Không chạy theo đám đông

882

Ronald Rolheiser, 2010-10-24

Trong Phúc âm, từ “đám đông” gần như luôn luôn được sử dụng với ngụ ý chê bai, thường xuyên đến mức lúc nào nhắc tới nó thì bạn liên tưởng đến tính từ “vô tâm”.

Đám đông không có tâm trí. Họ được châm ngòi và thôi thúc bởi bất kỳ loại năng lượng gì đang phổ biến, đang phóng đại, thói thời thượng, đua đòi theo ý thức hệ, hay trong cơn cuồng loạn. Trong Phúc âm, loại năng lượng này được gọi là “sự kinh ngạc”. Rất nhiều trường hợp khi Chúa Giê-su nói hoặc làm điều gì gây ngạc nhiên cho đám đông, thì hầu như bao giờ cũng có câu này theo sau: “và đám đông kinh ngạc.” Hiếm khi đó là một điều hay.

Tại sao? Có vấn đề gì sai trái hay nguy hiểm về năng-lượng-đám-đông này?

Năng-lượng-đám-đông nguy hiểm bởi vì, trong hầu hết mọi trường hợp, nó không suy nghĩ. Nó chỉ đơn thuần là dẫn và truyền đi năng lượng chứ không suy xét và chuyển hóa năng lượng. Một hình ảnh minh họa thích hợp cho năng-lượng-đám-đông, sự kinh ngạc theo nghĩa trong kinh thánh, là sợi dây điện. Sợi dây điện đơn thuần là để tải năng lượng đi qua. Nó không phân biệt loại năng lượng đó tốt lành hay có tính hủy diệt. Nó là vật dẫn thuần túy. Bất cứ cái gì đi vào thì chính cái đó đi ra.

Các đám đông có xu hướng hành xử giống nhau. Họ để năng lượng đi qua mình mà không phân biệt và suy xét năng lượng đó tốt hay xấu. Ví dụ, chúng ta thường nói bị/được cuốn theo vào một loại năng lượng nào đó. Đôi khi đó là năng lượng tốt, khi đám đông được cuốn theo một loại năng lượng tích cực, giúp xây dựng cộng đồng. Ví dụ, trong mấy tuần qua, dân chúng trên thế giới cuốn theo cuộc giải cứu những người thợ mỏ bị mắc kẹt dưới hầm mỏ ở Chi-lê, và năng lượng chung đó đã giúp tạo ra một cộng đồng xuyên qua ranh giới các quốc gia, sắc tộc, tôn giáo và chính trị. Chúng ta cũng thấy hầu hết các năng-lượng-đám-đông tích cực xung quanh các sự kiện thể thao chẳng hạn như Giải Vô địch Bóng đá Thế giới World Cup, giải Vô địch Bóng chày Thế giới World Series of Baseball, hay nhiều giải quần vợt.

Nhưng hầu hết năng lượng của đám đông mang tính cách tiêu cực, năng lượng của ý thức hệ, của chủ nghĩa nguyên giáo, phân biệt chủng tộc, thói thời thượng, và sự phóng đại. Năng-lượng-đám-đông là năng lượng thúc đẩy cưỡng bức tập thể. Đó cũng là năng lượng đằng sau việc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá. Vấn đề sáng tỏ khi nhìn đám đông đó trước và trong cuộc đóng đinh trên thập giá. Năm ngày trước khi bị đóng đinh, Chúa Giê-su bước vào thành Jerusalem và đám đông cuồng nhiệt hô vang lời tán tụng, muốn tôn người lên làm vua của họ. Năm ngày sau, hầu như chẳng có gì thay đổi, cũng cùng đám đông đó la hét: “Đóng đinh hắn vào thập giá! Đóng đinh hắn vào thập giá!” Đám đông hay thay đổi vì đám đông không suy nghĩ. Họ chỉ đơn thuần truyền tải bất cứ năng lượng gì đang bao phủ họ.

