng ta nhớ điều đó thì chúng ta sẽ hào phóng được một cách dễ dàng hơn.

J.B. Thái Hòa dịch