Một trong những lý do vì sao ngày nay chúng ta ít thấy một lời biện giải tốt cho Ki-tô giáo là bởi vì quá nhiều những chuyên gia thần học xuất sắc nhất của chúng ta viết ở một trình độ mang đậm tính hàn lâm tới nỗi một người bình thường trong giáo hội khó mà thật sự tiếp cận được những tư tưởng của họ. Hiếm gặp các nhà biện giải như C.S. Lewis và G.K. Chesterton. Ngày nay chúng ta có những nhà tư tưởng vĩ đại về thần học, nhưng không may là tác phẩm của nhiều người trong số này không được đọc một cách có lợi lạc bên ngoài khung cảnh hàn lâm.
Trong bối cảnh như vậy, tôi xin giới thiệu cuốn sách rất hữu ích, cuốn Faith-Maps (Những bản đồ đức tin), vừa mới xuất bản của Michael Paul Gallagher, một giáo sư dòng Tên ở Viện đại học Gregorian ở Rome. Gallagher có một quá trình đào tạo văn chương, điều này giúp ông nhạy cảm với thể loại ngôn ngữ có thể giao tiếp với một tâm trí bình dân mà vẫn duy trì được thứ ngôn ngữ của chiều sâu và tâm hồn. Đó là tài năng mà ông đưa vào quyển sách này.
Trong cuốn Faith-Maps, Gallagher chọn ra mười nhà tư tưởng Ki-tô tinh yếu (John Henry Newman, Maurice Blondel, Karl Rahner, Hans Urs von Balthasar, Bernard Lonergan, Flannery O’Connor, Dorothee Soelle, Charles Taylor, Pieranglo Sequeri, và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI) rồi viết một chương vắn tắt về từng người, trong đó ông giải thích cốt lõi của nhận thức chủ yếu của họ bằng ngôn ngữ không chuyên. Hơn nữa, ông làm điều này với một mục đích biện giải nhất định, nghĩa là, tìm cách viết sao cho mỗi một người đều đưa ra một thách thức rõ ràng, ngắn gọn đối với thế hệ chúng ta, đặc biệt theo cái cách liên quan tới gắng gỗ của chúng ta với đức tin và nhà thờ. Và trong khi làm điều này, Gallagher đã chứng tỏ mình là một vị thầy vừa tài năng vừa công tâm: Ông trình bày những khái niệm cốt lõi của các nhà tư tưởng này theo cái cách mà những người không chuyên có thể tiếp cận được, ít nhất cũng là phần lớn, và theo một cách không rơi vào một trong hai biên kiến tự do hay bảo thủ.
Tôi chân thành giới thiệu cuốn sách này cho tất cả những ai muốn làm quen với những nhà tư tưởng vĩ đại này và những người sẵn sàng chịu để mình phải gắng sức đôi chút về mặt trí óc. Tôi đặc biệt giới thiệu nó với người nào đang phải chật vật xoay xở về mặt trí óc với đức tin của mình. Đây là một quyển sách về biện giải tôn giáo cho người trưởng thành.
Cho phép tôi nêu ra một ví dụ về thiên tài của Gallagher trong tuyển tập các nhà tư tưởng này, và thách thức: Khi vạch ra một số chủ đề quan trọng trong tư tưởng của Han Urs von Balthasar, ông viết:
“‘Sự đổi hướng của chủ thể” đã có ảnh hưởng lấn át trong tư duy hiện đại. Trong phạm vi Balthasar gắng gạn lọc những điều thái quá của trường phái này và đề xuất “sự trở về của khách thể”, trước tác của ông chất vấn những mặc định đã bám rễ sâu xa trong văn hóa quanh ta và thậm chí cả trong việc sống đời sống đức tin của chúng ta. Dưới ảnh hưởng của quá trình đào tạo văn chương của tôi (tương tự Balthasar) và sau đó là trong cuộc cách mạng văn hóa mà đời sống tôn giáo kinh qua vào thập niên 1960, 1970, đời sống thiêng liêng của tôi chắc chắn đã trở nên chủ quan hơn. Một cách thầm lặng, toàn bộ truyền thống tu nghiêm nhặt bị gạt sang một bên, không chỉ theo nghĩa từ bỏ những khắc khổ bên ngoài, mà còn cho phép việc đạt được ước nguyện bản thân thay thế cho sự hy sinh bản thân như một giá trị cốt lõi. Thế hệ chúng ta đã khám phá ra sự tự thể hiện và tính dễ xúc động. Tất cả những điều này gây hào hứng và đáng để có, tuy vậy, khi suy nghĩ lại, chúng có nguy cơ bị phiến diện. Một cách gần như không nhận thấy, chúng đã đi tới chỗ sống theo một thu xếp với các ưu tiên mới, theo khía cạnh chủ quan của tôn giáo mạnh hơn khía cạnh khách quan. Thậm chí việc cầu nguyện mà cũng thường chịu sự đánh giá theo mặt trải nghiệm (ban đầu là sự tái đánh giá tích cực đối với một khía cạnh bị bỏ quên). “Tôi cảm thấy như thế nào” trở thành miếng giấy quỳ để kiểm tra sự tăng tiến.
