Từ Đức Gioan XXIII đến Đức Phanxicô, sự ân cần của Chúa và các cột trụ hòa bình

205

 

Đăng trên tạp chí New Life, Buenos Aires, Argentina, raoulwallenberg.net., Carlos Maria Galli, Tiến sĩ Thần học

Ngày 13 tháng 3 năm 2013, Đức Phanxicô được bầu làm Giám mục Rôma. Ngài đến từ tận cùng thế giới. Ngày 03 tháng 6 năm 2013, là kỷ niệm 50 năm ngày mất của giáo hoàng Gioan XXIII, vị Giáo hoàng Nhân hậu. Ngay trước lúc qua đời vào ngày 11 tháng 4 năm 1963, ngày thứ năm tuần thánh cuối cùng, ngài đã đọc Tông thư Hòa bình trên trái đất, Pacem in Terris. Tên của Tông thư này tự nó thể hiện đây là tiếng vang từ Tin Mừng ngày Chúa Giáng Sinh: «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm» (Lc 2, 14). Thân ái, yêu thương, cảm thông, ân cần, và hòa bình là những từ biểu lộ Tin Mừng và hợp nhất hai Giáo hoàng này. Cả hai đều thể hiện lòng nhân hậu của Thiên Chúa nhân từ.

Ngày 11 tháng 10, trong diễn văn khai mạc Công Đồng Vaticanô II, Đức Gioan XXIII kêu gọi giáo dân hãy dùng liều thuốc của lòng thương xót.

Ngày 17 tháng 3 năm 2013, trong buổi kinh Truyền Tin đầu tiên, Đức Phanxicô đã kêu gọi khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trong hai thế kỷ gần đây, vốn được đánh dấu bằng quá nhiều hận thù và bạo lực, hai triều Giáo hoàng này đã thúc giục Giáo hội bày tỏ tấm lòng thân ái trọn vẹn và trở nên Giáo hội Nhân ái.

Gioan và Phanxicô

Hai Giáo hoàng có nhiều điểm chung: họ đều được bầu lên lúc 76 tuổi, là sự kết hợp giữa cá tính dễ gần với tính quyết đoán và kiên định vững chãi, và họ đều xuất thân từ những gia đình bình dân. Gioan sinh tại Sotto il Monte, một làng nông nghiệp ở Bergamo, nước Ý, vào cuối thế kỷ XIX, còn Phanxicô xuất thân trong một gia đình trung lưu, là người Ý nhập cư vào Argentina trong những năm 1930. Dù hành trình khác nhau, họ đều là giám mục và gần gũi với dân mình: Angelo Roncalli ở Venice (1953-1958), và Jorge Bergoglio ở Buenos Aires (1998-2013). Tên của họ phản ánh ý hướng của họ. Angelo lấy tên của thánh Gioan Tẩy giả, người dọn đường, và Gioan Thánh sử, tông đồ. Còn Jorge lấy danh hiệu Phanxicô Đaxi, vị thánh vì người nghèo, một trong những người nên giống Chúa Kitô nhất.

Gioan XXIII là người mến mộ Thánh Phanxicô và các tu sĩ Phan Sinh tại thế,  những người cố gắng gần lại với Chúa Giêsu, và đó cũng là cách Gioan thường tự nói về mình.

Cả hai đều bắt đầu thừa tác vụ qua việc đáp trả tiếng Chúa gọi: «Ta ở tù và con đến thăm nom» (Mt 25, 36). Vào lễ Giáng Sinh năm 1958, Đức Gioan XXIII viếng thăm một nhà tù ở Roma, và trong ngày thứ năm Tuần thánh năm ngoái, Phanxicô đã đến rửa chân cho các thanh thiếu niên nam nữ ở nhà tù dành cho người trẻ.

Trong thông điệp qua đài phát thanh ngày 11 tháng 9 năm 1962, một tháng trước Công đồng, Đức Gioan XXIII đã nói, Giáo hội trong những nước đang phát triển phải là hiện thân «Giáo hội của người nghèo».

Ngày 20 tháng 3 năm ngoái, trước báo giới toàn cầu, Phanxicô đã lên tiếng cho một «Giáo hội nghèo của người nghèo».

Hai người đều có một đời sống mộc mạc đúng giá trị chức vị tông đồ của mình. Nghèo khó, khiêm nhượng, mộc mạc, và phục vụ người nghèo là những biểu tượng hùng hồn cho uy tín của Giáo hội. Hai giáo hoàng đều thể hiện một tình huynh đệ toàn cầu, cũng như đã lên tiếng kêu gọi mọi người tái quy hướng về trọng tâm Tin Mừng và thúc đẩy cải cách Giáo hội.

