Ronald Rolheiser, 2011-07-31
Ít người viết được những bài phê bình về đức tin và tôn giáo thấm thía như Friedrich Nietzsche và Ludwig Feuerbach. “Chúa đã chết rồi,” Nietzsche tuyên bố, “và chúng ta là những kẻ ám sát Chúa!” Mà chúng ta ám sát Người – ông nói tiếp, theo những cách tinh vi mà chúng ta hoàn toàn không nhận thấy.
Nếu nói một cách đơn giản hết sức, thì lời phê bình của họ có thể được hiểu như sau: Đức tin và tôn giáo, nói cho cùng, là những phóng chiếu từ tâm của con người. Chúng ta tin vào Chúa vì chúng ta cần như vậy, đơn thuần và giản đơn là ngày. Chúng ta tạo ra Chúa để phục vụ cho những nhu cầu của riêng mình. Chúng ta cần tin vào Chúa bởi vì nếu không có lòng tin nơi Chúa, chúng ta không thể xử lý được nỗi đau đớn, đổ vỡ, thiếu thốn và những giới hạn trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta không đủ nhìn xa trông rộng và can đảm để sống mà không có Chúa; vì vậy mà có thứ thuốc phiện là đức tin và tôn giáo. Chúa và tôn giáo là những thứ thuốc mà chúng ta tạo ra cho bản thân để dìu ta đi qua cơn đau cuộc đời và cho chúng ta hy vọng về một điều gì đó vượt cao hơn.
Nhưng lời buộc tội này không phải là thách thức chủ yếu của họ. Điều họ thách thức ghê hơn nữa là: Chúng ta tạo ra Chúa vì chúng ta muốn biện bạch cho những lựa chọn của mình bằng cách khoác cho chúng tấm áo choàng thiêng liêng. Chúa không chỉ là loại thuốc phiện vĩ đại mà chúng ta hấp thụ để làm tê liệt cơn đau và nỗi chán chường của mình, mà Chúa đặc biệt là sự biện bạch vĩ đại, sự bào chữa vĩ đại, là sự cho phép thiêng liêng vĩ đại mà chúng ta cần để phục vụ chính mình mà vẫn mang cái ảo tưởng rằng chúng ta đang phục vụ cho một sự nghiệp thiêng liêng và cao cả.
Chẳng cần nhìn đâu xa cũng hiểu được tại sao họ nói như vậy. Khắp mọi nơi, dường như chúng ta đang thao túng đức tin và tôn giáo vì lợi ích của chính mình. Ai đó từng nhận xét chua cay rằng Chúa đã tạo ra chúng ta giống hình ảnh của chính Người và từ trước đến giờ chúng ta chưa bao giờ ngừng trả cái ơn đó. Đức tin và tôn giáo hiếm khi được thực hiện một cách trong sáng. Chắc chắn trong đó thấy rõ ràng có đôi chút yếu tố con người.
Chỉ cần nhìn vào vai trò của tôn giáo trong lịch sử thì có thể thấy đầy rẫy bằng chứng cho điều này. Ví dụ, ngày nay chúng ta thấy các hình thức bạo lực được biện hộ nhân danh Chúa, dĩ nhiên rõ ràng nhất là ở Đạo Hồi cực đoan, nhưng khó mà chỉ dừng ở đó. Và chúng ta cũng thấy điều đó trong quá khứ riêng tư của mình. Tất cả chúng ta có xu hướng tìm cách có Chúa theo những điều kiện của mình, theo những kiểu phần lớn là thuận lợi cho chúng ta, và cho phép chúng ta biện bạch cho những quyết định của mình rồi được Chúa và tôn giáo đóng dấu chấp thuận.
