Tình yêu, lòng tin và nghi thức

335

 

Ronald Rolheiser, 2011-10-30

Chẳng dễ gì để duy trì được tình yêu, ít nhất cũng không thể duy trì thường xuyên cảm xúc thiết tha sôi nổi. Hiểu lầm, khó chịu, mệt mỏi, ghen tuông, tổn thương, tính khí khác biệt, sự quen thuộc nuôi dưỡng khinh nhờn, và sự chán ngán luôn luôn bào mòn cảm xúc và xúc động của chúng ta, và chẳng mấy chốc, sự thiết tha sôi nổi nhường chỗ cho cái đều đều tẻ nhạt, thói quen trở thành nếp cũ chán ngắt, và tình yêu dường như biến mất.

Nhưng chúng ta dễ dàng hiểu sai điều đó.

Trước hết, chỉ vì mặt ngoài một mối quan hệ có vẻ bị hiểu lầm, khó chịu và tổn thương làm cho u ám không có nghĩa là chúng ta không thương yêu nhau. Tình thương yêu nằm ở một nơi bên dưới những cơn thăng trầm của sự khó chịu và tẻ nhạt. Anh có thể sẵn sàng chết vì một người nào đó, thậm chí ngay ở thời điểm anh đang sôi lên vì giận người ta.

John Shea, trong một loạt các bài giảng xuất sắc được Nhà xuất bản Liturgical phát hành, đưa ra một ví dụ tuyệt vời cho chúng ta. Ông kể câu chuyện một người phụ nữ đưa người mẹ già yếu của mình về để giúp bà khi bà đang trong quá trình hồi phục từ một cơn đột quỵ. Người con gái chịu khó chăm sóc chu đáo từng nhu cầu của mẹ; nhưng, có một lúc, một cuộc cãi vả kinh khủng nổ ra – xung quanh một chuyện vặt vãnh về một quả trứng luộc chín quá mức. Giữa cuộc khẩu chiến kịch liệt, bà mẹ đột nhiên hỏi cô con gái: “Thế thì tại sao con lại làm tất cả những việc này cho mẹ?”

Sau này, người con gái kể lại, cô trả lời bằng cách liệt kê một loạt lý do: Tôi lo cho bà; tôi muốn bà bình phục; tôi cảm thấy dường như hồi trẻ tôi đã lơ là với bà. Tôi cần chứng tỏ cho bà thấy là tôi mạnh mẽ. Tôi cần giúp bà sẵn sàng về nhà một mình trở lại; sẵn sàng đối diện với tuổi già, vân vân. Bản thân tôi cũng thấy ngạc nhiên. Tôi có thể viện dẫn lý do cả đêm cũng chưa hết. Cả mẹ tôi cũng kinh ngạc.

“Vớ vẩn,” bà nói khi tôi liệt kê xong.

“Vớ vẩn ư?” Tôi la lên. Như thể bà đã mắc sai lầm thật sự khi nhận xét như vậy.

“Đúng, vớ vẩn,” bà lại nói lần nữa, nhưng giọng hơi nhỏ đi. Và tôi chợt hiểu trước âm sắc ngày càng nhỏ đi đó. Rồi bà nói tiếp: “Con không cần phải viện tất cả những lý do này. Chúng ta thương yêu nhau. Thế là đủ.”

Khó chịu, giận dữ, chán nản trong một mối quan hệ không hẳn có nghĩa là tình thương yêu đã chết, như câu chuyện trên đã chứng tỏ. Tình thương yêu nằm ở một chỗ sâu xa hơn. Nhưng làm sao chúng ta chạm tới được chỗ đó trong những cảm xúc dưới mức nhẹ nhàng bình thường?