Nếu tôi thừa nhận rằng tri giác mới này đã ảnh hưởng tới đời sống thiêng liêng, thì việc đọc Balthasar đã làm bật lên những vấn đề rắc rối nhưng quan trọng. Việc ông nhấn mạnh vào “tính khách quan” đã mời gọi tôi phải dành chỗ cho sự tôn thờ và vâng lời Chúa. Điều này đã phá tan tấm kính khuyếch đại của chủ nghĩa chủ quan. Ngôn ngữ đức tin của ông đã khiến tôi nhớ lại rằng vinh quang của Chúa là vĩ đại hơn bất kỳ sự đáp lại có thể có nào của tôi. Niềm vinh quang tỏa chiếu trên gương mặt của Chúa Kitô này thật sự là một lời kêu gọi “nhân loại thức tỉnh hoàn toàn” (nói như Iranaeus) nhưng vinh quang đó vượt lên trên sự hoàn thiện do mình tự đo đếm, bởi vì đó là hào quang của Chúa Giêsu bị đóng đinh cũng như Chúa Sống lại. Nó bao trùm lên tôi giống như một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, khiến tôi xúc động, nhưng luôn luôn là chính nó, không phải phụ thuộc vào tôi mới có được sức mạnh và vẻ đẹp của nó. Theo từ ngữ của Balthasar (ở một trong rất nhiều chỗ ông viện ra trải nghiệm đối với nghệ thuật tương tự như trải nghiệm với đức tin): “‘sự độc đáo của một tác phẩm nghệ thuật’ chỉ có thể được cảm thụ ‘bằng cái ấn tượng nó tạo ra, người xem thấy đây là một tác phẩm trọn hảo không thể nào khác đi được, một cảm giác thoải mái hoàn toàn, làm tràn ngập người xem, làm cho họ phải thốt lên: chỉ có thể đến thế mà thôi!’
Một lời biện giải tốt là phải giúp có thể tiếp cận được các tư tưởng sâu sắc, mà không khiến những tư tưởng đó mất đi giá trị. Nó phải khiến mọi chuyện trở nên đơn giản mà không phải là đơn giản hóa quá mức. Các nhà thần học hàn lâm thường chật vật trong khả năng làm cho dễ tiếp cận của phương trình này, trong khi các tác giả linh hướng được chuộng, các giáo lý viên và các linh mục đi giảng thì chật vật với việc làm sao giữ được phần giá trị sâu sắc. Chẳng mấy ai có thể làm được cả hai. Michael Paul Gallagher đã làm được cả hai trong cuốn sách này. Faith-Maps chạm tới những mạch giếng ngầm sâu xa của mười nhà tư tưởng tinh yếu, rút tỉa được phần nào tinh chất vàng ròng của họ, và phô bày chúng ra theo cái cách dễ thấy hơn đối với những con mắt không chuyên, thách thức chúng ta phải hiểu đức tin của mình một cách sâu sắc hơn, và cho chúng ta một kho tàng quý báu các khái niệm để làm được điều đó.
J.B. Thái Hòa dịch