Phúc âm kể câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình và bị đám đông nhiệt tình dẫn đến gặp Chúa Giê-su, ở đây chúng ta thấy một minh họa trọn vẹn nhất cho loại năng lượng không suy xét, nguy hiểm của đám đông tương phản với loại năng lượng có suy xét của cá nhân. Câu chuyện kể đám đông dẫn người phụ nữ tới trước mặt Chúa Giê-su và yêu cầu Ngài phải đồng ý với họ về mặt luân lý rằng phải ném đá bà ta cho đến chết. Nhưng Giê-su, với lời thách thức nổi tiếng, bảo họ rằng: “Ai thấy mình không có tội thì ném trước.” Phản ứng của họ là: “Họ bỏ đi, từng người một, đầu tiên là người lớn tuổi nhất.” Một đám đông vô tâm, bị cuốn theo cơn bốc đồng về luân lý, đã đem người phụ nữ tới trước mặt Chúa Giê-su. Nhưng họ bỏ đi với tư cách cá nhân, từng người một, không còn bị cuốn đi trong cơn bốc đồng kinh ngạc đó nữa.

Tuy nhiên, cần phân biệt hết sức rõ ràng giữa kinh ngạc với ngưỡng mộ (wonder) và thán phục (awe). Ngưỡng mộ và thán phục là phản đề của kinh ngạc. Trong kinh ngạc, năng lượng chảy xuyên qua bạn. Trong ngưỡng mộ và thán phục, năng lượng làm bạn sững sờ, tê liệt, và giữ chặt bạn lại. Danh hài George Carlin châm biếm một cách sắc sảo về sự khác biệt này: Khi giải thích tại sao ông vốn nghi ngờ phần lớn những người “tái sinh”, Carlin đã châm chọc như sau – rất nhiều người biết đến lời nổi tiếng này: “Tôi không tin những người tái sinh vì họ nói quá nhiều. Khi tôi sinh ra tôi choáng váng tới mức không thể nào nói được gì trong hai năm liền! Khi một người có một trải nghiệm tâm linh đủ mạnh mẽ để khiến họ im bặt trong vài năm, thì tôi mới tin họ!”

Có một thách thức trong những lời đó: Hãy ý thức về loại năng lượng phát ra từ đám đông. Hãy ý thức về các thói thời thượng. Hãy ý thức về mọi thể loại cường điệu. Hãy ý thức về những người cổ vũ cho cả phe tự do lẫn phe bảo thủ. Hãy ý thức về bất cứ đám đông nào muốn ném đá một ai đó cho tới chết nhân danh Chúa.

Hãy nghĩ lại tất cả những lần đóng đinh người khác trên thập giá mà bạn đã tham gia, và hãy nhớ lại, sau đó, khi tỉnh táo và nhìn nhận rõ ràng trong một bầu không khí khác, bạn đã tự hỏi mình: Làm sao mình lại có thể sai lầm đến vậy? Tàn nhẫn đến vậy? Ngu dại đến vậy? Hãy đọc lại những câu chuyện trên báo chí và trên internet về những thanh niên có tâm tốt, đàng hoàng, bị cuốn theo năng lượng đám đông, đã tấn công qua mạng (cyber-bully) một người nào đó đến mức người đó phải tự vẫn. Hãy suy nghĩ, trong mỗi trường hợp, nhiều người có trách nhiệm cuối cùng đã bỏ đi như thế nào, từng người một, tỉnh táo hơn nhiều và suy xét chính chắn hơn nhiều so với khi họ bị cuốn đi trong năng lượng vô tâm của đám đông.

Sau đó, có lẽ, một cách nhẹ nhàng hơn, bạn hãy bày ra những bức ảnh cũ chụp các kiểu tóc, kiểu áo quần của bạn qua nhiều năm, thì bạn sẽ có tất cả những lời nhắc nhở cần thiết rằng năng lượng của phút giây đó dễ thay đổi và vô tâm đến như thế nào.

J.B. Thái Hòa dịch