Đức Gioan XXIII là ngôn sứ đã lên tiếng kêu gọi và khởi xướng Công đồng Vaticanô II, Phanxicô là giáo hoàng theo đuổi sự hòa hợp và dẫn dắt công cuộc Tân Phúc âm hóa bằng chứng tá, phục vụ và đối thoại. Hai người đều đem lại hy vọng và mở cánh cửa tương lai cho Giáo hội. Mỗi một người, từ cảm nghiệm của riêng mình, đã thúc đẩy lòng dấn thân đại kết vì sự hiệp nhất trong Kitô giáo và đối thoại liên tôn với Do Thái giáo và Hồi giáo. Từ tổng hành dinh của Giáo hoàng tại quảng trường thánh Phêrô, với nhiều thách thức khác nhau, cả hai đều lao mình gánh vác sứ mạng vì hòa bình.

Đức Gioan XXIII chưa bao giờ đến Argentina và thế hệ hiện tại không biết nhiều về ngài. Phanxicô xuất thân từ đây, và tất cả mọi người đều biết đến ngài. Phaolô VI là giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến Bắc (1965) và Nam (1968) Mỹ. Gioan Phaolô II viếng Argentina trong thời gian Chiến tranh quần đảo Malinas, (hay còn gọi là Falklands, 1982), ngài dẫn đưa chúng ta đến Hòa ước Hữu nghị với Chilê (1984), và ngài khởi xướng những cuộc họp tại Assisi vì hòa bình (1986). Ngài cũng đến thăm chúng ta ở Argentina một lần nữa vào năm 1987, tinh thần của ngài là chống lại mọi cuộc chiến tranh, và năm 2002, ngài đã gởi Mười điểm trong Hội nghị Assisi vì Hòa bình cho các lãnh đạo quốc gia.

Tất cả các giáo hoàng của thế kỷ XX đều hành động vì hòa bình, theo gót những gì mà Đức Bênêđictô XV đã làm trong Thế chiến I. Trong ba mươi năm, Roncalli là đại diện giáo hoàng ở Bulgary, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, và Pháp. Ngài ý thức một cách tích cực về sự hiệp nhất gia đình nhân loại và tôn trọng hết mực sự khác biệt đa dạng văn hóa. Đó là một trong những cội rễ của tinh thần đại kết rộng mở của ngài. Nhiều người đã làm chứng về việc ngài nỗ lực cứu nhiều anh chị em Do Thái khỏi nạn diệt chủng của Đức quốc xã. Và vị giáo hoàng tương lai này đã tiếp tục đóng góp nhiều cho đối thoại Kitô giáo-Do Thái giáo.

Triều giáo hoàng của ngài (1958-1963) rơi vào thời gian Chiến tranh lạnh đang kích động những cuộc xung đột nóng bỏng ở Nam Mỹ. Đức Gioan XXIII tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai siêu cường Xôviết và Hoa Kỳ. Trước vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba, ngài đã kêu gọi đàm phán để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ngài tin chắc rằng trong thời đại hạt nhân, bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng là hành động phi lý. Với những nỗ lực của mình, ngài đã nhận giải thưởng danh giá Balzan vì Hòa bình. Don Loris Capovilla là thư ký của ngài từ 1953 đến 1963. Bây giờ ông đã 97 tuổi. Tháng 11 năm ngoái, ông đã cho tôi biết là Tông thư Hòa bình trên trái đất được khởi xướng từ tháng 10 năm 1962, khi mọi người phải đối diện với cuộc khủng hoảng Cuba. Văn kiện này được phát triển với sự giúp đỡ tin cẩn của thần học gia Pietro Pavan. Đó là văn kiện đầu tiên không chỉ nhắm đến các tín hữu Công giáo mà thôi, nhưng là đến «tất cả những người thiện tâm». Rồi ngài gởi tông thư này đến tất cả các nguyên thủ quốc gia và tổng thư ký Liên hiệp quốc U. Thant nữa. Roncalli tin tưởng vào năng lực lý luận và thiện tâm mà Thiên Chúa đã đặt vào nơi mỗi con người. Tông thư tuyên bố rằng phẩm giá của con người là nguồn cội nền tảng cho những quyền lợi và trách nhiệm cùng tồn tại (8-34) và như thế nó quy định tương quan giữa công dân và nhà chức trách (35-66) khi phân tích hiến pháp thành lập một Nhà nước Dân chủ và Cộng hòa (67-79). Trong những phần có tính đổi mới nhất, Tông thư này đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn quan hệ giữa các Quốc gia (80-162), và các suy tư về hòa bình như là một ơn ban của Thiên Chúa và trách nhiệm của con người (163-172).

