Một số bài ngợi ca công lý

175

 

Ronald Rolheiser, 2011-01-30

Các nhà đại tiên tri Do Thái, những bậc tiền bối của Đức Giê-su, đã nghĩ ra một câu thần chú đại ý là: Chất lượng đức tin của bạn sẽ được đánh giá qua chất lượng công lý trong xứ sở và chất lượng công lý trong xứ sở sẽ được đánh giá qua việc “những bà góa, những trẻ mồ côi, và những người xa lạ” (các hình ảnh trong kinh thánh chỉ ba nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội) sinh sống như thế nào khi bạn còn sống.

Chúa Giê-su hẳn sẽ không phản đối. Trong Phúc âm thánh Mát-thêu, khi nói đến việc phán xét cuối cùng, Người nói với chúng ta rằng, trước hết, lời phán xét này sẽ không liên quan tới chuyện giáo điều đúng đắn, thần học hay, việc đi lễ nhà thờ, hay kể cả lòng thương xót cá nhân và luân lý về tình dục, mà là về chuyện chúng ta đối xử với người nghèo như thế nào. Không ai lên thiên đàng mà không có thư giới thiệu của người nghèo. Đức Giê-su và những vị đại tiên tri trong kinh thánh đã nói rõ điều đó.

Điều này cũng đã được nêu rõ trong các thông điệp xã hội của Giáo hội Công giáo La Mã trong vòng 150 năm qua, và gần đây nhất là trong các thông điệp xã hội của Đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô đệ nhị. Chúng ta cũng thấy điều này trong truyền thống tiên tri của mọi Giáo hội Ki-tô giáo và ở một vài cá nhân ki-tô hữu vĩ đại đã chạm đến đời sống chúng ta trong thế kỷ qua: Mẹ Têrêxa, bà Dorothy Day, ông Oscar Romero, Thomas Merton, Martin Luther King, William Stringfellow, bà Catherine Doherty, và những người khác. Chúng ta cũng nhận thấy thách thức này trong chính thế hệ của mình trong hoạt động và tác phẩm của những người như Giám mục Tutu, ông Nelson Mandela, Jean Vanier, Henri Nouwen, Daniel Berrigan, Bryan Hehir, và Jim Wallis.

Hiển nhiên, thách thức đối với công lý này không phủ nhận những bổn phận tôn giáo và luân lý khác, nhưng nó thật sự luôn luôn là một nguyên tắc nền tảng, không thể tranh cãi: Chúng ta sẽ bị phán xét qua cách chúng ta đối xử với nhóm người dễ bị tổn thương nhất (“các bà góa, trẻ mồ côi, những người xa lạ”) khi chúng ta còn sống và giữ đạo của mình. Đây là một thách thức mạnh mẽ.

Thỉnh thoảng ca lên các chân lý của mình cũng là một chuyện có ích, vừa để giai điệu và lời hát khắc sâu các từ ngữ không thể xóa nhòa vào tâm khảm của chúng ta, vừa để cho chính lời tụng ca đó giúp tăng lòng dũng cảm và quyết tâm của mình. Đây là một số bài ngợi ca công lý:

– Chúng ta cần đốt ngọn lửa lên một lần nữa bởi vì niềm hy vọng chúng ta không còn suông sẻ dễ dàng. Chúng ta sống trong một nền văn hóa của nỗi tuyệt vọng, nơi mà ngày Lễ Hiện Xuống không còn được coi là chuyện tự nhiên nữa. Chúng ta phải từ chối đừng để Chúa Thánh Thần thành một mẩu tài sản riêng, nhưng phải là một tinh thần đáng kể. (Mary Jo Leddy).

– Nhìn Chúa trên Thập giá, tôi chết khiếp trước dòng máu chảy xuống từ bàn tay thiêng liêng của Người. Tôi thấy nhói lên nỗi buồn sâu xa khi nghĩ rằng dòng máu này đang rơi xuống trên mặt đất mà không ai buồn gom nó lại. Tôi quyết tâm giữ tinh thần dưới chân Thập giá và hứng những giọt sương đó. Tôi nguyện sẽ dành đời mình để gom chúng lại. (Têrêxa Hài Đồng Giêsu)

– Lương của công việc là tiền.

Lương của tiền là muốn nhiều tiền hơn.

Lương của nhiều tiền hơn là cạnh tranh khắc nghiệt.

Lương của cạnh tranh khắc nghiệt là – thế giới chúng ta đang sống. (D.H. Lawrence)

– Có Bảy Tội Xã hội:

Chính trị vô nguyên tắc

Của cải không từ lao động

Buôn bán vô đạo đức

Lạc thú không lương tâm

Giáo dục mà không nuôi chí khí

Khoa học không nhân văn

Thờ phụng mà không hy sinh (Mohandas Gandhi)

– Sức mạnh không có lòng trắc ẩn là bạo lực

Lòng trắc ẩn không công lý là ủy mị

Công lý không có tình thương là Mác-xít chủ nghĩa

Và… tình thương không có công lý là vớ vẩn! (Cardinal Sin)

– Giờ thì không, nhưng có thể:

Chúng ta không nói bằng ngôn ngữ, mà bằng thổ ngữ khó hiểu.

Chúng ta không có tôn giáo, mà có mê tín.

Chúng ta không có văn hoá, mà có nếp nghĩ sai lầm.

Chúng ta không sáng tạo nghệ thuật, chỉ làm đồ thủ công.

Chúng ta không phải là con người, chỉ là nhân lực.

Chúng ta không có gương mặt, chỉ có vũ khí.

Chúng ta không có tên, chỉ có những con số.

Chúng ta không góp mặt trong lịch sử của thế giới, mà trong góc thông tin ở báo địa phương của cảnh sát.

Những kẻ vô danh, người không đáng bằng những viên đạn bắn họ. (Edward Galeano, Những kẻ vô danh).

– Trong giản đồ vạn vật của thế giới, luật định rằng kẻ mạnh nhất thì sống sót.

Trong giản đồ của Chúa, luật định rằng kẻ yếu nhất thì sống sót. (Alphonse Keuter).

– Không thể tạo ra được thế giới nào không có người vô tội chịu đau khổ, nhưng có thể tạo ra một thế giới trong đó có ít hơn những người vô tội chịu đau khổ. (Bryan Hehir)

– Chúng tôi không muốn tiền của các người; chúng tôi có thể ăn trộm tiền của các người khi chúng tôi cần. Chúng tôi muốn các người dẫn chúng tôi trở về với Chúa, và cho chúng tôi công ăn việc làm. (Một thủ lĩnh Băng đảng nói với một nhóm các lãnh đạo giáo hội và doanh nghiệp)

– Mất mát cũng là một nơi chốn. (Christina Crawford)

– Bạn có thể nói rằng, nếu bạn đang đi trên các nẻo đường cuộc sống những ngày này, và tìm kiếm một phần nhỏ của Chúa hay tìm một thánh thần nào đó để hướng dẫn đời bạn, thì bạn cần nhìn xuống. Bởi vì nếu tìm Chúa trong những ngày này, thì phải tìm ở những điều nhỏ nhoi. Đó là những thứ sát mặt đất. Thậm chí còn có thể nằm dưới mặt đất. Tìm kiếm Chúa, những ngày này đòi hỏi sẵn sàng tìm kỹ những điều nhỏ bé, đòi hỏi đi xuống. Nhìn xuống. Nhìn xuống. Nhìn xuống. (thơ Aztec)

J.B. Thái Hòa dịch