Chúng ta làm được điều đó thông qua các nghi thức. Đời sống chung của chúng ta trong mọi kiểu cộng đồng đều được duy trì thông qua các nghi thức lớn nhỏ chúng ta gắn bó với nhau, giữ chúng ta tôn trọng nhau, và để chúng ta kiên nhẫn chờ đợi qua suốt những cơn thăng trầm của cuộc sống chung. Ví dụ, đôi khi chúng ta chào nhau một cách nồng nhiệt thật sự, và cũng đôi khi việc chào hỏi của chúng ta khó có thể che giấu được sự khó chịu hay chán chường. Nhưng chúng ta vẫn chào hỏi nhau. Nói “chào buổi sáng” là một hành động thuộc về nghi thức, một hành động quan trọng. Nó nói lên rằng chúng ta vẫn thương nhau và quan tâm tới nhau, kể cả khi đó không phải chính xác là những gì chúng ta có thể đang cảm thấy vào một ngày nào đó. Điều này cũng đúng với những cái hôn chiếu lệ vội vàng trên má khi chúng ta chào hay tạm biệt nhau, ôm nhau theo lệ, làm dấu hòa bình trong nhà thờ, và (đặc biệt) là việc chúng ta cam kết ngồi lại với nhau vào những thời điểm thường lệ để ăn cơm và những lần tụ họp khác. Đó là những nghi thức quan trọng, dùng hành động và cam kết của chúng ta để nói lên những gì mà cảm xúc của chúng ta đôi khi không thể nói lên, đó là: “mẹ/ba/em/anh thương con/anh/em! Mẹ/ba/em/anh có mặt ở đây cho con/anh/em đây, kể cả khi cả hai chúng ta đều mệt mỏi, đều quá sức quen thuộc với nhau, quá bận rộn, và quá khó chịu vì những điều khác biệt của nhau đến mức không còn thấy thiết tha trong tình cảm của chúng ta lúc này nữa.” Nghi thức nói thay cho tình thương yêu, kể cả khi nó luôn luôn cần được tình thương yêu làm nền tảng bên dưới.

Điều này cũng đúng đối với đức tin. Trong đức tin, cũng y như trong tình yêu, vừa có bề mặt lẫn có nền tảng bên dưới. Thực tại sâu xa hơn nằm trong cái nền tảng bên dưới, và chúng ta cần sẵn sàng chuẩn bị cho rất nhiều những đổi thay ở trên bề mặt.

Trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta, sẽ có những phút giây thiết tha sôi nổi, cảm xúc nồng nhiệt, bình an ấm áp; nhưng sẽ cũng có từng giai đoạn, những giai đoạn dài, đôi khi là những giai đoạn cay đắng, khi trên bề mặt chúng ta chỉ cảm thấy khô khan, chán chường, thấy như Chúa vắng mặt, và thậm chí còn chán ghét những thứ gì của Chúa và của đức tin. Điều này không hẳn có nghĩa là chúng ta thiếu nỗ lực hay chúng ta đang chịu đau khổ trong đức tin vì quá quen thuộc dẫn tới khinh nhờn. Chúng ta có thể, như Chesterton đã gợi ý một cách cổ điển, cố gắng nhìn vào mọi điều quen thuộc cho tới khi nào chúng lại trông chẳng còn vẻ quen thuộc nữa, nhưng, như những nhà huyền bí đoan chắc với chúng ta, chuyện đó không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề.

Đức tin, giống như tình yêu, cần phải được duy trì thông qua nghi thức, thông qua những việc làm mang tính nghi thức cho phép sự cam kết và hành động của của chúng ta nói lên cái điều mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nói ra bằng lời và bằng cảm xúc được. Và truyền thống đức tin của chúng ta có sẵn những nghi thức đó cho chúng ta: đọc kinh, dự Bí tích Thánh thể, cầu nguyện trong nhà thờ, lần chuỗi, cầu nguyện theo các sách kinh khác nhau, ngồi cầu nguyện chú tâm lặng lẽ, và, quan trọng hơn hết thảy, đơn giản là có mặt thường xuyên ở nhà thờ. Tất cả những điều đó nói lên điều mà người mẹ trong câu chuyện trên nói với con gái: Bên dưới tất cả những điều này, là chúng ta thương yêu nhau. Thế là đủ!

J.B. Thái Hòa dịch