Cộng đồng quốc gia và quốc tế

Đức Gioan XXIII đã đóng góp những tiến bộ mới cho vấn đề giao thiệp quốc gia trong huấn giáo xã hội của Giáo hội. Ngài đưa ra rằng phẩm giá con người là nền tảng cho sự đồng hiện diện công bằng, và rằng lôgic hiện đại về quyền con người mà không có tính cá nhân chỉ là ngụy biện vô nghĩa, rằng có nhiều loại quyền từ tự do tôn giáo cho đến thu nhập gia đình, và phải có một sự cân bằng giữa quyền hạn và nghĩa vụ, điều quan trọng là phải thiết lập được cộng đồng công dân có trách nhiệm, và tất cả những người nhập cư phải được tự do di chuyển theo quyền tự nhiên của họ, và cũng cần phải phân tích ba đường hướng quan trọng của thời đại này là: vai trò đang lên của phụ nữ trong xã hội, quyền của người lao động và mọi quốc gia phải được giải phóng, ngài cũng xác định lựa chọn một hệ thống chính trị dân chủ và tính hợp pháp của các giới chức đại diện, sự cân bằng giữa quyền lực của ba thẩm quyền trong một hệ thống cộng hòa, cũng như nhu cầu cần minh bạch và kiểm soát các hành động của chính phủ.

Huấn giáo của ngài nói đến một cộng đồng quốc tế lo cho một kỷ nguyên toàn cầu: việc nhìn nhận các cá nhân là những đối tượng có quyền và và nghĩa vụ với nhau, sự công bằng giữa các quốc gia và không có chuyện quyền hạn áp đặt áp đảo, phải có quyền đặc tính văn hóa của đa số và thiểu số, tự do trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đồng tiền theo những luật công bằng, lên án việc chạy đua vũ trang viện cớ là chiến lược chống khủng bố (từ năm 1963 mà đã nói đến vấn đề này rồi!), không được thực hiện chiến tranh trong thời đại nguyên tử và chất vấn về luận thuyết chiến tranh chính đáng, đưa ra những tiêu chuẩn tạo nên các thể chế toàn cầu với quyền hạn dùng để gây dựng hòa bình, cũng như một sự đoàn kết quốc tế tích cực mà Đức Phaolô VI đã phát triển trong thông điệp Phát triển các Dân tộc Populorum Progressio năm 1967.

Bốn cột trụ của hòa bình

Cốt lõi đạo đức chung trong huấn giáo của ngài xác định rằng hòa bình xã hội – trong phạm vi quốc gia và quốc tế – được xây dựng trên bốn cột trụ: sự thật, tự do, công bằng, và yêu thương. Sự chung sống «được thiết lập trên sự thật, phải được thực hành theo những giáo huấn về công bằng, và cần được thêm sinh lực cũng như đồng hành qua tình yêu thương lẫn nhau, đồng thời tôn trọng tuyệt đối tự do» (PT 37). Những liên hệ giữa các quốc gia «phải được quy định bằng các luật về sự thật, công bằng, đoàn kết tích cực, và tự do» (PT 80), những cột trụ này duy trì mối dây ràng buộc giữa người với người, giữa công dân và nhà nước, giữa các cá nhân, gia đình, cộng đồng trung gian, các nhà nước riêng lẻ và cộng đồng thế giới (PT 163). Huấn giáo này được các giáo hoàng kế tiếp nối tiếp giảng dạy, và tháng 1 năm trước, Đức Bênêđictô XVI đã nhắc lại huấn giáo này.

Đức Gioan XXIII còn có một đóng góp to lớn khác cho đối thoại chính trị bằng việc phân định các phong trào trong lịch sử và những điểm khác biệt của chúng khi so sánh với các học thuyết nền tảng. Nhận thức hữu lý trong mỗi trường hợp có thể thúc đẩy sự đồng thuận chính trị giữa các đảng khác nhau vì lợi ích chung. Ngài bày tỏ niềm tin lý tưởng này trong thời gian nước Ý có hai đảng cùng hiện diện là Aldo Moro Dân chủ Kitô giáo và Đảng Xã hội. Vậy nên huấn giáo này cũng có thể truyền cảm hứng cho những người thiện tâm ở Argentina chúng ta.

Với Đức Gioan XXIII, các công chức phải chịu trách nhiệm chính cho việc thiết lập nền tảng hòa bình. Nhưng tất cả mọi công dân phải gắn mình vào trách nhiệm đối với hòa bình xã hội, vốn được xây dựng trên sự thật, tự do, công bằng, và yêu thương.

