Những con chiên khác không thuộc đàn chúng ta

828

Những con chiên khác không thuộc đàn chúng ta

Ronald Rolheiser, 2012-01-29

Tôi lớn lên trong gốc rễ Thiên Chúa giáo La Mã mạnh mẽ, bảo thủ: sách giáo lý vấn đáp Baltimore, thánh lễ bằng tiếng Latinh, lần chuỗi mân côi mỗi ngày, đi lễ mỗi ngày nếu có thể, và những thói quen cầu nguyện sốt sắng. Và tôi biết ơn sâu sắc món quà này.

Nhưng nền tảng tuyệt vời này lại kèm theo thái độ không tin tưởng với tất cả những cái gì liên quan đến tôn giáo mà không phải là Thiên Chúa giáo La Mã. Tôi được dạy rằng Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã là giáo hội duy nhất chân chính và là con đường duy nhất dẫn tới thiên đàng; được dạy nhiều tới nỗi chúng tôi bị ngăn cản mạnh và ngầm bị cấm không được tham gia bất kỳ buổi lễ nào của nhà thờ Tin Lành. Nói cho đúng thì chúng tôi không cho rằng người Tin Lành và các cộng đoàn tôn giáo khác cuối cùng sẽ bị xuống hỏa ngục, nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng một cách khó khăn về chuyện giải thích cho rõ vì sao lại như vậy. Bên cạnh những điều khác, chúng tôi định ra một nơi gọi là Luyện ngục, nơi những người không phải là tín hữu Thiên Chúa giáo La Mã nhưng có lòng chân thành và tâm hồn tốt đẹp sẽ sống đời vĩnh cửu, vui vẻ nhưng không có Chúa.

Nhưng như T.S. Eliot từng viết: “quê nhà là nơi chúng ta bắt đầu từ đó.” Và quê nhà là một nơi tốt đẹp để bắt đầu từ đó xét về cách chúng ta, những cộng đoàn đức tin, chia tách với nhau, có thể hiểu nhau hơn và hiểu rõ hơn về mối quan hệ cụ thể của từng giáo hội với Chúa Kitô.

Và thường thì động lực cho chuyện này không đến từ cái nhìn từ kinh thánh và thần học nhiều cho bằng từ những mối liên hệ tổng hòa trong cuộc sống. Khi tương tác với nhau, chúng ta bắt đầu cảm thấy ý nghĩa của vấn đề ai sẽ đến với Chúa và Chúa Kitô là phức tạp hơn rất nhiều so với bất kỳ công thức thần học nào có thể phản ánh. Trong Phúc âm Thánh Gioan (10,16), Chúa Giêsu nói: Ta còn có những chiên khác, không thuộc ràn này. Ta cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.

Tôi đã hiểu được chân lý của câu đó thông qua trải nghiệm cá nhân. Trong gần bốn mươi năm mục vụ, tôi đã gặp, làm bạn và trở thành bạn đồng hành trong đức tin với những người từ mọi giáo phái và tôn giáo khác nhau: Tin Lành, Tân Giáo, giáo phái Anh, phái Phúc Âm, phái Nhất Thể, các giáo hội tự do nhỏ đủ mọi thể loại, phái Nhân chứng Jehovah, Ấn Giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo. Trong tất cả các cộng đoàn giáo phái và tôn gáo này, tôi đã gặp được những vị tu hành, nam và nữ, có đức tin sâu sắc và lòng nhân hậu vô cùng.

Và điều này đã làm cho tôi tự hỏi về đoạn Phúc âm thánh Mátêô (12: 46-50) khi Người còn đang nói với đám đông thì có kẻ thưa Người rằng: «Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: ” Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

Chúng ta có khuynh hướng cho rằng “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, thế nên đôi khi chúng ta bảo vệ gia đình, sắc tộc, quốc gia, giáo hội mình, kể cả khi họ làm những chuyện sai trái. Điều mà Chúa Giêsu khẳng định là “đức tin quan trọng hơn giọt máu đào”, và thậm chí còn sâu sắc hơn, đức tin còn quan trọng hơn mối liên hệ giáo phái hay tôn giáo.

Trong thư gửi tín hữu thành Galát, thánh Phaolô cũng đồng ý khi người hỏi câu hỏi: Ai đang sống bên trong Chúa Thánh thần? Những ai thật sự có lòng tin chân thật? Câu trả lời của người là: Những ai mà đời sống của họ bộc lộ ra lòng nhân hậu, vui vẻ, bình an, kiên nhẫn, tốt bụng, thiện lành, trung tín, nhẹ nhàng và khiết tịnh. Sự hiện diện của những đức hạnh này bộc lộ đức tin và Chúa Kitô. Ngược lại, người cảnh báo chúng ta không nên tự lừa dối khi đời sống chúng ta bộc lộ ra, bên cạnh những chuyện khác, ngoại tình, thù hận, óc bè phái, bất hòa và đố kỵ. Những người anh chị em thật sự của chúng ta trong đức tin là những người mà đời sống bộc lộ ra lòng nhân hậu thay vì ích kỷ, lòng thương yêu thay vì hận thù, những tấm lòng rộng lớn thay vì thông cảm một cách chọn lọc, nhẹ nhàng thay vì khắc nghiệt, và tốt bụng thay vì hẹp hòi. Đức hạnh quan trọng hơn bản sắc giáo phái.

Tôi sẽ mãi mãi là tín hữu Thiên Chúa giáo La Mã, cũng như luôn luôn là thành viên trong gia đình huyết thống của mình, gia đình họ Rolheisers, và tu sĩ dòng tu của tôi, dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm. Tôi đã được rửa tội trong những gia đình này và theo truyền thống này, như sách giáo lý vấn đáp dạy một cách đúng đắn, ghi lại một dấu vết mãi mãi còn đó trong tâm hồn chúng tôi. Những điều đó sẽ luôn luôn là gia đình của tôi; nhưng chúng cũng sẽ không phải là sự trung thành duy nhất của tôi. Tôi cũng có những gia đình khác, không thuộc đàn chiên này, những người không phải là tín hữu Thiên Chúa giáo La Mã, không thuộc dòng họ Rolheisers, không phải là Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Nhưng không vì thế mà tôi kém thương yêu Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, gia đình huyết thống của tôi, hay dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm. Ngược lại, tôi còn thấy thương yêu hơn.

Khi Chúa Giêsu hỏi câu: «Ai là mẹ, là anh, là chị, là em của Ta?», Người trả lời bất kỳ ai thực hiện ý Chúa thì đó là người mẹ đích thực, người anh đích thực, người chị đích thực, người em đích thực của tôi. Nhưng, như các tác giả Phúc âm đã hết sức nhấn mạnh, người mẹ huyết thống của người, Maria, là người đầu tiên phù hợp với định nghĩa đó. Vì vậy, không phải là người đã hạ thấp mẹ ruột, mà đã tái lập giá trị và tầm quan trọng của bà ở một mức độ cao hơn.

Điều này cũng đúng đối với chúng ta trong mối quan hệ với gia đình đức tin trong đó chúng ta đã được rửa tội, kể cả khi chúng ta mở lòng ra và chấp nhận những người khác không cùng đàn chiên với mình. Đức tin quan trọng hơn giọt máu đào và thậm chí còn quan trọng hơn liên hệ tôn giáo.

J.B. Thái Hòa dịch