Vậy thì cần nói gì về tất cả những lời này? Tôi ngờ rằng, thánh Gio-an Thánh giá sẽ nói là Nietzsche và Feuerbach đúng 98%. Hầu như luôn luôn chúng ta thao túng Chúa và tôn giáo để cho khớp với những nhu cầu của riêng mình. Nhưng…, và đây chính là chỗ hoàn toàn khác…, chỗ mà Nietzsche và Feuerbach đã sai 2%, và ở 2% đó, Chúa có thể tìm thấy nơi để tuôn chảy một cách trong sáng vào đời chúng ta, và tôn giáo có thể tìm thấy nơi để bắc cầu cho sự có mặt của Chúa và sự thật một cách trong sáng.
Phải thừa nhận là, về bản chất con người, cho dù thế nào đi nữa, chúng ta luôn luôn cố gắng một cách vô thức để làm Chúa khớp với những nhu cầu riêng của mình. Chúng ta không dễ dàng hay không tự nhiên để Chúa buộc dây và dắt chúng ta đi tới những nơi mình không muốn tới. Chúng ta mong muốn Chúa, tôn giáo, và sự thật, nhưng phải theo những điều kiện của riêng chúng ta. Trong giáo hội cũng vậy, chúng ta cũng có khuynh hướng đó. Các nhà thờ thấy khó mà để Chúa buộc dây và dắt họ đi tới những nơi họ không muốn tới. Tuy nhiên, vào một thời điểm nhất định, Chúa chấm dứt chuyện đó bằng cách liệng từng người một trong chúng ta, hay đôi khi là cả cộng đoàn nhà thờ, vào cái mà các nhà thần bí gọi là “đêm tối của tâm hồn.” Đó là gì?
Điều xảy ra trong “đêm tối của tâm hồn” là cả trí tưởng tượng lẫn trái tim chúng ta trở nên trống rỗng và cạn kiệt mọi suy nghĩ lẫn cảm xúc có ý nghĩa về Chúa. Chúng ta bị đẩy đến chỗ suy sụp không nơi nương tựa và thấy mình lâm vào tình trạng mà mọi nỗ lực nắm bắt Chúa qua trí tưởng tượng hay qua cảm xúc đều vô ích. Dù chúng ta cố gắng đến mấy, thì tất cả những suy nghĩ, cảm xúc và điều bảo đảm chắc chắn trước đây của chúng ta về Chúa, kể cả cảm giác của chúng ta về chính sự tồn tại của Chúa, giờ đây đều trống rỗng và cạn kiệt, và không còn có thể phục vụ chúng ta nữa. Chúng ta bị bỏ lại, cảm giác như mình là người vô thần hay người bất khả tri, ở mức độ suy nghĩ và xúc cảm.
Nhưng, như Jurgens Moltmann nói, đức tin của chúng ta sẽ bắt đầu ở chính cái nơi mà những người vô thần nghĩ nó phải chấm dứt, trong hương vị của cái không, trong trống rỗng, trong tối tăm, và trong tình trạng hoàn toàn bất lực – không thể tưởng tượng sự tồn tại của Chúa hay cảm thấy sự có mặt của Chúa. Trong trạng thái trống rỗng và bất lực đó, Chúa cuối cùng có thể bắt đầu tuôn chảy vào đời chúng ta một cách trong sáng, vô nhiễm, không bị ảnh hưởng bởi nhu cầu, mong đợi và những gì chúng ta tưởng tượng nên. Chính sự trống rỗng, cạn kiệt và sự bất lực về mặt tưởng tượng và cảm xúc của chúng ta là những gì khiến chúng ta không còn có thể thao túng Chúa nữa. Chúng ta quá yếu ớt đến mức không thể làm nhiễm bẩn dòng chảy của Chúa vào đời mình nữa. Đức tin thật sự và tôn giáo thật sự bắt đầu ở đó.
Khi chúng ta hoàn toàn cạn kiệt đức tin và những điều bảo đảm an toàn về mặt tôn giáo, Chúa cuối cùng có thể bắt đầu tạo khuôn cho chúng ta theo hình ảnh của Người và tuôn chảy vào đời chúng ta, trong sáng và vô nhiễm.
J.B. Thái Hòa dịch