Tái xây dựng tình thân xã hội

Tinh thần hòa bình này là cốt lõi cho tình thân xã hội, và là một trong những quy ước cho công ích.

* Hòa bình là việc làm của sự thật và tự do Sự thật đòi hỏi phải có số liệu đáng tin về nạn nghèo đói và lạm phát, tự do thông tin không được gian dối từ cá nhân cũng như chính quyền, minh bạch trong hành động của chính quyền và các quỹ phúc lợi cấp quốc gia, tỉnh, và thành phố tự trị, đối thoại giữa các đảng phái chính thức với những người đối lập để giải quyết các vấn đề đang ảnh hưởng đến công dân, nhận ra sự thật là nhân quyền đã bị vi phạm trong quá khứ và hiện tại, những người nghèo khổ nhất vẫn đang bị vi phạm quyền lợi của họ, một hệ thống đảng phái chính trị không bè phái, và tôn trọng quyền cá nhân cao hơn nhà nước cầm quyền.

* Hòa bình là việc làm của công bằng và yêu thương. Cần có thay đổi trong chủ nghĩa tiêu thụ và thái độ của các cá nhân vốn thúc đẩy tiêu dùng cá nhân nhưng lại không đem lại công ích cần phải có. Điều này cần đến việc cắt bỏ những khối u tham nhũng: năm 1995, tôi đã viết một bài «Tham nhũng là Tội xã hội» mô tả việc tham nhũng luôn luôn xâm hại đến đời sống của người nghèo. Điều này cũng cần đến việc phải giảm bớt việc dùng ngôn từ chiến tranh và gây hấn, vì những người đối lập không phải là kẻ thù. Hòa bình thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các đảng để nhằm xây dựng các chính sách của nhà nước dựa trên sự khác biệt. Từ năm 1973, triết gia Paul Ricoeur đã lên án cả những hòa hợp giả tạo và những hệ tư tưởng xung khắc, trong tác phẩm mang tên «Xung đột, Dấu chỉ của Mâu thuẫn hay Hiệp nhất?» vốn rất nổi tiếng ngày nay. Dạng hệ tư tưởng này hạ giá hành động chính trị xuống thành một nỗ lực tiêu diệt kẻ thù bằng cách loại bỏ biểu tượng của họ. Một chính sách chết chóc như thế sẽ là cái chết cho chính trị.                    

Từ Đức Gioan XXIII đến Đức Gioan-Phaolô II

Hòa bình đòi hỏi sự thật, sự thật của quá khứ và hiện tại, đòi hỏi tự do đối thoại giữa công dân, đòi hỏi công bằng xã hội và công bằng pháp lý, đòi hỏi tình yêu thương để bảo đảm chúng ta yêu thương nhau hơn, cũng như cần đến tình đoàn kết cứu giúp nhau trong cơn hoạn nạn. Những cột trụ của hòa bình chính là việc nhìn nhận sự thật, thăng tiến tự do, xây dựng công bằng, và sống yêu thương.

Đức Gioan XXIII đã xác định những nền tảng này cho hòa bình, đưa các nguyên lý này trong huấn giáo và thông qua tại Roma năm 1963. Một năm sau, một tu sĩ Dòng Tên ở Buenos Aires, Jorge, bắt đầu nghiệp giáo sư văn học tại Trường Immaculate Conception ở Santa Fe, Argentina. Trong một lớp dạy, ngài đã trích lời của Martin Fierro, bài thơ siêu việt của Argentina, có câu rằng «anh em hiệp lòng». Năm 2002, với tư cách tổng giám mục Buenos Aires, ngài viết thư mục vụ gởi cho các nhà giáo dục dựa trên bài thơ đó, dùng nó như một biểu tượng văn hóa của gặp gỡ và trường dạy đạo đức công dân. Từ ngày 13 tháng 3 năm 2013, Jorge lấy tên là Phanxicô. Ngài là giáo hoàng đầu tiên lấy danh hiệu của vị Thánh Hòa Bình.

IRWF – Tổ chức Raoul Wallenberg Quốc tế là một tổ chức Phi chính phủ, với sứ mạng là phát triển các chương trình giáo dục và nhận thức cộng đồng dựa trên các giá trị của tình đoàn kết và lòng dũng cảm công dân, các viên đá tảng về đạo đức của những vị cứu tinh của người Do Thái trong thảm họa diệt chủng thời Đức quốc xã (Đức Gioan XXIII cũng là một trong những vị cứu tinh này).

Bản dịch của J.B. Thái Hòa