Ronald Rolheiser, 2011-04-03
Một trong những tiểu thuyết đầu tay của James Carroll, ông khắc họa hình ảnh buốt nhói này: Một người đàn ông trẻ ở trong phòng hộ sinh chứng kiến vợ mình sinh con. Đó là một ca sinh nở khó khăn, người vợ có nguy cơ tử vong. Khi đứng đó chứng kiến, anh bị giằng xé sâu sắc: Anh yêu vợ, cầm tay vợ, cầu nguyện đến phát cuồng sao cho vợ đừng chết. Tuy vậy, sự sắp chào đời của đứa con và mối nguy vợ chết cọng lại làm anh nhận thức sâu sắc rằng, trong sâu thẳm tâm hồn, anh vẫn chưa tha thứ cho vợ vì đã có lần cô phản bội anh. Anh đã từng nói với cô là anh tha thứ cô, nhưng giờ đây, vào chính giây phút nguy kịch tột cùng này, anh nhận thức sâu xa trong tim, anh vẫn chưa thể nào dịu được nỗi đau và anh vẫn chưa thực sự tha thứ cho cô.
Trong khi vợ anh mong manh giữa hai bờ sống-chết, anh thấy trên gương mặt cô một sự căng thẳng cực độ, một chiến đấu để cho ra đời một sinh linh dù cô đang tuyệt vọng chống chọi để sống. Nỗi đau đớn cực độ càng làm nổi bật những đường nét hằn sâu trên gương mặt cô và anh nhìn thấy ở đó một cuộc chiến đấu kép – để sinh nở và để không bị chết.
Khi nhìn thấy vậy, trong thâm tâm anh mới có thể tha thứ cho cô. Điều làm anh thay đổi không phải là lòng thương xót đơn thuần mà là một sự thấu cảm có được nhờ một thấu thị đặc biệt. Cuộc chiến đấu của vợ để sinh nở, trong khi vật lộn để sống sót, mà tình trạng đau đớn của cô đã càng làm nổi rõ hơn, giống như một tia sáng chiếu trên toàn bộ đời cô, giúp giải thích mọi điều, kể cả sự phản bội của cô.
Đối với tất cả chúng ta cũng vậy: bản năng sâu thẳm nhất trong mỗi chúng ta là bản năng sống, để không bị hóa đá, không bị tan ra từng mảnh, chống chọi lại mọi trở lực để còn được sống. Gắn chặt với bản năng đó là một áp lực bẩm sinh, ở mọi cấp độ thân thể và tâm hồn, đối với việc cho ra đời một sinh linh, làm hạt giống của mình bất diệt, để lại một đứa trẻ của mình, làm ra một tạo tác, cùng với Chúa tạo ra một cái gì đó. Cái áp lực kép này là điều chính yếu nằm đằng sau hầu hết mọi việc chúng ta làm, bắt đầu nhuốm màu lên mọi động cơ của chúng ta và tạo nên cái hoàn cảnh sâu xa mà chúng ta dựa trên đó để hành động. Nó mời gọi chúng ta đến với đức hạnh cũng như đến với tội lỗi. Cuộc chống chọi để còn được sống và để cho ra đời một sinh linh là nền tảng của cả sự anh hùng lẫn bội tín của chúng ta.
Mà điều đó biểu lộ trên gương mặt chúng ta. Nó tạo nên những đường nét sâu sắc hơn trong vẻ mặt chúng ta. Gương mặt chúng ta rốt cuộc bộc lộ ra chúng ta như thế nào, trên bề mặt lẫn trong sâu thẳm. Có thể đó là một ý nghĩ đáng sợ: biết điều đó chẳng giúp an lòng gì, rốt cuộc, chúng ta không thể nào che giấu sự nhỏ mọn, lòng tham, dục vọng, tự đại, nỗi tức giận, cay đắng của mình, cho dù chúng ta có lờ đờ hay thờ ơ đến mấy. Tất cả bộc lộ ra hết, trên diện mạo. Như Jean-Paul Sartre từng khẳng định, chúng ta tạo ra gương mặt của chính mình, và sau tuổi 40, cái con người bên dưới của chúng ta, đức hạnh lẫn tội lỗi, bắt đầu lấn át những đường nét do gen quy định xét theo cái mà người khác thấy trên gương mặt chúng ta. Người ta bắt đầu thấy chúng ta là ai. Mà không phải những tế bào mỡ hay nếp nhăn nói lên nhiều điều nhất. Sự ích kỷ, lòng ngạo mạn và niềm cay đắng lúc bấy giờ không còn khôn khéo nữa, sau bốn mươi tuổi!
Oscar Wilde, trong tác phẩm “Bức chân dung Dorian Gray”, đã nêu điểm này một cách mạnh mẽ. Nhân vật nam chính của ông, Dorian, một chàng trai trẻ hết sức đẹp trai, thuê một danh họa vẽ chân dung mình, và bức họa là một kiệt tác. Ai ai cũng đều choáng ngợp trước vẻ đẹp của bức tranh. Nhưng, mà đây là điều oái ăm, bức chân dung này được vẽ khi Dorian còn trẻ, trong trắng, có trái tim hiền lành và tốt đẹp. Gương mặt chàng trong bức tranh đẹp là vì những phẩm chất đó, chứ không chỉ vì vẻ điển trai phi thường của chàng. Điều này về sau càng chứng tỏ rõ ràng hơn, khi Wilde, trong một tình tiết có hơi hướng vừa thần diệu vừa là thỏa thuận với quỷ dữ, đã để cho gương mặt của Dorian trong bức tranh thay đổi, theo đó khi Dorian trở nên phù phiếm, đầy dục vọng, ngạo mạn và tàn nhẫn, bức hình cũng thay đổi và bắt đầu bộc lộ sự phù phiếm, dục vọng, ngạo mạn và tàn nhẫn của anh. Dorian giấu biệt bức tranh và chỉ thảng hoặc, trong nỗi ân hận thoáng qua hay lúc chua cay hết sức, anh mới nhìn tới nó. Và anh ta thấy trong gương mặt thay đổi đó trạng trái tâm hồn mình.
Điều này đúng với tất cả chúng ta. Gương mặt thay đổi của chúng ta cho thấy trạng thái tâm hồn mình. Nhưng điều này không đáng sợ như mới nghe qua. Trừ phi trong nhiều năm dài thiếu trung thực chúng ta đã đi lầm đường lạc lối tới mức phạm phải cái mà Phúc âm gọi là tội lỗi không thể tha thứ đối với Chúa Thánh thần, những đường nét của vẻ đẹp sâu thẳm nhất của chúng ta vẫn còn nguyên không suy suyễn. Bên dưới những gì do gen quy định đang lão hóa, bên dưới những tế bào mỡ và nếp nhăn, bên dưới lòng tham và những mối bận tâm mà tội lỗi đã nhuốm lên gương mặt chúng ta, bên dưới niềm cay đắng sau mỗi lần chúng ta bị hắt hủi, bên dưới cái vẻ bề ngoài đang cố gắng giấu biệt những điểm yếu và sự bội tín của chúng ta, và kể cả ẩn sâu dưới những đức hạnh và nỗi thống khổ thầm lặng của chúng ta, là sự căng thẳng mà nhân vật người đàn ông trẻ của James Carroll nhìn thấy ở vợ mình khi cô đang gắng gỗ để sinh nở dù cô đang chống chọi để không bị chết.
Cuộc chiến đó tạo thành nét sâu sắc nhất trên gương mặt con người. Nhìn thấy điều đó có thể đưa đến lòng tha thứ.
J.B. Thái Hòa dịch